Tốt nghiệp đại học danh tiếng Yale, về làm trưởng thôn vùng quê

(Dân trí) - Tốt nghiệp đại học danh tiếng Yale năm 2011, chuyên ngành Khoa học Chính trị và Kinh tế, khác với hầu hết sinh viên Trung Quốc khác sẽ kiếm việc lương cao ở New York hoặc Bắc Kinh, 6 năm qua anh Qin Yuefei làm trưởng thôn nơi vùng nông thôn xa xôi ở Trung Quốc với mức lương tháng không đến 2.000 nhân dân tệ (khoảng 6,6 triệu đồng).

Là trưởng thôn đầu tiên ở Trung Quốc tốt nghiệp trường đại học thuộc nhóm Ivy League, đầu tháng này anh Qin Yuefei được trao giải thưởng thường niên của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc dành cho những tấm gương truyền cảm hứng.

Nơi anh Qin làm việc là một thôn nhỏ, ít người biết, có tên là Baiyun, thuộc tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc, có khoảng 3.000 dân, thu nhập hàng năm của người dân là 10.000 nhân dân tệ (khoảng 33 triệu đồng).


Làng Baiyun ở tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc nơi anh Qin làm việc. (Ảnh: China Daily)

Làng Baiyun ở tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc nơi anh Qin làm việc. (Ảnh: China Daily)

Qin tâm sự: “Nhiều người thắc mắc về quyết định này của tôi. Tại sao một cử nhân đại học Yale lại về một làng quê xa xôi làm việc? Liệu anh ta có điên không?”. Anh nói đùa: “Tại sao lại không về đây? Thức ăn thì lành mạnh và an toàn, khung cảnh ngoài cửa sổ thì rất đẹp, và tôi không phải trả tiền thuê nhà”.

Hiện anh ở trong một tòa nhà 4 tầng, nơi chính quyền thôn làm việc và họp hành.


Qin Yuefei trong phòng làm việc ở làng Baiyun. (Ảnh: China Daily)

Qin Yuefei trong phòng làm việc ở làng Baiyun. (Ảnh: China Daily)

Năm nay 32 tuổi, Qin Yuefei sinh ra ở Trùng Khánh, thuộc tỉnh Tứ Xuyên (Tây Nam Trung Quốc), ba mẹ anh làm công nhân bình thường. Mẹ anh đã cho con trai đi học tiếng Anh từ khi 2 tuổi. Để con được học hành tốt hơn, bà cho Qin học tiểu học ở Bắc Kinh và Thượng Hải. Với sự giúp đỡ của họ hàng, bà đã vượt qua những khó khăn về tài chính.

Năm 2005, Qin tốt nghiệp trường cấp ba Nankai Trùng Khánh, thi SAT và TOEFL đều đạt điểm cao, nhờ đó giành học bổng toàn phần của Đại học Yale.

Chính ước vọng làm thay đổi nông thôn Trung Quốc khiến Qin cảm thấy thích thú, anh muốn làm gì có giá trị cho nông thôn Trung Quốc.

“Những gì tôi học được từ Yale là cách tìm ra vấn đề và cách sử dụng phương pháp khoa học để giải quyết vấn đề. Vùng nông thôn Trung Quốc thu hút tôi. Có nhiều bậc cha mẹ, giống như bố mẹ tôi, muốn cho con cuộc sống và học hành tốt hơn. Tôi muốn giúp họ” - Qin tâm sự và nói thêm rằng bố mẹ anh luôn ủng hộ sự lựa chọn của anh.

Quyết định của Qin được gợi cảm hứng từ dự án của Teach For America, một tổ chức phi lợi nhuận lập ra nhằm tuyển những cử nhân các trường đại học hàng đầu của Mỹ đến làm việc tại một số vùng nghèo nhất ở Mỹ.

“60% sinh viên tốt nghiệp hai trường Yale và Harvard năm 2011 đăng ký tham gia chương trình này và chỉ những người giỏi nhất mới được nhận. Con số này làm tôi bàng hoàng. Nó khiến tôi suy nghĩ”, Qin kể.

Qin Yuefei nghiên cứu trong phòng làm việc. (Ảnh: China Daily)
Qin Yuefei nghiên cứu trong phòng làm việc. (Ảnh: China Daily)

Năm 2005, chính phủ Trung Quốc bắt đầu khuyến khích cử nhân về làm việc ở các làng quê để cải thiện và làm vững mạnh chính quyền ở đây, cũng như để tạo việc làm cho cử nhân. Chính phủ đưa ra những chính sách ưu tiên cho những cử nhân về thôn quê làm việc, ví dụ như thưởng điểm khi thi cao học hoặc thi công chức.

Đây là một tin vui cho cử nhân Trung Quốc vốn đối mặt với cạnh tranh việc làm khác nghiệt. Qin nằm trong số hơn 220.000 cử nhân đang làm trưởng thôn trong số hơn 500.000 thôn hành chính tính đến năm 2015, theo số liệu của tờ Nhân dân nhật báo.

Điều này cũng dấy lên những câu hỏi vì thế hệ 8X là những người đầu tiên sinh ra sau khi Trung Quốc đưa ra chính sách mỗi gia đình chỉ sinh 1 con. Vì là con một nên họ được nuông chiều và được gia đình đặt nhiều kỳ vọng. Quá trình họ lớn lên cũng bị ảnh hưởng nặng của những cải cách kinh tế trong đó có lối sống tiêu thụ và ảnh hưởng văn hóa phương Tây. Liệu họ có sẵn sàng sống với những khó khăn ở vùng nông thôn? Liệu họ có về nông thôn làm việc chỉ vì lợi ích cá nhân? Họ sẽ đóng góp được bao nhiêu cho các thôn?

Qin cũng đối mặt với những nghi ngờ như vậy khi anh bắt đầu đến làm trưởng thôn ở làng Hejiashan, thuộc hạt Hengshan, tỉnh Hồ Nam năm 2011.

Để hòa hợp vào cuộc sống mới và chiếm được lòng tin của dân làng, anh dành 3 tháng học tiếng địa phương, anh cũng phải học uống rượu và hút thuốc để tiếp cận dân làng.

3 năm sau khi hợp đồng hết, Qin từ chối cơ hội thăng chức ở hạt Hengshan và chuyển đến làng Baiyun làm trưởng thôn để tiếp tục thực hiện ước vọng của mình.

Làng Baiyun nơi Qin Yuefei sống và làm việc. (Ảnh: China Daily)
Làng Baiyun nơi Qin Yuefei sống và làm việc. (Ảnh: China Daily)

Năm 2014, anh cùng một nhóm cử nhân Yale và Harvard thành lập Serve For China, một tổ chức phi lợi nhuận tuyển dụng cử nhân Trung Quốc làm việc ở những vùng nông thôn khó khăn. Năm 2016, tổ chức Serve For China tuyển được 30 cử nhân trẻ tuổi.

Tháng 10 năm ngoái, tổ chức này giúp làng Baiyun thành lập một hợp tác xã nông thôn để sản xuất và bán dầu hoa trà (dùng để ăn) trên mạng.

Qin cho biết: “Các cây trồng của địa phương rất có tiềm năng. Giá trị của những cây hoa trà này đã bị lãng quên nhưng bây giờ chúng tôi sẽ thu lợi từ cây này”.

Tính đến tháng 1 vừa qua, hợp tác xã đã kiếm được hơn 120.000 nhân dân tệ (gần 400 triệu đồng) nhờ bán dầu hoa trà. Ngoài ra, Qin cũng lên kế hoạch xây nhà máy và phát triển các sản phẩm khác như xà phòng thủ công làm từ dầu hoa trà.

Qin, hiện là phó Hội đồng Nhân dân thành phố Hành Dương (tỉnh Hồ Nam), cho biết: “Thành công của nhà máy sẽ thu hút thanh niên trong làng quay trở lại quê hương làm việc”.

Chỉ ngủ 5 tiếng mỗi ngày, Qin sụt 15kg sau khi về nông thôn làm việc. Một trong những nơi yêu thích của anh là mái nhà, nơi anh đọc sách, nghe nhạc và ngắm cảnh thiên nhiên. Nhiệm vụ của anh sẽ hết vào tháng 10 tới nhưng Qin cho biết anh sẽ không rời đi bởi vì công việc của anh với hợp tác xã nông thôn mới bắt đầu. Những ngày này anh đi lại rất nhiều để họp hành và thương lượng với các đối tác kinh doanh ở Bắc Kinh và các thành phố khác.

Qin Yuefei ở phòng làm việc. (Ảnh: China Daily)
Qin Yuefei ở phòng làm việc. (Ảnh: China Daily)

Những cuốn sách của Qin Yuefei. (Ảnh: China Daily)
Những cuốn sách của Qin Yuefei. (Ảnh: China Daily)

Bàn làm việc của Qin Yuefei. (Ảnh: China Daily)
Bàn làm việc của Qin Yuefei. (Ảnh: China Daily)

Làng Baiyun nơi Qin Yuefei sống và làm việc. (Ảnh: China Daily)
Làng Baiyun nơi Qin Yuefei sống và làm việc. (Ảnh: China Daily)
Một trong những nơi yêu thích của Qin là mái nhà, nơi anh đọc sách, nghe nhạc và ngắm cảnh thiên nhiên. (Ảnh: China Daily)
Một trong những nơi yêu thích của Qin là mái nhà, nơi anh đọc sách, nghe nhạc và ngắm cảnh thiên nhiên. (Ảnh: China Daily)

Ông Bin Hongying, 70 tuổi, người dân làng Baiyun nói: “Chúng tôi như một gia đình vậy. Qin đã làm rất nhiều cho chúng tôi. Chúng tôi hy vọng anh ấy có thể tìm được bạn gái và sớm kết hôn”.

Xuân Vũ

Theo China Daily