Quảng Ngãi:
300 học sinh học trong những căn phòng... chờ sập
(Dân trí) - Bê tông rơi từng mảng, ngói lợp bể nát, hệ thống cột nứt toác... khiến 9 phòng học của trường Tiểu học số 2 An Vĩnh (xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) có thể đổ sập xuống đầu các em học sinh bất cứ lúc nào.
Thầy Đặng Quang Trung - Phó hiệu trưởng trường Tiểu học số 2 An Vĩnh cho biết: trường hiện có 11 phòng học với 489 học sinh của 5 khối lớp. Trong đó 9 phòng học được xây dựng cách đây 20 năm đã xuống cấp nghiêm trọng có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Điều đáng nói là số phòng học "chờ sập" này lại là nơi học tập của trên 300 học sinh tiểu học.
Để minh chứng, thầy Trung đưa chúng tôi đến tận các phòng học nói trên để thấy được sự nguy hiểm các em học sinh đang đối mặt từng ngày.
9 phòng học xuống cấp được chia làm 2 khu, một khu 6 phòng nằm trong khuôn viên trường và 3 phòng còn lại nằm cách trường khoảng 30m. Vì vậy, tuy học cùng trường nhưng số học sinh của 3 phòng học "điểm lẻ" lại sinh hoạt, vui chơi riêng với những học sinh còn lại.
Quan sát các phòng học này rất dễ dàng nhận thấy chi chít những "miếng vá" bằng ximăng ở cột, trần nhà, khung cửa sổ... Tất cả các cột chống đều bị nứt vỡ ở phần chân và phần đầu cột nơi tiếp xúc với trần nhà. Ở các vết nứt, chỉ cần chạm nhẹ là bê tông bong ra.
Bê tông bong ra từng mảng có thể rơi trúng đầu học sinh bất cứ lúc nào.
"Hệ thống cột, tường bị nứt làm lộ cốt sắt bên trong nên nhà trường phải mua ximăng trám lại. Làm như thế này cho thấy đỡ sợ chứ chẳng có tác dụng gia cố là mấy", thầy Trung giải thích.
Tại lớp 2D, 30 học sinh phải học trong không gian "tranh tối, tranh sáng" vì nhiều cánh cửa sổ không mở được. "Cửa sổ này mở ra là rụng luôn nên phải cột chặt lại làm cho phòng học rất tối. Phải giảng dạy, học tập với phòng ốc xuống cấp như thế này cảm thấy rất tù túng, khó chịu", cô Nguyễn Thị Ý Nhi chia sẻ.
Trên tường các vết nứt xuất hiện khắp nơi, laphông mục nát cong vênh, nền phòng học cũng nhấp nhô khiến các em học sinh thường xuyên vấp ngã... Đặc biệt hơn là số quạt trần, bóng đèn điện gắn trên trần laphông hiện đang trong tình trạng có cũng như không.
"Mỗi lần mưa là nước chảy xuống như ngoài trời, nước thấm vào hư hết thiết bị điện. Các em học sinh thì phải ngồi ghép với nhau ở những bàn học không bị ướt để tiếp tục học tập nhìn rất tội", nói rồi cô Nhi chỉ vào những vết nước mưa chảy xuống trên tường phòng học.
"Trời mưa là nhà trường phải cắt điện toàn bộ các phòng vì sợ chập cháy hệ thống điện gây nguy hiểm cho các em học sinh. Phòng đã tối lại không có điện nên các em học tập rất khổ sở", thầy Trung nói.
Ở phòng học của lớp 1A, bê tông khung cửa và trên trần nhà trước cửa phòng học bong ra từng mảng có nguy cơ rơi xuống đầu học sinh bất cứ lúc nào.
"Mấy hôm trước, một mảng bê tông to bằng bàn tay rơi xuống sát bàn học của các em, may là không trúng đầu. Rồi nhiều lúc đang dạy nghe tiếng ngói vỡ rơi xuống trần laphông mà lạnh cả người. Dạy trong mấy lớp như thế này lo lắm, chỉ sợ mái nhà sập xuống trúng các em", cô Nguyễn Thị Giang - giáo viên lớp 1A thể hiện sự lo lắng.
Theo thầy Đặng Quang Trung - Phó hiệu trưởng trường Tiểu học số 2 An Vĩnh, dãy phòng học nói trên được xây dựng đã gần 20 năm. Tình trạng xuống cấp nghiêm trọng diễn ra 6 năm nay. Hằng năm, nhà trường đều trích kinh phí để tu sửa, khắc phục tạm thời những điểm quá xuống cấp để tiếp tục dạy học. Tuy nhiên, việc "vá víu" không thấm vào đâu với tốc độ hư hỏng của các lớp học trong điều kiện gió, bão đặc thù của một huyện đảo.
"Mỗi lần gió mạnh là nhà trường buộc phải cho các em nghỉ học vì chúng tôi sợ trường sẽ sập đe dọa tính mạng học sinh. Vì vậy, nhà trường rất mong được các đơn vị chức năng quan tâm, đầu tư xây dựng kiên cố để đảm bảo việc dạy và học cho thầy trò của nhà trường", thầy Trung nói.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Lê Nhụ - Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lý Sơn, cho biết: hiện nay tỷ lệ trường lớp đạt chuẩn của huyện đảo Lý Sơn chỉ mới đạt khoảng 70%. Nhu cầu đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, nhất là phòng học ở bậc mầm non và tiểu học còn rất lớn. Trong thời gian qua, việc đầu tư nâng cấp, xây dựng mới trường lớp trên đảo chủ yếu từ nguồn xã hội hóa, còn ngân sách nhà nước đầu tư hầu như không đáng kể. Điều kiện học tập, giảng dạy của học sinh, giáo viên tại các trường Tiểu học và Trung học sơ sở còn hết sức khó khăn, đặc biệt là 9 phòng học tại điểm trường Tiểu học số 2 An Vĩnh.
"Hiện đã có một đơn vị có ý định tài trợ kinh phí xây dựng mới 12 phòng học cho trường Tiểu học số 2 An Vĩnh. Chúng tôi rất mừng vì điểm trường này xuống cấp nhiều năm qua nhưng vẫn chưa có kinh phí xây mới. Rất mong việc tài trợ xây dựng trường được triển khai nhanh chóng để các em học sinh và thầy cô giáo yên tâm giảng dạy, học tập", ông Nhụ cho biết.
Hà Xuyên