12 năm đến trường trên lưng ông nội

Năm lên 2 tuổi, Nguyễn Văn Nam (học sinh lớp 12/1 trường Quốc học Huế) bị một trận sốt nặng rồi bại liệt, tay chân cứ teo lại dần. Lên 6 tuổi, nhìn các bạn cùng trang lứa được tới trường, Nam cũng đòi ông nội cho mình đi học.

Ông Nguyễn Văn Kỳ, ông nội Nam vừa mừng lại vừa lo nhưng rồi cũng cố gắng đưa cháu tới trường. Từ đó, để san bớt phần vất vả của cha mẹ chỉ có nghề chính là làm ruộng và trông nhờ vào gánh cơm hến rong của mẹ, lại phải nuôi hai đứa em còn nhỏ, Nam được đưa về ở hẳn với ông bà.

 

Đi học trên lưng ông nội

 

Cố công cho cháu được học hành đến nơi đến chốn, ông Kỳ ngày hai lượt cõng Nam đến trường cấp I cách nhà 500 mét, bất kể mưa nắng hay lụt lội. Những ngày mưa lớn, ông vẫn cõng Nam trong chiếc áo mưa, bì bõm lội trên con đường đầy bùn sình, Nam nằm co ro trên lưng ông nội, chật vật mãi mới tới được trường thì hai ông cháu đã ướt sũng nước.

 

Khổ là vậy mà ông Kỳ chưa bao giờ nản lòng, với một hy vọng nhỏ nhoi là được đi học thì Nam sẽ có tương lai. Ông kể với giọng tự hào: “Đến năm lớp 4, Nam đi thi học sinh giỏi huyện được giải nhất, hắn làm bài toán chi mà đưa ra ba cách giải đều đúng, thầy cô khen dữ lắm.

 

Tui lại phải vay bà con được gần tám triệu mua chiếc 81 cũ để chở cháu đi học vì nhà xa trường bồi dưỡng quá. Mãi đến gần đây mới trả được hết nợ…”. Lớp bồi dưỡng của Nam lại nằm ở tầng hai, vậy là, không phải cõng Nam đến trường nữa nhưng ông Kỳ vẫn phải ngày hai lượt cõng cháu lên xuống cầu thang của trường.

 

Năm đó Nam đi thi học sinh giỏi toán và văn toàn tỉnh lại “rinh” về giải nhất rồi được tuyển thẳng vào trường THCS Nguyễn Tri Phương. Tại đây, lần đầu tiên Nam được làm quen với máy vi tính và em nhanh chóng tỏ rõ năng khiếu của mình khi ngồi trước dãy bàn phím. Biết được sở thích của cháu, hai ông bà đã chắt chiu suốt một năm trời từ 2 sào vườn tạp và gom góp từ các chú, bác họ hàng để mua cho Nam một chiếc máy vi tính “bành” (máy cũ).

 

Từ đó Nam miệt mài bên chiếc máy vi tính cũ, tự mày mò, tìm tòi và hỏi thêm các thầy cô giáo để tự trang bị cho mình những kiến thức đầu tiên về máy tính. Ông Kỳ vẫn luôn bên cạnh động viên và dõi theo từng bước đi của cháu, cho Nam cảm giác yên tâm học hành.

 

Các thầy cô giáo trường THCS Nguyễn Tri Phương vẫn còn nhớ mãi hình ảnh ông cụ hơn 70 tuổi cõng cháu lên từng bậc cầu thang, có lúc chân đi không vững nhưng vẫn gắng bước lên tới phòng học của Nam ở cuối dãy tầng hai của trường.

 

Không phụ lòng nội, trong 4 năm cấp II Nam đều đạt học sinh giỏi toàn diện và đạt nhiều giải thưởng như giải nhất giải toán bằng máy tính bỏ túi năm học 2001-2002, giải nhì toán toàn tỉnh (năm lớp 8 - không có giải nhất), giải nhì tin học không chuyên…

 

Học để không phụ lòng ông

 

Bất ngờ lớn nhất là năm lớp 9, Nam thi vào lớp Lập trình viên Quốc tế (khai giảng tháng 9/2002) và đỗ đầu với số điểm cao nhất. Em trở thành học viên nhỏ tuổi nhất lớp.

 

Ông Kỳ kể lại: “Học phí phải đóng ban đầu là 650 đô la, tui cứ tưởng là đành phải bó tay rồi, không ngờ cháu giành ngay được học bổng của lớp. Rứa là mỗi ngày có 4 đến 6 lượt đưa cháu đi học rồi về nhà, vì ngoài học trên lớp cháu còn học ở lớp Lập trình viên và học tiếng Pháp nữa…”. 

 

Mỗi ngày đi trọn một lít xăng, ông Kỳ luôn theo sát bước chân Nam tới các lớp học và đưa Nam về nhà. Nam xúc động kể: “Nếu không có ông nội thì em không theo học được đến bây giờ, lúc nào em cũng nghĩ phải cố gắng học để không phụ lòng ông nội”. Mỗi ngày Nam chỉ dành 6 tiếng để ngủ, thời gian còn lại em tập trung đọc sách và làm bạn với máy vi tính.

 

Nam đã tự tập cho mình thói quen dậy từ 5h sáng và tự làm vệ sinh cá nhân để ông bà đỡ cực. Tối nào em cũng chong đèn học bài tới tận 12h. Nam rất yêu sách. Có chút tiền là em lại dành dụm để mua sách đọc. Kết quả của Nam đã chứng tỏ sự nỗ lực không mệt mỏi của em, không những 12 năm liền là học sinh giỏi toàn diện mà em còn là thành viên xuất sắc của lớp lập trình viên.

 

Nhìn những bảng điểm toàn điểm tuyệt đối của các bài kiểm tra và lời nhận xét của giáo viên phụ trách lớp chuyên Pháp 2004 12L (thầy Nguyễn Thanh Tuấn), không ai nghĩ đó là kết quả của một học sinh tật nguyền.

 

Theo Lưu Trang

Tiền Phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm