Tự chủ đại học: Cân nhắc kỹ bài toán tăng học phí

(Dân trí) - Khi Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục đại học “cởi trói”, cho phép tự chủ tài chính đại học thì một băn khoăn lớn khi thực hiện quyền tự chủ, các trường đại học được quyền thu học phí với mức cao nhất có thể. Có băn khoăn rằng, liệu có làm mất cơ hội tiếp cận giáo dục tinh hoa của người nghèo…

Quan tâm, đảm bảo cho đối tượng sinh viên nghèo

Trao đổi về vấn đề này tại buổi giao lưu trực tuyến chủ đề “Tự chủ đại học - Xu thế phát triển tất yếu” do báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam phối hợp với Bộ GD&ĐT tổ chức ngày 25/10, GS.TS Phạm Huy Dũng - Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH Thăng Long cho rằng: “Vấn đề ở đây là mối tương quan giữa công bằng và hiệu quả, cũng là một đòi hỏi, cân nhắc sự cân bằng. Cũng có vấn đề nữa là nếu cân bằng thì phổ cập đến đâu? Môi trường giáo dục thời Liên Xô (cũ) cũng không phổ cập tất cả, chỉ phổ cập đến phổ thông. Việc phổ cập đến đâu, công bằng đến đâu phải cân nhắc trong năng lực quốc gia đó”.

Ông dẫn chứng, trường Harvard - một trường đại học được coi như hàng đầu thế giới, không vì lợi nhuận, nhưng có nhiều tỷ đô la quỹ đầu tư cho giáo dục. Ngoài ra, sinh viên học ở trường này thì học phí trung bình là 50 nghìn đô la/năm. Ví dụ trên cho thấy rằng, để dạy học có chất lượng, có hiệu quả thì phải đầu tư kinh phí rất lớn.


GS.TS Phạm Huy Dũng - Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Đại học Thăng Long.

GS.TS Phạm Huy Dũng - Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Đại học Thăng Long.

“Vậy các trường đại học của ta được quyền tự chủ có tăng học phí lên mức cao nhất không? Tôi cho rằng, nếu tăng phí quá cao thì người ta không học. Như vậy, giữa học phí và người học phải có sự cân đối. Tôi lấy ví dụ, ở ĐH Thăng Long, đầu năm Hội đồng quản trị họp với nhau đều cho rằng, nếu không tăng thì không có tiền để nâng cấp trường, nhưng tăng đến đâu để các sinh viên có tiền học thì phải cân nhắc kỹ”, ông Dũng nêu quan điểm.

Còn bàn về giúp người nghèo như thế nào? Theo GS.TS Phạm Huy Dũng, nếu người nghèo thực sự là nhân tài, có năng lực thì Nhà nước sẽ đóng góp, ngay cả với các trường tư, những em học giỏi vào đó cũng được cấp học bổng, hay những công ty như Viettel đều nhận sinh viên khi còn đang học. Nói vậy để thấy, em nào có tài, có năng lực thì vẫn có cơ chế của Nhà nước, nhà trường, doanh nghiệp giúp các em học tiếp.

“Tôi nghĩ, nếu cho tự chủ để thu phí muốn thế nào cũng được, thì đào tạo không có chất lượng mà thu phí thấp thì họ cũng không học; còn có chất lượng mà thu cao quá thì không có người giỏi học. Đây là sự tính toán, cân nhắc, dung hòa trong xã hội.

Đối với trường công, tự chủ cũng phải thế. Tôi nghĩ, đây cũng là điều lo lắng. Quy định trần học phí thế này, thế kia cũng khó, cho nên vấn đề quy định học phí tối đa là thế nào cũng nên cân nhắc một chút”, ông Dũng nói thêm.

Các nhà quản lý giáo dục, lãnh đạo đại học cùng trao đổi về các mặt của tự chủ đại học.
Các nhà quản lý giáo dục, lãnh đạo đại học cùng trao đổi về các mặt của tự chủ đại học.

PGS.TS Bùi Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội nhận định: Việc tăng học phí là chuyện các trường phải cân nhắc nhiều, không phải là muốn tăng bao nhiêu thì tăng, mà phải cân đối giữa học phí với điều kiện để đảm bảo chất lượng và phản ứng của xã hội.

Theo ông Tuấn, chúng ta không nên băn khoăn nhiều vì các trường đều phải dựa vào thực tế để cân nhắc. Mặt khác, theo Nghị quyết số 77/NQ-CP của Chính phủ thì khi các trường điều chỉnh học phí vẫn phải đảm bảo cho những người có hoàn cảnh khó khăn, sinh viên nghèo tiếp tục học tập. Đây là một trong những quy định bắt buộc đối với nhà trường.

Trên thực tế, thời gian qua, việc triển khai Nghị quyết này có điểm sáng là Chính phủ cho phép các trường gửi tiền của mình vào ngân hàng thương mại, dùng lãi suất đó để đưa vào quỹ hỗ trợ sinh viên. Các trường dùng tiền này để hỗ trợ học phí, hoạt động phong trào của sinh viên… Theo ông Tuấn, đây là điểm cần nhân rộng, không chỉ trong 23 trường thực hiện Nghị quyết 77 mà các trường khác cũng có thể thực hiện.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc.

Về điểm này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc cho hay: “Chúng tôi cũng luôn quan tâm để làm sao phải đảm bảo được những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vẫn có thể đi học đại học. Chúng tôi có đưa vào trong luật quy định về việc Nhà nước phải có trách nhiệm liên quan đến vấn đề học bổng và chính sách cho những đối tượng này. Đồng thời, chúng tôi cũng quy định các trường đại học phải công bằng trong nguồn thu của mình để cấp học bổng cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn”.

Hiện nay, trong những quy định về vấn đề thu phí, đối với những trường công lập tự chủ, chi thường xuyên 100% mới được tự chủ thu phí theo mức cam kết về chất lượng để đảm bảo cung cấp chi phí về đầu vào. Đối với trường công lập tự chủ 100% có nghĩa là Nhà nước không cấp kinh phí nữa và nếu như các trường không có biện pháp sẽ không đảm bảo nguồn cung.

Sẽ có những trường, những ngành nếu mà tự chủ để thu phí theo mức cao sẽ không có người học. Nhà nước sẽ có trách nhiệm đối với những trường không có điều kiện ở vùng sâu, vùng xa và đối với những ngành mà người học khó lựa chọn. Nhà nước cũng sẽ có chính sách để làm sao đào tạo được nguồn nhân lực.

Trong dự thảo bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học đã tính đến điều này và về mặt lâu dài thì điều này rất quan trọng để đảm bảo các sinh viên, các em thuộc gia đình đối tượng khó khăn có thể tiếp cận được.

Trường không có nghiên cứu khoa học, giải bài toán học phí ra sao?

Hiện nay có nhiều trường đại học rất băn khoăn nếu thực hiện tự chủ vì không thể thu học phí quá cao, trong khi không phải trường nào cũng có thể làm các đề tài nghiên cứu khoa học, sản xuất để tăng nguồn thu. Vậy giải bài toán này thế nào?


PGS.TS Bùi Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội.

PGS.TS Bùi Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội.

Hiệu trưởng Bùi Anh Tuấn cho rằng, như đã trao đổi ở trên, tự chủ đại học là tự thân, là xu thế tất yếu. Mức độ tự chủ ở các đại học là khác nhau, phụ thuộc vào năng lực tự chủ, điều kiện của các cơ sở giáo dục đại học.

“Tôi muốn nhấn mạnh rằng, đa số các cơ sở giáo dục đại học đều có những ngành nghề đào tạo truyền thống. Trường nào cũng có ngành nghề truyền thống gắn liền với tên tuổi của cơ sở giáo dục đó. Tuy nhiên, trong xu thế mới - xu thế mở cửa, hội nhập thì bắt buộc chúng ta xem xét lại cơ cấu ngành nghề của mình cho phù hợp xu thế, còn nếu cứ cứng nhắc bám theo các ngành nghề truyền thống mà không có sự thay đổi thì chắc chắn có ngày không thành công. Ví dụ như ở trường tôi, có ngành truyền thống, rất nổi tiếng là chuyên ngành Kinh tế đối ngoại. Xu hướng vào ngành này rất lớn, điểm thi cao thuộc top đầu cả nước. Bên cạnh đó, những năm gần đây, chúng tôi cũng bắt đầu tính tới các ngành mới: Chuyên ngành Kinh doanh quốc tế theo mô hình tiên tiến Nhật Bản; Chuyên ngành Kế toán - Kiểm toán định hướng nghề nghiệp ACCA… Tôi nghĩ các trường khác cũng cần như vậy, bên cạnh những ngành truyền thống phải có ngành mới”.

Về đặt hàng của Nhà nước, ông Tuấn cho rằng đây là xu hướng rất tốt: “Chúng tôi ủng hộ để nhiều trường đại học, nhất là những trường có ngành ít người học nhưng rất cần cho xã hội thì vẫn tồn tại và phát triển được”.

Lệ Thu (ghi)