Tư vấn "Dạy con tuổi teen tự lập - thách thức với cha mẹ"

Chiều nay, Trường THPT FPT phối hợp với báo Dân trí tổ chức buổi tư vấn với chủ đề “Dạy con tuổi teen tự lập - thách thức với cha mẹ” nhằm chia sẻ những định hướng về việc giáo dục con trong độ tuổi 15. Mời bạn đọc theo dõi buổi tư vấn.

Tư vấn "Dạy con tuổi teen tự lập - thách thức với cha mẹ" - 1

Mời bạn đọc theo dõi buổi tư vấn:

Chúng tôi xin được gửi lời chào trân trọng đến quý vị phụ huynh đang tham gia buổi giao lưu.

Rất nhiều phụ huynh đã hoặc đang trăn trở trước câu hỏi dạy con như thế nào cho đúng, nhất là khi con bước vào “tuổi teen” - giai đoạn đặc biệt quan trọng trong việc định hình nhân cách.

Là những người nhiều năm tiếp xúc, nghiên cứu tâm lý thanh thiếu niên đồng thời cũng là bậc làm cha, làm mẹ, chúng tôi mong muốn chia sẻ các thông tin hữu ích như tâm lý lứa tuổi, cách dạy con chia sẻ việc nhà, giúp học sinh tuổi teen học cách tự lập để trưởng thành.

Nhà văn Trang Hạ và Thạc sĩ tâm lý Phùng Thị Hiên sẽ đứng từ góc nhìn của những người am hiểu sâu sắc về tâm lý, gợi ý cách “gỡ nút” những thách thức dạy con mà nhiều phụ huynh đang gặp phải. Ông Trần Vũ Quang sẽ chia sẻ về kinh nghiệm của mình trong việc vừa quản lý, vừa làm bạn với học sinh qua thời gian công tác tại Trường THPT nội trú FPT - mô hình đào tạo kết hợp giữa dạy kiến thức và kỹ năng sống tự lập.

Qua đó, chúng tôi hy vọng phần nào giải đáp những băn khoăn của phụ huynh có con đang bước vào giai đoạn quyết định đến việc học tập và định hình nhân cách.

Các khách mời tư vấn và đại diện của Trường THPT FPT tham gia buổi giao lưu trực tuyến chiều nay với chủ đề “Dạy con tuổi teen tự lập - Thách thức với cha mẹ”.


Các khách mời tư vấn và đại diện Trường THPT FPT tham gia buổi giao lưu chiều nay.

Các khách mời tư vấn và đại diện Trường THPT FPT tham gia buổi giao lưu chiều nay.

Nhà văn Trang Hạ sẽ dành 5 phần quà gửi tặng độc giả có câu hỏi thú vị trong buổi giao lưu.

Mỗi phần quà gồm có: dành cho lứa tuổi 18 là 01 cuốn best seller của nhà văn: "Tình nhân không bao giờ đòi cưới"; và bộ sách 6 cuốn "Giáo dục kĩ năng ứng phó thảm họa, thiên tai" dành cho trẻ 10 tuổi.

Thông điệp quan trọng từ những cuốn sách:

Không bao giờ có một đứa trẻ hôm nay được bố mẹ đút cho ăn cơm, phục vụ tận răng, cầm tay nắn nót từng nét chữ giúp con, ngày mai chớp mắt trở thành đứa trẻ độc lập có trách nhiệm với bản thân.

Không thể có chuyện dạy con theo cách làm hộ con, quản trị thời gian và quan hệ hộ con, ứng phó nguy cơ hộ con, chịu trách nhiệm hộ con, mà lại tạo ra được một thanh niên 18 tuổi bước vào đời có tinh thần tự lập và tư duy độc lập.

Vậy thì dạy con tự lập là cả 1 quá trình bắt đầu từ lúc bé đang tập đi, vừa biết nói, mới biết xúc cơm, dạy từ cách tự phục vụ, cách chịu trách nhiệm, cách quản lý chi tiêu và thời gian v.v... cho tới khi trẻ biết cả kiến thức phòng tránh thai, nói không với ma túy và tệ nạn xã hội, biết chống lại quấy rối tình dục v.v...

Nên bố mẹ có thể bắt đầu bằng sách, bằng cách dạy dỗ, bằng tạo thói quen tốt cho trẻ... càng sớm càng tốt."

Nguyễn Thị Thơ - Giới tính: Nữ - Tuổi: 45 - Email: nguyenthithoxxx@gmail.com - Mobile: 01687457xxx

Con trai tôi đang học tốt đột nhiên hai năm nay trở lại đây không tập trung vào việc học nữa, thích làm mọi việc theo ý của mình. Tôi đã cho cháu học lại một năm lớp 8. Năm nay, cháu học lớp 9 nhưng tình hình vẫn không thay đổi. Vậy xin hỏi chuyên gia với tình hình này tôi có nên cho cháu học lại lớp 9 một năm nữa không hay cho cháu đi học nghề?

Thạc sĩ Tâm lý Phùng Thị Hiên:

Chị Thơ thân mến,

Ở lứa tuổi vị thành niên, sự phát triển hooc-môn giới tính mạnh mẽ cũng tác động ít nhiều đến cảm xúc, tâm lý của các con khiến cho nhiều con khó tập trung hơn so với những lứa tuổi khác. Đồng thời, trong lứa tuổi này các con cũng thích “tách” khỏi vòng tay của cha mẹ và hướng ra các mối quan hệ bạn bè cùng lứa để khẳng định mình đã lớn.

Bởi vậy, nhiều con thích làm theo ý mình, coi việc bảo vệ ý kiến của mình như là cách để khẳng định bản thân. Những đặc điểm tâm lý đó là điều kiện thuận lợi để các con tăng mức độ mất tập trung và nhất mực làm theo ý muốn của mình nếu gặp những tình huống có vấn đề.


Thạc sĩ Tâm lý Phùng Thị Hiên đang trả lời các câu hỏi của độc giả trong buổi giao lưu.

Thạc sĩ Tâm lý Phùng Thị Hiên đang trả lời các câu hỏi của độc giả trong buổi giao lưu.

Như chị chia sẻ thì con mới thay đổi trong khoảng gần 2 năm nay. Vậy nên, việc thứ nhất chị cần làm là trò chuyện cùng con để xem có điều gì đã xảy ra với con trong thời điểm những năm trước đây hay không. Nếu chị cảm thấy có khó khăn trong việc trò chuyện cùng con để tìm hiểu vấn đề này thì có thể nhờ đến những người mà con thường dễ cởi mở hoặc các chuyên gia tâm lý. Khi tìm hiểu được nguyên nhân, chúng ta mới tìm được hướng hỗ trợ con phù hợp.

Thứ hai, vẫn là để con làm theo ý của mình, song đó phải là quá trình gia đình thảo luận cùng con về tìm hiểu nhu cầu, mong muốn của con, khơi gợi khả năng con vốn có. Cùng con tìm ra mục đích của mỗi hướng đi, phân tích những ưu điểm và hạn chế trong mỗi một con đường: tiếp tục học lại hay học nghề. Con cũng cần được biết rằng trong mỗi lựa chọn ấy gia đình có thể/không thể hỗ trợ con được những điều gì.

Ví dụ, nếu con muốn học lại thì gia đình cần khơi gợi để con nhớ rằng con có tư chất tốt để học. Thực tế trước đây con đã từng học tốt và mục đích của việc học lại là gì? Có phải là để cải thiện tình hình học tập của bản thân và hướng tới những mục tiêu xa hơn như thi vào trường Cao đẳng, Đại học hay không? Nếu quả thế thì gia đình sẽ ủng hộ con, giúp con được học thêm nếu con muốn để bù lấp “khoảng trống” kiến thức trong thời gian vừa qua…

Cho dù là lựa chọn của con là gì thì đó cũng là những lựa chọn dựa trên việc con được cùng đưa ra ý kiến, thảo luận và tự quyết định trên cơ sở cân nhắc nhiều chiều. Điều đó, cũng khiến con cảm thấy được tôn trọng và có thể sẽ cố gắng để làm tốt sự lựa chọn của bản thân thay vì việc chị và gia đình tự quyết định cho con học lại hay học nghề.

Nhà văn Trang Hạ:


Nhà văn Trang Hạ giải đáp thắc mắc của phụ huynh, tư vấn cách định hướng học tập, định hình tính cách cho các con lứa tuổi teen.

Nhà văn Trang Hạ giải đáp thắc mắc của phụ huynh, tư vấn cách định hướng học tập, định hình tính cách cho các con lứa tuổi teen.

Chào chị, xin hỏi mục đích những việc chị đang làm suốt hai năm nay là gì vậy?

Nếu con không thích học như mẹ mong muốn, có thể vì chính nó không hề tìm ra ý nghĩa và lý do của việc học! Vậy chị nghĩ cho học lớp 8 hai lần thì bỗng nhiên, con chị sẽ yêu đời, yêu trang sách và kiến thức, trở thành một trò giỏi?

Con không nghe lời mẹ, có thể vì chị chỉ quan tâm tới bản thân chị (bị con không nghe lời) chứ chị không đếm xỉa tới con (vì sao con phản ứng, lý do của con). Vậy học lớp 8 hai lần có trả lời cho chị câu hỏi đó không?

Nên nếu chị ứng xử và quy hoạch cuộc sống gia đình mình theo cách không mục đích như thế, quyết định ấy cho thấy chị đang không biết chị cần gì và chị đang làm gì, nhưng chị lại đòi con phải có mục tiêu sống, phải có kế hoạch cuộc đời, thật là mâu thuẫn và phi lý!

Xin lỗi đã nói sự thật! Vì tôi nghĩ, bên cạnh chị đã không có nhiều người có thể cho chị nhìn thấy bản chất sai lầm của các quyết định hệ trọng.

Hãy ngồi nhiều buổi với con, nói chuyện trực tiếp, hỏi xem con chị muốn gì, muốn trở thành ai, thấy thích thú điều gì nhất, có năng lực gì mà nó tự hào!

Hãy vẽ bản đồ cho con tự đi tới tương lai. Chứ đừng làm chó khai hoang hay người phát bụi rậm đi trước rồi con lóc cóc theo sau tuân thủ như thế! Bố mẹ làm người chỉ đường thôi, con phải tự đi!

Nên kể cả học nghề, học tiếp, hay bỏ ngang đi làm thuê, hay tìm cách nào đó thay đổi mục tiêu sống của con chị, chị cần hỏi nó, không phải hỏi tôi. Tôi rất sợ phải quyết định cuộc đời một đứa trẻ mà tôi không quen biết!

Ông Trần Vũ Quang, Phó Hiệu trường Trường THPT FPT:

Tôi nghĩ rằng khi học tốt, con chị nảy sinh tâm lý chủ quan, tự cho mình thời gian để làm những việc khác mình thích, và thời gian trôi qua bạn ý đã lạc bước rồi mất gốc, hổng kiến thức. Tôi đã từng gặp một vài học sinh trong tình trạng tương tự. Mặc dù có những lúc các em rất muốn học tập nhưng “lực bất tòng tâm”.

Với những trường hợp như vậy theo tôi gia đình nên nói chuyện trực tiếp hoặc thông qua một ai đó có ảnh hưởng với em học sinh để tìm hiểu vấn đề em gặp phải: thiếu động lực học tập, hổng kiến thức hay có sự quan tâm nào khác? Từ đó sẽ đưa ra những giải pháp phù hợp cho từng nguyên nhân.

Ngoài ra môi trường học tập cũng là một trong những yếu tố rất quan trọng, nó ảnh hưởng rất nhiều tới động lực, hứng thú học tập của mỗi học sinh. Bên cạnh đó nó còn chi phối, tạo lực cản tâm lý cho sự phấn đấu của học sinh. Việc thay đổi môi trường học tập cho con cũng là một giải pháp đáng quan tâm. Khi đó sẽ tạo cho em học sinh có một tâm thế mới để bắt đầu đi lại chặng đường học tập.


Môi trường học tập hiện đại, đề cao sự tự chủ, sáng tạo của mỗi cá nhân giúp học sinh cảm thấy hứng thú hơn.

Môi trường học tập hiện đại, đề cao sự tự chủ, sáng tạo của mỗi cá nhân giúp học sinh cảm thấy hứng thú hơn.

Hoàng Anh - Giới tính: Nữ - Tuổi: 38 - Email: hoanganh11xxx@gmail.com - Mobile: 0904639xxx

Con tôi nói dối rất nhiều, nói dối thành thói quen và rất trôi chảy, mọi người không biết đâu là thật đâu là dối, lúc đầu tôi chỉ nghĩ là nó luyên thuyên nhưng giờ mọi việc nghiêm trọng hơn nhiều, nếu nói lý lẽ nó lảng sang chuyện khác, nếu mắng nó càng trở nên ngang ngược, mất kiểm soát, mong chị Trang Hạ chỉ cho tôi cách giáo dục con, tôi cảm giác tôi sắp đánh mất nó rồi, rất mong được tư vấn.

Nhà văn Trang Hạ:

Con chị, nó đang tự vệ chứ không phải đang mưu lợi - hy vọng thế!

Nó đang sợ hãi - chắc chắn thế!

Nó cần đồng minh, cần sự thương cảm dù có được bằng cách giả dối - có thể lắm!

Việc chứng minh nó nói dối càng làm cho sự thể trầm trọng hơn, nó bị đưa vào đúng tâm mũi tên trừng phạt, nó càng sợ hãi, nó càng cần tự vệ, nó càng có lý do để nói dối.

Nếu những cách chị từng sử dụng đều thất bại, như là mắng, trừng phạt, răn đe, thì có thể phân tích như sau:

Chị đã bỏ qua một giai đoạn quan trọng khi bé phát triển tính cách, là giai đoạn 4-5 tuổi, bé ưa bắt chước tính cách và phong cách, bé cần đồng minh. Chị cũng không có phương pháp giáo dục đủ hiệu quả để bé nhận thức vấn đề nghiêm trọng thế nào ngay tại thời điểm đấy.

Tôi biết làm mẹ rất vất vả, tôi biết chị khổ tâm vì tính xấu của con mình. Nên tôi chỉ muốn nói rằng, tự chịu trách nhiệm về bản thân là cả một quá trình, chứ không có liều thuốc thần tiên nào có thể, xài thuốc đó, ngày mai con chị trở thành một người trung thực và chịu trách nhiệm tới từng lời nói.

Chị đi đường vòng đi! Qua cô giáo, qua bạn bè thân thuộc, qua những quan hệ xã hội của con chị! Những người đó có thể tác động lớn tới con chị.


Quan tâm tới các mối quan hệ xã hội, bạn bè thân thiết của con cũng là cách để bố mẹ hiểu con hơn.

Quan tâm tới các mối quan hệ xã hội, bạn bè thân thiết của con cũng là cách để bố mẹ hiểu con hơn.

Tôi từng được một gia đình có tầm cỡ mời tới làm “gia sư ngoại ngữ” cho con cháu họ trong một thời gian, thực ra là họ muốn tôi uốn nắn cá tính của con cháu họ, gia sư chỉ là một cớ để tiếp xúc. Họ tin rằng con cháu họ sẽ thay đổi vì những câu chuyện thủ thỉ tâm tình, chuyện xã hội, chuyện ước vọng kế hoạch sống sau này. Chứ họ biết, việc đe nẹt, mắng mỏ, dạy dỗ trong gia đình đã bất lực!

Không dám nói đúng sai, chỉ có thể đưa ra để chị thấy rằng: Với mỗi đứa trẻ, phải “đo ni đóng giày” cá tính nó để giáo dục. Với mỗi gia đình, việc dạy con sống có bản lĩnh và giá trị cũng trở thành vấn đề của mọi gia đình, không phải chỉ riêng chị đau khổ. Và, mọi người đều đã tìm những cách rất đa dạng, không ai bỏ cuộc!

Hy vọng chị cũng thế, và chị làm được!

Trân trọng.

Thạc sĩ Tâm lý Phùng Thị Hiên:

Đọc những chia sẻ của chị tôi cảm nhận được phần nào những lo lắng chị đang có khi thấy con đang có thói quen nói dối và có vẻ mất kiểm soát mỗi khi chị mắng con vì điều này.

Để giúp con thay đổi một hành vi đã trở thành thói quen là một quá trình với nhiều thời gian và công sức.

Quá trình này không phải chỉ là sự thay đổi của con mà còn là của chính người lớn chúng ta. Bắt đầu từ cách chúng ta nhìn nhận, đánh giá và xử trí tình huống con nói dối. Thay vì việc mình cũng mất kiểm soát và mắng con, chúng ta có thể bình tĩnh xử trí.

Trước tiên cùng nhìn nhận xem mục đích của việc con nói dối là để làm gì: Ví dụ nếu con nói dối để gây sự chú ý thì có thể con đang cảm nhận rằng mình chưa thực sự có được sự quan tâm từ những người xung quanh hoặc chưa quan tâm như cách con mong đợi.

Trong trường hợp này, bố mẹ có thể dành nhiều thời gian cho con hơn, tạo ra những cơ hội để trò chuyện tâm sự với con. Chia sẻ cùng con suy nghĩ, lo lắng của chính mình để con học cách chia sẻ lại cùng bố mẹ những quan điểm, suy nghĩ, mong muốn của bản thân. Khi con cảm nhận sự ấm áp, con biết rằng mình được quan tâm, được chú ý thì sẽ không còn phải nỗ lực gây sự chú ý bằng cách nói không đúng sự thật.

Cũng có thể con đã hiểu lầm thông điệp của chúng ta trong quá trình giao tiếp. Con nghĩ rằng mình phải nói những điều mà người lớn thích nghe, người lớn mong đợi. Ví dụ khi con nói thật là con đang bị điểm kém thì ngay lập tức bị người lớn chúng ta phê bình, chê trách. Nhưng nếu con nói dối con được khen ngợi ở trường thì người lớn khích lệ, tán dương. Khi đó, con sẽ nhanh chóng nhận ra mình nên nói cái gì và không nói cái gì. Điều này lặp lại thường xuyên sẽ củng cố hành vi nói dối của con.

Đôi khi cách chúng ta ứng xử với con sẽ vô tình củng cố hành vi tích cực hoặc tiêu cực của con. Bởi thế, bên cạnh việc tìm nguyên nhân để cùng con thay đổi, chị cũng có thể nói chuyện thẳng thắn, nhưng bình tĩnh và đầy cảm thông với con với con về vấn đề này. Chị chia sẻ cùng con những cảm xúc chị đang có và nói với con những mong đợi của chị về sự thay đổi của con, lắng nghe những chia sẻ của con và cùng con thống nhất một vài điểm. Ví dụ, nếu con cần mua một dụng cụ cá nhân mới thì thay vì con nói dối là xin tiền đóng học con có thể nói rõ con dùng tiền để làm gì.

Trong trường hợp đó bố mẹ sẽ thảo luận cùng con và con có cơ hội nhận được sự đồng ý nhiều hơn. Nếu bố mẹ biết con nói dối thì không những con không nhận được sự đồng ý cho lần đó, mà còn mất cơ hội được nhận một “đặc quyền” đáng lẽ con được hưởng như đi chơi cùng bạn vào cuối tuần…

Thống nhất cùng con nguyên tắc, nhất quán với những gì đã trao đổi, đồng thời khen ngợi, ghi nhận khi con giảm việc nói dối sẽ giúp con dần cải thiện thói quen này.

Thân mến.

Hoàng Văn Tùng - Giới tính: Nam - Tuổi: 52 tuổi - Mobile: 01237895xxx

Học sinh học nội trú có thể phát triển những tính cách, khả năng gì so với học trường bình thường. Liệu có an toàn không khi để các cháu mới mười mấy tuổi ở cùng nhau?

Ông Trần Vũ Quang, Phó Hiệu trường Trường THPT FPT:


Ông Trần Vũ Quang giải đáp băn khoăn của phụ huynh về tính an toàn của môi trường học tập nội trú.

Ông Trần Vũ Quang giải đáp băn khoăn của phụ huynh về tính an toàn của môi trường học tập nội trú.

Chào anh Tùng,

Cuộc sống là một trường học lớn. Bản thân việc thay đổi môi trường và sống xa gia đình cũng đã là một cơ hội tốt cho việc tự lập và trưởng thành của các em học sinh rồi. Khi sống trong môi trường nội trú của Trường THPT FPT, các em học sinh phải học cách sống chung và thích nghi với các nội quy, quy định, sống chung với các bạn trong phòng với nhiều nét tính cách và văn hóa khác nhau… Mỗi học sinh sẽ phải đối mặt và tự giải quyết các vấn đề lớn nhỏ khác nhau phát sinh trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Tất cả những điều này sẽ rèn luyện cho các em khả năng thích nghi và nâng cao kỹ năng sống tập thể.

Tại Trường THPT FPT, chúng tôi luôn kết hợp hài hòa các yếu tố: nâng cao nhận thức, ý thức tự giác tích cực bên cạnh những chế tài về kỷ luật trong công tác quản lý giáo dục học sinh.

Bên cạnh đó, nhà trường có bộ môn PDP (Phát triển cá nhân) là môn học sẽ dạy cho các em những kỹ năng mềm cần thiết như: nhận thức bản thân, kỹ năng lập kế hoạch cá nhân, kỹ năng đàm phán - thuyết phục… Mời anh tìm thiểu thông tin thêm TẠI ĐÂY.

Cùng với các giải thể thao thì các hoạt động ngoại khóa cũng được tổ chức thường xuyên theo mốc các sự kiện trung bình khoảng 4-5 sự kiện lớn và >10 sự kiện nhỏ (tham khảo TẠI ĐÂY). Hoạt động dã ngoại cũng được tổ chức với nhiều hình thức khác nhau như: dã ngoại hướng nghiệp, ngoại khóa, team bulding... (tham khảo TẠI ĐÂY).

Nguyễn Huỳnh Văn - Giới tính: Nam - Tuổi: 37 - Email: langmucuxxx@fpt.edu.vn

Xin hỏi thầy Phó hiệu trưởng Trường THPT FPT. Tôi được biết trường Trường THPT FPT là trường chuyên phong cách sống. Học sinh sẽ đc rèn tự lập trong môi trường nội trú, sống và sinh hoạt trong ký túc xá. Tôi cũng đọc được bài báo về “Chuyện những người thầy không dạy chữ viết” về các thầy cô làm công tác quản nhiệm. Vậy tôi muốn hỏi trường đã đào tạo những thầy cô này như thế nào để làm tốt công việc truyền dạy nhân cách cho học sinh?

Cảm ơn thầy!

Ông Trần Vũ Quang, Phó Hiệu trường Trường THPT FPT:

Chào anh Văn,

Cám ơn anh đã quan tâm tìm hiểu về Trường THPT FPT.

Trường THPT FPT hoạt động theo mô hình nội trú, bên cạnh đội ngũ giáo viên chủ nhiệm quản lý và giúp đỡ các em học sinh trên giảng đường thì có các thầy cố giáo viên quản nhiệm. Đó là những người đồng hành, giúp đỡ, uốn nắn các em học sinh trong suốt quá trình học tập nội trú tại trường.

Thực tế tại Việt Nam chưa có trường nào đào tạo nghề giáo viên quản nhiệm, do vậy các thầy cô đều học những chuyên ngành khác nhau tại nhiều trường đại học. Khi làm công tác giáo viên quản nhiệm các thầy cô đều là những người có mong muốn cống hiến cho sự nghiệp giáo dục nói chung và chia sẻ triết lý giáo dục của Trường THPT FPT. Do vậy sự tận tâm, nhiệt tình, trách nhiệm luôn là những phẩm chất thường trực, sẵn có trong đội ngũ.


Các khách mời đang tư vấn trong buổi giao lưu với độc giả Dân Trí.

Các khách mời đang tư vấn trong buổi giao lưu với độc giả Dân Trí.

Các thầy cô cũng được học tập - tập huấn định kỳ về các kiến thức như: Nguyên lý và phương pháp sư phạm; tâm sinh lý lứa tuổi 15 - 18; các nghiệp vụ về y tế học đường; phòng cháy chữa cháy, cứu hộ; kỹ thuật đối phó với những tình huống bất ngờ… Các giáo viên quản nhiệm của Trường THPT FPT có thể đóng nhiều vai, khi thì là thầy/cô, khi thì là anh/chị, khi thì là bạn, khi thì là nhà tư vấn tâm lý, khi thì là “trọng tài”, “cảnh sát”...

Thực tế công việc đòi hỏi các thầy cô phải có uy tín, tình cảm của các em học sinh mới hoàn thành được nhiệm vụ được giao. Ngoài công tác quản lý các em học sinh, giáo viên quản nhiệm còn là cầu nối giữa Nhà tường và gia đình, nhằm đảm bảo sự phối hợp tốt, chặt chẽ trong việc thực hiện mục tiêu giáo dục học sinh.

Vũ Cẩm Trang - Giới tính: Nữ - Tuổi: 38 - Email: vxxxxcamtrxxx@gmail.com - Mobile: 0903230xxx

Xin hỏi các chuyên gia, làm sao để con chủ động chia sẻ trách nhiệm trong gia đình?

Nhà văn Trang Hạ:

Chẳng có cách nào cả, bạn ạ! Bố mẹ ngồi chơi đòi con ngăn nắp là chuyện không thể. Một người nằm duỗi xem tivi, một người tất bật cắm mặt vào việc nhà, sau đó bắt con phải chia sẻ việc nhà ư? Nó sẽ bất bình lắm.

Bố mẹ nhịn bữa sáng để con có nắm xôi lót dạ trước khi vào lớp, nói xin lỗi đi, bạn đang hại con đấy!

Cho nên làm gì để con chủ động? Thế bạn đã làm gì để con mình được chủ động chia sẻ trách nhiệm với gia đình chưa?

Tôi thấy nhục nhã cho các bậc bố mẹ khi nhìn thấy bức ảnh trên báo Tuổi Trẻ, đứa con trai 18 tuổi to như con voi, ngồi sau xe máy co chân lên để khỏi ướt giầy. Còn bà mẹ lội nửa người trong nước triều cường, dắt xe máy to đùng đưa con đi học.

Làm ơn thảy đứa con xuống bùn, nó lội nước bẩn cùng mẹ nó không chết đâu mà sợ! Nó nhịn đói cùng gia đình một bữa nó cũng không chết đâu!

Hãy để đứa trẻ từ nhỏ được tham dự mọi thứ trong gia đình y như một thành viên nhỏ có trách nhiệm nhỏ, tương tự như mọi người. Đói nghèo, vất vả, bận rộn mỗi ngày, lo lắng tương lai… tất thảy mọi thứ đều phải cho nó cùng gánh!

Câu thần chú của gia đình tôi là: “Làm thì cùng làm, nghỉ thì cùng nghỉ!”

Mà nếu không thế, làm sao ta dám tự xưng ta là một gia đình?

Trân trọng.

Ông Trần Vũ Quang, Phó Hiệu trường Trường THPT FPT:

Việc đóng góp, chia sẻ trách nhiệm với gia đình ở các lứa tuổi sẽ là khác nhau và tùy yêu cầu của từng gia đình với con em mình.

Ví dụ: Trách nhiệm trong việc nhà, việc học tập… Tôi nghĩ rằng chị nên nói ra mong muốn của mình với con một cách cụ thể, không chung chung. Nếu có điều kiện chị hãy đưa con tham gia với chị vào một ngày làm việc, lúc đó con chị sẽ thấy và phần nào hiểu được công việc của mẹ/bố. Từ đó các thành viên trong gia đình sẽ có được sự cảm thông và chia sẻ với nhau hơn. Anh chị hãy giúp đỡ con trong những công việc, cùng làm với con sẽ tạo được tâm lý hợp tác và chia sẻ. Tuyệt đối nên tránh những hành động và lời nói giao việc, mệnh lệnh..., điều này các bạn trẻ sẽ cho là không công bằng.


Tự lấy đồ ăn tại nhà ăn của trường là một trong những cách để nâng cao tính tự giác, ý thức trách nhiệm của học sinh.

Tự lấy đồ ăn tại nhà ăn của trường là một trong những cách để nâng cao tính tự giác, ý thức trách nhiệm của học sinh.

Khi chúng tôi dạy các em học sinh trong môi trường nội trú, cụ thể là Trường THPT FPT, chúng tôi cũng gặp nhiều khó khăn trong thời gian đầu để mỗi cá nhân học sinh tham gia vào các công tác nội vụ, ngoại vụ chung tại ký túc xá. Chúng tôi đã mô tả và phân công chi tiết và công bằng từng phần việc cho từng bạn học sinh và đề nghị các bạn thực hiện. Khi có ai đó không hoàn thành phần việc của mình, bạn đó sẽ phải làm lại với sự giám sát của tập thể các em học sinh. Và điều quan trọng nhất là phải công bằng và thưởng phạt công minh.

Thạc sĩ Tâm lý Phùng Thị Hiên:

Chị Trang thân mến,

Một trong những cách học của trẻ là học thông qua làm mẫu. Vì thế, để con chia sẻ trách nhiệm trong gia đình, trước tiên người lớn chúng ta cũng cần làm mẫu về sự chia sẻ. Ví dụ, các công việc nội trợ trong nhà nhưng bố không chia sẻ cùng mẹ, không coi việc nhà là trách nhiệm của mình, của tất cả các thành viên trong gia đình, thì rất khó để con có thể học hỏi được hình mẫu về sự sẻ chia trách nhiệm.

Trẻ cũng cần được học thông qua hướng dẫn. Vì thế, nếu chị thấy con chưa thực sự chia sẻ trách nhiệm trong gia đình, chị hoàn toàn có thể nói với con, hướng dẫn cho con. Ví dụ, trong tình huống con thấy mẹ đi làm về lại vất vả chuẩn bị cơm nước. Ngược lại con vẫn thản nhiên ngồi chơi, xem ti vi, chị có thể kéo con vào công việc. Nói con cùng hỗ trợ chị trong khâu chuẩn bị cơm nước. Khi con tham gia, hai mẹ con cùng trò chuyện vui vẻ về những vấn đề con quan tâm, những chuyện ở lớp ở trường… điều đó có thể khiến con cảm thấy vui vẻ, thoải mái sẵn sàng chia sẻ công việc.

Sau mỗi lần như thế, chị cũng có thể cho con biết chị cảm thấy vui như thế nào khi con chia sẻ công việc cùng chị, khẳng định rằng đó là một trong những cách cho thấy con đang thực sự gánh vác trách nhiệm cùng cha mẹ. Những điều nà được làm thường xuyên, được duy trì và củng cố, theo thời gian, có thể hình thành ở con sự chủ động trong việc gánh vác những trách nhiệm trong gia đình.

Thân mến.

Bùi Thị Tuyền - Giới tính: Nữ - Tuổi: 46 - Email: buituyexxx@yahoo.com.vn - Mobile: 01208563xxx

Tôi có cháu năm nay 15 tuổi, hiện tại cháu không phải không nghe lời nhưng rất lười học, không tự giác tất cả mọi việc, nhờ chuyên gia tư vấn giúp.

Nhà văn Trang Hạ:

Cháu cũng giống hầu hết chúng ta thời nhỏ! Học ít chơi nhiều.

Các con tôi ít nhiều cũng giống vậy, dù tôi có dạy dỗ nỗ lực ra sao. Vẫn sẵn sàng đi chơi trong khi chưa làm xong bài vở, đồ chơi vứt lung tung, sách chưa đọc xong cuốn này đã vớ lấy cuốn kia, ngày nào cũng có đứa trốn đánh răng, điểm kém thì giấu mẹ...

Cho nên tôi cho rằng, cho đến trước khi lũ trẻ buộc phải trả giá, chúng nó ít khi thực sự học được điều gì có giá trị!

Và khi lũ trẻ không có mục tiêu, thì việc học chỉ là nghĩa vụ!


Nhà văn Trang Hạ dành nhiều tâm huyết trong phần trả lời các câu hỏi của độc giả.

Nhà văn Trang Hạ dành nhiều tâm huyết trong phần trả lời các câu hỏi của độc giả.

15 tuổi đã hiểu rất nhiều chuyện đời rồi. Chị thử mang thật nhiều hình mẫu tương lai cho cháu lựa chọn: Trở thành người giàu, đi shopping không cần xem bảng giá? Ôi một ước mơ tuyệt diệu! Trở thành người dẫn chương trình truyền hình? Vậy từ giờ con phải đọc nhiều báo, học các khóa kỹ năng, học và biết rõ về nghệ thuật và xã hội. Hay mơ ước du học? Vậy từ giờ phải học tiếng Anh, và mỗi tuần gửi hồ sơ tới một trường nước ngoài xin học bổng… Hay là người làm bánh? Mẹ con mình cuối tuần đi mua bột và giấy nến...

Đấy là kinh nghiệm của cá nhân tôi, vào lúc con tôi ở tuổi nổi loạn. Tôi hài lòng khi theo dõi con tôi thay đổi!

Chúc chị toại nguyện.

Trân trọng.

Thạc sĩ tâm lý Phùng Thị Hiên:

Rèn luyện tính tự giác, ý thức trách nhiệm để con tự lập và trưởng thành là một quá trình từ khi con sinh ra. Nhưng mọi thứ vốn không dễ dàng gì nên đôi khi sự phát triển của con chưa thực sự như cha mẹ mong đợi. Điều quan trọng là lúc này đây chị muốn con cải thiện theo hướng độc lập, trưởng thành hơn thì ngoài sự nỗ lực của bản thân chị và gia đình trong việc nhìn nhận và thay đổi cách ứng xử với con thì một môi trường học tập phù hợp cũng rất có giá trị để con rèn luyện tính tự giác.

Về phía chị và gia đình có thể nhìn lại xem liệu có phải đôi khi vì quá yêu thương, lo lắng mà chúng ta đã vô tình bao bọc con, làm thay, quyết định thay con nhiều quá không?

Nếu có, từ bây giờ người lớn chúng ta có thể bắt đầu nhìn nhận con như một người trưởng thành để cho con cơ hội đưa ra ý kiến của bản thân. Cho con tự quyết, tự làm một số điều như con muốn. Tất nhiên, đôi khi việc con tự làm có thể sai, hỏng hay thất bại, nhưng điều đó là bình thường và cũng có ý nghĩa giống như những thành công. Chúng giúp con học được hệ quả từ những quyết định của bản thân. Biết cách đương đầu với những thất bại, thúc đẩy mong muốn tìm ra những giải pháp khác khả thi hơn cho những tình huống khác trong cuộc sống để hướng tới việc khẳng định bản thân mình, có thể tự chủ và độc lập.


Phụ huynh nên tạo điều kiện cho con được độc lập, tự chủ trong học tập và sinh hoạt hàng ngày.

Phụ huynh nên tạo điều kiện cho con được độc lập, tự chủ trong học tập và sinh hoạt hàng ngày.

Một môi trường học tập phù hợp là môi trường đủ “thách thức” với con. Có thể là việc con học nội trú, xa vòng tay gia đình một chút cũng hữu ích để con biết rằng lúc này đây nếu con không tự làm sẽ không ai làm thay con. Để phát triển tính tự giác cũng cần có kỷ luật. Kỷ luật không phải là trừng phạt, nó là giáo dục. Môi trường ấy giáo dục cho con những quy định, những nguyên tắc ứng xử khi sống tách gia đình.

Một quá trình giáo dục, hướng dẫn sẽ giúp con dần chuyển biến những động cơ bên ngoài thành những động cơ bên trong. Lúc đầu con làm vì “buộc” phải thế, nhưng dần dần nó là thói quen, là ý nghĩa thực thụ để giúp con thực sự tự giác, độc lập.

Khi con tự giác hơn trong những công việc thường ngày, nó cũng thúc đẩy con tự giác hơn trong học tập. Song, việc lười học còn phải xem xét đến những nguyên nhân đằng sau đó. Ví dụ khả năng của con trong từng môn học, phương pháp học, môi trường học tập… Khi tìm được nguyên nhân, tôi tin chị và gia đình sẽ thể cùng con tìm ra giải pháp để cải thiện.

Hy vọng những chia sẻ trên hữu ích phần nào với chị.

Nguyễn Diệu Cầm - Giới tính: Nữ - Tuổi: 39 - Email: dieucam.xxxx@gmail.com - Mobile: 091627xxxx

Tôi đang có ý định cho con đi học nội trú cấp 3 ở Hà Nội. Điều tôi băn khoăn nhất là việc dạy con về cách chi tiêu, quản lý đồng tiền. Thầy Trần Vũ Quang có tư vấn gì cho tôi về việc này được không ạ?

Ông Trần Vũ Quang, Phó Hiệu trường Trường THPT FPT:

Chào chị Diệu Cầm,

Mỗi trường nội trú có một cách thức quản lý học sinh riêng, có trường sẽ không cho phép học sinh mang theo tiền trong quá trình học tập.

Tại Trường THPT FPT, chúng tôi muốn cho các em học sinh trải nghiệm trong môi trường giống như một xã hội thu nhỏ. Các em sẽ phải tự đối mặt và trải nghiệm với nhiều bài toán thực xảy ra trong cuộc sống. Để học sinh của mình giải quyết tốt những bài toán cuộc sống đó, nhà trường sẽ trang bị cho các em những kiến thức một số môn như: lập kế hoạch cá nhân, quản trị tài chính cá nhân, quản lý thời gian…

Khi có được khiến thức, có được môi trường đủ an toàn để thực hành, các em sẽ có được những trải nghiệm quý báu về kỹ năng quản lý tài chính cũng như những kỹ năng thiết yếu khác cân thiết cho cuộc sống tự lập và trưởng thành sau này.

Việc chấp nhận những lỗi, những sai lầm của học sinh trong gia đoạn này là cần thiết vì đây sẽ là những bài học quý giá cho các em học sinh.


Phó Hiệu trưởng Trường THPT FPT vui khi các phụ huynh tỏ ra quan tâm đến mô hình trường nội trú.

Phó Hiệu trưởng Trường THPT FPT vui khi các phụ huynh tỏ ra quan tâm đến mô hình trường nội trú.

Nguyễn Thị Mai Thanh - Giới tính: Nữ - Tuổi: 43 - Email: thanhntmxxx@gmail.com - Mobile: 0912837xxx

Lựa chọn trường cấp 3 cho con là bài toán khó với nhiều phụ huynh. Tôi cũng đang phân vân việc cho con theo học một ngôi trường gần nhà, tiện đi lại cho con hay cho con theo học nội trú để con trưởng thành hơn. Chị Trang Hạ có thể tư vấn giúp tôi thêm được không? Tôi rất mong muốn con có thể trưởng thành, tự lập hơn trong cuộc sống nhưng nhiều lúc lại không nỡ để con đi học xa nhà.

Nhà văn Trang Hạ:

Hồi con tôi thi vào lớp 10 là thời điểm giữa năm 2015, tôi rất muốn cho cháu vào học THPT FPT vì cháu được ở nội trú, và tôi đã có mấy năm hợp tác cùng Khối giáo dục của FPT, tôi biết rất rõ chất lượng cũng như sứ mệnh, tầm nhìn mà các bạn bên FPT dành cho trường nội trú. Tôi rất mong muốn cho con đi để tập một cuộc sống tự lập và có trách nhiệm với bản thân.

Cháu có năng khiếu ở một môn học nên cùng lúc cháu thi vào cả trường Chuyên Khoa học Tự nhiên của Đại học Khoa học Tự nhiên. Cuối cùng, cháu lại chọn học Chuyên Khoa học Tự nhiên vì… cháu có bạn quen học ở đấy, cùng khối. Tôi vẫn rất tiếc cho đến giờ là con mình đã không chọn học ngôi trường mà tôi tha thiết và rất mong muốn cho con vào học!

Nhưng tôi cũng tôn trọng quyết định của các con, vì sự tôn trọng của bố mẹ mới làm các con mạnh dạn và trở nên tin tưởng vào quyết định của chính chúng nó. Sự tự lập của các con phải bắt đầu từ chính bố mẹ, và phải là một quá trình giáo dục dài hơi, bắt đầu từ khi con còn nhỏ.


Tôn trọng sở thích, nguyện vọng của con trong học tập cũng là một cách giúp con tự tin, trưởng thành.

Tôn trọng sở thích, nguyện vọng của con trong học tập cũng là một cách giúp con tự tin, trưởng thành.

Tôi đang thương lượng bản quyền quốc tế để xuất bản một bộ sách dạy con tự lập ngay từ 6 tháng tuổi tới 3 tuổi tại Việt Nam trong năm nay, sách sẽ được phát hành tại chuỗi 7 nhà sách ADC Books tại Hà Nội. Trước mắt trong buổi giao lưu hôm nay tôi cũng dành tặng sách Trang Hạ cùng bộ sách 6 cuốn kỹ năng ứng phó hiểm họa dành cho trẻ Tiểu học của ADC.

Và hy vọng năm nay tôi cũng thực hiện nốt chuỗi talkshow kỹ năng sống với học sinh tuổi THCS tại các trường ở Hải Phòng. Nghĩa là bạn sẽ thấy, tôi thực hiện một chuỗi kiến tạo không gian giáo dục cho trẻ tự lập. Để con trưởng thành và tự lập phải cần cả một quá trình. Khi con nhỏ thì bố mẹ dạy và dỗ, khi con lớn hơn con phải tự đọc và học các kỹ năng, lớn hơn nữa phải học cách xử lý các mối quan hệ và quản trị bản thân…

Tất cả những điều đó quan trọng hơn rất nhiều việc, cho con học gần hay học xa. Đôi khi, xa cũng là một cách mẹ dạy!

Tôi sẽ dành một bộ sách gửi tặng chị sau buổi hôm nay nhé, chúc chị thành công!

Le Thi Thu Huong - Giới tính: Nữ - Tuổi: 42 - Email: chuexxxx@yahoo.com

Con trai em năm nay học lớp 9. Gần đây cháu rất chểnh mảng việc học, đặc biệt là môn Văn, và ham mê điện tử. Cháu luôn nghĩ ra cách nói dối để tranh thủ ra quán Internet. Quan điểm của bố cháu là để con tự giác nhưng con không tự giác thì cũng chưa có hành động gì.Với em, lúc thì em nhỏ nhẹ phân tích, lúc quát nạt ầm ĩ với nó, thậm chí đánh nó. Em đang rất đau đầu vì con. Xin các anh chị cho em lời khuyên ạ. Em xin trân trọng cảm ơn!

Ông Trần Vũ Quang, Phó Hiệu trường Trường THPT FPT:

Cám ơn chị đã đặt câu hỏi,

Đây là lứa tuổi muốn thực hiện theo sở thích cá nhân, tỏ rõ mong muốn độc lập trong suy nghĩ và hành động. Các em có thể lờ đi những lời nhắc nhở của bố mẹ, thầy cô, thậm chí nói dối, nổi khùng, chống đối lại để làm việc mình thích. Thực tế không phải ngay lập tức các em nói dối hoặc chống đối hay tảng lờ đi những yêu cầu của bố mẹ thầy cô ngay. Mà đó sẽ là một quá trình thử, thăm dò... nếu không vấn đề gì sẽ nâng cao cấp độ về suy nghĩ và hành vi.

Để kiểm soát được các em trong lứa tuổi này thì cần đảm bảo: cứng về nguyên tắc và mềm về phương pháp. Nghĩa là phải đặt ra những nguyên tắc nhất định với các em, “nếu thế này ..., thì sẽ thế nào…”

Ví dụ: nếu con dành 2 giờ cho việc học, thì con sẽ được 1 giờ cho việc chơi và bố mẹ sẽ không thỏa hiệp khi các em vi phạm nguyên tắc này. Mặt khác bố mẹ cũng phải chấp nhận một thực tế là con đã đủ lớn và việc muốn tự lập là một nhu cầu tất yếu. Các em cần được tôn trọng và có thời gian, không gian riêng của mình. Nếu bố mẹ tôn trọng và cho phép điều đó thì sẽ nhận được sự hợp tác từ con.

Hoàng Minh Ngọc - Giới tính: Nữ - Tuổi: 48 - Email: hoangmaixxxx@yahoo.com - Mobile: 098518xxxx

Con gái tôi năm nay 14 tuổi. Cháu cũng lớn người so với tuổi. Gần đây đi học cháu thích buông tóc, đánh 1 tí son đỏ. Tôi và bố cháu rất bực và phản đối. Tôi cũng đã nhiều lần nói với con " Con đang tuổi mới lớn. Đánh son là không tốt; có hại cho môi....Tuổi của con không cần phải đánh son cũng đã là đẹp rồi… Rằng nếu con chú ý đến hình thức sớm sẽ không tập trung được vào việc học v.v…

Nhưng chỉ được vài hôm con tôi lại đâu vào đấy. Nó nói rằng "không đánh tí son trông môi con nhợt nhạt". Tôi cũng không muốn nói nhiều. Xin hãy cho tôi lời khuyên khi khuyên bảo con vì sau này lớn thêm chút nữa cháu sẽ ăn mặc rồi hành xử theo í mình mà mẹ sẽ rất khó bảo. Tôi xin chân thành cảm ơn!

Nhà văn Trang Hạ:

Con tôi 15 tuổi, tôi dẫn nó vào Parkson mua sắm đủ bộ son phấn cho nó, cho nó tự chọn màu son, tự chọn phấn, giải thích cho con lý do vì sao cần phải sử dụng phấn nền trước khi dùng phấn phủ, vì sao ta chọn màu son này, chất lượng này mà không phải nhãn hàng kia. Và vì sao mỹ phẩm có giá cực kỳ chênh lệch nhau, cái gì tốt cho sức khỏe, nên tô son lúc nào, tất nhiên là lúc đi học, đi chơi, và đừng quá đậm!


Theo nhà văn Trang Hạ, lứa tuổi THPT hoàn toàn có thể được làm đẹp, ăn mặc theo sở thích của mình, phụ huynh chỉ nên đóng vai trò hướng dẫn, tư vấn.

Theo nhà văn Trang Hạ, lứa tuổi THPT hoàn toàn có thể được làm đẹp, ăn mặc theo sở thích của mình, phụ huynh chỉ nên đóng vai trò hướng dẫn, tư vấn.

Nó thích mọi thứ thuộc về Hàn Quốc - y như những đứa cùng tuổi - nên nó cũng chọn mỹ phẩm Hàn Quốc, dưới sự dẫn dắt của tôi.

Đó là món quà đầu năm học mới tôi dành tặng con gái. Bạn nghĩ sao? Mùa hè này dự định của tôi là cho con đi học trang điểm để nó tự làm chủ được điều đó, tất nhiên, lớp nào, học ở đâu cũng là do nó tự chọn, tôi chỉ giúp con thôi!

Có những thứ, bạn không bao giờ cấm được con cái. Chúng sẽ tìm mọi cách để luồn lách đạt mục đích. Bạn cấm bôi son, nó sẽ chờ ra khỏi nhà, chui vào nhà vệ sinh trường bôi những thứ vớ vẩn lên mặt. Bạn cấm con trai hút thuốc, nó sẽ chui vào buồng tắm hút với đám bạn của nó.

Tôi có kiến thức rất tốt và bài bản về làm đẹp, mỹ phẩm. Dù tôi không mấy khi sử dụng. Ngày xưa tôi từng thực hiện một cuốn sách dạy cách trang điểm, cách dưỡng da và làm đẹp. Nhưng việc tôi không sử dụng mỹ phẩm là cá tính của tôi, phong cách tôi chọn, chứ tôi không dùng cá tính của tôi để ngăn chặn cá tính của con tôi.

Bạn ơi, con bạn hoàn toàn bình thường, chỉ có bạn là nên đi học một lớp nhỏ để trở thành một người mẹ tuyệt vời hơn!

Trần Thị Hồng Loan - Giới tính: Nữ - Tuổi: 42 - Email: giahanxxx@yahoo.com

Dù quan tâm và lo lắng cho con mọi thứ nhưng con tôi (con gái - 15 tuổi) vẫn không tỏ ra thân thiết gần gũi với cha mẹ. Làm sao để mối quan hệ cha mẹ và con tốt hơn?

Nhà văn Trang Hạ:

Nếu cá tính của con là điềm đạm, tự lập nhưng bố mẹ cứ muốn có đứa con tính cách nồng nhiệt, đon đả, gắn quyện như hình bóng với bố mẹ v.v… thì cũng thật khó nghĩ. Trẻ muốn giữ cuộc sống riêng, ít nói, nhưng bố mẹ cứ đòi con phải thổ lộ, bộc tuệch, nói hết tâm sự… thì cũng không hợp lý.

Bản thân tôi là một người ít bộc lộ cảm xúc, nhớ khi xưa thường bị mẹ mắng là tại sao không chịu gần gũi bố mẹ, không thương bố mẹ, không tin cậy thổ lộ với bố mẹ?

Tôi hiểu cảm giác của một đứa trẻ bị bố mẹ đòi hỏi những cảm xúc mà nó không có. Yêu thương tin cậy đâu phải chỉ ở khéo mồm? Gần gũi cũng có thể là suốt cả cuộc đời, khi nào bố mẹ cần, mình luôn có mặt đúng lúc và ngay lập tức. Chứ không phải là ở kế ngay bên. Mối quan hệ bố mẹ và con cái được gọi là TỐT có đôi khi không phải chỉ là thổ lộ nhiều, thân mật. Mà chỉ là đơn giản thế này thôi: Chúng ta tôn trọng cá tính và tố chất của con, cho nó sống cuộc đời nó muốn được sống.

Trân trọng.


Rất nhiều thắc mắc của phụ huynh về cách dạy con, cách làm bạn với con đã được các khách mời giải đáp.

Rất nhiều thắc mắc của phụ huynh về cách dạy con, cách làm bạn với con đã được các khách mời giải đáp.

Thạc sĩ tâm lý Phùng Thị Hiên:

Khi quan tâm, lo lắng cho con nhưng con vẫn không tỏ ra gần gũi, thân thiết với cha mẹ sẽ khiến cho bất kỳ người cha, người mẹ giàu tình cảm nào cũng cảm thấy phiền lòng và có mong muốn được cải thiện mối quan hệ với con như chị.

Để cải thiện mối quan hệ với con rất cần cha mẹ hiểu con, hiểu về đặc điểm tính cách, mong đợi của con về cách thức giao tiếp với cha mẹ. Anh, chị đã và đang quan tâm, lo lắng cho con nhưng dường như nó chưa giúp cho mối quan hệ của cha mẹ và con được gần gũi, thân thiết như anh chị mong đợi. Vì thế, việc nói chuyện với con để biết rằng con đang cảm nhận như thế nào về cách anh, chị thể hiện sự quan tâm, lo lắng ở hiện tại và con mong muốn cha, mẹ thay đổi ra sao trong cách thức thể hiện sự quan tâm này.

Nói chuyện với một thái độ chân thành và khuyến khích con chia sẻ với một thái độ thực sự cầu tiến ít nhất cũng giúp con hiểu rằng anh chị đang muốn gần con hơn, là bạn, là những người luôn sẵn sàng bên con, chia sẻ cùng con. Qua đó, anh chị cũng biết được mình cần phải điều chỉnh gì trong quá trình giao tiếp với con.

Bên cạnh việc tìm hiểu mong muốn của con trong cách cha mẹ thể hiện sự quan tâm, anh chị cũng có thể chủ động gần con, chia sẻ cùng con những suy nghĩ, quan điểm, những điều buồn vui trong cuộc sống. Khi đó, con cũng học dần được cách chia sẻ những tâm sự của mình với người lớn.

Nhưng, nếu con vốn là người không thích cởi mở trong khi cha mẹ lại muốn con nói với mình tất cả những cảm nhận, những vấn đề ở lớp, ở trường thì đó quả là không dễ. Cũng như, con vốn không phải là người thích bộc lộ tình cảm của mình nhưng cha mẹ lại mong đợi con chủ động ôm hôn, nói lời yêu thương với cha mẹ thì quả rất khó khả thi nên rất cần anh chị xem xét xem liệu mong đợi của mình hiện tại có nhiều hơn những gì con có thể làm hay không.

Đôi khi, tôn trọng cá tính, tôn trọng những “góc khuất” của riêng con có khi lại giúp con tin tưởng và gần với cha mẹ hơn.

Thân mến,

Mai Thị Ngọc Minh - Giới tính: Nữ - Tuổi: 16 tuổi - Mobile: 01656098xxx

Cháu thích học các môn năng khiếu: nhạc, họa... nhưng bố mẹ cháu lại chỉ muốn lên cấp 3 tập trung học toán văn anh để thi ĐH. Bố mẹ cũng quản lý rất chặt thời gian học, không cho đi chơi, nhiều lúc khiến cháu cảm thấy bức bối. Cháu chỉ muốn bố mẹ hiểu cháu đã lớn, có quyền lựa chọn học những gì mình thích. Cô Trang Hạ có thể tư vấn cho cháu làm sao để bố mẹ hiểu?

Nhà văn Trang Hạ:

Cháu có thể có một cuộc trò chuyện theo cách thương lượng với bố mẹ được không?

Đặt mọi thứ lên bàn cân: Năng lực của cháu, sở thích của cháu, nhu cầu của bố mẹ, kết quả của tất cả những thứ đó: Nhạc - Họa - Toán - Văn - Anh.

Nếu cháu theo đuổi cả 5 thứ đó và đều tốt thì thật lý tưởng cho… cả hai bên! Còn nếu cháu phải lựa chọn, một mất một còn, chỉ được chọn lấy một thứ, thì cháu hãy chọn…


Học sinh THPT cần được các bậc phụ huynh định hướng rõ ràng bước đường học tập trong tương lai.

Học sinh THPT cần được các bậc phụ huynh định hướng rõ ràng bước đường học tập trong tương lai.

Xin lỗi, cháu hãy chọn học Toán - Văn - Anh. Vì thành tích của cháu ở nhạc họa quá tồi tệ, đã không thuyết phục nổi bố mẹ!

Và cả vì khả năng thuyết phục bố mẹ bằng lời nói và hành động của cháu đều dưới mức trung bình! Vậy hãy ở lại khoảng an toàn đi!

Cho đến khi cháu có được một kế hoạch tử tế để chinh phục tương lai cháu, theo hướng cháu mong muốn, hoặc cho tới khi cháu quyết tâm và đặt ra mục tiêu, đặt ra lộ trình với những việc cần làm.

Chứ nhạc - họa chỉ để thích thôi, kêu ca vì không được cho đi chơi, cháu ơi, thời gian quý lắm, còn biết bao nhiêu việc để làm! Cái cháu thích, bắt đầu từ tuổi 40 hay 60 cũng được. Còn cái cháu cần, là tốt nghiệp lớp 12, hay chọn tương lai xứng đáng với cháu, thì lại là ngay bây giờ, ngay chính là ngày hôm nay!

Phạm Đức Nhẫn - Giới tính: Nam - Tuổi: 41 - Email: nhanthxxxx@gmail.com - Mobile: 091457xxxx

Tôi có cháu trai học lớp 9. Hiện giờ cháu học xa nhà khoảng 30km, cuối tuần cháu mới về. Ở đó xa nhà nên chúng tôi không gần cháu được nhiều. Đợt vừa qua cháu có tình cảm với một bạn cùng khóa. Gia đình chúng tôi không biết giải quyết thế nào. Mong được sự giúp đỡ của các chuyên gia tư vấn.Tôi xin chân thành cám ơn.

Ông Trần Vũ Quang, Phó Hiệu trường Trường THPT FPT:

Chào anh Nhẫn,

Ở lứa tuổi này việc các em nảy sinh những tình cảm nam nữ là việc bình thường. Nếu bố mẹ hay thầy cô ngăn cấm thái quá sẽ dẫn tới thái độ chống đối, cực đoan và tệ hơn là có thể phát sinh những rủi ro không mong muốn.

Các em cần được định hướng và chia sẻ trên tinh thần tôn trọng từ gia đình và các thầy cô. Con anh đang học tập nội trú, vì vậy anh cần phối hợp chặt chẽ với nhà trường, nên tổ chức các buổi định hướng về tình yêu, giới tính cho toàn thể học sinh, đưa cho các bạn học sinh một thông điệp về sự tôn trọng tình cảm cá nhân trong môi trường tập thể cũng như những giới hạn về cách thức thể hiện tình cảm.

Anh nên thường xuyên trao đổi thông tin với giáo viên chủ nhiệm và các bạn học của con mình để có được những thông tin kịp thời, đánh giá tình hình chính xác. Có như vậy anh mới có thể định hướng cho con mình những giá trị trong trình yêu học đường ở lứa tuổi này. Khi đó tôi tin con trai anh sẽ cảm nhận được sự tôn trọng từ phía gia đình mà trách nhiệm và tỉnh táo hơn.

Đinh Như Hoa - Giới tính: Nữ - Tuổi: 42 - Email: hoamavxxx@gmail.com

Con trai tôi không có hứng thú trong cuộc sống: luôn kêu chán, không thích tham gia vui chơi. Cháu chỉ thích ở nhà xem tivi và chơi game. Các anh chị có thể tư vấn giúp tôi cách cho cháu năng động, yêu đời. Chân thành cám ơn!

Nhà văn Trang Hạ:

Gia đình tôi không có tivi từ nhiều năm rồi. Ông xã tôi ủng hộ vợ, và trong giáo dục gia đình chúng tôi khá nhất quán. Tôi dùng những thứ hữu hiệu khác để bày trò chơi trong không gian gia đình. Các môn thể thao như cờ vua, cờ tướng, ô ăn quan, đấm bốc, nhảy dây, truy tìm dấu vết, xếp hình, đá bóng, bắn bi, nuôi cá, nuôi thỏ, nuôi rùa, nuôi mèo, nuôi chó, nuôi chim, nuôi gà, trồng cây, tập võ, đấm bốc, toán đố nhanh trí, tô màu, đất nặn, xỏ giày ra khỏi nhà để chạy bộ…

Bạn không có game ngoài đời để lôi con ra khỏi màn hình game sao?


Khuyến khích học sinh tham gia các môn thể thao như Vovinam để rèn luyện sức khỏe.

Khuyến khích học sinh tham gia các môn thể thao như Vovinam để rèn luyện sức khỏe.

Trần Văn Minh - Giới tính: Nam - Tuổi: 47 - Email: minhvanxxxx@gmail.com - Mobile: 0936485xxx

Hiện nay, các phụ huynh ở Việt Nam nói chung, phụ huynh có con ở độ tuổi 14-15 nói riêng đang có 2 xu hướng nuôi dạy con: 1 là bao bọc, yêu thương và đặt con vào những khuôn phép nhất định; 2 là để con được tự do phát triển theo đúng ý thích của con. Không rõ chị Trang Hạ nghiêng về chiều hướng nào hơn? Và vì sao lại vậy?

Nhà văn Trang Hạ:

Lứa tuổi nào cũng vậy thôi bạn ơi!

Tôi có một khách hàng là chủ doanh nghiệp trong Sài Gòn. Trong lĩnh vực của chị, thì chị chiếm thị phần lớn nhất Việt Nam, nên lúc nào chị cũng rất bận rộn. Có một lần sau buổi tư vấn chiến lược cho doanh nghiệp của chị, chị mời tôi đi thăm nhà máy sau đó đi ăn tối, tiện đường nên con trai chị hai mấy tuổi, to cao râu ria và sành điệu, vừa từ Mỹ về đã tình nguyện lái xe đưa chúng tôi xuống Bình Dương rồi lại về Sài Gòn. Nói vậy để bạn thấy, quãng đường ấy, đứa con ấy, chắc chắn không phải một đứa con nít nứt mắt ra!

Thế nhưng chị khách hàng của tôi cư xử với con như thể con chị là một đứa con nít! Chị thấy xe chạy ngang qua một cửa hàng gà rán, chị bảo con, ồ có cửa hàng gà rán mới mở kìa, con phải ngoan nhé để hôm nào mẹ dắt con vào đây cho con ăn cánh gà rán! Đi ngang qua một tiệm sinh tố, chị hỏi con có khát không? Hay là mẹ xuống lấy một ly nước rồi mang cho con uống, xong chị năn nỉ, thôi con uống đi mà, chỉ một miếng thôi mà! Nước chanh tốt cho sức khỏe!


Một lớp học năng khiếu để học sinh được tự do lựa chọn những bộ môn mà mình yêu thích.

Một lớp học năng khiếu để học sinh được tự do lựa chọn những bộ môn mà mình yêu thích.

Xong rồi chúng tôi đi ăn tối, chưa ăn miếng đầu tiên, chị đã nhắc con: Con kìa, cẩn thận kẻo rớt! (Chị sợ con trai dùng thìa xúc thức ăn không cẩn thận thì bị rớt thức ăn xuống bàn!).

Trời ơi nó dọc ngang trời đất, tuổi đó đừng nói nó không biết đời mùi gì. Mà mẹ cứ lo thằng đàn ông kia nó cầm cái thìa không đặng!

Xong tới ông xã tôi, một hôm về kể chuyện, đám bạn tới chơi nhà một ông bạn quen, kinh ngạc thấy đứa con bắt đầu vào tuổi dậy thì của ông kia mà ghẻ lở khắp người. Bố mẹ bận chẳng quan tâm, chẳng thuốc thang, chỉ không dòm ngó một hôm thôi mà các nốt phỏng dạ đã lan khắp. Ông xã tôi với mấy người bạn phải xắn tay áo lên, lôi đứa con kia đi tắm lá thuốc, bôi thuốc, tìm cách trị, rồi hàng ngày đều ép ông bố nó phải chăm xem tình hình con ra sao. Các ông ấy lắc đầu, làm sao bố mẹ mà lại vô tâm với con cái đến như vậy chứ?

Tôi kể cho bạn hai câu chuyện của hai gia đình để thấy: Chẳng có giải pháp nào là tuyệt đối đúng. Chỉ lựa cách nào dạy con phù hợp nhất với điều kiện và hoàn cảnh gia đình mình.

Thế Thị Hoa - Giới tính: Nữ - Tuổi: 43 - Email: hungnguyencongxxx@gmail.com - Mobile: 0986771xxx

Con trai tôi đang học lớp 6, mải chơi và rất lười học mong được tư vấn từ chuyên gia.

Thạc sĩ Tâm lý Phùng Thị Hiên:

Ở lứa tuổi cấp 1 và đầu cấp 2, các con thích chơi hơn thích học là chuyện bình thường. Song, việc con bị cuốn vào việc chơi mà không muốn học quả cũng khiến nhiều bậc cha mẹ như chị cảm thấy lo lắng!

Để cải thiện vấn đề này, trước tiên chị cần tìm hiểu xem có điều gì đang diễn ra gây cản trở việc học của con không?


Thạc sĩ tâm lý Phùng Thị Hiên tư vấn giải đáp thắc mắc của các độc giả Dân Trí.

Thạc sĩ tâm lý Phùng Thị Hiên tư vấn giải đáp thắc mắc của các độc giả Dân Trí.

Ví dụ như về sức khỏe chị xem con có bệnh về mắt khiến con không nhìn được, dẫn đến khó khăn trong việc nắm bắt thông tin cô giáo viết trên bảng hoặc trình chiếu trên slide khiến con không hiểu bài, dần dần không muốn học. Nếu quả con ở tình huống này thì việc khắc phục vấn đề về mắt sẽ giúp con dần cải thiện tình hình hiện tại.

Về năng lực, liệu con có đang khó khăn trong việc tiếp thu một số môn học nhất định hay không? Nếu có, gia đình có thể nói chuyện với thầy cô dạy những môn học đó để chú ý hướng dẫn thêm cho con, giúp con tiến bộ. Khi con học ở nhà, cha mẹ cũng kèm cặp, hướng dẫn để con hiểu nội dung bài học. Khi cảm thấy mình hiểu bài, có thể tự làm bài sẽ giúp con tăng sự tập trung, thích học hơn.

Chỉ có điều lưu ý là, nếu thế mạnh của con không nằm ở một số môn nhất định thì anh, chị cũng không nên yêu cầu, kỳ vọng quá nhiều ở con trong những môn học này. Bởi điều đó chỉ làm con thêm áp lực, thêm chán chường trong những môn đó và cả những môn khác. Khi nhiều áp lực, con sẽ có xu hướng làm những việc khiến bản thân cảm thấy dễ chịu như chơi. Theo thời gian, mức độ chán học sẽ tỉ lệ thuận với mức độ thích chơi.

Chị không chia sẻ rõ về đặc điểm của con, song nếu con là chàng trai hiếu động thì khả năng tập trung cũng thấp hơn so với những bạn trầm tính. Nếu vậy, cần chú ý để con có những khoảng nghỉ trong lúc học để con được chơi một chút, được làm một việc khác để giải tỏa năng lượng, tạo tâm thế học tốt hơn khi quay lại.

Song, để con không cuốn vào việc chơi, anh chị cần có quy tắc rõ ràng. Ví dụ, sau khi học 30 phút con được nghỉ 5 phút. Sau khi hoàn tất bài học về nhà, con được chơi game 1 tiếng. Nếu con không chú ý để tập trung vào việc học, con sẽ không được hưởng đặc quyền là chơi game như đã thoả thuận...

Trong thời gian đầu, anh/chị sẽ nhắc nhở để thời gian học tập và nghỉ ngơi, vui chơi của con đúng như đã thống nhất. Đồng thời nhất quán trong việc thực hiện những nguyên tắc về thưởng - phạt như đã thống nhất cùng con.

Thân mến,

Nguyễn Mạnh Hà - Giới tính: Nam - Tuổi: 39 - Email: hanmxxx@gmail.com - Mobile: 0986519xxx

Cháu rất ngang bướng, thích muốn tự khẳng định mình trong khi có nhiều việc mà bố mẹ bảo không được làm nhưng cháu vẫn cố tình làm, kết quả thất bại. Làm sao để cháu hết tính ngang ngạnh này?

Nhà văn Trang Hạ:

Chào anh Hà,

Ngang bướng, theo đuổi tới cùng mục tiêu của mình và chỉ dừng lại khi nhận ra mình đã thất bại. Tôi cho rằng con anh là một đứa trẻ tuyệt vời, và anh không nên quá lo lắng về điều này. Sự học tập từ những trải nghiệm là điều vô cùng cần thiết và có ích với các em. Các em sẽ thu lượm được những bài học rất có giá trị từ những sai lầm, thất bại mà không một giờ lý thuyết nào có thể dạy cho các em được.

Anh hãy cung cấp cho cháu những thông tin trước khi cháu làm và để cháu lựa chọn làm hay không. Nếu có vấp ngã, anh hãy chỉ cho cháu thấy, phân tích cho cháu bài học được rút ra đằng sau đó. Điều này sẽ tốt cho cháu thật nhiều hơn và cháu sẽ tin anh hơn trong những lần sau.


Phụ huynh hãy cung cấp thông tin và nhường lại quyền lựa chọn cho chính con em mình.

Phụ huynh hãy cung cấp thông tin và nhường lại quyền lựa chọn cho chính con em mình.

Đỗ Thị Ngân - Giới tính: Nữ - Tuổi: 43 - Email: ngantxxx@gmail.com - Mobile: 098242xxxx

Con tôi đang học lớp 11. Cháu rất cá tính, thời gian vừa qua cháu có ký hợp đồng bán sim điện thoại cho VNPT Cao Bằng tôi rất lo vì thấy cháu còn ít tuổi để kiếm tiền, tôi cũng khuyên cháu nhưng cháu không nghe. Vậy tôi phải làm thế nào?

Thạc sĩ Tâm lý Phùng Thị Hiên:

Chị Ngân thân mến,

Thật tiếc là chị chưa chia sẻ điều chị lo lắng khi con kiếm tiền lúc đang học lớp 11 là gì. Nhưng với những gì chị viết ở trên, có vẻ chưa có ảnh hưởng tiêu cực từ việc con bán sim phải không chị?

Nếu quả vậy thì trái với những lo lắng chị đang có, nhiều người lại cảm thấy tự hào khi con của mình cá tính, năng động và giỏi giang. Trên thực tế, không dễ gì một bạn học lớp 11 có thể chủ động ký kết hợp đồng, bán sim để thu lợi nhuận, nên chị hoàn toàn có thể tin tưởng để con làm điều mình muốn. Vì có thể với con, việc kiếm tiềm không hẳn là mục đích chính, việc làm đó còn là sở thích, niềm đam mêm kinh doanh của con. Điều này như là tiền đề để con trải nghiệm, học được những bài học hữu ích cho công việc của con sau này.

Khi con được làm điều mình thích trong thời gian rảnh cũng cho thấy con quý trọng thời gian và sử dụng thời gian có ý nghĩa. Nên nếu nhìn theo những chiều hướng như trên, chị có thể cảm thấy thoải mái hơn, tin tưởng và dễ chấp nhận việc con đang làm. Khi con cảm nhận được chị tin tưởng, ủng hộ từ chị, con sẽ dễ dàng trong việc chia sẻ cùng chị những thuận lợi, khó khăn của con trong công việc kinh doanh.

Anh, chị có cơ hội để hỗ trợ con cùng giải quyết những khó khăn trong công việc, tránh những áp lực, cũng như không để chuyện kinh doanh ảnh hưởng đến việc học tập của con. Như vậy, sự tin tưởng, ủng hộ tôn trọng sở thích và quyết định của con cũng là cách giúp con tự lập, tự tin và có xu hướng làm những việc để khẳng định bản thân và xứng đáng với sự tin tưởng của cha mẹ hơn là sự cấm đoán.

Hy vọng những chia sẻ ở trên hữu ích với chị phần nào,

Thân mến.


Buổi giao lưu với chủ đề hấp dẫn, nhận được rất nhiều câu hỏi từ các độc giả.

Buổi giao lưu với chủ đề hấp dẫn, nhận được rất nhiều câu hỏi từ các độc giả.

Anh Lê Văn Thịnh - Giới tính: Nam - Tuổi: 46 tuổi - Mobile: 01234766xxx

Vợ tôi đi xuất khẩu lao động, là đàn ông trong nhà nên tôi thấy rất khó để dạy và chia sẻ với con gái. Đặc biệt giai đoạn khi cháu bước vào tuổi 14, 15 - giai đoạn tuổi dậy thì nên có nhiều biến động tâm lý. Thật sự tôi rất lo lắng về điều này. Chị có thể cho tôi lời khuyên được không?

Nhà văn Trang Hạ:

Tôi nghĩ rằng không có vấn đề gì đâu. Anh có thể nói thẳng với cháu là, mẹ đi vắng nên có vấn đề gì trong đời sống cần giúp đỡ, cần giải đáp, con cứ hỏi bố, hoặc cần thì hỏi cô giáo, mọi người chung quanh, miễn đó là người con thấy an toàn thân thiện. Tôi nghĩ gia đình anh đang nỗ lực vì tương lai tươi sáng, cả người đi xa và người ở nhà đều đang cố gắng, con anh cũng phải biết và phải chia sẻ điều ấy.

Anh cũng có thể tới các nhà sách giáo dục để tìm những cuốn sách mua tặng con gái, ví dụ như “Cuộc chiến tuổi dậy thì” hoặc “Dậy thì có gì mà sợ” của NXB Phụ Nữ.

Anh đang ở trong một hoàn cảnh tốt để những tính cách tốt của con gái có cơ hội phát triển, như sự tự lập, năng lực quản lý thời gian, thu xếp việc nhà và việc học, quản trị bản thân, tự chịu trách nhiệm về những thứ từ nhỏ tới lớn...

Anh có biết là, chính những bố mẹ lo lắng tự hỏi “Không biết ta có phải là bố mẹ tốt hay chưa, ta còn có thể làm gì để tốt hơn nữa” mới thực ra là những bậc bố mẹ tốt!

Các khách mời tư vấn: Nhà văn Trang Hạ, Thạc sĩ tư vấn tâm lý Phùng Thị Hiên và ông Trần Vũ Quang - Phó hiệu trưởng Trường ĐH FPT


Các khách mời tư vấn gửi lời cảm ơn đến sự quan tâm của độc giả dành cho buổi giao lưu chiều nay.

Các khách mời tư vấn gửi lời cảm ơn đến sự quan tâm của độc giả dành cho buổi giao lưu chiều nay.

Xin được gửi lời cám ơn trân trọng tới các quý phụ huynh và các em học sinh đã quan tâm tới buổi giao lưu chia sẻ của chúng tôi ngày hôm nay. Chúng tôi hy vọng đã phần nào giải đáp được các thắc mắc của độc giả báo điện tử Dân Trí.

Sau buổi tư vấn, 5 phần quà của nhà văn Trang Hạ sẽ được gửi tới cho những độc giả có câu hỏi thú vị.

Ngoài ra, các quý phụ huynh khác có thêm thắc mắc về cách dạy con tự lập trưởng thành trong môi trường nội trú xin vui lòng liên hệ với Trường THPT FPT theo thông tin dưới đây:

Trường THPT FPT

Số điện thoại: 04 7300 6800

Email: thpt@fpt.edu.vn

Website: http://thpt.fpt.edu.vn/

Xin chúc quý vị phụ huynh không còn "đau đầu" với việc dạy con tuổi teen tự lập và trưởng thành.

Các bậc phụ huynh quan tâm đến chủ đề dạy con tự lập ở lứa tuổi 15 có câu hỏi cần các khách mời tư vấn vui lòng liên hệ hotline 0473006800.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm