Ủy ban Văn hóa: “Việc Bộ GD&ĐT vay 16 triệu USD hay không vẫn còn xem xét”

(Dân trí) - Sẽ không có bộ SGK do Bộ GD&ĐT đứng ra chủ trì như dự kiến ban đầu. Nhiều người băn khoăn, khoản vay 16 triệu USD tương đương gần 400 tỷ đồng để làm sách sẽ đi đâu? Tuy nhiên, trả lời trên vtv.vn, đại diện Ngân hàng Thế giới cho biết, khoản tiền này vẫn trong tài khoản của Ngân hàng Thế giới.

Tiền vẫn trong tài khoản của Ngân hàng thế giới

Trong khoản 77 triệu USD vốn vay ODA của Ngân hàng thế giới để đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, có hơn 16 triệu USD để biên soạn 1 bộ sách giáo khoa (SGK).

Tuy nhiên, đến tháng 5, Bộ GD&ĐT báo cáo không thực hiện được việc này. Dư luận băn khoăn: 16 triệu đô ấy đã chi vào việc gì?

Trả lời trên diễn đàn giáo dục của VTV mới đây, bà Trần Thị Mỹ An, chuyên gia giáo dục cao cấp của Ngân hàng Thế giới cho biết, như cam kết với Chính phủ Việt Nam, một trong những hoạt động hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông là biên soạn một bộ SGK tương ứng với chương trình giáo dục phổ thông mới.

Vào tháng 5/2019, Chính phủ Việt Nam thông báo, nhiều NXB đã biên soạn nhiều bộ SGK khác nhau cho nhiều môn học.

Do đó, để tránh chồng chéo và đỡ lãng phí nguồn lực, Bộ GD&ĐT cùng Ngân hàng Thế giới đã thống nhất ngừng tự biên soạn bộ SGK và tập trung nguồn lực cho việc thẩm định.

Dự án đã cung cấp các chuyên gia quốc tế để giúp thẩm định, biên soạn SGK. Do vậy, khoản tiền 16 triệu USD hiện vẫn nằm trong tài khoản của Ngân hàng Thế giới.

Ủy ban Văn hóa: “Việc Bộ GDĐT vay 16 triệu USD hay không vẫn còn xem xét” - 1

“Chúng tôi vẫn đợi đề xuất chính thức của Chính phủ Việt Nam tới Ngân hàng thế giới về việc sử dụng số tiền này vào một số mục tiêu của dự án sắp tới nhằm nâng cao hiệu quả của giáo dục thông qua việc cải tiến chương trình và SGK”, bà Mỹ An cho hay.

Về việc tái cơ cấu nguồn vốn vay 16 triệu đô này sang một số hợp phần khác, vậy làm sao để minh bạch được các khoản chi?

Bà Mỹ An cho hay, Ngân hàng thế giới luôn đề cao tính hiệu quả, minh bạch. Hàng năm, đơn vị này có hai đoàn giám sát dự án để đánh giá tiến độ thực hiện dự án và đảm bảo kế hoạch đề ra theo tiêu chuẩn quốc tế.

“Chúng tôi cũng giám sát để dự án được thực hiện hiệu quả, tiết kiệm, tuân thủ các quy định của ngân hàng thế giới để đạt được mục tiêu cuối cùng của dự án”, bà Mỹ An khẳng định.

Trả lời PV Dân trí trước đó, ông Nguyễn Xuân Thành (Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Giám đốc Dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông) cho biết, do không làm SGK nữa nên Bộ GD&ĐT phải tái cơ cấu sang các đầu việc khác. Hiện tại, Bộ vẫn tiếp tục đàm phán với Ngân hàng Thế giới đến ngày 6/12 này.

“Ủy ban sẽ bàn bạc kĩ hơn”

Đại diện Bộ GD&ĐT khẳng định, hiện khoản tiền này chưa được giải ngân do vẫn đang trong quá trình đàm phán với Ngân hàng Thế giới để tái phân bổ vào các  việc như: Biên soạn tài liệu hướng dẫn thực hiện chương trình; Đổi mới phương pháp dạy học; Kiểm tra, đánh giá, bồi dưỡng 900.000 cán bộ, giáo viên.

Trao đổi tại diễn đàn trên về khoản vay 16 triệu USD của Bộ GD&ĐT, bà Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban VHTTN Nhi đồng của Quốc hội cho biết, đơn vị này vừa nhận được báo cáo của Bộ GD&ĐT.

Trong báo cáo này, có nội dung liên quan tới việc lựa chọn SGK và Ủy ban chưa thảo luận về các vấn đề khác.

Ủy ban Văn hóa: “Việc Bộ GDĐT vay 16 triệu USD hay không vẫn còn xem xét” - 2

Phó Chủ nhiệm UBVHTTN nhi đồng của Quốc hội cho rằng, việc vay hay không, hiện vẫn còn phải xem xét. (Ảnh: Mỹ Hà). 

“Bộ sẽ có báo cáo riêng với Ủy ban về nội dung này. Tuy nhiên, phải xem xét kĩ bởi đây là khoản vay ưu đãi nên có nhiều đầu việc rất cần thiết thì vẫn nên vay”, bà Ngô Thị Minh cho hay.

Bà Minh cho rằng, chúng ta cần xem xét nhiều vấn đề liên quan, chẳng hạn có nhất thiết bắt buộc học sinh vùng sâu vùng xa phải mua một bộ sách mới không? Hay với sự tài trợ của Ngân hàng Thế giới, chúng ta có thể trang bị SGK cho thư viện, điều đó rất nhiều phụ huynh mong muốn.

Phó Chủ nhiệm UB VHTTN Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, việc vay hay không, hiện vẫn còn phải xem xét: Vay để chi vào mục chi gì, cách trả nợ như thế nào. “Ủy bạn chúng tôi sẽ phải có bàn bạc kĩ hơn để tham mưu cho Ủy ban thường vụ Quốc hội trong kì họp tới. Cần có giám sát khoản vay rất chặt chẽ, các hoạt động phải hiệu quả, minh bạch trong đó tạo điều kiện cho học sinh vùng khó khăn thụ hưởng”, bà Minh khẳng định.

Cũng theo Phó Chủ nhiệm Ngô Thị Minh, không riêng 16 triệu đô mà chúng ta đang vay cả 77 triệu đô để thực hiện việc đổi mới. Do đó, ngoài chương trình SGK, chúng ta phải quan tâm đến cơ sở vật chất, có lộ trình giảm số học sinh…

Hiện khoản vay này vẫn chưa giải ngân ra nên phải có bàn bạc kĩ với Ngân hàng Thế giới trước khi được rút.

Kinh phí đầu tư cho dự án Đổi mới giáo dục phổ thông khoảng 80 triệu USD (khoảng 1.800 tỷ đồng, tính theo tỷ giá hiện hành). Trong đó, 77 triệu USD là vốn ODA vay ưu đãi từ Ngân hàng Thế giới và 3 triệu USD vốn đối ứng.

Dự án được phê duyệt năm 2015, có hiệu lực từ ngày 8/8/2016 và kết thúc vào năm 2020. Trong số này, khoản 16 triệu USD dành để biên soạn bộ sách giáo khoa (SGK) do Bộ GD&ĐT tổ chức thực hiện.

Tuy nhiên, kế hoạch viết một bộ SGK của Bộ GD&ĐT không thực hiện được.

Mỹ Hà