270 nghìn chỗ làm trống, sinh viên vẫn thất nghiệp

270.000 là con số chỗ làm trống trung bình dự báo của TPHCM từ nay đến năm 2020, nhưng hiện tại, hàng nghìn sinh viên ra trường đang thất nghiệp.

Đây là số liệu do Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM đưa ra tại hội thảo Biến động việc làm ở TP.HCM - thực trạng và những vấn đề đặt ra do Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM tổ chức sáng 20/8.
 
270 nghìn chỗ làm trống, sinh viên vẫn thất nghiệp
Không có việc làm đúng chuyên môn hoặc thất nghiệp, nhiều cử nhân hàng ngày la cà ở quán cà phê. (Ảnh: Minh Nhật)
 
Theo ông Trần Anh Tuấn - Phó giám đốc trung tâm này, doanh nghiệp trong các ngành tài chính, ngân hàng, kinh doanh bất động sản, kế toán, bưu chính viễn thông… hiện có xu hướng tuyển dụng với yêu cầu gay gắt hơn khiến nhu cầu tuyển dụng giảm về số lượng. Tình trạng sinh viên, học sinh tốt nghiệp ra trường, nhất là sinh viên từ các tỉnh, thành phố khác không hoặc khó tìm được việc làm tại TP.HCM rất phổ biến.
 
Cá biệt, khoảng 60% sinh viên thuộc các nhóm ngành tài chính - ngân hàng ra trường không tìm được việc làm đúng ngành đào tạo hay phải làm ngành nghề khác. Trên bình diện cả nước, có tới 162.400 người có trình độ đại học trở lên đang thất nghiệp.
 
Ths Cao Ngọc Thành (Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM) chỉ ra nghịch lý trong thị trường lao động của thành phố hiện nay: “Ở hầu hết các ngành, các thành phần kinh tế, sự thiếu hụt nhân lực trầm trọng ở các vị trí tuyển dụng, trong lúc nhiều người thất nghiệp hoặc mất việc làm đang diễn ra ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, nhất là sau mỗi dịp tết. Nguồn cung nhân lực cũng thể hiện sự nghịch lý, trong khi nguồn lao động phổ thông biến động và thiếu hụt thường xuyên, thì nguồn lao động có trình độ từ trung cấp, cao đẳng, đại học trong một số ngành nghề lại chênh lệch về số lượng và chưa đáp ứng chất lượng so với nguồn cầu”.

 

“Thành phố nên giao cho ngành lao động tổ chức một tờ báo hay ấn phẩm chuyên về thị trường lao động, giới thiệu việc làm để đáp ứng nhu cầu thông tin đa dạng của người lao động”. TS Nguyễn Hữu Nguyên - Trung tâm nghiên cứu chiến lược và chính sách quốc gia (ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM)

Chính vì thế TS Hồ Bá Thâm đề xuất cần nhanh chóng xây dựng chiến lược dự báo dài hạn, trung hạn trong phát triển nguồn nhân lực. Đặc biệt chú trọng đến nguồn nhân lực chất lượng cao. Đồng tình với quan điểm trên, ông Tuấn cho rằng cần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao này dựa trên 3 yếu tố: được đào tạo nghề nghiệp chuyên môn, có kỹ năng chuyên nghiệp và có đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm với xã hội.

 
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM, giai đoạn từ nay đến năm 2020, nhu cầu nhân lực mỗi năm có khoảng 250.000 - 270.000 chỗ làm việc trống (trong đó có khoảng 130.000 chỗ làm việc mới). Trong đó nhu cầu nhân lực qua đào tạo chiếm 75%, nhân lực có trình độ sơ cấp nghề chiếm 14%, trình độ trung cấp chuyên nghiệp - trung cấp nghề chiếm 34%, cao đẳng chuyên nghiệp - cao đẳng nghề chiếm 13%, đại học chiếm 12%, trên đại học chiếm 2%.
 
Các đại biểu cũng đề xuất cần nâng cao hiệu quả hoạt động của các trung tâm, đơn vị giới thiệu việc làm với vai trò là cầu nối giữa doanh nghiệp và người lao động. Bà Hà Thị Thùy Dương (Học viện chính trị khu vực IV) nhận định: “Các trung tâm giới thiệu việc làm của TP.HCM được thành lập tương đối nhiều, nhưng tổ chức hoạt động dịch vụ việc làm chưa chuyên nghiệp, chưa khoa học. Số lượng người lao động tìm được việc làm qua các trung tâm giới thiệu việc làm chưa lớn”.
 
Đại diện Sở Lao động, thương binh - xã hội cho biết UBND Thành phố đã giao cho Sở tiến hành thực hiện quy hoạch mạng lưới các trung tâm, đơn vị giới thiệu việc làm trên địa bàn thành phố.
 
Theo Phan Đan

Phụ nữ TPHCM

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm