10 đề tài giải nhất “sinh viên nghiên cứu khoa học” năm 2019

(Dân trí) - Sáng nay, 1/12 tại Hà Nội, Ban tổ chức giải thưởng "Sinh viên nghiên cứu khoa học năm 2019” đã trao 10 giải nhất, 62 giải nhì, 89 giải ba và 118 giải khuyến khích cho các đề tài tham dự.

Đây là giải thưởng hàng năm do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) phối hợp Bộ Khoa học và Công nghệ, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam tổ chức.

Giải thưởng được tổ chức nhằm khuyến khích sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học, phát huy năng lực tư duy sáng tạo, hình thành năng lực tự học, tự nghiên cứu cho sinh viên và vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn trong cuộc sống.

10 đề tài giải nhất “sinh viên nghiên cứu khoa học” năm 2019 - 1

Các sinh viên có công trình nghiên cứu xuất sắc nhận giải thưởng

Năm 2019, giải thưởng “sinh viên nghiên cứu khoa học” đã thu hút được tổng số 419 đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên tham gia xét giải.

Đây là những đề tài xuất sắc nhất được lựa chọn từ hàng nghìn đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên ở 85 trường đại học, học viện trong cả nước.

6 lĩnh vực khoa học và công nghệ được tham gia xét giải thưởng bao gồm: Lĩnh vực Khoa học Tự nhiên; Khoa học Kỹ thuật và Công nghệ; Khoa học Y Dược; Khoa học Nông nghiệp; Khoa học Xã hội và Khoa học Nhân văn.

10 đề tài giải nhất “sinh viên nghiên cứu khoa học” năm 2019 - 2

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc

Phát biểu tại Lễ tổng kết và trao giải thưởng “sinh viên nghiên cứu khoa học” năm 2019, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh, nghiên cứu khoa học của sinh viên được xác định là một nhiệm vụ trọng tâm để nâng cao chất lượng đào tạo đại học, góp phần phát hiện, bồi dưỡng nhân tài và hướng nghiệp. Chỉ tính trong giai đoạn 2011-2019, có 2633 đề tài với gần 7000 sinh viên, 670 lượt các cơ sở giáo dục đại học tham gia.

Theo thứ trưởng Phúc, các công trình dự thi được đánh giá có tính mới, tính sáng tạo, có giá trị khoa học và thực tiễn. Chất lượng đề tài của sinh viên ngày càng tốt hơn, trong số đó có những bài báo công bố quốc tế và trong nước, phát triển thành các sản phẩm ứng dụng trong thực tiễn. Nhiều đề tài đã được các sinh viên tiếp tục nghiên cứu ở bậc học cao hơn (thạc sĩ, tiến sĩ), cũng có nhiều sản phẩm đề tài đã được khởi nghiệp.

Để hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên ngày càng hiệu quả và thiết thực, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đề nghị các cơ sở giáo dục đại học cần có những cơ chế khuyến khích, động viên giảng viên hướng dẫn và sinh viên trong nghiên cứu khoa học.

 Huy động các nguồn lực của xã hội, doanh nghiệp để tạo sân chơi khoa học cho sinh viên, tạo môi trường cho các em được sáng tạo, tư duy trong nghiên cứu khoa học và học tập. Tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học gắn với hoạt động nghiên cứu khoa học trong nhà trường để các em sinh viên sớm tiếp cận với kỹ năng nghiên cứu.

10 đề tài giải nhất “sinh viên nghiên cứu khoa học” năm 2019 - 3

Nhóm sinh viên có đề tài giải nhất

Kết quả sau vòng đánh giá sơ khảo và chung khảo, Ban Tổ chức đã trao 10 giải nhất, 62 giải nhì, 89 giải ba và 118 giải khuyến khích cho các đề tài tham dự giải thưởng “sinh viên nghiên cứu khoa học năm 2019”.

10 đề tài giải nhất

1. Giải pháp tối ưu công suất phát thời gian thực cho hệ thống D2D của nhóm sinh viên: Vũ Gia Phát, Trương Anh Quân, Nguyễn Xuân Tùng, Lê Quang Huy (ĐH Bách khoa Hà Nội)

2. Nghiên cứu lí thuyết, thực nghiệm và mô phỏng khả năng chịu tác động trải trọng nổ của bê tông chất lượng siêu cao UHPC của nhóm sinh viên: Đỗ Văn Đạt, Trần Hữu Tú, Nguyễn Hữu Phúc, Khúc Ngọc Đức (ĐH Xây dựng)

3. Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo robot hỗ trợ khám chữa bệnh từ xa của nhóm sinh viên: Lương Hữu Thành Nam, Nguyễn Đào Xuân Hải (ĐH SPKT TPHCM)

4. Phát hiện đột biến mới trên gen NPR2 và Ứng dụng trong chẩn đoán tiền làm tổ bệnh Acromesomelic Dysplasia của sinh viên Cao Hà My (ĐH Y Hà Nội)

5. Ứng dụng vi khuẩn lên men lactic xử lý hạt giống đậu phộng của nhóm sinh viên: Nguyễn Bảo Trân, Nguyễn Ngọc Gia Bảo, Trần Minh Thư (ĐH Công nghệ TPHCM)

6. Relationship between emotional intelligence and educational achievement – mối quan hệ giữa trí tuệ cảm xúc và thành tích học tập của sinh viên của nhóm sinh viên: Dương Minh Tuyết, Trần Yến Nhi, Hà Thảo Anh, Phùng Thị Như Ý (ĐH Mở TPHCM)

7. Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến việc phát triển "Green Banking (Ngân hàng xanh)" tại các Ngân hàng thương mại ở Việt Nam của nhóm sinh viên Lê Trần Hà Trang, Tạ Nguyễn Lan Trang, Lê Thị Khánh Ly, Đỗ Huệ Anh (ĐH Kinh tế quốc dân)

8. Các yếu tố ảnh hưởng đến tính thanh khoản của các công ty thép được niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam của nhóm sinh viên: Trần Bình Minh, Nguyễn Đức Việt, Kiều Ngọc Thảo, Trần Hồng Ngọc (ĐH Kinh tế quốc dân)

9. Tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đến nền kinh tế Việt Nam và vấn đề đặt ra đối với an ninh quốc gia trong tình hình mới của nhóm sinh viên: Trần Văn Dũng, Mã Trung Hữu, Nông Văn Hoàng (Học viện An ninh nhân dân)

10. Nghiên cứu ứng dụng hoa văn họa tiết trang phục dân tộc thiểu số vào thiết kế bộ bưu thiếp tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam của sinh viên: Đỗ Vũ Minh Ngọc (ĐH Mỹ thuật)

Nhật Hồng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm