3 đề xuất về đào tạo liên thông

Trường ĐH bán công Tôn Đức Thắng là trường được Bộ GD-ĐT cho thí điểm liên thông đào tạo vượt cấp từ THCN lên ĐH.

TS Lê Vinh Danh, Hiệu phó trường ĐH bán công Tôn Đức Thắng cho biết: từ kết quả tuyển khoá đầu, trường đã rút ra được 1 số kinh nghiệm và đã có kiến nghị Bộ điều chỉnh 3 vấn đề chính. Đó là:

 

Giảm tiêu chuẩn 2 năm

 

Quy chế tạm thời về đào tạo liên thông cho phép học sinh tốt nghiệp THCN loại khá, giỏi được phép dự thi  thẳng để học luôn ĐH, còn những người tốt nghiệp TB và TB khá thì phải có thời gian ra trường làm việc từ 2 năm trở lên.

 

Tuy nhiên giữa những người đã tốt nghiệp THCN (chẳng hạn trong Ngành điện tử viẽn thông) loại TB khá với người tốt nghiệp loại khá có ranh giới khác biệt về kiến thức và kỹ năng thực hành nghề nghiệp không lớn. Những người tốt nghiệp loại khá, loại giỏi với người tối nghiệp loại TB khá trong cùng 1 lớp, trong cùng 1 trường sự khác biệt về năng lực thực hành nghề nghiệp lại càng không đáng kể.

 

Cho nên, học sinh tốt nghiệp TB, TB khá ra trường làm 1 năm là đủ củng cố kỹ năng nghề để dự thi liên thông. Từ thực tế này, chúng tôi có đề nghị với Bộ nên chăng giảm bớt quy định thâm niên làm việc 2 năm với người tốt nghiệp TB, TB khá  xuống còn 1 năm.

 

Không nhất thiết phải có bảng điểm

 

Một trong những yêu cầu về hồ sơ liên thông của Bộ GD-ĐT, là HS tốt nghiệp THCN phải có bảng điểm đi kèm. Thực ra, khi có bảng điểm, trường tổ chức liên thông có thể dựa vào đó để xem xét chương trình học của thí sinh để biết nội dung đã học của thí sinh và chương trình của trường có khác biệt nhiều không. Nếu khác nhiều, thì phải bổ túc.

 

Tuy nhiên, vấn đề là đối với những người tốt nghiệp THCN cách đây 10-15 năm thì đâu còn giữ bảng điểm. Lúc đó, chẳng nhẽ không cho họ thi. Vì thế, nên bỏ quy định phải có bảng điểm, và dùng kết quả thi như bộ sàng lọc để kiểm tra việc có đủ điều kiện nhập học liên thông hay không.

 

Đừng sợ liên thông là đường vòng vào ĐH

 

Chúng ta đừng sợ hệ liên thông tạo điều kiện cho học sinh THCN đi đường vòng để vào ĐH. Đó là quan điểm chưa đúng. Thực tế, có những SV đậu tuyển sinh ĐH rất cao, nhưng sau 2-3 năm học lại bị loại. Ngược lại nhiều người thi rớt ĐH và phải vào THCN nhưng lại học hành rất tử tế.

 

Bên cạnh đó, hệ thống sàng lọc của hệ THCN và thi tuyển liên thông chỉ cho không quá 10% thí sinh trúng tuyển. Thí dụ trường hợp trường Tôn Đức Thắng: tổng đầu vào của 2 ngành THCN điện công nghiệp và dân dụng, THCN điện tử viễn thông năm 2002 là 400 người. Đến khi ra trường chỉ còn khoảng 75. Trong đó chỉ khoảng 40 người khá, giỏi. Đến khi thi liên thông xong, chỉ còn 24 thí sinh đậu. Tỷ lệ sàng lọc như thế chưa tới 7%. Cho nên không sợ liên thông là đi đường vòng, là không chất lượng.

 

Mặt khác, việc tạo điều kiện cho người tốt nghiệp THCN học lên ĐH là một trong những hoạt động giúp hình thành một xã hội học tập suốt đời.

 

Quy định tạm thời về Đào tạo Liên thông Dạy nghề, THCN, CĐ, ĐH

 

1.Người học được tuyển chọn theo nguyên tắc: Người tốt nghiệp đạt loại giỏi sẽ được tham gia dự tuyển ngay sau khi tốt nghiệp. Kết quả thi tuyển sẽ được cộng thêm từ 1-2 điểm do Hiệu trưởng quyết định điểm cộng này. Người tốt nghiệp loại khá sẽ được tham gia dự tuyển ngay sau khi tốt nghiệp; người tốt nghiệp loại trung bình phải có kinh nghiệm làm việc gắn với chuyên môn được đào tạo từ 2 năm trở lên mới được thi tuyển. Người học thuộc diện chính sách, khi thi tuyển được ưu tiên theo các Qui chế tuyển sinh hiện hành do Bộ GD-ĐT ban hành.  

 

2. Người học phải được cung cấp thông tin trước lúc bắt đầu khoá học của họ tại trường chuyển đi về những khoá học tương thích, điều kiện tiên quyết, hình thức thi kiểm tra, và những yêu cầu khác mà trường chuyển đến sẽ dựa trên đó để tuyển chọn. 3. Người học có quyền yêu cầu cơ sở giáo dục đào tạo cung cấp các điều kiện giáo dục với chất lượng như đã thông báo.

 

Cam Lu (VNN) ghi

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm