TPHCM tuyên dương 88 gia đình hiếu học

(Dân trí) - Lần đầu tiên, những gia đình của thầy cô giáo có thành tích trong giảng dạy, xây dựng gia đình và rạng danh trong học tập được Hội Khuyến học và Công đoàn giáo dục TPHCM tổ chức lễ tuyên dương. 88 gia đình hiếu học đã được tôn vinh trong ngày 15/11/2007.

Cái nghiệp đã mang vào thân

Cô Nguyễn Thị Tiến, một trong những thầy cô được tôn vinh có tâm sự rất thật rằng: “Không ít lần muốn chọn nghề khác vì thu nhập khá hơn sẽ có điều kiện lo cho con có tương lai tốt hơn”. Cô đã xin cơ quan cho nghỉ phép 1 tuần suy nghĩ. Trong thời gian đó, khi cô ra đường đi ngang trường, nghe tiếng trống lại nhớ học sinh, lại cảm thấy buồn, thấy thiếu cái gì đó. Ông xã nhìn thấy cô cứ trăn trở hoài ý định ở đi nên đã khuyên cô nên trở về với nghề.  

Tiếp tục công việc của một giáo viên mầm non như từ thưở 18 thanh xuân, cô như nhận ra cái nghiệp nghề giáo như khổng thể bỏ được. Nhìn những đồng nghiệp cũng đang chống chọi với khó khăn, cô thầm nghĩ mình sẽ sát cánh cùng làm nên thành tích chung cho ngôi trường của mình.

Hơn 30 năm gắn bó với mầm non, cô giờ là Hiệu trưởng trường Mầm non 13, quận Tân Bình. Có lẽ vì thế cô hiểu rất rõ cái khó của những cô giáo trẻ. Dạy con nít, thầy cô phải vừa là giáo viên vừa là cha mẹ. Mỗi lần nhìn các cô giáo trẻ dồn cả tâm huyết dạy các em như hóa thân thành người mẹ là cô Tiến lại thấy thương. Vì các cô hầu như chưa có gia đình, dạy mầm non vậy là phải như một người mẹ thực sự.  

Cô giáo vẫn còn đi học

Nhà ở huyện Cần Giờ cách trung tâm thành phố 70km nhưng suốt mấy năm trời, cô Nguyễn Thị Thanh vẫn kiên trì đi học, đi thi. Năm 1999, cô học hệ tại chức Trung cấp quản lý nhà nước, Trung cấp chính trị, Đại học mở bán công TPHCM chuyên ngành xã hội học hệ đào tạo từ xa. Năm 2003-2005, cô học trường Trung học sư phạm mầm non. Hiện nay đang theo học tại ĐH Sư phạm TPHCM chuyên ngành Giáo dục đặc biệt.  

Mỗi lần đi thi là cô phải dậy từ 3 giờ sáng, đón xe buýt. Mỗi lần qua phà Bình Khánh, sợ chạy chậm, cô phải mang dép chứ không dám mang giầy cao gót, mặc đồ tây chứ không mặc áo dài. Có khi đi trễ là phải đón xe ôm 70.000 đồng để đi lên thành phố cho kịp giờ.

Cô Thanh tâm sự: “Đi học hoài thấy mình biết thêm nhiều lắm. Học nhiều thì con cái cũng noi gương theo. Cho con tiền có lúc cũng mất, còn cho con tri thức thì sẽ theo mãi đời con”. Có lẽ vì thế làm con gái cô Vương Thùy Trang học ngành quản trị du lịch khách sạn, ĐH Ngoại ngữ tin học TPHCM để thực hiện ước mơ: quảng bá cho du lịch Cần Giờ. Em gái em cũng cùng chung ước mơ này.  

Những gia đình nhà giáo thường có những khó khăn rất đặc trưng. Thầy Lê Duy Tân, trường THPT Võ Thị Sáu kể mỗi khi có họp phụ huynh là phải biết cách sắp xếp vì vợ họp, chồng họp, con trai cũng họp. Nhưng cái dễ là vì cùng công tác trong ngành giáo dục nên chỉ cần nhìn sơ qua là thầy thấy ngay vấn đề của vợ là cô giáo Võ Thị Thu Hà, trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai.

Cô Hà đã 20 năm gắn bó với ngành giáo dục. Hiện nay, cô là thạc sĩ Vật lý thuyết và có thêm bằng cử nhân ngữ văn Anh. Nhưng cũng có lúc, cô gặp chuyện buồn tưởng như không theo nổi nghề. Con trai cô giờ đang học năm 1 ngành công nghệ thông tin, ĐH Khoa học tự nhiên TPHCM.  

Hiếu Hiền