10,4 triệu lao động nông thôn được học nghề: Vẫn còn đó thách thức…
(Dân trí) - Con số 10,4 triệu lao động nông thôn được học nghề các cấp trình độ đạt 94,3% mục tiêu Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhưng vẫn còn đó những khó khăn đặc thù cần giải pháp.
Theo báo cáo Kết quả thực hiện Quyết định số 89/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020" từ Bộ LĐ-TB&XH, trong giai đoạn (2010-2020), đã có 10,4 triệu lao động nông thôn được học nghề các cấp trình độ, đạt 94,3% mục tiêu của Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn (11,03 triệu người).
Trong đó số lao động nông thôn được hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng là 5,8 triệu người, đạt 88,5% kế hoạch (6,558 triệu người) của Đề án trong 11 năm (2010-2020).
Giai đoạn (2016-2019), đã có 4,9 triệu lao động nông thôn được học nghề, đạt 89% kế hoạch giai đoạn (5,5 triệu người), trong đó, số lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng 2,85 triệu người, đạt 74% kế hoạch giai đoạn (3,84 triệu người).
Trong tổng số 2,85 triệu lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề, có trên 0,85 triệu người học nghề nông nghiệp (chiếm 36%), khoảng 2 triệu người học nghề phi nông nghiệp (chiếm 64%); trong đó: 450.000 người dân tộc thiểu số (chiếm 15,8%); 200.000 người thuộc hộ nghèo (chiếm 7,02%), 60.000 người khuyết tật (chiếm 2,11%); còn lại là các đối tượng lao động nông thôn khác.
Đáng nói, các địa phương báo cáo có trên 100.000 hộ nghèo có người tham gia học nghề đã thoát nghèo (chiếm 24,3% tổng số người thuộc hộ nghèo tham gia học nghề); trên 165.000 hộ có người tham gia học nghề, có việc làm và thu nhập cao hơn mức bình quân tại địa phương (trở thành hộ khá), chiếm 2,3% tổng số lao động nông thôn tham gia học nghề.
Tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm sau học nghề giai đoạn 2016 - 2019 là 81,4%, vượt mục tiêu Đề án đặt ra 1,4%.
Tính đến hết tháng 11/2020, cả nước có trên 800.000 lao động nông thôn được học nghề, bằng 80% kế hoạch năm (1 triệu người). Trong đó, số lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề theo Quyết định 1956/QĐ-TTg là 300.000 người. Ước thực hiện năm 2020, cả nước có khoảng 950.000 lao động nông thôn được học nghề (bằng 95% kế hoạch năm), trong đó, số lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề theo QĐ 1956 là 350.000 người.
Riêng về đào tạo nghề cho người hết tuổi lao động, người nội trợ được lồng ghép trong "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020" theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg.
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn không đồng đều
Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đào tạo nghề cho người khuyết tật, người hết tuối lao động còn đó những khó khăn.
Nhận thức của xã hội và người dân về học nghề gắn với việc làm để có thu nhập còn hạn chế, nhất là những năm đầu triển khai Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Công tác tuyên truyền, vận động chưa đi vào chiều sâu, hình thức chưa phong phú; sự phối hợp thực hiện ở các ngành, đoàn thể, địa phương còn nhiều hạn chế, chưa có sự phối hợp chặt chẽ.
Công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn còn gặp nhiều khó khăn, không đạt chỉ tiêu đề ra; hiệu quả hoạt động dạy nghề từng lúc, từng nơi chưa mang lại kết quả như mong muốn.
Việc đặt hàng đào tạo nghề cho lao động nông thôn thuộc diện hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, lao động bị thu hồi đất canh tác có khó khăn về kinh tế không đạt mục tiêu của Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020" do nguồn kinh phí trung ương bố trí thấp hơn so với kế hoạch và vướng mắc trong triển khai thực hiện quy định về đấu thầu đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước.
Cùng với đó, hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn không đồng đều giữa các vùng trong cả nước. Các vùng Trung du và miền núi phía Bắc, Tây Nguyên có số lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề và tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm sau học nghề thấp hơn các vùng khác, trong khi kinh phí Trung ương hỗ trợ bình quân luôn bằng hoặc cao hơn mức hỗ trợ bình quân chung của các vùng khác trong cả nước.
Để khắc phục những hạn chế trên, các địa phương cả nước cần đồng lòng thực hiện đồng bộ các giải pháp, hướng dẫn thực hiện Luật Giáo dục nghề nghiệp. Hướng đến xây dựng hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở, linh hoạt, liên thông và hệ thống chính sách hỗ trợ đào tạo cho các đối tượng tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người có nhu cầu đều có chương trình học, nơi đào tạo và được học nghề tại nhà trường, học tại doanh nghiệp, tại nơi làm việc, vừa làm vừa học, học trực tuyến, học từ xa, học liên tục, học suốt đời gắn với phong trào xây dựng xã hội học tập.
Ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức đào tạo, xây dựng chương trình đào tạo từ xa phù hợp với mọi người để có thể tham gia học tại bất cứ nơi nào, thời gian nào phù hợp với điều kiện và trình độ của mình.
Một giải pháp trọng tâm khác là đa dạng hóa các loại hình đào tạo, mở rộng các hình thức đào tạo, đào tạo lại, đào tạo thường xuyên, đào tạo vừa làm vừa học, đào tạo từ xa, tự học có hướng dẫn, giúp cho người lao động, đặc biệt là lao động nông thôn, người khuyết tật, người nội trợ và người cao tuổi dễ dàng tiếp cận với giáo dục nghề nghiệp để nâng cao kỹ năng nghề nghiệp.