300 nhà khoa học thế giới và Việt Nam chia sẻ nghiên cứu về hạ tầng xanh
(Dân trí) - Trong 2 ngày 28 và 29/10/2021 tại Trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải đã diễn ra hội thảo quốc tế về Địa kỹ thuật - Công trình - Kết cấu (CIGOS).
Từ năm 2010, với những thành công của năm kỳ Hội nghị quốc tế liên tiếp, CIGOS (Hội thảo quốc tế về Địa kỹ thuật - Công trình - Kết cấu) đã tạo dựng được uy tín trên trường quốc tế và được đánh giá là một trong những sự kiện quan trọng, có khả năng thúc đẩy những trao đổi chất lượng về phát triển mô hình lý thuyết và về ứng dụng thực tiễn trong các lĩnh vực liên quan đến Địa kỹ thuật, công trình và kết cấu xây dựng.
Trong 2 ngày 28 và 29/10/2021 tại Trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải (GTVT) Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam Toàn cầu (AVSE Global) phối hợp tổ chức với Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải (UTT), dưới sự bảo trợ của Bộ Giao thông vận tải (MOT) và sự hỗ trợ về khoa học của Trường Đại học Xây dựng Hà Nội.
Phát biểu tại hội nghị, PGS.TS Nguyễn Hoàng Long, Hiệu trưởng trường ĐH Công nghệ Giao thông Vận tải cho biết, tiếp nối thành công Hội nghị CIGOS lần thứ 5 được tổ chức vào năm 2019 tại Hà Nội với chủ đề: "Đổi mới cho cơ sở hạ tầng bền vững" đã thu hút trên 200 báo cáo khoa học chất lượng được đăng trên tạp chí khoa học của nhà xuất bản uy tín Springer, năm nay, được sự cho phép của Bộ GTVT và các cơ quan ban ngành, sự hợp tác chặt chẽ của các nhà khoa học, học giả uy tín trên thế giới, Trường Đại học Công nghệ GTVT tiếp tục phối hợp với Hội các nhà khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu AVSE-Global tổ chức Hội thảo quốc tế lần thứ 6 về Địa kỹ thuật, Kết cấu và Xây dựng (CIGOS 2021) với chủ đề: "Công nghệ và ứng dụng mới cho cơ sở hạ tầng xanh".
PGS.TS Nguyễn Hoàng Long cho rằng, đây là một cơ hội rất quý để gần 300 các nhà khoa học đến từ 27 quốc gia trên thế giới báo cáo các kết quả nghiên cứu, giao lưu trao đổi học thuật, chia sẻ kinh nghiệm về các công nghệ và ứng dụng mới liên quan tới địa kỹ thuật, kết cấu và xây dựng công trình để vì một cơ sở hạ tầng phát triển xanh và bền vững cho thế giới và Việt Nam.
Với chủ đề "Các công nghệ và ứng dụng mới nổi cho cơ sở hạ tầng xanh", CIGOS-2021 hướng đến mục tiêu nâng cao nhận thức, tầm quan trọng của sự phát triển cơ sở hạ tầng bền vững và thân thiện với môi trường, đồng thời nhấn mạnh vai trò thiết yếu của các công nghệ mới trong việc lập kế hoạch và xây dựng cơ sở hạ tầng xanh. Đây là một chủ đề có tầm chiến lược cho tất cả cộng đồng các nhà khoa học, các doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách trong nước và trên thế giới.
CIGOS 2021 mong muốn cung cấp một nền tảng quốc tế nơi các nhà nghiên cứu, học viên, nhà hoạch định chính sách và doanh nhân có thể trình bày những đổi mới sáng tạo gần đây cũng như trao đổi kiến thức và kinh nghiệm về các vấn đề khác nhau liên quan đến chủ đề "Các công nghệ và ứng dụng mới nổi cho cơ sở hạ tầng xanh".
Ngoài ra, CIGOS 2021 cũng sẽ tập trung đặc biệt về thúc đẩy quan hệ đối tác kinh tế có lợi, chuyển giao công nghệ trong các doanh nghiệp cũng như phát triển hợp tác thể chế về nghiên cứu và giáo dục đại học.
Các chủ đề chính của Hội thảo lần này bao gồm: mô hình hóa và đặc điểm của kết cấu tiên tiến, các kỹ thuật và vật liệu xây dựng bền vững, địa kỹ thuật môi trường và năng lượng, các kỹ thuật thông minh cho các dự án xây dựng lớn, kiến trúc và quy hoạch cho cộng đồng bền vững, quản lý và kinh tế xây dựng, môi trường và giao thông xanh, dữ liệu lớn và khai phá dữ liệu, chuyển đổi số và internet kết nối vạn vật.
Có 06 diễn giả là các nhà khoa học nổi tiếng, uy tín của các trường đại học, viện nghiên cứu, tổ chức trên thế giới và Việt Nam diễn thuyết tại hội nghị gồm : Adnan Ibrahimbegovic, Giáo sư trường Đại học Công nghệ Compiègne, Pháp; Venkatesh Kumar R Kodur, Giáo sư trường Đại học Bang Michigan, Mỹ; John L Provis, Giáo sư trường Đại học Sheffield, Vương Quốc Anh; Trương Thị Mỹ Thanh, Tiến sĩ, Trường Đại học Công nghệ GTVT, Hà Nội, Việt Nam; Simon Marvin, Giáo sư trường Đại học Sydney, Úc và Eivind Grøv, Giáo sư trường Đại học Khoa học và Công nghệ Na Uy.
CIGOS-2021 với quá trình xét duyệt kỹ càng các đề xuất báo cáo tại Hội nghị (mỗi bài báo được xét duyệt bởi ít nhất hai chuyên gia có liên quan trong hội đồng khoa học quốc tế) đã chọn ra 197 bài báo chất lượng từ gần 400 tóm tắt, đến từ các tác giả của 27 quốc gia trên thế giới, để đăng trong kỷ yếu được lập chỉ mục bởi Scopus và xuất bản tại Nhà xuất bản hàng đầu thế giới Springer.