3 nữ sinh vô địch cuộc thi triết học nhờ luận giải "có nên tìm cách bất tử"
(Dân trí) - "Con người có nên tìm cách bất tử?" là chủ đề mà nhóm 3 học sinh lớp 7-8 phải luận giải trong mối liên hệ với tư tưởng của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.
Loạt giải đáp cân não
Tống Phương Nga (lớp 7 Trường phổ thông liên cấp Newton), Nguyễn Hạ Vy và Lê Xuân Giang (lớp 8 Trường phổ thông liên cấp Olympia) đã giành chiến thắng thuyết phục tại cuộc thi Tiếng Anh triết học cho trẻ em 2024 bảng dành cho học sinh khối 7-9.
Trước đó, các em đã vượt qua hơn 200 thí sinh khác để có mặt trong trận chung kết, thi đấu dưới hình thức tranh biện trực tiếp với 1 đội thi khác cùng lứa tuổi.
Thử thách mà nhóm nhận được từ ban giám khảo cuộc thi là luận giải về khát khao trường sinh bất tử của con người: "Con người có nên tìm cách để bất tử không?"
Trong 6 phút, 3 thí sinh lần lượt trình bày các luận điểm của mình. Các em cho rằng, với tốc độ phát triển phi thường của công nghệ sinh học, viễn cảnh đạt được sự bất tử có thể không còn xa vời. Công nghệ bảo quản não là một bước đi tiến đến khả năng bất tử của con người.
"Tuy nhiên, việc đạt được sự bất tử cũng ẩn chứa những vấn đề đạo đức sâu xa. Bởi không phải ai cũng có đủ tài nguyên và của cải để sử dụng "dịch vụ bất tử". Khi chỉ người giàu mới có khả năng bất tử, bất bình đẳng xã hội sẽ càng trở nên sâu sắc.
Tưởng tượng một ngày thế giới có công nghệ bất tử, loài người sẽ chia thành hai nhóm: tầng lớp bất tử và tầng lớp người phàm.
Liệu cái tôi bất tử của chúng ta có giống với cái tôi bình thường của một người phàm không? Liệu chúng ta có đang "ảo tưởng" với sức mạnh bất tử trong tầm tay của mình hay không?", nhóm thí sinh nêu vấn đề.
Trong phần tranh biện, Nga, Vy và Giang đối mặt với những câu hỏi hóc búa từ đối thủ và giám khảo.
Liệu bất tử có nên quy thành vấn đề về đạo đức khi con người vẫn còn nhiều thời gian để thay đổi quan điểm và các khái niệm? Chẳng phải bản chất con người là tò mò và tìm kiếm những ý tưởng mới sao?
Nếu công nghệ lưu trữ não bộ được sản xuất rộng rãi, giá thành rẻ và người dân bình thường có thể chi trả được thì có nên phổ biến "dịch vụ bất tử" này hay không?
Để bảo vệ quan điểm của mình, 3 thí sinh dẫn tư tưởng Phật giáo về vòng luân hồi và khẳng định, sống chết là hằng số của cuộc sống.
Nếu vòng luân hồi sinh tử bị gián đoạn, con người hẳn sẽ gánh chịu hậu quả khi phá vỡ luật cân bằng và hài hòa.
Về giá cả của công nghệ bất tử, nhóm nữ sinh cho rằng nếu đạt đến độ phổ biến tới mức người nghèo cũng dùng được thì đó là một viễn cảnh xa xôi.
Đồng thời, để ứng phó với cuộc sống kéo dài vĩnh viễn, người nghèo cũng có nguy cơ phát sinh thêm các vấn đề của chính mình. Do đó, bất bình đẳng xã hội sẽ càng sâu sắc chứ không tiêu trừ.
Với những lập luận này, nhóm thí sinh dành được 3/5 phiếu bình chọn của ban giám khảo, giành cúp vô địch của cuộc thi.
Toàn bộ phần tranh biện nêu trên được các thí sinh thể hiện bằng tiếng Anh.
Công nghệ không thể xóa đi những tổn thương
Chia sẻ sau chiến thắng đầy cảm xúc, Nguyễn Hạ Vy cho biết, bất tử không phải đề tài mà nhóm hào hứng. Chủ đề mà các em thích hơn lại được giao cho nhóm đối thủ: "Có nên dùng công nghệ để xóa bỏ ký ức đau thương?"
Từng tìm hiểu nhiều về tâm lý học thần kinh, Nguyễn Hạ Vy cho rằng ký ức đau thương không phải câu chuyện của thông tin mà là câu chuyện của cảm xúc.
"Ký ức không chỉ bao gồm dữ liệu thông tin mà còn bao gồm xúc cảm trong đó. Có những bệnh nhân tâm thần được sử dụng liệu pháp quên để quên những chuyện đau buồn trong quá khứ. Nhưng dù đã quên chuyện gì xảy ra với mình, họ vẫn đau buồn mà không hiểu vì sao mình lại đau buồn.
Rõ ràng, công nghệ có thể xóa đi trí nhớ của bệnh nhân nhưng không thể xóa đi những tổn thương xúc cảm", Hạ Vy nói.
Hạ Vy chia sẻ thêm, ký ức là một phần tạo nên danh tính của mỗi người. Bởi bản thân ta được tạo dựng nên từ vô vàn kí ức và trải nghiệm trong quá khứ. Xóa bỏ ký ức cũng sẽ xóa bỏ chính mình.
Ở bảng dành cho học sinh dưới 13 tuổi, chiến thắng thuộc về ba học sinh lớp 6 (SN 2012): Nguyễn Phương Thảo (Trường phổ thông liên cấp Olympia), Nguyễn Ngọc Thùy Minh và Đào Trần Minh Khôi (Trường phổ thông liên cấp Newton).
Đề tài nhóm học sinh nhận được là nên lựa chọn thế nào giữa sở thích cá nhân và kỳ vọng của gia đình.
Chung kết cuộc thi Tiếng Anh triết học cho trẻ em (JPO) 2024, chủ đề "Thiền sư Thích Nhất Hạnh và thế hệ tương lai", diễn ra ngày 18/5 tại Trường Phổ thông liên cấp Olympia, Hà Nội.
Khởi động từ tháng 4/2024, cuộc thi JPO năm nay thu hút hơn 200 thí sinh đến từ các trường phổ thông tại Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu…
Để được vào vòng thi trực tiếp, các thí sinh phải gửi bài thi video đưa ra quan điểm thuyết phục về những chủ đề trong tư tưởng của Thiền sư Thích Nhất Hạnh như: Quá khứ, hiện tại và tương lai là gì, chúng được kết nối với nhau như thế nào; mọi người nghĩ gì về hạnh phúc; một người có thể đạt được trạng thái hạnh phúc bằng cách như thế nào…
JPO là sân chơi triết học tiếng Anh dành cho các "nhà triết học nhí" từ lớp 4 đến lớp 9 trên cả nước.
Cuộc thi được tổ chức với mục tiêu trau dồi tư duy triết học, nuôi dưỡng năng lực nghiên cứu, khích lệ học sinh tìm hiểu, nghiên cứu những nội dung nhân văn sâu sắc, từ đó hình thành nhân sinh quan và bản ngã trên hành trình trưởng thành.
Ở mỗi mùa JPO, học sinh sẽ khám phá học thuyết, quan điểm của một triết gia nổi tiếng trong lịch sử nhân loại.
Năm 2023, mùa giải đầu tiên của JPO với chủ đề về triết gia Plato thu hút hơn 200 thí sinh thuộc 68 đội thi đến từ 30 trường phổ thông trên toàn quốc.