“3 chung” và những câu chuyện đổi mới tuyển sinh
(Dân trí) - Năm 2002, nhằm chấn chỉnh tình trạng “lộn xộn” trong việc tự chủ tuyển sinh giải pháp “ 3 chung” đã được áp dụng. Tuy được đánh giá là phương án hiệu quả nhưng quá trình tồn tại không ít lần “ 3 chung” được đem ra mổ xẻ
Năm 2006, sau 4 năm thực hiện giải pháp “ 3 chung”, tại hội nghị hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ về triển khai nghị quyết 14 của Chính phủ về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục ĐH Việt Nam giai đoạn 2006-2020, nguyên Bộ trưởng GDĐT Trần Hồng Quân, nay là Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập Việt Nam đã đề nghị phải xóa bỏ cơ chế chủ quản (không để các Bộ và chính quyền địa phương quản lý trường ĐH-CĐ như hiện nay), xóa bỏ việc giao chỉ tiêu tuyển sinh cho từng trường; xóa bỏ việc tuyển sinh 3 chung, kể cả điểm sàn chung; xóa bỏ các chế độ tài chính cứng nhắc trói buộc các trường công…
Cũng từ đây, ở hội nghị tuyển sinh năm nào vấn đề đòi quyền tự chủ cũng được nhắc đến. Tuy nhiên khi Bộ GD-ĐT chưa thực sự tin tưởng các trường thì những cuộc tranh luận “nóng” như vậy đều có chung một đáp án: Sẽ xem xét!
Năm 2008, lộ trình đổi mới thi và tuyển sinh của Bộ đã chính thức làm nóng dư luận xã hội với đề án kì thi THPT Quốc gia. Mục tiêu của đề án cũng chỉ nhằm mục đích tăng cường quyền tự chủ trong khâu xét tuyển của các trường.
Với sự chuẩn bị rầm rộ của Bộ GD-ĐT, nhiều người đều nghĩ kì thi THPT quốc gia sẽ được triển khai ở năm 2009 và sứ mạng “ 3 chung” đã chấm dứt. Sự ràng buộc về điểm sàn, điểm xét tuyển chung… sẽ không còn.
Tuy nhiên trước những ý kiến phản biện của xã hội cũng như việc đề án chưa được Chính phủ thông qua, Bộ GD-ĐT lại đành hoãn “kế hoạch” này với chủ trương tiếp tục nghiên cứu, không xác định thời điểm áp dụng.
Năm 2010, giải pháp “3 chung” vẫn tồn tại và ổn định nhưng lại có một sự đột biến rất lớn trong khâu ra đề thi. Với việc ra đề có độ phân loại thí sinh tốt, Bộ GD-ĐT được các trường đánh giá rất cao. Song với việc ổn định “điểm sàn” như các năm trước đã khiến nhiều trường lên tiếng với lý do còn phụ thuộc thì sẽ khó khăn trong tuyển sinh. Chính vì thế tại hội nghị tổng kết năm học 2009 - 2010 khối giáo dục ĐH được tổ chức vào tháng 9/2010, một lần nữa câu chuyện đòi quyền tự chủ tuyển sinh và bỏ điểm sàn lại được đem ra thảo luận.
Theo cái lý mà Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập Việt Nam đưa ra thì ở bình diện cả nước số thí sinh đạt điểm sàn có thừa so với chỉ tiêu cần tuyển, nhưng thực tế nhiều trường không tuyển đủ chỉ tiêu. Mặt khác, nhiều thí sinh đạt điểm cao không được học vì không có điều kiện di chuyển đến vùng miền khác.
Bên cạnh đó, từ thực tế gần đây một số trường công lập được phép tuyển hệ ngoài ngân sách đã thực sự tạo cho các trường ngoài công lập thêm những trở ngại và phức tạp mới. Các trường ngoài công lập rất khó tuyển đủ chỉ tiêu được phê duyệt. Hiệp hội cho rằng, cơ chế tuyển sinh hiện hành khó thỏa mãn việc đào tạo nhân lực cho những vùng miền chậm phát triển giáo dục phổ thông.
Và dường như Bộ GD-ĐT cũng mềm lòng trước những khó khăn của các trường ngoài công lập, nên trong năm 2010 lần đầu tiên Bộ đưa ra quyết định kéo dài thời gian xét tuyển đối với khối trường này đến tận giữa tháng 11/2010. Song với việc nguồn tuyển cạn kiệt nên các trường cũng chẳng được cải thiện được là bao.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga từng nhấn mạnh, nếu xóa bỏ thi ĐH-CĐ theo hình thức “3 chung”, cho các trường tự tuyển sinh thì số lượng người học có thể tăng nhưng chất lượng sẽ không cao. Nếu để từng trường tự thi, tự tuyển sinh thì sẽ phức tạp hơn rất nhiều, vì một thí sinh có thể thi nhiều trường.
Quan điểm là thế nhưng với thực tế hai mùa tuyển sinh gần đây, sau mỗi kỳ thi dư luận đều phản ảnh những điểm chưa thật sự hợp lý, hiệu quả của phương thức tuyển sinh “ba chung”. Thậm chí có người còn cho rằng “tấm áo ba chung” đã quá chật cho tất cả các trường ĐH, CĐ dùng chung nên Bộ lại nỗ lực âm thâm nghiên cứu giải pháp mới cho dù đề án kì thi THPT quốc gia vẫn còn “lơ lưng” chưa có hồi kết.
Nguyễn Hùng