4 nội dung hợp tác quan trọng giữa Hội KHVN và Hội Người Cao tuổi
(Dân trí) - Sáng ngày 19/1, Hội Khuyến học Việt Nam và Hội Người cao tuổi Việt Nam đã ký kết Chương trình phối hợp hoạt động công tác giai đoạn 2007 - 2010.
Mục đích của Chương trình hoạt động là cán bộ, hội viên của hai Hội quán triệt chủ trương của Đảng “Chuyển dần mô hình giáo dục hiện nay sang mô hình giáo dục mở - mô hình xã hội học tập” (theo Báo cáo chính trị của Ban CHTƯ Đảng tại ĐH Đảng X), “Xây dựng cả nước trở thành một xã hội học tập được dựa trên nền tảng phát triển đồng thời gắn kết, liên thông cả hai bộ phận cấu thành giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên (Quyết định số 112/2005/QĐ - TTg)”.
Theo đó, chương trình hoạt động giữa hai Hội có 4 nội dung quan trọng:
1. Đẩy mạnh hoạt động thông tin, tuyên truyền về đường lối, chủ trương giáo dục của Đảng trong hai Hội và nhân dân để triển khai thực hiện cuộc vận động toàn dân xây dựng xã hội học tập, toàn dân phòng chống các hiện tượng tiêu cực trong GD & ĐT, hiến kế, hiến công đổi mới, chấn hương GD & ĐT, khuyến học - khuyến tài - khuyến đức
Hai lãnh đạo Hội KHVN nhận Kỷ niệm chương Hội Người cao tuổi
Ngày19/1, Tại trụ sở Hội Người Cao tuổi Việt Nam đồng chí Nguyễn Tấn Trịnh, Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam đã trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp chăm sóc và phát huy Người cao tuổi” cho 2 đồng chí: Nguyễn Mạnh Cầm, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam và Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam đã có những đóng góp xuất sắc trong hoạt động của Hội Người cao tuổi. |
2. Mở rộng và nâng cao chất lượng các hoạt động khuyến học, khuyến tài, hỗ trợ phát triển quy mô và nâng cao chất lượng GD&ĐT ở trong các trường học (từ mầm non đến sau đại học) và hệ thống giáo dục thường xuyên; Huy động các lực lượng xã hội tham gia xây dựng XHHT từ cơ sở; Xây dựng ý thức tự học, tự nâng cao trình độ của mọi người; Kịp thời phát hiện những nhân tố mới, những điển hình tiên tiến về gia đình hiếu học, dòng họ KH, cụm dân cư KH; Phát triển rộng khắp, bền vững, có hiệu quả thiết thực các TTHTCĐ, các hình thức học tập từ xa; mở nhiều loại hình học tập, các khoá ĐH Diên Hồng cho người cao tuổi; Xây dựng mạng lưới học tập trên mọi địa bàn dân cư trong cả nước.
3. Mở rộng nhiều hình thức tư vấn, giám sát, phản biện, thẩm định các chủ trương, chính sách, biện pháp đổi mới giáo dục.
4. Tạo điều kiện giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau phát triển tổ chức hai Hội sâu rộng, vững mạnh từ TƯ đến địa phương; mở ra các hình thức giao lưu, trao đổi kinh nghiệm công tác giữa các cấp Hội và hội viên.
Trong giai đoạn 2005 - 2010, hai Hội cần xây dựng để phấn đấu đạt: Hội viên hai Hội gương mẫu trong học tập thường xuyên, phù hợp với hoàn cảnh, nghề nghiệp, lứa tuổi… đi đầu trong cuộc vận động toàn dân đi học, học tập suốt đời, góp phần xây dựng cuộc vận động xây dựng cả nước trở thành một XHHT; Các gia đình trong khu dân cư thi đua đăng ký phấn đấu trở thành GĐHH; Động viên các dòng họ ở địa phương phấn đấu trở thành dòng họ đạt danh hiệu “Dòng họ khuyến học”; Xây dựng 90% tổ dân phố, bản làng, xã, phường, thị trấn đạt danh hiệu “Cụm dân cư khuyến học”; 80% số xã, phường, thị trấn xây dựng được TTHTCĐ; có nhiều hình thức hoạt động khuyến học - khuyến tài, hỗ trợ phát triển GD&ĐT với các đối tượng trong nhà trường và ngoài nhà trường. Vận động con cháu giảm thiểu việc bỏ học, động viên những học sinh có kết quả học tập còn yếu kém phấn đấu trở thành học sinh có kết quả học tập, rèn luyện ngày càng tiến bộ.
H.H