3 cách khắc phục sự cứng nhắc, đứt gãy khi dạy học online
(Dân trí) - Ngoài những hạn chế về hạ tầng, khả năng tiếp cận công nghệ của GV,HS khi dạy online thì cách quản lý chương trình của một số trường còn cứng nhắc, có sự “đứt gãy” khi chuyển sang trạng thái số.
Đó là nhận định của TS Tôn Quang Cường, giảng viên, chuyên gia khoa học giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, ĐHQGHN khi nói về bối cảnh giáo dục, đào tạo hiện nay đang phải dạy online, trực tuyến, học trên truyền hình... vì Covid-19.
Sự kết nối mạnh mẽ chưa từng thấy
TS Tôn Quang Cường cho rằng, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đã đẩy toàn hệ thống chính trị vào tình thế cấp bách, đương đầu với những khó khăn. Sự bị động, bất ngờ, chưa có kế hoạch và lộ trình chuẩn bị là tình trạng khách quan chung, không riêng gì đối với giáo dục.
Trong hoàn cảnh khách quan, dạy học tại Việt Nam đã chuyển sang một trạng thái hoàn toàn mới so với trước đây. Sự gia tăng ứng dụng công nghệ trong giáo dục, dạy học; các sáng kiến ứng dụng cùng sự hưởng ứng rất cao của giáo viên, học sinh, phụ huynh và các chủ thể khác trong xã hội đã và đang tạo sự kết nối mạnh mẽ chưa từng thấy trong giáo dục, dạy học.
“Rõ ràng, có sự hưởng ứng mạnh, trách nhiệm cao, vào cuộc nhanh của các nhà trường, đội ngũ giáo viên. Đồng thời, giảng dạy online đã dẫn tới gia tăng sự chia sẻ xã hội, tài nguyên học tập; cởi bỏ sự đóng khung khép kín trong lĩnh vực giáo dục, dạy học giữa các đơn vị, các cấp, các công ty hoạt động trong lĩnh vực giáo dục. Những yếu tố này sẽ góp phần tạo nền móng khi chuyển đổi số mạnh trong giáo dục” - TS Tôn Quang Cường nhận định.
Tuy nhiên, theo TS Cường còn sớm để dùng thuật ngữ “dạy học online” trong bối cảnh hiện nay. Thực chất mới chỉ dừng ở cấp độ ban đầu của quá trình chuyển đổi: giảng bài online kết hợp với một số giải pháp ứng dụng công nghệ trong dạy học. Bởi dạy học online có nguyên tắc sư phạm, yêu cầu chuyển đổi số cho các hoạt động và các thành tố của quá trình dạy học, các yêu cầu mang tính công nghệ, hạ tầng khác.
Thực tế cho thấy vẫn còn những hạn chế về hạ tầng cơ sở vật chất, khả năng tiếp cận công nghệ của giáo viên và học sinh. Bên cạnh đó là cấu trúc chương trình, cách quản lý chương trình dạy học của một số trường còn cứng nhắc, có sự “đứt gãy”, “cong vênh” khi chuyển sang trạng thái số.
“Vào thời điểm hiện nay, có thể nói, sự nỗ lực của đội ngũ giáo viên, học sinh và cả phụ huynh để thích ứng với việc dạy và học là rất lớn” - TS Cường bày tỏ.
3 khía cạnh cần khắc phục
Để khắc phục những khó khăn, hạn chế trong việc dạy học online hiện nay, TS Tôn Quang Cường cho rằng, có ba khía cạnh có thể khắc phục ngay được, với từng chủ thể, điều kiện: nhà trường, tổ chuyên môn và hạ tầng công nghệ.
Thứ nhất, Ban giám hiệu nhà trường cần điều chỉnh lại kế hoạch, sắp xếp lại lịch học sao cho hợp lý. Đồng thời, xây dựng bộ công cụ quản lý và triển khai dạy học, bao gồm tối thiểu hai giải pháp: hệ thống quản lý học tập và giải pháp giảng bài trực tuyến trong thời gian thực.
Trong đó, lưu ý, thay vì bố trí thời khóa biểu theo lớp thì cần bố trí, thống nhất thời khóa biểu theo môn, dùng chung cho từng khối lớp.
Thứ hai, Tổ chuyên môn cần thống nhất về mặt chuyên môn, phân công giáo viên cùng khai thác nguồn học liệu mở, xây dựng bổ sung học liệu số theo năng lực công nghệ của từng giáo viên; tìm kiếm phát triển các nội dung được số hóa sẵn có liên quan đến môn học; tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ lẫn nhau về mặt kĩ thuật trong dạy học trực tuyến và kĩ thuật sử dụng công nghệ trong Tổ.
Thứ ba, Về hạ tầng công nghệ. Ở đây, cần làm được hai việc sau, gồm lựa chọn hệ thống quản lý học tập phù hợp (LMS) và kết nối huy động nguồn lực xã hội. Hiện có rất nhiều giải pháp có thể ứng dụng ngay, có thể là những công cụ đơn giản và miễn phí.
Trường nên tập hợp các tài nguyên dạy học, kể cả các tài nguyên để cho học sinh xem đi xem lại khi cần (video dạy học, bài giảng PowerPoint, văn bản, âm thanh, hình ảnh…).
Nhà trường cũng có thể đề xuất các cấp thẩm quyền yêu cầu trợ giúp xã hội: các công ty, tập đoàn giáo dục hỗ trợ cung cấp giải pháp công nghệ, chia sẻ các bài dạy trực tuyến mà họ đã sản xuất trước đây; thiết lập kênh liên lạc thường xuyên với cha mẹ học sinh để có các điều chỉnh và phối hợp kịp thời.
Tận dụng ngay cơ hội hiếm có
Từ những gì đang diễn ra trong dạy và học hiện nay, TS Tôn Quang Cường nhận định cần phải tận dụng ngay cơ hội này để phát triển giáo dục theo mô hình chuyển đổi số rất khả thi.
Minh chứng là gần như trong một thời gian cực ngắn, với công sức, nội lực, sự năng động và sáng tạo toàn ngành đã ứng phó kịp thời với tình hình cấp bách của diễn biến dịch Covid-19.
Phần lớn các yêu cầu, chỉ số thực hiện theo Chỉ thị 16 “Về việc tăng cường tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4” và Đề án 117 “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy - học, nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo của giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025” của Chính phủ đều đã được thực hiện.
Do vậy, nên tận dụng ngay cơ hội hiện nay để tiếp tục áp dụng, tích hợp dạy học truyền thống và dạy học online. Đây là cơ hội cực kì hiếm khi không cần phải nói nhiều về giá trị của nó.
Ở cấp độ vĩ mô, Bộ GDĐT có thể áp dụng mô hình chuyển đổi số trong giáo dục, từ việc vận dụng một số kinh nghiệm thực tiễn của xây dựng chính phủ điện tử, chính phủ số trong thời gian vừa qua.
Về trung mô, nên có cơ chế huy động các doanh nghiệp vào cuộc như cung cấp hạ tầng, chia sẻ công cụ để phát triển học liệu, giải pháp tăng hoạt động tương tác, … Tập huấn cấp tốc cho đội ngũ quản lý cốt cán, giáo viên cốt cán về sư phạm số, yêu cầu về “giáo viên số” theo tiếp cận “cầm tay chỉ việc”.
Ở cấp độ vi mô, cần tái cấu trúc lại kế hoạch nhà trường, bố trí tỉ lệ hợp lý thời gian học online với các công cụ phù hợp.
“Dịch Covid-19 sẽ đi qua, điều còn lại sẽ là một nhận thức mới về công nghệ giáo dục, kĩ năng và thói quen sử dụng công nghệ của giáo viên, học sinh, phụ huynh, hệ thống hạ tầng được nâng cấp và thiếp lập mới - nếu không tận dụng sẽ rất lãng phí, mất cơ hội” - TS Tôn Quang Cường chia sẻ.
Thu Nguyễn