Vẫn còn nhiều bất cập trong phân quyền quản lý giáo dục

(Dân trí) - Hơn 4 năm kể từ khi thực hiện Nghị định 115 về phân cấp, phân quyền quản lý giáo dục, các địa phương vẫn gặp nhiều vướng mắc do các văn bản quy phạm, hướng dẫn còn rời rạc, chưa thống nhất với nhau...

Đó là ý kiến của nhiều đại biểu tại Hội nghị sơ kết 4 năm thực hiện Nghị định số 115/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý Nhà nước về giáo dục của Bộ GD-ĐT tổ chức sáng nay 23/4.

Lúng túng khi các trường tư mâu thuẫn

TPHCM là một trong các địa phương thực hiện công tác quản lý nhà nước về giáo dục khá nghiêm túc. Ông Phạm Ngọc Thanh - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM cho biết từ khi có nghị định 115 của Chính phủ, thành phố được phân cấp nhiều hơn trong quản lý các trường ĐH, CĐ và trung cấp chuyên nghiệp (TCCN), đặc biệt là các trường ngoài công lập. Hơn 4 năm thực hiện, Sở GD-ĐT TPHCM kiểm tra thực tế đội ngũ giảng viên, trang thiết bị để mở 59 ngành hệ Cao đẳng, 127 ngành bậc Đại học, 53 ngành trình độ thạc sỹ và 16 ngành trình độ tiến sỹ.

Vẫn còn nhiều bất cập trong phân quyền quản lý giáo dục
Trường ĐH Hùng Vương với những bất ổn nhưng chính quyền địa phương chưa có sự giải quyết nhất quán vì còn nhiều vướng mắc trong quy định

Đồng thời, Sở GD-ĐT TP cũng tham mưu cho UBND TPHCM công nhận Chủ tịch Hội đồng quản trị, Hiệu trưởng cho 5 trường đại học tư thục. Sở GD-ĐT TP cũng ra quyết định công nhận Hội đồng quản trị của 8 trường cao đẳng và 24 trường trung cấp chuyên nghiệp.

Tuy nhiên, ông Thanh cũng cho biết thời gian qua, một số trường ĐH, CĐ ngoài công lập xảy ra mất tình trạng mâu thuẫn nội bộ rất lớn chủ yếu liên quan về quyền lợi kinh tế giữa các cổ đông gây những bất ổn ở địa phương lẫn ảnh hưởng quyền lợi người học. “Thế nhưng những văn bản pháp luật hiện nay vẫn còn trong quá trình hoàn thiện nên chưa giải quyết được. Đó là nỗi lo canh cánh của hàng ngày của chúng tôi”, ông Thanh phát biểu.

Vị phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cũng chỉ ra rằng nguyên nhân chính do các văn bản hướng dẫn luật giáo dục, luật giáo dục ĐH chưa đầy đủ, chưa dự liệu những bất cập phát sinh trong tổ chức, tài chính, hoạt động của các trường. Bên cạnh đó, nội dung hướng dẫn chưa phù hợp đối với các loại hình tường ĐH, CĐ ngoài công lập.

Ông Thanh đặt ra hàng loạt câu hỏi: “Chẳng hạn như quy định công nhận hay không công nhận hội đồng quản trị, hiệu trưởng các trường tư thì chúng tôi bị vướng. Quy định công nhận thì có nhưng còn đối với việc không công nhận thì quy trình như thế nào, ai làm, có đề xuất hay không thì chưa rõ. Văn bản cũng chưa có quy định về trách nhiệm, quyền hạn của người đại diện chính quyền địa phương tham gia vào Hội đồng quản trị của các trường tư thục. Nếu trường có sai phạm xảy ra thì người đại diện chính quyền địa phương có chịu trách nhiệm hay không?

Vấn đề tranh chấp cổ phần, cổ đông của các trường ngoài công lập hiện nay rất phổ biến nhưng chưa có quy định để xử lý. Sở chỉ biết đề nghị cổ đông kiện ra Tòa án. Việc này rất mất thời gian, có khi kéo dài hết nhiệm kỳ của Hội đồng quản trị mà chưa xử lý được. Trong thời gian chờ tiến hành đại hội cổ đông, quyền điều hành nhà trường sẽ thuộc về ai?”, ông Thanh băn khoăn.

Đây là những thực tế đã xảy ra tại các trường như trường ĐH Hùng Vương, ĐH Hoa Sen hay trường CĐ Công nghệ thông tin TPHCM. Ông Phạm Ngọc Thanh đề nghị Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải có hướng dẫn cụ thể việc thực hiện Luật Giáo dục Đại học để các địa phương có đủ cơ sở pháp lý làm việc.

Trong khi đó, tại Hà Nội chưa xảy ra những bất ổn tại các trường khiến cơ quan quản lý địa phương đau đầu nhưng cũng thật sự thuận lợi. Ông Nguyễn Hữu Độ - Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết khi UBND TP Hà Nội yêu cầu gần 100 trường ĐH, CĐ báo cáo về  Sở GD-ĐT công tác đào tạo, liên kết đào tạo thì chỉ có 1 trường đại học, 3 trường cao đẳng báo cáo theo quy định. Sau đó mới có thêm 31 trường gởi báo cáo vào các đợt tiếp theo. Điều đó cho thấy các trường đại học, cao đẳng vẫn chưa nghiêm túc chấp hành các quy định hành chính của thành phố theo quy định tại Nghị định 115.

Bộ GD-ĐT cần lắng nghe ý kiến địa phương khi ra chỉ tiêu

Trong khi đó, ông Quách Việt Tùng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết việc quản lý các trường cao đẳng, trung cấp nằm ở nhiều cơ quan chủ quản khác nhau đã gây lúng túng cho tỉnh. Cụ thể, các trường cao đẳng sư phạm là đơn vị đào tạo nhân lực trực tiếp cho ngành giáo dục, nếu để bộ khác quản lý sẽ chồng chéo. Với trường cao đẳng chuyên một ngành nhất định (như y tế) nếu chuyển qua Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thì yêu cầu về chương trình, phương pháp và chất lượng như thế nào.

Ông Tùng cũng phân tích thêm rằng một trong những nguyên nhân khiến việc phân luồng học sinh sau THCS của tỉnh chưa đạt yêu cầu do vướng mắc khâu liên thông. Tỉnh đang tìm giải pháp phân luồng trong đó xây dựng trường vừa dạy nghề, vừa dạy văn hóa theo hệ thống giáo dục thường xuyên để học sinh có thể dự thi tốt nghiệp THPT và có tay nghề. Vì vậy, các đơn vị này sẽ phải chịu sự quản lý của ngành giáo dục về mặt văn hóa, vừa chịu sự quản lý của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội trong dạy nghề. Từ đó, ông Tùng đề nghị vẫn giao Bộ GD-ĐT quản lý lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp để có sự thống nhất.

Còn ông Trần Trọng Khiếm - Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Cần Thơ thì ý kiến rằng hằng năm, việc giao chỉ tiêu tuyển sinh các trường TCCN được Bộ GD-ĐT giao trực tiếp cho các trường mà không có ý kiến của Sở GD-ĐT xác nhận năng lực thực tế các trường tại thời điểm giao chỉ tiêu. “Điều này dẫn đến việc xác định chỉ tiêu chưa đúng thực tế về điều kiện dạy học ở một số đơn vị” - ông Khiếm cho biết.

Tương tự, ông Phạm Ngọc Thanh - Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cũng kiến nghị khi xác định chỉ tiêu đào tạo hệ trung cấp, Bộ GD-ĐT cần lắng nghe ý kiến của các Sở GD-ĐT để xác nhận năng lực đào tạo thực tế của các trường tại thời điểm giao chỉ tiêu.

Lê Phương