2.250 suất học bổng Vallet chắp cánh ước mơ khoa học

(Dân trí) - Tận tay trao cho các em những suất học bổng, Giáo sư Odon Vallet khẳng định, sự phát triển của dân tộc Việt Nam đặt lên vai thế hệ tri thức hệ trẻ.

Sáng nay (23/8), tại Văn Miếu Hà Nội, chương trình Gặp gỡ Việt Nam đã trao học bổng cho các học sinh, học viên cao học và nghiên cứu sinh xuất sắc khu vực miền Bắc. Đây là chương trình nằm trong kế hoạch trao 2.250 suất học bổng Vallet năm 2014, với tổng giá gần 20 tỷ đồng

Theo kế hoạch, các Giáo sư Trần Thanh Vân, Lê Kim Ngọc, Odon Vallet sẽ đi xuyên Việt, từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh, từ 23/8 đến 7/9/2014, trao tận tay từng suất học bổng cho từng học sinh (8 triệu), từng sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh (13 triệu). Năm nay là năm thứ 14 quỹ học bổng Vallet đồng hành với những nhà khoa học tương lai, góp phần chắp cánh ước mơ của các em, góp phần phát triển nền khoa học nước nhà.

Lễ dâng hương tại Văn Miếu. (Ảnh: T Trầm)
Lễ dâng hương tại Văn Miếu. (Ảnh: T Trầm)

Tận tay trao cho các em những suất học bổng, Giáo sư Odon Vallet khẳng định, sự phát triển của dân tộc Việt Nam đặt lên vai thế hệ trẻ và các em chính là nền tảng giúp nền khoa học nước nhà phát triển lớn mạnh, sánh vai với bạn bè thế giới.                                                                                             

Năm 1993, theo đề nghị của GS Nguyễn Văn Hiệu, lúc đó là Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), GS Trần Thanh Vân, một nhà vật lý lý thuyết người Việt Nam sống và làm việc tại Paris, trở về Hà Nội tổ chức  Rencontres du Vietnam (Gặp gỡ Việt Nam) lần thứ nhất, thu hút hàng trăm nhà vật lý nổi tiếng trên thế giới, trong đó có GS J. Steinberger, nhà bác học đoạt Giải thưởng Nobel, quốc tịch Mỹ, đến Hà Nội, thông báo và tranh luận về những kết quả mới nhất trong vật lý hạt cơ bản và vật lý thiên văn.

Lúc bấy giờ, Mỹ đang cấm vận Việt Nam, giữa hai nước chưa có quan hệ ngoại giao, cho nên J. Steinberger cũng như nhiều nhà vật lý Mỹ khác gặp rất nhiều khó khăn về thủ tục thị thực xuất - nhập cảnh, khi họ quyết định đến Việt Nam.

GS Nguyễn Văn Hiệu và GS Odon Vallet trao học bổng cho các sinh viên đạt thành tích tốt.
GS Nguyễn Văn Hiệu và GS Odon Vallet trao học bổng cho các sinh viên đạt thành tích tốt.

Cũng năm ấy, hai nhà vật lý trẻ người Việt Nam ở nước ngoài là TS Đàm Thanh Sơn và TS Nguyễn Trọng Hiền đã về Hà Nội dự Gặp gỡ Việt Nam lần thứ nhất. Về sau, hai anh đã trở thành hai nhà khoa học nổi tiếng thế giới.

Từ năm 1995 đến 2014, các cuộc Gặp gỡ Việt Nam diễn ra với sự tham dự của nhiều nhà nhà bác học đoạt Giải thưởng Nobel, như:  N. Ramsey (Mỹ), G. Charpak (Pháp), J. Friedman (Mỹ), J. Cronin (Mỹ), K. Klitzing (Đức), S. Glashow (Mỹ), GS Ngô Bảo Châu, Huy chương Fields...

Bên cạnh việc tổ chức các hội nghị vật lý quốc tế lớn ở Việt Nam, từ năm 1994, GS Trần Thanh Vân còn hợp tác với GS Nguyễn Văn Hiệu mở Trường Vật lý Việt Nam (Vietnam School of Physics/ VSOP), dạy và học bằng tiếng Anh, ở trình độ thạc sĩ, tiến sĩ và sau tiến sĩ, đều đặn hằng năm, trong vòng hai tuần lễ vào mùa hè. Và, năm 2013, bắt đầu mở thêm Trường Vật lý thiên văn Việt Nam (Vietnam School of Astrophysics/ VSOA).


 

GS Nguyễn Văn Hiệu và GS Odon Vallet trao học bổng cho các sinh viên đạt thành tích tốt.
GS Lê Kim Ngọc (bìa trái ảnh) - vợ GS Trần Thanh Vân, người đồng hành cùng chồng suốt hành trình giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn.

GS Trần Thanh Vân trao học bổng cho các em sinh viên xuất sắc.
GS Trần Thanh Vân trao học bổng cho các em sinh viên xuất sắc.

Ngoài ra, trước năm 2000, tổ chức Gặp gỡ Việt Nam còn trao học bổng cho các bạn trẻ là học sinh THPT, sinh viên đại học, học viên cao học và các nhà nghiên cứu trẻ ưu tú ở Việt Nam. Cảm kích trước ý nghĩa cao đẹp của hoạt động khuyến học, khuyến tài ấy, GS Odon Vallet tình nguyện tham gia chương trình học bổng trong khuôn khổ các hoạt động đa dạng của tổ chức Gặp gỡ Việt Nam. Từ đó số học bổng tăng thêm rất nhiều và mang tên học bổng Vallet.

Vallet là tên dòng họ Vallet mà Odon Vallet là người đại diện hiện nay. Odon là một Tiến sĩ khoa học trong ngành luật học, Giáo sư lịch sử tôn giáo của Đại học Sorbonne nổi tiếng thế giới, và cũng là một nhà văn viết tuỳ bút triết luận quen biết, thường được Đài Truyền hình Pháp và các báo lớn ở Paris phỏng vấn về các cuộc xung đột tôn giáo diễn ra nóng bỏng ở vùng Trung Đông và Nam Á (như Iraq hay Afganistan). 

Được thừa kế một gia tài lớn, trị giá khoảng 120 triệu euro, của người cha là Tiến sĩ Jean Vallet, nhưng Giáo sư Odon Vallet không tiêu xài cho riêng mình, mà đem tất cả số tiền ấy gửi ngân hàng, hằng năm lấy lãi để tặng học bổng cho các bạn trẻ học giỏi ở Pháp, ở Việt Nam và ở một nước nhỏ châu Phi là Bénain.

 Phạm Thanh