Trải nghiệm chợ tết bao cấp của học sinh trường Quốc tế

(Dân trí) - Ký ức về một thời bao cấp mà giới trẻ chỉ được nghe qua những câu chuyện kể của ông bà như các quầy mậu dịch đông kín người xếp hàng chờ mua lương thực, tem phiếu, cái tivi đen trắng, chiếc xe đạp Phượng Hoàng… đã được tái hiện trọn vẹn trong chợ Tết “Tết xưa” của trường PTLC Quốc tế Gateway.

Trải nghiệm chợ tết bao cấp của học sinh trường Quốc tế - 1
Ngược lại thời bao cấp

Chợ tết là một hoạt động thường niên được tổ chức tại Gateway nhằm tái hiện không gian văn hóa truyền thống để chào đón tết cổ truyền của dân tộc. Tiếp nối sự thành công của Chợ tết 2018, với chủ đề “Tết xưa”, chợ Tết 2019 được mở ra với concept là một không gian chợ Tết của thời bao cấp Tết Mậu Dịch những thập niên 70-80 với mong muốn khơi gợi những hoài niệm về một cái tết xa xưa và giúp các Gisers thêm yêu những giá trị truyền thống của dân tộc.

Đến với sự kiện, các phụ huynh không khỏi bất ngờ khi được trở lại với không gian chợ Tết bao cấp những năm 70 với những dãy nhà san sát, các cửa hàng mậu dịch đông vui, tấp nập, chiếc máy khâu cổ, chiếc xe đạp, xe máy... Trải nghiệm xếp hàng mua tem phiếu đã khơi gợi lại trong ký ức rất xưa của những người từng trải qua thời gian bao cấp về một thời kỳ khó khăn khi phải xếp hàng, đặt gạch để chọn được những mặt hàng ưng ý cho ngày tết. Như được sống lại những năm bao cấp đáng nhớ, bà Phạm Thị Hiền, phụ huynh học sinh trường PTLC Quốc tế Gateway không khỏi xúc động: “Không gian bao cấp, những đồ vật ngày xưa làm tôi nhớ da diết đến mùa xuân những năm 70. Ngày đó cái gì cũng thiếu chỉ tình người là không”.

Trải nghiệm chợ tết bao cấp của học sinh trường Quốc tế - 2
Học sinh lần đầu trải nghiệm xếp hàng đổi tem phiếu

Bản thân các Gisers vốn chỉ được nghe kể lại về những vật dụng, không khí của thời bao cấp thì nay đã được trải nghiệm, được sống trong chính không gian bao cấp cùng những vật dụng đặc trưng như chiếc tivi đen trắng, bộ bàn ghế cũ, bộ ấm chén men xanh cũ hay chiếc xe đạp phượng hoàng kêu lóc cóc trong những thước phim đen trắng. Các em không khỏi tò mò, bỡ ngỡ ban đầu nhưng rồi rất nhanh chóng hòa nhập, thích thú đứng xếp hàng để đổi tem phiếu…

Ký ức rất xưa về thời kỳ bao cấp được gợi lại trong bộ ấm chén men, chiếc điếu cày...

Trải nghiệm chợ tết bao cấp của học sinh trường Quốc tế - 3
Đôi câu chữ cho mong ước cả năm may mắn

Thông qua những trải nghiệm đặc biệt này, các Giseers đã hiểu biết thêm về những giá trị cũng như đặc trưng riêng dưới thời bao cấp, để hiểu thêm về với những cái Tết dù còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng đáng nhớ, đáng trân trọng và không hề thiếu đi niềm vui, hạnh phúc. Tự tay cầm vào chiếc tem phiếu, nâng niu bộ ấm chén cổ, các em thực sự được quay trở lại thời kỳ quá khứ để biết cách trân trọng hơn với những giá trị hiện đại.

Học cách quản lý tài chính từ các quầy hàng mậu dịch

Một điểm khác biệt so với các cửa hàng mậu dịch trong truyền thống là các quầy hàng trong chợ Tết do chính các em học sinh và các phụ huynh tổ chức. Các Gisers là người lựa chọn các mặt hàng kinh doanh và tự tay bán, thu chi các khoản cho cửa hàng mậu dịch của mình.

Trải nghiệm chợ tết bao cấp của học sinh trường Quốc tế - 4
Rất nhiều đặc sản các vùng được bày bán như măng khô, nấm hương, mộc nhĩ...

Ngoài những hoạt động trải nghiệm các hoạt động truyền thống như: gói bánh chưng, mua sắm, chơi các trò chơi dân gian… các Gisers cùng bố mẹ tự tay chuẩn bị các gian hàng, trở thành những “nhà kinh doanh nhí” mời chào các sản phẩm của phiên chợ quê ngày Tết như: lì xì handmade, bánh mứt, đồ trang trí, áo dài… Các quầy mậu dịch cũng không còn khan hiếm hàng như xưa mà đa dạng các mặt hàng từ thời trang, làm đẹp, đồ trang trí cho tới thực phẩm chế biến.

Tại chợ Tết, học sinh cấp hai sẽ được trực tiếp bán hàng dựa trên số vốn mà nhà trường đã hỗ trợ trước đó để chuẩn bị các sản phẩm bán trong chợ Tết. Từ việc tự chuẩn bị nguyên liệu, báo giá cũng như bán hàng, các Gisers sẽ có được những trải nghiệm kinh doanh thú vị, biết cách phối hợp cũng như quản lý, lên kế hoạch và chiến thuật riêng để có thể thu hút nhiều khách hàng về với gian hàng của mình. Như vậy, ngay từ rất sớm các em đã phát triển được khả năng quản lý tài chính.

Trải nghiệm chợ tết bao cấp của học sinh trường Quốc tế - 5
Các kỹ năng thuyết phục, tư duy kinh doanh được các Gisers vận dụng hiệu quả
Trải nghiệm chợ tết bao cấp của học sinh trường Quốc tế - 6
Không chỉ bán hàng, các Gisers còn mang sản phẩm kinh doanh của mình đi thuyết phục khách hàng

Chị Nguyễn Huyền Trang, phụ huynh học sinh hào hứng chia sẻ: “Mình thấy các con rất chịu khó và sáng tạo, biết cách thuyết phục người khác khi mời chào và bán hàng, rất tự lập. Các con đã có được một trải nghiệm rất đặc biệt với chợ tết.”

Không khí chợ Tết càng trở nên đông vui và sống động hơn với những bản nhạc, tiếng loa từ phát thanh đúng chất thời bao cấp. Chợ Tết cũng setup riêng một khu vực để chụp ảnh với cách bày trí và các vật dụng như chiếc tivi đen trắng, bộ bàn ghế cũ, khăn trải bàn con công, góc trưng bày xe máy cổ… khiến các Gisers đều vô cùng thích thú. Những vật dụng tưởng chừng như đã cũ vẫn có sức hút khi chúng ta biết cách khơi gợi, kéo chúng về với những giá trị truyền thống của dân tộc.

Không chỉ các phụ huynh Việt Nam mà các giáo viên và phụ huynh nước ngoài cũng rất hào hứng tham gia chợ tết. Đây thực sự là một trải nghiệm thú vị và khác biệt, một thời điểm lý tưởng để gắn kết các thành viên trong gia đình vào những ngày cuối năm bận rộn, đồng thời kết nối tình bạn, giao lưu văn hóa, gìn giữ và lan tỏa các giá trị truyền thống của dân tộc tới với mỗi cá nhân, đặc biệt là thế hệ trẻ và bè bạn quốc tế.

Chia sẻ về lí do tổ chức chợ Tết, Cô Allie Crump- Hiệu phó trường PTLC Quốc tế Gateway Cầu Giấy cho biết: “Chúng tôi muốn tổ chức sự kiện này để phụ huynh và các em học sinh có thể tham dự cùng nhau để chia sẻ truyền thống của tết. Chúng tôi gọi là chợ tết cổ truyền để thế hệ đi trước có thể chia sẻ với những thế hệ sau về những điều đã diễn ra trong quá khứ và tết cổ truyền ngày xưa được tổ chức như thế nào. Vì thế các em được tìm hiểu về truyền thống, văn hóa rất có giá trị ở Gateway.”

Mỗi một hình ảnh, hoạt động trong chợ tết “TẾT XƯA” không chỉ gợi lại cho những người đã từng sống qua một thời, từng xếp hàng mua từng gram lương thực mà còn gợi cho các em học sinh - những người trẻ tìm về nét xưa với những sinh hoạt đặc trưng nhất, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Đó cũng chính là thông điệp chính mà nhà trường hướng tới trong việc phát triển mỗi cá nhân.