3 lời khuyên lớn Thạc sĩ Harvard dành cho tân du học sinh

(Dân trí) - Để du học sinh trên khắp thế giới có một chặng đường học tập, trải nghiệm ý nghĩa và giá trị, Thạc sĩ ĐH Harvard Hoài Chung đã đưa ra 3 lời khuyên lớn thông qua trải nghiệm của mình.

Thạc sĩ Trương Phạm Hoài Chung từng học cấp 3 tại Singapore với học bổng ASEAN Singapore và có kết quả học tập luôn nằm ở nhóm dẫn đầu của trường và đoạt huy chương vàng kỳ thi Olympiad môn hóa học toàn Singapore. Sau đó, anh tốt nghiệp hệ Cử nhân ĐH Williams (Mỹ), chuyên ngành Economics & Chinese với học bổng toàn phần.

Thạc sĩ Chung là đồng sáng lập tổ chức phi lợi nhuận KIDS Vietnam - một tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ trẻ em nghèo. Anh vừa hoàn tất chương trình Thạc sỹ chuyên ngành Chính sách và Quản lý Giáo dục tại ĐH Harvard.


Tác giả bài viết - Thạc sĩ ĐH Harvard Trương Phạm Hoài Chung

Tác giả bài viết - Thạc sĩ ĐH Harvard Trương Phạm Hoài Chung

Bằng những trải nghiệm của mình về cuộc sống du học, anh Hoài Chung đã có những chia sẻ đầy tâm huyết dành cho các bạn tân trẻ bắt đầu học tập tại nước ngoài. Xin đăng nguyên văn bài viết của anh:

“Khi bắt đầu cuộc sống mới và chưa thực sự quen biết ai, chắc chắn các bạn sẽ cảm thấy vừa hồi hộp vừa lo lắng. Tất cả dường như đều bắt đầu bằng con số 0, nên cần vững vàng trên đôi chân của mình.

Cởi mở giao tiếp, tranh luận và chịu khó nghiên cứu học thuật

Tiếng Anh là ngôn ngữ chính để đi du học ở hầu hết các nước và khi đi vào môi trường ĐH thực tế, các bạn sẽ nhận ra điểm số TOEFL và IELTS không giúp cho mình tự tin bằng việc phải cởi mở trong giao tiếp với người nước ngoài và chịu khó trong việc nghiên cứu học thuật.

Trong giao tiếp, các bạn hãy chú ý lắng nghe và ghi chú những điều người khác nói. Trước khi trình bày quan điểm của mình, các bạn chịu khó diễn đạt lại quan điểm của người khác theo từ ngữ của mình. Kỹ năng này là kỹ năng Paraphrase, nó giúp ích rất nhiều cho việc giao tiếp hiệu quả. Thường người nước ngoài họ không giơ tay trước khi phát biểu, nhưng các bạn luôn có thể giơ tay để người khác chú ý đến mình.

Dần dần khi các bạn đã quen với guồng chảy của một cuộc tranh luận trong lớp, các bạn có thể không cần phải giơ tay nữa. Bản thân tôi cũng mất 1 tháng đầu tiên để tự tin tham gia phát biểu bàn tròn trong lớp. Tôi thấy quan trọng là mình nói rõ ràng mạch lạc để người khác hiểu, nên dù tiếng Anh của bạn có nặng ngữ điệu Việt Nam, bạn vẫn có thể được hoan nghênh nếu có ý kiến hay.

Trong học thuật, các bạn ở Việt Nam chưa được rèn luyện kỹ năng đọc từ nhiều nguồn khác nhau, hay còn gọi là literature review. Vì thế khi đi du học, các bạn cố gắng đọc sách do nhiều tác giả viết về cùng một chủ đề. Khi bạn đồng ý với 1 tác giả nào, ngay lập tức tìm 1 tác giả khác phản bác ý kiến đó. Giáo sư nước ngoài họ không quan trọng ý kiến đúng hay sai, mà quan trọng ý kiến đó đã được phân tích thấu đáo đa chiều chưa (critical thinking).

Một mẹo vặt khi bạn đọc sách hay bài viết khoa học là bạn có thể xem phần Citation để tìm ra nhiều nguồn đọc khác rất hữu dụng cho quá trình phân tích vấn đề của bạn. Một nguồn nữa các bạn phải khai thác đó chính là giáo sư. Thời tôi học Đại Học Mỹ, giáo sư có chính sách “mở cửa” (Open Door Policy), có nghĩa là họ sẽ ngồi ở văn phòng vào giờ nhất định để sinh viên ghé qua trao đổi bài mà không cần hẹn trước.

Tạo dựng mối quan hệ với bạn bè và tích cực tham gia hoạt động ngoại khóa

Bên cạnh việc học chính thức ở lớp với thời gian rất ít (khoảng 15 giờ/tuần), thời gian còn lại các bạn nên dùng để chăm chút cho cuộc sống tự lập của mình. Tất cả các bạn đều sống xa nhà, nên việc tạo dựng mối quan hệ thông qua các hoạt động ngoại khóa và xã giao đóng một vai trò quan trọng cho một quá trình du học Mỹ thành công.

Về hoạt động ngoại khóa, trong trường luôn có các hội sinh viên và câu lạc bộ về nhiều lĩnh vực khác nhau. Việc tham gia một nhóm sinh viên có cùng sở thích sẽ giúp cho bạn rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm và lãnh đạo – 2 kỹ năng hết sức cần thiết cho công việc sau này. Hơn nữa, bạn cũng luôn cần học hỏi từ những người đồng môn để cải thiện năng lực của mình nhiều hơn.

Thời đại học, tôi tham gia một nhóm hát nhạc cổ điển và được đi tour du lịch các bang Đông Bắc nước Mỹ hằng năm. Việc làm việc cùng người khác để đạt được một tiêu chuẩn nhất định đã rèn luyện cho tôi tính kiên nhẫn và cởi mở rất nhiều.

Về xã giao, các bạn nên tìm kiếm những nhóm bạn thân khác nhau để cùng chia sẻ vui buồn trong cuộc sống. Nhóm bạn này không nhất thiết là học cùng lớp hay cùng câu lạc bộ, mà có thể gặp nhau vào cuối tuần để vui chơi giải trí. Tôi có 1 nhóm bạn thích nấu ăn thời ĐH gồm người Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan… hay tụ tập để thể hiện ẩm thực nước mình. Đây là kỷ niệm đáng nhớ nhất của tôi thời ĐH.

Ngoài ra, người bạn chung phòng của mình trong ký túc xá cũng có thể trở thành một người bạn tốt nên mình tôn trọng phạm vi và văn hóa của nhau. Tôi và bạn cùng phòng lúc đầu có hơi mâu thuẫn về thời gian sinh hoạt, nhưng đã có sự thỏa thuận để cả hai đều hài lòng.

Chủ động tìm kiếm cơ hội việc làm

Các trường ĐH thường có các cơ hội khác nhau để sinh viên chuẩn bị cho việc ra trường xin việc làm. Hai trong số các cơ hội mà sinh viên nên tìm hiểu và nắm bắt chính là dự án do trường tài trợ, và thực tập ở các công ty.

Dự án do trường tài trợ bao gồm nghiên cứu với giáo sư ĐH vào mùa hè, hoặc các khoản học bổng để thực hiện một số dự án liên quan đến phát triển cộng đồng. Năm 3 ĐH tôi được tài trợ để thực hiện một dự án giáo dục cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam ở Hà Nội, và từ đó hình thành được đam mê cho nghề giáo này.

Về cơ hội thực tập, các công ty thường đến đầu năm để tuyển sinh viên mùa hè. Các bạn nên đến Trung tâm tư vấn việc làm (career counseling office) để họ dạy cho cách viết resume, phỏng vấn thử và đăng ký tên mình để được nhận email về những công ty phù hợp đến trường tuyển dụng.

Một sự thật phũ phàng là bằng ĐH từ trường danh tiếng không đảm bảo bạn sẽ có việc làm, vì công ty quan trọng kỹ năng làm việc của bạn (employable skills) hơn là điểm số. Vì thế khi học ĐH các bạn nên tìm kiếm cơ hội để nâng cao kỹ năng chuyên môn và kỹ năng mềm của mình.

Tóm lại, tôi xin trích lời của một người bạn của tôi, cũng là du học sinh để kết bài này:

“Một kỹ năng tổng thể nhất là ra khỏi vòng an toàn. Học khóa Triết Học mà nghe có vẻ đáng sợ nhưng lại lý thú, bạn sẽ thấy nó cực kỳ có ích khi học cao học. Làm bạn với cô phục vụ nhà ăn, người mà luôn tươi cười đón chào sinh viên, bạn sẽ nhận được một món quà quý giá khi tốt nghiệp. Hỏi thăm một giáo sư về công trình nghiên cứu của bà ấy nếu bạn tò mò, bạn có thể sẽ trở thành trợ lý trong phòng thí nghiệm của bà ấy. Khám phá, khám phá, khám phá, nhưng đừng quá kỳ vọng sẽ đạt được điều gì ở cuối hành trình vì như vậy sẽ mất đi sự kỳ thú”.

Thạc sĩ ĐH Harvard Trương Phạm Hoài Chung