10 năm, số lượng công bố quốc tế của Việt Nam tăng gần 5 lần
(Dân trí) - Công bố khoa học được xem là một trong những thước đo trình độ phát triển khoa học công nghệ và sức cạnh tranh của một quốc gia. Do đó, đầu tư cho KH&CN là ưu tiên hàng đầu của nhiều quốc gia. Trong 10 năm qua, số lượng các công bố quốc tế thuộc Scopus của Việt Nam đã tăng gần 5 lần, từ 1.764 bài công bố vào năm 2009, lên đến 8.234 bài năm 2018.
Trong khối ASEAN, Malaysia là nước có dân số đứng thứ 5 trong khu vực với gần 31 triệu dân (vào đầu năm 2019), nhưng đạt số công bố khoa học thuộc Scopus nhiều nhất, với số lượng bài xuất bản trong danh mục của Scopus bình quân hàng năm cao nhất ASEAN - xấp xỉ 24.700 bài/năm. Các con số này của Singapore, Thái Lan, Indonesia, Việt Nam và Phillipines lần lượt là khoảng 19.000, 12.850, 9.450, 4.220 và 2.300 bài/năm; các nước còn lại của ASEAN chỉ đạt bình quân 200-300 bài/năm.
Việt Nam trong giai đoạn vừa qua ngày càng quan tâm nhiều hơn tới hoạt động nghiên cứu khoa học và công bố quốc tế. Số lượng và chất lượng các nghiên cứu và công bố không ngừng gia tăng.
Thống kê trên Cơ sở dữ liệu của Scopus chỉ ra số lượng các công trình công bố quốc tế của Việt Nam có tốc độ tăng khá ổn định, trong đó cao nhất vào năm 2016 (40,97%). Trong khi đó, Indonesia được ghi nhận là nước có tốc độ tăng công bố quốc tế Scopus cao nhất trong khối ASEAN.
Tốc độ tăng công bố Scopus của Việt Nam 2009-2018. (Nguồn: Cơ sở dữ liệu Scopus, truy cập ngày 7/1/2019)
Công bố của các nhà khoa học Việt Nam trên Scopus thuộc tất cả các lĩnh vực, trong đó, tập trung nhiều nhất ở lĩnh vực khoa học tự nhiên và khoa học kĩ thuật. Trong năm 2018, các lĩnh vực có số lượng nghiên cứu được đăng tạp chí thuộc Scopus đạt từ một nghìn bài trở lên bao gồm: khoa học nông nghiệp, toán học, khoa học vật liệu, vật lí và thiên văn học, khoa học máy tính và kĩ thuật. Các lĩnh vực khác như nha khoa, y tế, khoa học thần kinh, điều dưỡng, thú y, tâm lí học, nghệ thuật và nhân văn có số lượng các bài nghiên cứu thuộc Scopus còn hạn chế, đều dưới 100 bài.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của nghiên cứu khoa học trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, phát huy khả năng sáng tạo và giúp các nhà khoa học, giảng viên và sinh viên tạo ra những sản phẩm KH&CN có giá trị, hiện nay các trường đại học ở Việt Nam đã có nhiều chính sách khuyến khích và đẩy mạnh nghiên cứu khoa học. Các trường đại học tổ chức các hoạt động nghiên cứu cấp cơ sở, hỗ trợ giảng viên và sinh viên tham gia, cùng với đó là các chính sách khuyến khích ngày càng mạnh.
Trường Đại học Quốc tế (ĐHQG TP.HCM) chi thưởng hơn 30 triệu đồng cho mỗi bài báo của giảng viên hoặc sinh viên được đăng trên các tạp chí thuộc danh mục ISI/Scopus; kết quả là không chỉ tỷ lệ bài báo quốc tế/tiến sĩ của trường tăng đáng kể, mà gần đây, có sinh viên vừa tốt nghiệp đã có đến 6 bài báo quốc tế.
Trường Đại học Kinh tế TP.HCM công bố trao thưởng đến 200 triệu đồng cho bài báo khoa học công bố trên các tạp chí khoa học thuộc danh mục ISI/Scopus.
Trường Đại học Ngoại thương có chính sách đầu tư cho các nhóm nghiên cứu mạnh với mức trung bình là 125 triệu đồng/bài báo ISI-Scopus.
Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TP.HCM) ưu tiên thực hiện chính sách cấp kinh phí công bố bài quốc tế có chỉ số ISI (trong trường hợp các tạp chí quốc tế có yêu cầu nộp lệ phí): mức hỗ trợ đối với bài báo thuộc ISI là 15 triệu đồng và 450 giờ NCKH, bài có ISSN quốc tế là 10 triệu đồng và 300 giờ NCKH.
Trường Đại học Y dược TP.HCM cũng đã có chính sách khen thưởng bài báo khoa học đăng trên tạp chí quốc tế có bình duyệt: với nhóm 1 là 2 triệu đồng x chỉ số tác động (Impact Factor, IF) (làm tròn lên đến mức 0,5); nhóm 2 là 3 triệu đồng x chỉ số tác động (làm tròn lên đến mức 0,5)/số tác giả.
19/23 trường đại học công lập thí điểm tự chủ giai đoạn 2015-2017 có bước nhảy vọt về số lượng cũng như chất lượng các bài báo công bố quốc tế. Trong giai đoạn 2013-2016, số lượng các bài viết được công bố trên các tạp chí chuyên môn nước ngoài tăng lên nhiều nhất (số lượng năm 2016 gần gấp đôi so với năm 2014 - từ 848 bài tăng lên 1.651 bài). Số hợp đồng chuyển giao công nghệ tăng gần gấp 3 lần trong giai đoạn 2013-2015. Trong số các trường đại học ngoài công lập của cả nước, trường Đại học Nguyễn Tất Thành và trường Đại học Duy Tân là hai cơ sở dẫn đầu về đầu tư cho KH&CN và về số bài báo quốc tế thuộc danh mục ISI/Scopus.
Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, số lượng các nghiên cứu quốc tế của Việt Nam vẫn còn khiêm tốn so với nhiều nước trong khu vực. Các trường đại học, các viện nghiên cứu của Việt Nam cần có những chính sách cụ thể, hiệu quả hơn nữa để khuyến khích các học giả tham gia nhiều hơn vào nghiên cứu khoa học, đặc biệt là trong những lĩnh vực công bố còn khiêm tốn như y tế, nha khoa, thú y, khoa học quyết định, kinh tế và quản lý, nghiên cứu đa ngành, v.v… Việt Nam cũng cần thúc đẩy mô hình hợp tác liên kết giữa các trường đại học và doanh nghiệp để tăng nguồn kinh phí cho nghiên cứu khoa học, đồng thời gia tăng khả năng ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn.
Nguyễn Thu Thủy, Trần Tú Uyên
(Trường Đại học Ngoại thương)