18 tuổi nuôi 9 miệng ăn
(Dân trí) - 18 tuổi, nhưng Nguyễn Thị Hiên bé quắt queo như một học sinh lớp 6. Từ 10 năm nay, cô học sinh lớp 12A trường THPT Yên Thành 3 (Nghệ An) luôn phải gánh một gánh nặng quá sức: nuôi 9 miệng ăn trong gia đình!
Cảnh đời đầy nước mắt...
Từ thị trấn Diễn Châu chúng tôi phải làm 2 cuốc xe ôm mới về được nhà Hiên ở thôn Đồng Luốc, xã Kim Thành, huyện Yên Thành. Trời mưa lất phất, hơn 40km đường vùng núi phía Tây xứ Nghệ quanh co lên xuống và trơn như đổ mỡ...
Nhà Hiên, cũng như nhiều ngôi nhà khác trong thôn Đồng Luốc, “độc chiếm” hẳn một quả đồi. Hiên đi học, trong nhà em còn lại 8 người. Trong khung cảnh tranh tối tranh sáng của ngôi nhà nhỏ, những bóng đen chậm chạp di chuyển. Phải đợi đến khi ông chú của Hiên từ nhà bên sang thì câu chuyện của chúng tôi mới có thể bắt đầu...
Một danh sách các thành viên đang sống trong ngôi nhà được liệt kê: bố mẹ Hiên, ông nội, vợ chồng em ông nội, chị gái, em trai và thêm một đứa cháu. Thấy khách đến, bố mẹ Hiên lui cụi vào nhà trong kiếm manh áo lành lặn nhất mặc vào rồi ra đứng khép nép cạnh bàn nước nhìn khách và ông chú trò chuyện. Ở một góc nhà, ông nội và vợ chồng người em lặng lẽ ngồi trên chiếc giường ọp ẹp. Ngoài sân, cô chị gái bồng con tha thẩn chơi. Cậu út Giang thì vừa sang hàng xóm lùa đàn trâu nhận chăn thuê ra đồng... Đó là những con người mà chục năm nay em Hiên đã cáng đáng sự sống.
Nếu không nghe chuyện, khó ai có thể tin là nơi đây có một cảnh đời éo le và buồn tủi đến cùng cực. Ông Nguyễn Ngọc Diêu - bố Hiên - khi đi làm công trình thủy lợi kênh (năm 1963) bị sức ép của bom, sau đó về nhà bắt đầu phát bệnh tâm thần. Mẹ Hiên - bà Đặng Thị Quy - không hiểu có phải “lây” chồng hay không mà từ dạo ấy cũng bắt đầu mắc chứng ngớ ngẩn...
Mưu sinh trên vùng đất đồi thôn Đồng Luốc không đủ cái ăn, ông Diêu và bà Quy đã mấy năm trời ròng rã dắt díu nhau tứ xứ xin ăn. Năm 1982, ông bà sinh con gái Nguyễn Thị Quý. Lạ lùng là ít lâu sau, Quý bắt đầu có những dấu hiệu của bệnh tâm thần như bố mẹ. Buồn hơn, cách đây hơn 2 năm, trong một lần vào rừng lấy củi, Quý bị một kẻ lạ mặt hãm hiếp. Đứa con cô đang nuôi đã không có bố lại đang bị suy dinh dưỡng nặng nề...
“Cô Tấm” ở thôn Đồng Luốc
Sinh năm 1986, lọt lòng, Hiên đã được mẹ cõng trên lưng đi xin. Lớn hơn một chút, đến lượt Hiên là người dắt bố mẹ đi xin. Cũng vì đói khổ, năm Hiên lên 2, trong một lần đi xin ăn, bố mẹ đã quyết định bán em cho một người lạ với giá 2 triệu đồng. Cũng may, ông chú Hiên đã nhanh chân chạy báo công an và dân quân nhanh chóng chặn bắt người đó và đòi lại Hiên.
Năm 7 tuổi, Hiên quyết định giã từ “sự nghiệp” tay bị tay gậy. “Con muốn đi học, con không muốn đi xin ăn nữa” - đó là lời cô bé nói với bố mẹ. Đến bây giờ, chính Hiên cũng không giải thích nổi tại sao mình lại có quyết định táo bạo như vậy. Em chỉ mơ hồ rằng đi học thì sướng hơn đi ăn xin, và đi học thì dễ thoát cảnh đói khổ...
Dường như bao trí tuệ của cái gia đình gồm 4 thế hệ, 9 người ấy được “dồn” hết cho Hiên thì phải. 11 năm đi học, Hiên luôn được các thầy cô đánh giá là học sinh thông minh, sáng dạ. Năm nào em cũng là học sinh khá, và nhiều năm là học sinh giỏi cấp huyện. 11 năm qua, Hiên đã sống, đã học và đã nuôi sống cả gia đình bằng chính sức lao động của mình.
Buổi sáng đi học, buổi chiều Hiên đi bộ mấy cây số vào rừng kiếm củi rồi đạp xe xuống chợ Hợp, chợ Rộc (cách nhà trên 20km) bán lấy tiền mua gạo. Đêm về, khi đã xong hết việc nhà Hiên mới ngồi vào bàn học. Ngày nào cũng như ngày nào, dù nắng hay mưa, điệp khúc ấy không bao giờ bị bỏ quên.
Thầy và trò trường tiểu học rồi THCS và trường THPT Yên Thành 3 không ai là không biết đến cô học sinh Nguyễn Thị Hiên bé như cái kẹo nhưng chăm làm, chăm học và học giỏi. Thầy Hiệu trưởng trường THPT Yên Thành 3 Đặng Trọng Khoát, khi được hỏi về cô học trò này, chỉ nói ngắn gọn: “Hiên là học sinh đặc biệt, cả về hoàn cảnh gia đình lẫn ý chí học tập”.
Thấu hiểu hoàn cảnh của Hiên, những năm em đi học các thầy cô và bè bạn đều hết sức nhiệt tình giúp đỡ. Hiên được nhà trường miễn học phí, lại được Công đoàn, Đoàn trường quyên góp và lập Quỹ Tấm lòng vàng hỗ trợ tiền ăn học. Thương Hiên, bạn bè trong lớp cũng thường qua chơi nhà, khi thì cuốc giúp em mảnh vườn, lúc trồng cho nương sắn. Tấm gương hiểu thảo, hiếu học của Hiên đã bay xa khỏi thôn Đồng Luốc, khỏi huyện Yên Thành... “Người ta gọi cái Hiên ni (này) là cô Tấm đó anh ạ” - ông Bí thư Chi bộ thôn Đồng Luốc Phạm Đình Toán nói với chúng tôi.
Mai này, em sẽ là bác sĩ...
Câu chuyện về “cô Tấm” Nguyễn Thị Hiên giờ đây đã được rất nhiều người biết đến. Bằng chứng là nhiều tấm lòng hảo tâm từ Hà Nội, TPHCM và từ nước ngoài đã quyên góp, gửi tiền và quà về giúp em ăn học. Đầu năm 2004, UBND huyện tặng gia đình Hiên 2 triệu để cất nhà mới. Họ hàng, làng xóm xúm vào hỗ trợ thêm tiền, vật liệu giúp gia đình xây được ngôi nhà cấp 4 rộng chừng 15m2.
Tết nguyên đán Giáp Thân, gia đình Hiên đã ăn Tết trong ngôi nhà mới, không còn phải lo cảnh cứ mưa bão là nhà sập như trước. Cách đây ít lâu, Hiên đã lên xin xã cho nhận lại 5 sào ruộng để làm. Tất tật, từ giống đến phân bón, thuốc trừ sâu... em đều phải vay của xã và hàng xóm. Nhà neo người, Hiên chỉ đủ cấy được 2 sào, phần lại cho người khác thầu. Trước hôm chúng tôi đến, Hiên đã mua cho em Giang một con nghé để nuôi. Ít lâu nữa, nhà Hiên sẽ có trâu cày, đỡ phải đi thuê đi mướn...
Bây giờ, Hiên đang chuẩn bị dự thi đại học. Ước mơ lớn nhất của em là được học trường Y hoặc trường Dược, vì “em muốn làm bác sĩ để về chữa bệnh cho bố mẹ em, chị em, cả bà con ở quê em nữa”. Chúng tôi nói trường Y, trường Dược thi khó lắm, Hiên mỉm cười tự tin: “Em tin mình sẽ thực hiện được mơ ước ấy”.
Nhật Anh