2010 - Các trường ĐH đều tăng học phí ở mức cao nhất

(Dân trí) - Thông tin từ nhiều trường đại học công lập cho biết sẽ tăng học phí ở mức cao nhất mà Chính phủ cho phép là 240.000đ/tháng. Bên cạnh đó, nhiều trường ĐH ngoài công lập cũng tăng mức học phí từ 10 - 20%.

 
Theo quy định, đối với giáo dục nghề nghiệp và giáo dục ĐH công lập, mức thu học phí thực hiện theo nguyên tắc chia sẻ chi phí đào tạo giữa Nhà nước và người học. Cơ sở giáo dục thực hiện chương trình chất lượng cao sẽ được thu học phí tương xứng để trang trải chi phí đào tạo.
 
2010 - Các trường ĐH đều tăng học phí ở mức cao nhất  - 1
Các trường đại học công lập đều tăng học phí ở mức cao nhất

Theo lãnh đạo của các trường ĐH Thái Nguyên, Học viện công nghệ Bưu chính viễn thông, ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Luật Hà Nội, ĐH Hà Nội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, ĐH Bách khoa Hà Nội, Học viện Ngân hàng, ĐH Ngoại thương... đều tăng học phí ở mức cao nhất là 240.000đ/tháng.

Đại học Quốc gia Hà Nội, năm học mới này trường tăng kịch trần tất cả các ngành học theo quy định của nhà nước với mức 240.000đ/tháng. Riêng ngành Kinh tế Chính trị mức học phí là 210.000đ.

Lý giải về việc tăng học phí ở mức kịch trần này, ông Từ Quang Hiển, giám đốc trường ĐH Thái Nguyên cho biết: “Mức học phí cũ 180.000 so với hiện nay đã quá lạc hậu. Chính phủ cho tăng lên 240.000, mặc dù không cao những đã giúp cho trường giải quyết được một số khó khăn”.

Hiệu trưởng trường ĐH Hà Nội Nguyễn Đình Luận cho rằng, mức học phí này chỉ thể hiện thêm sự đóng góp của người học. Còn ông Nguyễn Hoà, Phó Hiệu trưởng ĐH Luật Hà Nội  cũng cho biết, mức này chỉ tạm giúp đỡ cho các trường trong thời buổi giá cả biến động hiện nay chứ không cải thiện được nhiều.

Còn các trường đại học ngoài công lập được tự quyết định mức học phí, nhưng phải thực hiện quy chế công khai do Bộ GD-ĐT quy định.
 
Theo đó, năm học mới này, các trường đại học ngoài công lập đồng loạt tăng học phí từ 10 - 20% như ĐH Thăng Long sẽ tăng 10-15% học phí, ĐH Đại Nam 20% học phí, ĐH Lương Thế Vinh tăng 10% học phí, từ 5 triệu đồng/năm lên 5,5 triệu đồng/năm, ĐH Dân lập Phú Xuân (Thừa Thiên - Huế) tăng 15% từ 4,2 triệu lên 5,2 triệu đồng/năm. Dân lập Thăng Long (Hà Nội) dự kiến tăng 10 - 15% học phí, ĐH Lạc Hồng, mức học phí nhà trường áp dụng cho năm học 2010-2011 là 700.000 đồng/tháng, tăng 50.000 đồng/tháng so với năm học trước, ĐH Phương Đông, thu học phí theo từng ngành từ 5,5 - 5,7 triệu/năm. Theo lãnh đạo của trường, dự kiến có thể tăng 10% học phí nhưng trường đang tính chuyển dần sang đào tạo tín chỉ nên thu học phí theo tín chỉ.
 
2010 - Các trường ĐH đều tăng học phí ở mức cao nhất  - 2
Nhiều trường ĐH ngoài công lập tăng học phí từ 10 - 20%

Ông Đặng Thế Huy, Phó hiệu trưởng ĐH dân lập Lương Thế Vinh (Nam Định), giải thích về việc tăng hoc phí này để nhà trường chi trả những khoản tiền trượt giá trong chi phí hoạt động. Bên cạnh đó, trường sẽ đầu tư mua thêm trang thiết bị, mở rộng cơ sở vật chất. Dự kiến năm tới trường mua thêm khoảng 100 máy tính và hoàn thiện khu giảng đường đang xây dựng trị giá khoảng 30 tỉ đồng.

Riêng một số trường như ĐH Hải Phòng, ĐH Thành Tây, ĐH Nguyễn Trãi, ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội... lại không tăng học phí, giữ nguyên như năm trước.

Cụ thể, ĐH Hải Phòng, mức học phí năm học 2010-2011 của trường 790.000 đồng/ tháng, ĐH Thành Tây 700.000 đồng/tháng với hệ ĐH và 500.000 đồng/tháng với hệ CĐ, ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội 700.000đ/tháng, ĐH Nguyễn Trãi 1.500.000đ/tháng...

Khác với ý kiến ông Huy, ông Trần Trọng Hanh, Hiệu trưởng ĐH Nguyễn Trãi cho biết: “Lý do, trường không tăng học phí vì mức trượt giá không nhiều và giữ ổn định như đã cam kết với học sinh khi vào học”.

Hiện nay, các trường đại học, cao đẳng trong cả nước đã báo cáo mức học phí năm 2010 về Bộ GD-ĐT để đưa vào cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy (dự kiến phát hành vào tháng 3/2010).

Hồng Hạnh