4 vấn đề nóng của ngành giáo dục, giải quyết ra sao?
(Dân trí) - Chương trình tiếng Việt lớp 1 "nặng và sạn”, “ép” mua tài liệu tham khảo, công tác đảm bảo an toàn trường học, chấn chỉnh lạm thu là 4 vấn đề nóng đầu năm học của ngành giáo dục.
Giải quyết như thế nào với chương trình tiếng Việt lớp 1 "nặng và sạn”
Môn Tiếng Việt lớp 1 trong Chương trình giáo dục phổ thông mới được thiết kế 12 tiết/tuần, nhiều hơn 2 tiết so với chương trình cũ. Mục đích của việc này là để học sinh sớm đọc thông, viết thạo trước khi học các môn học khác.
Để tránh áp lực đối với học sinh, ngày 05 tháng 10 năm 2020, Bộ GD&ĐT đã có công văn gửi các Sở GD&ĐT, trong đó, yêu cầu các nhà trường xây dựng thời khóa biểu một cách hợp lý, giúp học sinh hoàn thành nhiệm vụ học tập ngay tại lớp học, không giao thêm bài tập về nhà cho học sinh; tăng cường trao đổi thông tin để cha mẹ học sinh nắm được yêu cầu đổi mới của chương trình và đồng hành cùng nhà trường trong quá trình thực hiện; đồng thời có các giải pháp hỗ trợ giáo viên trong quá trình triển khai.
Trước phản ánh về việc sách giáo khoa (SGK) môn Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều (Sách do GS. Nguyễn Minh Thuyết chủ biên, Nhà xuất bản Đại học sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh phát hành) có một số nội dung chưa phù hợp, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã yêu cầu Hội đồng quốc gia thẩm định SGK môn Tiếng Việt lớp 1 (Hội đồng thẩm định) rà soát, báo cáo trước ngày 17/10/2020 (Công văn số 4090/BGDĐT-GDTH ngày 09/10/2020).
Thực hiện yêu cầu của Bộ trưởng Bộ GDĐT, Hội đồng thẩm định đã tổ chức rà soát, làm việc với tác giả SGK môn Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều.
Trên tinh thần cầu thị, trách nhiệm, Hội đồng thẩm định và tác giả đã thống nhất tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý để chỉnh sửa SGK cho phù hợp hơn. Cụ thể, chỉnh sửa, bổ sung ngữ liệu để giáo viên có thể thay thế một số đoạn/bài đọc cho phù hợp hơn với học sinh lớp 1 như bài “Cua, cò và đàn cá” trang 115, bài “Hai con ngựa” trang 157, bài “Lừa, thỏ và cọp” trang 163,…; thay thế một số từ ngữ khó hiểu, ít dùng như từ “nhá”, “nom”, “quà… quà”, “chén”,…
Hội đồng thẩm định cũng đề nghị tác giả khi chọn văn bản thay thế không sử dụng truyện ngụ ngôn hoặc các đoạn/bài “đa nghĩa”, nên lựa chọn đoạn/bài trong kho tàng Văn học Việt Nam.
Bộ GDĐT yêu cầu nhà xuất bản và tác giả xây dựng phương án chỉnh sửa, hiệu đính, gửi Hội đồng thẩm định để thẩm định, báo cáo Bộ trưởng Bộ GDĐT xem xét phê duyệt nội dung chỉnh sửa trước ngày 15/11/2020.
Bộ GD&ĐT, Hội đồng thẩm định và Nhóm tác giả SGK môn Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều trân trọng cảm ơn các nhà khoa học, các bậc phụ huynh, giáo viên và nhân dân cả nước đã đóng góp nhiều ý kiến quý báu, chỉ ra những nội dung chưa phù hợp với yêu cầu giáo dục học sinh trong SGK môn Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều.
Trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo mong muốn tiếp tục nhận được các ý kiến góp ý để SGK ngày càng hoàn thiện, góp phần triển khai thực hiện thành công chương trình giáo dục phổ thông mới.
Thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông, Bộ GDĐT đã phê duyệt 05 bộ SGK (trong đó có bộ sách Cánh Diều), với tổng số 46 quyển SGK lớp 1 của 9 môn học và hoạt động giáo dục để các địa phương, cơ sở giáo dục lựa chọn, đưa vào giảng dạy (SGK môn Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều là 1 trong số 46 quyền SGK lớp 1 được phê duyệt vừa qua).
Các bộ SGK được phê duyệt theo đúng quy định, dựa trên kết quả thẩm định của Hội đồng quốc gia thẩm định SGK gồm các nhà khoa học, nhà giáo dục với 1/3 thành viên là nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy môn học này ở cấp học tương ứng.
Tất cả các quyển SGK được Bộ GD&ĐT phê duyệt đều được các nhà trường tổ chức cho giáo viên, tổ bộ môn nghiên cứu đề xuất, thành lập hội đồng đánh giá và quyết định lựa chọn phù hợp với điều kiện triển khai thực hiện tại trường. Điều này cho thấy thành công bước đầu của chủ trương xã hội hóa biên soạn SGK, không còn sự độc quyền trong xuất bản, phát hành SGK như trước đây.
Đây là lần đầu tiên Việt Nam triển khai chương trình giáo dục phổ thông theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh, có nhiều bộ SGK khác nhau theo cùng một chương trình thống nhất, trong đó SGK có vài trò là tài liệu để các nhà trường, giáo viên nghiên cứu, xây dựng kế hoạch giảng dạy cho phù hợp.
Cũng là lần đầu tiên Việt Nam tổ chức biên soạn, phát hành SGK theo hình thức xã hội hóa. Vì vậy, việc được nhận các ý kiến góp ý, thậm chí là phê bình sẽ giúp các tác giả, hội đồng thẩm định và Bộ GDĐT làm tốt hơn việc biên soạn, thẩm định và phê duyệt SGK các lớp học tiếp theo.
Thiếu cục bộ SGK và “ép” mua tài liệu tham khảo
Đầu năm học 2020-2021, đã xảy ra tình trạng thiếu cục bộ đối với SGK lớp 6 ở 1 số nơi trong tuần đầu năm học mới.
Nguyên nhân của tình trạng này là do sang năm sẽ triển khai chương trình, SGK mới đối với lớp 2 và lớp 6, vì vậy, một số đại lý phát hành sách đã thận trọng trong việc nhập SGK lớp 6 để tránh bị tồn kho không bán được. Ngay khi nhận được phản ánh về tình trạng này, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam bổ sung SGK cho những địa phương bị thiếu cục bộ, khắc phục kịp thời, không để ảnh hưởng đến việc học tập của học sinh.
Đối với sách tham khảo, Bộ GD&ĐT đã có quy định tuyệt đối không được ép buộc học sinh phải mua tài liệu tham khảo; phụ huynh, học sinh tự mua sắm theo nhu cầu thực tế và không bắt buộc; xử lý nghiêm các trường hợp giáo viên “ép” học sinh mua sách tham khảo.
Thời gian tới, Bộ GDĐT sẽ tiếp tục chỉ đạo đổi mới kiểm tra, đánh giá theo hướng từng bước độc lập với dạy học để hạn chế việc giáo viên sử dụng sách tham khảo đưa vào đề kiểm tra. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các vi phạm trong việc sử dụng SGK, sách tham khảo.
Kiên quyết không đưa vào sử dụng các công trình trường, lớp học đã hết niên hạn
Thời gian qua, Bộ GDĐT đã tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành và ban hành theo thẩm quyền đầy đủ, kịp thời hệ thống văn bản pháp luật về đảm bảo an toàn trường học, phòng chống tội phạm, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện và phòng, chống bạo lực học đường.
Bộ trưởng Bộ GDĐT đã ban hành Chỉ thị riêng về việc tăng cường các giải pháp đảm bảo an toàn trong các cơ sở giáo dục. Cùng với đó, công tác giáo dục, tuyên truyền trong nhà trường và ngoài xã hội bảo đảm môi trường giáo dục an toàn trường học được triển khai mạnh mẽ ở tất cả các cấp học, trình độ đào tạo đã tạo ra hiệu quả rõ rệt. Sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội được tăng cường, bước đầu phát huy hiệu quả.
Bộ GDĐT cũng đã chỉ đạo các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục; kiểm tra, rà soát cơ sở vật chất trường học, đảm bảo an toàn cho học sinh.
Kiên quyết không đưa vào sử dụng các công trình trường, lớp học đã hết niên hạn sử dụng, không đảm bảo an toàn theo quy định khi chưa được cải cạo, sửa chữa, nâng cấp.
Chấn chỉnh lạm thu trong các cơ sở giáo dục
Để không xảy ra tình trạng lạm thu tại các cơ sở giáo dục trong năm học 2020 - 2021, ngày 27/8/2020, Bộ GDĐT ban hành công văn chấn chỉnh thực hiện các khoản thu đầu năm học 2020-2021.
Theo đó, về học phí, Bộ GDĐT đề nghị Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thống nhất quy định mức học phí cụ thể phù hợp với thực tế của các vùng trên địa bàn quản lý và ảnh hưởng của dịch Covid-19 trên địa bàn.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các sở, ban, ngành có liên quan phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định về niêm yết, công khai thông tin về giá vật tư, thiết bị giáo dục, sách giáo khoa bảo đảm công khai, minh bạch theo đúng quy định của Luật giá và các văn bản có liên quan.
Đặc biệt, cần tăng cường công tác chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra các khoản thu, chi trong các cơ sở giáo dục. Xử lý nghiêm đối với người đứng đầu cơ sở giáo dục và trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục trên địa bàn để xảy ra tình trạng lạm thu.
Bên cạnh đó, Bộ GDĐT đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm túc quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân để bảo đảm chặt chẽ, minh bạch trong thực hiện xã hội hóa theo đúng quy định của pháp luật.
Các khoản tài trợ, đóng góp tự nguyện phải bảo đảm đúng tính chất tự nguyện của cá nhân, tổ chức tài trợ, đóng góp. Tuyệt đối không để lợi dụng danh nghĩa xã hội hóa để tổ chức thu các khoản đóng góp mang tính cào bằng, áp đặt.