2 đại học Việt Nam vào top 200 khu vực châu Á

Theo bảng xếp hạng đại học châu Á QS năm 2014, ĐH Quốc gia Hà Nội xếp trong nhóm từ 161 - 170, ĐH Quốc gia TPHCM xếp trong nhóm 191 - 200.

ĐH Quốc gia Hà Nội nằm trong nhóm từ 161-170.
ĐH Quốc gia Hà Nội nằm trong nhóm từ 161-170.
 
Điểm số và vị trí của ĐH Quốc gia Hà Nội trong bảng xếp hạng QS châu Á từ năm 2009 đến năm 2014
Điểm số và vị trí của ĐH Quốc gia Hà Nội trong bảng xếp hạng QS châu Á từ năm 2009 đến năm 2014.
 
Được công bố thường niên từ năm 2009, Bảng xếp hạng đại học QS chọn ra 300 trường đại học hàng đầu châu Á, cung cấp một cái nhìn toàn cảnh về giáo dục đại học ở một trong những khu vực phát triển năng động.

Ngoài 2 cơ sở đào tạo đại học lớn có tên trong bảng "top 200", nếu tính trong "top 300" thì ĐH Bách khoa Hà Nội nằm trong nhóm từ 251-300.

Đứng đầu bảng xếp hạng toàn khu vực năm nay là ĐH Quốc gia Singapore.

Vị trí số 2, 3, 4 dành cho Viện Khoa học và Công nghệ cao cấp Hàn Quốc, ĐH Hồng Kông, ĐH Quốc gia Seoul.

Những trường đại học tiếp theo nằm trong top 10 lần lượt là: ĐH Khoa học và Công nghệ Hồng Kông, ĐH Hồng Kông Trung Quốc, ĐH Công nghệ Nanyang, ĐH Bắc Kinh, ĐH Khoa học và Công nghệ Pohang, ĐH Tokyo.

So với những năm trước, vị trí năm nay của ĐH Quốc gia Hà Nội là cao nhất. Năm 2009 và 2010, trường xếp vị trí thứ 201. Năm 2011 xếp vị trí trên 201, trong khi năm 2012 và 2013 xếp trong nhóm 201-250.

Với sự lên ngôi của ĐH Quốc gia Singapore, đây là lần đầu tiên trong 6 năm thực hiện bảng xếp hạng, trường đứng đầu bảng không phải là một trường của Hồng Kông.

Một "người anh em" khác tới từ Singapore là ĐH Công nghệ Nanyang cũng củng cố vị trí của mình trong top 10 - leo 3 bậc lên vị trí số 7.

Trong khi đó, Viện Khoa học và Công nghệ cao cấp Hàn Quốc có cú nhảy ấn tượng nhất, từ số 6 lên số 2.

Những thay đổi trong top 10 cho thấy hiệu quả từ sự đầu tư của Chính phủ 2 quốc gia này vào giáo dục đại học, đặc biệt là lĩnh vực nghiên cứu và quốc tế hóa.

Các trường đại học của Singapore và Hồng Kông nổi bật trong việc thu hút sinh viên và các học giả từ khắp nơi trên thế giới.

4% sinh viên quốc tế xuất sắc nhất chọn ĐH Hồng Kông, ĐH Khoa học và Công nghệ Hồng Kông, ĐH Công nghệ Nanyang và ĐH Quốc gia Singapore.

Ngược lại, đây vẫn là một điểm yếu của các trường Nhật Bản và Trung Quốc, mặc dù cả hai quốc gia này đều liên tục có nhiều trường nằm trong top đầu.

Bảng xếp hạng đại học QS dựa trên 9 tiêu chí: uy tín học thuật (từ bảng khảo sát toàn cầu), uy tín của trường (từ khảo sát toàn cầu), đội ngũ giảng viên: tỷ lệ giảng viên/ sinh viên, trích dẫn/ mỗi bài báo, số bài báo/giảng viên, tỷ lệ giảng viên quốc tế, tỷ lệ sinh viên quốc tế, tỷ lệ trao đổi sinh viên trong nước, tỷ lệ trao đổi sinh viên ra nước ngoài.

Bảng xếp hạng QS có giá trị thế nào?

Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh, một chuyên gia về kiểm định chất lượng giáo dục đại học cho biết, hiện nay trên thế giới có nhiều bảng xếp hạng đại học.

"Bảng xếp hạng được coi là danh giá nhất thế giới là World University Rankings do tạp chí Times Higher Education (Vương quốc Anh) hợp tác với Thomson Reuters bình chọn. Times Higher Education chỉ xếp hạng 400 đại học hàng đầu thế giới.

Bảng xếp hạng đại học danh giá thứ hai là Academic ranking of world universites do ĐH Giao thông Thượng Hải (Shanghai Jiao Tong University) đánh giá.

Trong khi đó, bảng xếp hạng QS World University Rankings của Công ty Quacquarelli Symonds (Anh) cũng khá nổi tiếng vì QS đã từng hợp tác với tạp chí Times Higher Education để xếp hạng đại học. Tuy nhiên, từ năm 2010, tạp chí Times Higher Education đã ngưng hợp tác với QS và tạo ra phương pháp đánh giá mới, với sự hợp tác của Thomson Reuters.

QS có ba bảng xếp hạng riêng, bảng thứ nhất là Xếp hạng 600 ĐH thế giới (Việt Nam không có ĐH nào lọt top này), bảng thứ hai là Xếp hạng 300 ĐH châu Á (Việt Nam có ĐH Quốc gia Hà Nội thuộc hạng 201-250 của bảng xếp hạng này), bảng thứ ba là Xếp hạng ĐH Mỹ - Latin".

Theo Nguyễn Thảo
Vietnamnet

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm