Tranh cãi nảy lửa “muốn để học sinh quỳ hay học sinh hư?”

(Dân trí) - Sự việc cô giáo ở Hà Nội bị đình chỉ công tác một tuần vì phạt học sinh quỳ đã dẫn đến tranh cãi nảy lửa về lập luận "muốn để học sinh quỳ hay học sinh hư".

Nhờ quỳ mà... nên người?!

Phạt học trò quỳ là hình thức phạt được nhắc đến từ lâu và có nhiều ý kiến trái chiều, ngay trong đội ngũ nhà giáo. Nhiều người cho rằng, giáo viên (GV) phạt quỳ là cần thiết để học sinh (HS) tự "tiết chế" trước những hành vi "nổi loạn" của mình khi mà biện pháp khác không có hiệu quả. 

Tranh cãi nảy lửa “muốn để học sinh quỳ hay học sinh hư?” - 1

Hình ảnh học sinh bị giáo viên phạt quỳ gây tranh cãi giữa hai trường phái giáo dục (Ảnh: Hải Văn)

Họ cho rằng, phạt học trò quỳ gối không phải là xúc phạm, chà đạp các em mà là một biện pháp, hình thức kỷ luật giáo dục. HS quỳ trước thầy thể hiện thái độ tôn sư trọng đạo và có người nêu quan điểm đó là sự "quỳ gối" trước nhân cách, tri thức để trưởng thành hơn. 

"Nhờ bị phạt quỳ mà trưởng thành, mà nên người", nhiều người thuộc thế hệ trước lên tiếng bảo vệ hình thức phạt qùy.  Họ tin rằng, trước đây nhờ thầy cô phạt quỳ, đánh đòn mà giờ họ mới thành công. Họ luôn cảm ơn "sự trừng phạt" này và tiếp tục ủng hộ giáo dục bằng quỳ và đòn roi. 

"Trước đây, khi tôi đi học những HS nào quậy phá, nói chuyện cô giáo còn yêu cầu rải đá hay dùng vỏ mít để quỳ. Về không dám mách bố mẹ hoặc mách còn bị phạt thêm. Còn giờ GV cứ "động" đến HS cái là phụ huynh, dư luận phản ứng... nên họ rất lúng túng, mất nhiệt huyết", thầy Nguyễn Văn Tuấn, một GV ở Bình Thuận chia sẻ. 

Trước thông tin GV bị đình chỉ vì phạt HS quỳ, trên các diễn đàn giáo dục, nhiều GV bày tỏ bức xúc. Theo họ, phạt quỳ giúp học sinh ngoan hơn, chấp hành hơn, tuân thủ hơn... Có những lập luận diễn giải học sinh ngày ngày nay hư, đạo đức học đường xuống cấp, không biết sợ là... do GV đang mất đi "quyền lực" được sử dụng đòn roi hay phạt quỳ với HS. 

Ảo tưởng sức mạnh bạo lực

Trường phái ngược lại là những người phản đối quyết liệt với hình thức phạt HS quỳ gối. Với họ đó là hình thức xúc phạm, xỉ nhục HS... làm tổn hại đến nhân phẩm, lòng tự trọng của học sinh. 

Chúng ta không có văn hóa quỳ khi bày tỏ quan điểm, tình cảm hay khi làm sai. Nên khi một người có sức mạnh hơn yêu cầu người khác quỳ là trừng phạt, dù muốn hay không ít nhiều mang tính xỉ nhục. 

Chính một GV đã đặt câu hỏi: "Nếu thầy cô xem đó một hình phạt tốt cho học sinh, vậy thầy cô, người lớn có sẵn sàng quỳ khi làm sai, quỳ để xin lỗi không?".

Tranh cãi nảy lửa “muốn để học sinh quỳ hay học sinh hư?” - 2

Học sinh ở THCM trong chuyên đề về tình yêu thương, bảo vệ bản thân 

Đặc biệt, chính những người làm giáo dục cũng phản ứng lại việc "dạy" trẻ bằng bạo lực của đồng nghiệp. Có người phản bác, bắt một đứa trẻ ngang bướng quỳ gối và nghĩ rằng các em sẽ tốt hơn là sự ảo tưởng của người lớn, của người thầy. 

"Trẻ ngang bướng bị ép quỳ gối sẽ không bao giờ quỳ gối ở trong lòng, đó mới là điều đáng lo nhất trong giáo dục. Thường cái tôi chống đối bị nuôi dưỡng trở nên khó kiểm soát theo mức độ sai phạm tăng dần", ý kiến của anh Phạm Ngọc Thạch, một người quan tâm đến giáo dục để phản đối ý kiến của nhiều người cho rằng quỳ HS ngoan hơn, tốt hơn... 

Cô Tô Thụy Diễm Quyên, cố vấn giáo dục của Tập đoàn Microsoft, nhà giáo nổi tiếng với quan điểm "không có học sinh cá biệt", cho biết bản thân cô không thích quỳ (trừ khi lạy Phật và trước bàn thờ) và cũng không muốn bất kỳ ai quỳ trước mình cho dù đó là con. 

Nhiều người "bảo vệ cái quỳ" so sánh với văn hóa quỳ một số nước và nói rằng thà bắt con trẻ quỳ còn hơn để con hư. Với vai trò của một nhà giáo dục, theo cô Quyên đó là ngụy biện, mục đích, ý nghĩa của quỳ gối khác nhau không thể đưa ra để do sánh. 

Cô Thu Hiền, GV Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (Q.4, TPHCM) bày tỏ, cô không đồng tình quan điểm với các GV bạo hành tinh thần lẫn thể xác học trò rồi bao biện "muốn để HS quỳ hay HS hư?" "quỳ một tí có chết đâu?"...

Với cô, việc HS bị phạt quỳ trước sự chứng kiến của GV và toàn lớp học chính là làm nhục HS. Trong khi giáo dục con người, ở trường học, tiêu chí đầu tiên là dạy HS phải tôn trọng, bảo vệ nhân phẩm con người.

Cô Hiền cũng chia sẻ, có thể có những GV không không xem việc bắt HS quỳ là làm nhục HS, thế nhưng hành vi giáo dục của họ đang gián tiếp làm mẫu, gieo rắc mầm mống cho các hành vi chà đạp nhân phẩm người khác bằng nhiều hình thức khác. 

Chưa nói đến tranh cãi quỳ hay không, hiệu quả quỳ tới đâu, một chuyên gia nhấn mạnh giáo viên là những "người hành nghề" và có những quy định riêng của nghề họ phải tuân thủ. Chính giáo viên đề ra luật riêng của mình là bắt học sinh quỳ thì họ có thể mong chờ gì ở học sinh của mình có thể tuân thủ luật lệ chung? 

Hoài Nam 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm