12 lời khuyên khi viết bài luận xin học

(Dân trí) - Bài luận xin học không phải là một chướng ngại vật đáng sợ, mà nó sẽ là cơ hội để các bạn thể hiện cái tôi của chính mình, khiến bạn trở nên nổi bật trước các ứng viên khác. Chị Trịnh Mai Oanh, Chánh văn phòng Viện Giáo dục Quốc tế IIE có 12 lời khuyên bổ ích dành cho bạn.

1. Luyện tập là điều kiện đầu tiên. Bởi nếu bạn đã viết được một vài bài luận thì bạn sẽ có kinh nghiệm và cảm thấy tự tin hơn khi bắt tay vào viết bài luận chính thức của mình.

 

2. Lập dàn ý: Sau khi đã chọn được chủ đề, bạn hãy lập một dàn ý đại cương. Bạn không cần viết cả câu hoàn chỉnh mà chỉ cần liệt kê ý chính, vẽ hình, lập bảng biểu…

 

3. Ngắn gọn, súc tích: Hầu hết các bài luận chỉ giới hạn khoảng 300 - 600 từ, do đó bạn cần tránh sử dụng những từ hoặc cụm từ thừa, rườm rà.

 

4. Không lạc đề: Cần luôn đảm bảo rằng bài luận của bạn trả lời không lạc đề. Bởi đối với một số chủ đề như “bạn đã rút ra được bài học gì trong một tình huống khó khăn”, nhiều bạn thường sa vào việc miêu tả tình huống đó thay vì viết về những gì bạn đã rút ra được từ nó.

 

5. Tránh lối viết nhàm chán: Hãy đặt vị trí của mình vào vị trí của hội đồng xét tuyển. Nếu mỗi người trong hội đồng một ngày phải xét tuyển hàng ngàn bộ hồ sơ và rất nhiều bài luận, trong đó na ná như nhau, thì một bài luận hay sẽ làm bạn nổi bật.

 

6. Tránh liệt kê lại thành tích: Hội đồng tuyển sinh sẽ biết về điểm thi hay việc bạn đoạt giải piano thông qua đơn xin học của bạn. Do vậy, không cần thiết phải liệt kê lại những thành tích đó trong bài luận, trừ trường hợp ngoại lệ là khi bạn chọn một thành tích và viết sâu về nó.

 

7. Đưa ra dẫn chứng cụ thể: Đừng viết một cách đại khái. Hãy đưa ra một dẫn chứng cụ thể, có thật sẽ hay hơn rất nhiều một dẫn chứng chung chung.

 

8. Tránh sử dụng ngôn từ quá hoa mĩ: Nhiều người có xu hướng sử dụng từ điển hay từ điển đồng nghĩa khi viết bài tự luận và bài luận xin học. Tránh sử dụng những từ ngữ phức tạp mà bạn ít khi dùng bởi hội đồng tuyển sinh thường không thích những phong cách viết khoa trương hay gò bó. Hãy để bài viết của bạn thật tự nhiên và trôi chảy.

 

9. Không sáo rỗng: Bạn hãy sáng tạo và thể hiện các ý tưởng bằng từ ngữ của chính mình.

 

10. Kết luận thật ấn tượng: Trong khi mở đầu là phần đáng chú ý nhất của bài luận thì kết luận cũng rất quan trọng. Một đoạn kết luận không phải là tổng kết lại 400 từ mình đã viết trước đó. Đoạn kết phải như một sợi dây gắn kết các ý thật chặt chẽ với nhau.

 

11. Nên viết đi viết lại vài lần: Hãy thong thả khi viết bài luận. Đó không phải là một bài thi nên bạn hãy viết nháp vài lần, đọc đi đọc lại. Có thể bạn sẽ phát hiện thấy vài điều mới cần sửa hoặc bổ sung mà trước đó bạn đã không để ý tới.

 

12. Kiểm tra lại bài viết: Bạn có thể sử dụng chức năng kiểm tra lỗi chính tả trên máy tính để đảm bảo rằng bài viết của mình không có lỗi chính tả nào. Bạn cũng có thể nhờ người khác đọc và góp ý cho bài viết của mình.

 

Trí Kiên - Phúc Hưng (ghi)