Bạn đọc viết:

“Từ khi mê sách, con ngoan và chăm học hẳn ra”

(Dân trí) - Chưa hết hai tháng hè, chị đã đến nhà tôi khoe rối rít: "Sách hay quá em ạ. Từ khi mê sách, cháu ngoan và chăm học hẳn ra. Sách đúng là người bạn tốt em nhỉ. Giờ cháu biết giúp đỡ chị một số việc rồi. Chị cám ơn em nhiều lắm đó".

Chị đồng nghiệp của tôi có mỗi cậu con trai. Cưới gần chục năm mới sinh được mụn con. Bao yêu thương chị dành cả cho nó. Suốt ngày chị lo lắng và bao bọc cậu con cưng. Với chị, hạnh phúc lớn nhất là được chăm sóc và yêu thương con. Chị có thể hy sinh tất cả vì con mình. 

Trước đây, chị vốn rất cưng chiều con. Chị có thể nhịn ăn, nhịn mặc để mang đến những gì tốt đẹp nhất cho con. Ngoài việc học thì thằng bé chưa phải làm bất cứ việc gì. Chị phục vụ nó một cách vô điều kiện. Đã không ít lần chúng tôi góp ý về cách giáo dục con với chị. Thế nhưng chị đâu có nghe. Lúc nào chị cũng bảo: "Nhà có mỗi mình nó không chiều nó thì chiều ai. Mình làm bạc mặt cũng chỉ vì con cả thôi."

Được chiều chuộng, thằng bé ngày càng ích kỉ và vô tâm. Nó luôn nghĩ mình là trung tâm của vũ trụ. Càng ngày nó càng trở nên ích kỉ. Chẳng bao giờ biết nghĩ đến ai. Đã nhiều lần ông xã chị cũng không đồng ý về cách dạy con của chị. Anh bảo chị "con hư tại mẹ". Tuy nhiên anh mới chỉ rầy con vài câu là chị lại bênh ngay. Cứ thế, thằng bé ngày càng lấn tới. Việc gì nó cũng sai mẹ làm. Hơn mười tuổi rồi mà chưa biết làm gì cả. Quần áo mặc xong vứt lung tung. Ngay cả khát nước nó cũng sai mẹ lấy giúp. Chị lúc nào cũng ôm nó rồi nựng yêu "thằng con vàng, con bạc của mẹ đây mà".

Chị chỉ nhận ra khi đợt hè vừa rồi chị bị bệnh. Thằng bé chẳng hỏi han mẹ câu nào. Suốt ngày nó ngồi bấm điện thoại rồi chờ đến bữa cơm mới ra ăn. Nhìn con vô cảm với chính mình, chị như đứt từng khúc ruột.

Lần đầu tiên trong đời, chị đã nhận ra cách giáo dục sai với con mình. Chị đã khóc vì ân hận. Cuối cùng, chị quyết định phải dạy lại con. Và tối ấy chị đã điện thoại nhờ tôi giúp đỡ để "cứu" thằng bé trước khi quá muộn.

Sáng chủ nhật ấy, tôi ghé nhà rủ cậu bé đi thư viện tỉnh đọc sách báo. Lúc đầu nó nhất quyết từ chối. Thế nhưng tôi cứ kì kèo mãi nên nó đã miễn cưỡng đi cùng. Tôi làm thẻ thư viện và động viên nó vào phòng đọc sách. Tôi lựa giúp nó một đống truyện tranh để nó ngồi đọc.

Cứ thế, cách một ngày, tôi lại rủ rê nó đi đọc sách cùng. Cuối buổi đọc tôi thường chiêu đãi chè để tạo hứng thú cho thằng bé. Thỉnh thoảng, tôi lại dẫn nó sang phòng đọc sách đa phương tiện để giải trí. Chẳng biết tự bao giờ, thằng bé bắt đầu mê đọc sách mới hay.

Chưa hết hai tháng hè thì chị đã đến nhà tôi khoe rối rít: "Sách hay quá em ạ. Từ khi mê sách, cháu ngoan và chăm học hẳn ra. Sách đúng là người bạn tốt em nhỉ. Giờ cháu biết giúp đỡ chị một số việc rồi. Chị cám ơn em nhiều lắm đó".

Hôm qua, chị lại sang nhà tôi và cho biết, chị vừa quyết định mở "tủ sách gia đình". Hàng tháng khi lãnh lương, chị sẽ đi mua sách để cả nhà cùng đọc. Chị bảo bữa nay chị mua được rất nhiều truyện tranh hay và những cuốn sách có nội dung giáo dục cho thằng bé. Nào là truyện Đôremon, các cuốn sách về tình mẫu tử, lòng dũng cảm, lòng biết ơn rồi cả những cuốn sách nói về khát vọng và ước mơ... Chị và hy vọng rất nhiều về thằng bé. Mong sao sau này sẽ trở thành người có ích cho xã hội.

Lần đầu tiên tôi thấy chị cười vui và rạng rỡ như thế. Cầu mong những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với gia đình nhỏ bé của chị.

Loát Trần

(Tây Ninh)

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn.  

Xin trân trọng cảm ơn!