Trường học Yemen dùng âm nhạc giúp học sinh cải thiện tâm lý do chiến tranh

(Dân trí) - Trường Al Nawras ở thành phố Taez, Tây Nam Yemen đã đưa các bài học âm nhạc vào chương trình giảng dạy chính thức để khắc phục những xáo trộn trong tâm lý bất an do nội chiến của học sinh.

Cách đây 4 năm, Trường Al Nawras ở thành phố Taez, Tây Nam Yemen đã buộc phải đóng cửa do nội chiến gia tăng.

Khi mở cửa trở lại, Hiệu trưởng trường, ông Shehabeddine Al-Sharabi đã nhận ra những xáo trộn trong tâm lý và một cảm giác bất an luôn thường trực ở học sinh.

Trường học Yemen dùng âm nhạc giúp học sinh cải thiện tâm lý do chiến tranh - 1

Ông Shehabeddine Al-Sharabi cho biết: “Khi trường học mở cửa trở lại, chúng tôi nhận thấy sau những vụ oanh tạc, pháo kích giữa các bên, tình trạng tâm lý của học sinh rất tệ”.

Để giải quyết vấn đề tâm lý của học sinh, Trường Al Nawras hiện đang đưa các bài học âm nhạc vào chương trình giảng dạy chính thức và mượn nhạc cụ từ một trường đại học gần đó, tập hợp nhiều bài có giai điệu và ca từ tích cực để dạy với hy vọng giúp giảm căng thẳng cho học sinh trong cộng đồng

Ngoài việc học các bài hát tiếng Arab, học sinh ở đây cũng có cơ hội học hát bằng tiếng Anh. Đây là cơ hội tốt cho lũ trẻ học thêm một ngoại ngữ.

Rất nhanh sau đó, cô giáo Abir Al-Sharabi nhận ra những chuyển biến tích cực trong tâm lý, tình cảm của học sinh. Cô nhận định: “Âm nhạc giúp học sinh cảm thấy hạnh phúc hơn với cuộc sống hiện tại, xoa dịu những nỗi đau do chiến tranh gây ra còn âm ỉ trong trong lòng lũ trẻ. Chúng có thể diễn tả được cảm xúc của mình khi cất lên tiếng hát”.

Trên thực tế, giáo dục âm nhạc được cho là giúp giảm áp lực tâm lý do chiến tranh gây ra cho trẻ em. Áp lực tâm lý này có thể khiến trẻ em mắc chứng trầm cảm, gặp khó khăn trong phát triển trí nhớ và có những hành vi bạo lực bột phát. Những hành vi này có thể đi theo trẻ cả đến khi trưởng thành.

Năm 2014, Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ (APA) tiến hành một nghiên cứu phân tích tâm lý trẻ em thời hậu chiến ở Kosovo. Trẻ em trong nghiên cứu được tham gia một chương trình âm nhạc.

Kết quả phân tích cho thấy, sức khỏe và hành vi của trẻ cải thiện rõ rệt. Nhờ âm nhạc thu hút sự chú ý, lũ trẻ tập trung hơn vào học tập và tiếp thu tốt hơn. Nghiên cứu này cũng cho thấy học sinh càng được tiếp xúc với âm nhạc nhiều thì càng ít bị rối loạn sang chấn tâm lý.

Trong một môi trường như ở Trường Al Nawras, bài tập âm nhạc làm theo nhóm đạt được hai mục đích. Thứ nhất, âm nhạc tăng cường và đem lại cho học sinh suy nghĩ tích cực. Thứ hai, đem lại cho học sinh cảm giác về một không gian an toàn và trợ giúp lẫn nhau do có bạn bè và thầy cô xung quanh.

Về phía học sinh, tự chúng cảm nhận được lợi ích của việc chơi được một nhạc cụ nào đó. Nazira Al-Jaafari, một học sinh rất thích chơi piano ở Trường Al Nawras, cho biết: “Mỗi khi em thấy buồn hoặc không thoải mái, em lại chơi nhạc”.

Nhưng không phải học sinh nào cũng có thể tìm được niềm an ủi và hỗ trợ tâm lý ở trường học như ở Trường Al Nawras. Theo UNICEF, do xung đột vẫn tiếp diễn, khoảng 2 triệu học sinh trong tổng số 7 triệu trẻ trong độ tuổi đi học của Yemen không được thường xuyên tới trường. Tại Yemen, hiện cứ 5 trường học thì có 1 trường phải đóng cửa do xung đột vũ trang.

Khi hát vang lời ca “giáo dục là vũ khí của tôi”, những em học sinh Trường Al Nawras đang hát lên lời hát của thế hệ tương lai. Qua liệu pháp âm nhạc của mình, đội ngũ giáo viên Trường Al Nawras hy vọng họ sẽ tiếp tục đi được theo đúng con đường mình đã chọn.

Hữu Dương (theo Euronews)