20 trường đại học hàng đầu châu Âu (2)
(Dân trí) - Đứng thứ 11 là Học viện Karolinska của Thụy Điển - nơi quản lý việc đánh giá và trao giải Nobel trong lĩnh vực y học và sinh lý học.<p><a href="http://www11.dantri.com.vn/giaoduc-khuyenhoc/2007/10/199412.vip">>> 20 trường đại học hàng đầu châu Âu (1)</a></p>
Học viện Karolinska, nằm ở thủ đô Stockholm của Thụy Điển, đứng thứ 53 trong top 100 trường đại học hàng đầu thế giới, đồng hạng với Đại học Ludwig Maximilians của Đức và
Đại học Edinburgh của Scotland.
Học viện này đã thực hiện nhiều nghiên cứu về bệnh lý liên quan đến thai kỳ của phụ nữ ở các nước nghèo và yếu tố di truyền trong bệnh ung thư. Mới đây, Học viện Karolinska đã thành lập Viện não Stockholm cùng với hai học viện khác của Thụy Điển, để điều trị và đề phòng các hội chứng rối loạn thần kinh như tâm thần phân liệt, Alzheimer và mất tập trung (ADHD).
Đại học Ludwig Maximilians
Đức
Thứ hạng trên thế giới: 53 (đồng hạng)
Trường đại học ở Munich này là trung tâm đào tạo lớn nhất nước Đức, với 47.000 sinh viên và 18 khoa. Các ngành khoa học là thế mạnh của Đại học Ludwig Maximilians, với các trung tâm nghiên cứu chuyên về các lĩnh vực như công nghệ nano, đa dạng sinh học, di truyền học và vật lý học lý thuyết.
Đại học Edinburgh
Scotland
Thứ hạng trên thế giới: 53 (đồng hạng)
Trường đại học hàng đầu Scotland này nổi tiếng với hoạt động nghiên cứu sinh hóa, trong đó công trình về tế bào trực hệ đã dẫn đến việc sinh sản vô tính cừu Dolly và những thành tựu trong nghiên cứu về liệu pháp miễn dịch tế bào T đối với các bệnh nhân ung thư. Thành lập năm 1582, Đại học Edinburgh sở hữu một danh sách dài những sinh viên xuất sắc.
Nhà văn trinh thám lừng danh Arthur Conan Doyle đã theo học y khoa tại đây và nhiều nguồn tin nói rằng nhân vật thám tử Sherlock Holmes được xây dựng dựa trên nguyên mẫu là một trong những giảng viên của ông ở trường đại học, giáo sư Joseph Bell.
Đại học Kỹ thuật Munich
Đức
Thứ hạng trên thế giới: 56
Chương trình đào tạo của Đại học kỹ thuật Munich không chỉ dừng lại ở các môn khoa học và kỹ thuật cơ bản. Trường còn có một khoa khoa học-thể thao, cấp bằng trong lĩnh vực phòng tránh và phục hồi chấn thương trong thể thao, truyền thông thể thao, kinh tế thể thao và quản lý thể thao. Những sinh viên quan tâm đến ngành hóa học công nghiệp có thể theo học tại học viện của trường đặt tại Singapore.
Đại học Zurich
Thụy Sĩ
Thứ hạng trên thế giới: 58
Đây là trường đại học lớn nhất của Thụy Sĩ, với 24.000 sinh viên, nổi tiếng trong lĩnh vực khoa học và y học. Albert Einstein đã từng giảng dạy môn vật lý ở đây trong thời gian từ năm 1909 đến 1911, và vào năm 1996 một giáo sư ngành miễn dịch học, Rolf Zinkernagel, cùng với cộng sự là tiến sĩ Peter Doherty người Australia, đã giành giải Nobel cho phát hiện về trạng thái tự nhiên của hàng rào miễn dịch tế bào.
Đại học Bristol
Anh quốc
Thứ hạng trên thế giới: 62
Đại học Bristol điều hành một trong những trung tâm hàng đầu của Anh về người tàn tật và là một trong số ít trường cấp bằng cho các công trình nghiên cứu về người khiếm thính.
Đại học Heidelberg
Đức
Thứ hạng trên thế giới: 65
Đại học Heidelberg có nhiều cơ sở tại châu Mỹ Latinh, nơi họ có một trung tâm đào tạo sau đại học ở Santiago, Chilê, với các khóa học hợp tác với các học viện hàng đầu của địa phương.
Đại học Uppsala
Thụy Điển
Thứ hạng trên thế giới: 66
Đại học Uppsala của Thụy Điển cấp nhiều loại văn bằng khác thường, như Thạc sĩ các ngành nhân đạo quốc tế, con đường dẫn đến nền dân chủ... Thành lập năm 1477, Uppsala là trường đại học lâu đời nhất khu vực bán đảo Scandinavia và là nơi có khu vườn thực vật lâu đời nhất Thụy Điển, có từ năm 1655.
Đại học Oslo
Na Uy
Thứ hạng trên thế giới: 69
Được thành lập từ năm 1811, khi Na Uy còn nằm dưới quyền cai trị của người Đan Mạch, Đại học Oslo hiện nay là một trong những tổ chức đào tạo lâu đời và lớn nhất Hà Lan, với 30.000 sinh viên. Khoa y của trường nổi tiếng với những thành tựu trong lĩnh vực thần kinh, miễn dịch, dinh dưỡng và nghiên cứu ung thư. Ngoài ra, trường còn điều hành một trung tâm y tế tại Mátxcơva (Nga). Bảo tàng di sản văn hóa của Đại học Oslo hiện trưng bày tàu của quân Viking.
Đại học Leiden
Hà Lan
Thứ hạng trên thế giới: 71
Đại học Leiden được vua William of Orange thành lập vào năm 1575 như một món quà dành cho sự kiên cường của thành phố này trước sự vây hãm của quân Tây Ban Nha. Thế mạnh là các môn khoa học xã hội và nghệ thuật nhưng lại thiếu các khoa kinh tế và kinh doanh nên vào năm 2002, Đại học Leiden mở thêm một trường quản lý. Tuy nhiên chỉ 4 năm sau đó lại phải đóng cửa trường này. Albert Einstein từng là giảng viên thường xuyên tại đây trong những năm 1920.
Đặng Lê
Theo Business Week