Thực hiện di chúc của Bác trong Giáo dục: “Thế giới tiến bộ không ngừng, ai không học là lùi”

(Dân trí) - Tư tưởng của Bác, ham muốn của Bác là “Ai cũng được học hành” và Bác giao nhiệm vụ “Ai cũng phải học suốt đời”.

Nhân dịp 50 năm thực hiện Di chúc thiêng liêng của Bác, GS.TS Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam đã khai thác một góc rất nhỏ về tư tưởng của Người và lời di huấn của Người đối với lĩnh vực Giáo dục - Đào tạo, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập.

Báo Dân trí xin trân trọng giới thiệu bài viết của GS.TS Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam.

Thực hiện di chúc của Bác trong Giáo dục: “Thế giới tiến bộ không ngừng, ai không học là lùi” - 1

GS.TS Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam.

Tư tưởng của Bác về giáo dục

Tư tưởng xuyên suốt từ năm 1945 đến 1969 của Bác về giáo dục là:

Giáo dục trước tiên là dạy người:Bác dạy rằng: “Việc dạy phải hướng vào dạ y cho học sinh biết: Yêu nước, yêu lao động, dũng cảm, tự trọng; Sống có nghĩa, có tình, có hoài bão, vì sự phồn vinh của Tổ quốc.”

Người đặc biệt lưu tâm đến giáo dục cả Đức, cả Tài cho người học: “Sẽ đặc biệt chú trọng đến sự rèn luyện đức tính cần thiết trong cuộc đời đoàn thể rộng rãi và năng lực kỹ thuật cần lao của con người”.

Trong di chúc Bác viết: Đảng cần chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh niên, phải vừa hồng vừa chuyên.

 Bác yêu cầu mỗi công dân tùy theo hoàn cảnh phải giáo dục thường xuyên, đào tạo liên tục, học tập suốt đời.

Tư tưởng của Bác, ham muốn của Bác là “Ai cũng được học hành” và Bác giao nhiệm vụ “Ai cũng phải học suốt đời”.

Ham muốn của Bác, tư tưởng của Bác đã trở thành mục tiêu của của cách mạng Việt Nam, thành các chỉ tiêu phấn đấu về trình độ và năng lực học tập của mọi lứa tuổi, đặc biệt là học sinh, sinh viên, cán bộ công chức qua các thời kỳ và Bác đã chỉ ra: “Thế giới tiến bộ không ngừng, ai không học là lùi”, “Chúng ta phải học và hoạt động cách mạng suốt đời, còn sống thì còn phải học”.

Người dạy “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ, để phụng sự đoàn thể, giai cấp, nhân dân, Tổ quốc và nhân loại” và Bác đã thấy rõ “Không học thì không theo kịp, công việc nó gạt mình lại phía sau”. Bác đã chỉ ra: Học không chỉ dành cho trẻ em, không chỉ dành cho cho người trẻ tuổi, mà dành cho tất cả mọi lứa tuổi, dành cho cả người lớn tuổi. 

Về phương pháp học tập, Bác cũng đã chỉ ra “Lấy tự học làm cốt”, ngoài học ở trường, ở lớp, phải học ở sách vở, học lẫn nhau và học nhân dân. Và người cho rằng sao nhãng việc học là “một khuyết điểm rất to”. Chính vì Bác thấu hiểu hậu quả của “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu” nên ngày 11 tháng 6 năm 1946, trong lời kêu gọi thi đua Ái Quốc Bác đã phát động phong trào: Diệt giặc đói; Diệt giặc dốt; Diệt giặc ngoại xâm.

Bác coi giặc dốt như giặc ngoại xâm, đều là 3 loại giặc cần phải tiêu diệt. Người viết “chống mù chữ cũng như chống giặc ngoại xâm”. “Mỗi gia đình là một lớp học bình dân học vụ” hoặc “không để một người nào trong gia đình còn mù chữ” và để đạt được mục đích đó, Người dạy: “Vợ chưa biết thì chồng bảo, em chưa biết thì anh bảo, cha mẹ không biết thì con bảo, người ăn người làm không biết thì chủ nhà bảo...” Rồi Bác chỉ rõ: Nông dân, công nhân, trí thức... phải học gì, học như thế nào ?

Tất cả những tư tưởng đó đã được Bác thực hiện, Bác không được đến trường đại học, xong Bác học ở mọi nơi, mọi lúc, kể cả học ở trong tù. Bác là một tấm gương sáng chói về tinh thần tự học và thành tài, trở thành vĩ nhân của thế giới.

 Chỉ có học mới đảm bảo cho đất nước phát triển

Bác trọng người tài và nhắc nhở Đảng ta phải bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau: ngay năm 1945, sau khi giành được độc lập, Bác đã khuyến khích việc phát hiện và giới thiệu người tài ra làm việc cho Chính phủ (Tuyệt nhiên chưa thấy Bác nói đến bằng cấp trong chọn người tài).

Bác nhắc phải: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau, là một việc rất quan trọng”.

Về học tập suốt đời: Bác viết: “Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời, thời đại chúng ta bây giờ là thời đại vệ tinh nhân tạo, nghĩa là thời đại khoa học kỹ thuật phát triển rất mạnh. Tình hình thế giới và trong nước luôn biến đổi, công việc của chúng ta nhiều và mới, kỹ thuật của thế giới ngày càng tiến bộ, những sự hiểu biết của chúng ta có hạn. Muốn tiến bộ kịp sự tiến bộ vô cùng tận thì chúng ta phải nghiên cứu học tập …”.

Người cũng chỉ ra điều hết sức giản dị trong phương pháp giảng dạy phải để cho người học: “Hiểu chóng, nhớ lâu, tiến bộ nhanh”, “Thầy siêng dạy”, “Trò siêng học”. “Việc giảng dạy hết sức thiết thực”, “Học phải đi đôi với hành”...

Với phương pháp học: “Tự học là chính”, “Học lẫn nhau”…. Bác cũng chỉ dẫn rất cụ thể nội dung học tập cho từng nhóm đối tượng: Nông dân, công nhân, trí thức, quân nhân.

Như vậy, Bác đã chỉ ra: Để đảm bảo cho đất nước phát triển trong một thế giới luôn biến đổi thì phải có tri thức, phải có tầm cao trí tuệ, và chỉ có học, học suốt đời mới có được điều đó.

Kế tiếp tư tưởng của các bậc tiền bối về sự học, tư tưởng của Bác về giáo dục đào tạo, về xây dựng xã hội học tập là một di sản văn hóa lớn, vô cùng quý giá đối với dân tộc Việt Nam.

Những tư tưởng đó đã chỉ đường cho chúng ta đi trong suốt thời gian qua. Nó phù hợp với xu thế và sự phát triển của thời đại và thực tế đã chứng minh đó là Chân lý sẽ mãi mãi trường tồn. Điều đáng khâm phục là Bác đã dự báo trước sự phát triển của xã hội, của đất nước, của thế giới là chỉ có dựa vào “Sự học”, dựa vào tri thức.

Chỉ một lời giản dị “Không học thì không theo kịp, công việc nó gạt mình lại phía sau” mà qua thực tế kiểm nghiệm đã khẳng định sự duy nhất đúng. Điều đó giống như một câu châm ngôn dễ hiểu, dễ thực hiện, thấm thía, khắc ghi trong lòng nhân dân Việt Nam.

Bởi vì Bác đã chỉ ra cho nhân dân ta biết rằng: Vận mệnh của đất nước phụ thuộc vào sự cố gắng học hành của học sinh, sinh viên: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc ta có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu hay không, chính phần lớn là nhờ vào công học tập của các em”.

Bác cũng nói rất rõ “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu, muốn cho nước ta trở thành một nước giàu mạnh thì dân tộc ta phải trở thành một dân tộc thông thái”.

Như vậy Bác không chỉ giao nhiệm vụ học tập cho thanh, thiếu niên mà Bác đã giao nhiệm vụ học tập cho cả dân tộc.

Tóm lại, tư tưởng của Bác về sự học được thể hiện ở 4 điểm chính:

  1. Ai cũng được học hành
  2. Học tập cho đến phút cuối cùng
  3. Công nông hóa trí thức
  4. Dân tộc thông thái

Và phương pháp của Bác là:

  1. Tự học làm cốt
  2. Học không bao giờ cùng
  3. Học đi đôi với hành
  4. Học ở mọi nơi, học lẫn nhau và học dân
Thực hiện di chúc của Bác trong Giáo dục: “Thế giới tiến bộ không ngừng, ai không học là lùi” - 2

Bác đã dự báo trước sự phát triển của xã hội, của đất nước, của thế giới là chỉ có dựa vào “Sự học”, dựa vào tri thức.

Thực hiện công bằng trong giáo dục.

Thấm nhuần tư tưởng và lời dạy của Bác, Đảng và Nhà nước đã có chủ trương và các chính sách về Giáo dục – Đào tạo thông qua Nghị quyết số 02-NQ/HNTW Khóa VIII ngày 24/12/1996 và Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban chấp hành Trung ương về xây dựng xã hội học tập và và thúc đẩy việc học tập suốt đời trong nhân dân.

Chỉ thị số 11-CT/TW ngày 13/4/2007 của Bộ chính trị “Về tăng cường lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập”; Quyết định 112/QĐ-TTg năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định 281/QĐ-TTg ngày 20/02/2014 của Thủ tướng Chính phủ và Kết luận 49 KL/TW ngày 10/5/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 11-CT/TW của Bộ chính trị đã cụ thể hóa quan điểm của Bác.

Tất cả những nội dung về tư tưởng và phương pháp giáo dục, đào tạo của Bác đã được Đảng, Nhà nước lãnh đạo, chỉ đạo và các cấp ủy Đảng, chính quyền, Bộ giáo dục và Đào tạo, các nhà trường, Hội khuyến học Việt Nam triển khai trong suốt những năm qua thông qua những văn kiện trên.

Những chỉ huấn của Người trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt về giáo dục đào tạo luôn là những vấn đề cốt lõi, luôn luôn dẫn đường cho Đảng ta, nhân dân ta không phải chỉ giai đoạn này mà sẽ là mãi mãi đối với dân tộc ta.

Trong suốt 50 năm qua, Đảng ta đã quán triệt sâu sắc Di chúc của Bác, sáng tạo áp dụng vào điều kiện thực tế đất nước và đã thu được những thắng lợi đáng trân trọng. Trước tiên phải nói đến việc Đảng ta coi giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu. Điều này được thể hiện ở Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII năm 1996. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho con người.

Việc đầu tư phát triển giáo dục để “Ai cũng được học hành” theo lời dạy của Bác được Đảng và Nhà nước ta quan tâm đặc biệt, là sự nghiệp của toàn Đảng, của Nhà nước và của toàn dân. Nghị quyết chỉ rõ: “Mọi người đi học, học thường xuyên, học suốt đời”. Thực hiện công bằng trong giáo dục. Đây là một điểm căn cốt trong thực hiện di chúc của Bác.

Thực hiện di chúc của Bác trong Giáo dục: “Thế giới tiến bộ không ngừng, ai không học là lùi” - 3

Việc chậm đổi mới về nội dung và phương pháp giảng dạy bậc đại học có ảnh hưởng lớn tới chất lượng nguồn nhân lực của đất nước.

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII hệ thống giáo dục tương đối hoàn chỉnh từ mầm non đến Đại học, số lượng học sinh, sinh viên tăng nhanh, chất lượng giáo dục – đào tạo có nhiều tiến bộ, đã hoàn thành mục tiêu xóa mù chữ, đã phổ cập giáo dục tiểu học vào năm 2020, phổ cập giáo dục trung học cơ sở vào năm 2010.

Những thành tựu đạt được trong lĩnh vực giáo dục đào tạo là rất lớn, song đất nước phát triển, những kết quả trên vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đối với sự nghiệp phát triển đất nước trong thời kỳ mới.

Bác đã dạy: “Thế giới tiến bộ không ngừng, ai không học là lùi” và “không học thì không theo kịp, công việc nó gạt mình lại phía sau”.

Thực hiện lời chỉ bảo đó, đến năm 2013 Nghị quyết 29-NQ/TW về Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo Đảng ta đã xác định tiếp: “Giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, của Nhà nước và của nhân dân. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội”. (Nghị quyết 29-NQ/TW).

Cùng với những thành công bước đầu trong thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW, thì “Quan điểm giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, của Nhà nước và của toàn dân chưa được quán triệt mạnh mẽ và cụ thể hóa đầy đủ...

Nguyên lý học đi đôi với hành, lý luận gắn liền với thực tiễn, giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội có nơi, có lúc thực hiện còn bất cập...”.

Một trong những nguyên nhân chính lại là do “Một số cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, chưa thực sự coi đây là cấp thiết quan trọng, chất lượng đào tạo chưa được nâng lên, học chưa đi đôi với hành, trường chưa đảm bảo “việc dạy hết sức thiết thực” như lời Bác dạy.

Chính vì vậy, lời Bác dạy: “Thế giới tiến bộ không ngừng, ai không học là lùi” và “không học thì không theo kịp” đã trở thành hiện thực đối với ngành giáo dục, không ít cán bộ, Đảng viên, sinh viên tốt nghiệp đại học và nhiều người lao động. Điều này ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Sự tụt hậu ngày càng xa về năng suất lao động của nước ta so với các nước trong khu vực và trên thế giới là một ví dụ cho việc đánh giá về thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW chưa đạt kết quả mong muốn vì ngành giáo dục có nhiệm vụ trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Sự phát triển của đất nước lại phụ thuộc vào nguồn nhân lực này (năm 2017, năng suất lao động của Việt Nam xếp thứ 5 từ dưới lên, đến năm 2018 xếp thứ 3 từ dưới lên so với các nước trong khu vực. Chúng ta đã tụt 2 bậc so với 2017).

Năng suất lao động phụ thuộc vào nhiều yếu tố, song đất nước chúng ta tuy phát triển, nhưng sự phát triển chủ yếu vẫn dựa vào lao động giản đơn và làm thuê, hàm lượng chất xám trên một đơn vị sản phẩm còn thấp nên năng suất lao động còn thấp là điều dễ hiểu.

Trong khi ở các nước phát triển, họ phát triển đất nước dựa vào tri thức, dựa vào sự đổi mới, sáng tạo không ngừng. Do đó năng suất lao động của họ cao là đúng. Song, tri thức và đổi mới sáng tạo do đâu mà có, chỉ có từ sự học “Ai cũng phải học, học suốt đời và không học thì không theo kịp” như Bác Hồ đã chỉ ra.

Với việc chậm đổi mới về nội dung và phương pháp giảng dạy bậc đại học có ảnh hưởng lớn tới chất lượng nguồn nhân lực của đất nước. Nhất là khi “tình hình thế giới và trong nước luôn biến đổi, kỹ thuật của thế giới ngày càng tiến bộ... không học là lùi” như Bác đã dạy.

Nguyên nhân chính đã được Ban Bí thư chỉ ra khi tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW, trong đó nhấn mạnh “chất lượng giáo dục ở các bậc học chưa được cải thiện đáng kể, năng lực hội nhập quốc tế của hệ thống giáo dục chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước và hội nhập quốc tế… chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”.

Như vậy chúng ta học tập tư tưởng của Bác, di chúc của Bác về giáo dục, đào tạo có phần tốt hơn là thực hiện và làm theo lời Bác dạy.

“Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập” và “Đơn vị học tập”

Về xây dựng xã hội học tập,Trung ương Hội khuyến học Việt Nam đã triển khai các nghị quyết, quyết định trên một cách nghiêm túc và đã thu nhiều kết quả đáng trân trọng.

Sự học trong nhân dân đã trở thành phong trào học tập thông qua các mô hình: “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập” và “Đơn vị học tập” được xã hội thừa nhận và đánh giá cao, đóng góp tích cực vào việc nâng cao dân trí và phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Tư tưởng của Bác về xây dựng xã hội học tập về học tập suốt đời cơ bản đã được quán triệt, triển khai và đạt kết quả tốt.

Song, “xây dựng xã hội học tập chưa phát triển theo chiều sâu, chất lượng và hiệu quả còn một số hạn chế, nhất là việc giáo dục cho người lớn” (Kết luận 49 KL/TW ngày 10/5/2019 của Ban Bí thư). Đặc biệt sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW, tỷ lệ tái mù còn cao ở vùng dân tộc thiểu số (hơn 20%), chất lượng nguồn nhân lực còn khoảng cách so với thực tế, nên số sinh viên tốt nghiệp không tìm được việc làm còn nhiều. Nhiều thầy, cô giáo chưa là tấm gương đạo đức cho học sinh noi theo.

Việc thực hiện nguyên lý giáo dục còn nhiều hạn chế. Việc giáo dục để người học có đủ đức và tài, vừa “Hồng” vừa “Chuyên” theo lời Bác chỉ huấn nhiều nơi chưa đạt được. Biểu hiện ngay trong ngành giáo dục, đạo đức của một bộ phận thầy cô giáo, học sinh, sinh viên xuống cấp, bệnh thành tích trong học tập vẫn còn diễn ra, chúng ta quan tâm đến dạy chữ mà ít quan tâm đến dạy người…

 Chúng ta đang sống trong thời kỳ thế giới chia sẻ: Kinh tế chia sẻ, văn hóa chia sẻ, giáo dục chia sẻ. Một thế giới mà tri thức đang trở thành lực lượng sản xuất chủ yếu, trực tiếp, luôn gắn với con người và phát triển hoàn toàn mang tính chủ quan, do yếu tố khách quan chi phối.

Tri thức phát triển phải thông qua học và tự học mà có, song nó có được sử dụng và phát huy hay không là hoàn toàn phụ thuộc vào cách quản lý tri thức và quản lý nguồn tri thức của đất nước. Tri thức sẽ phát triển hơn khi được động viên, tạo môi trường cho tính sáng tạo của tri thức được phát huy, được tự do vùng vẫy trong môi trường mà tri thức được coi trọng.

Như vậy mới có nhiều đổi mới sáng tạo, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước khi mà “Tình hình thế giới và trong nước luôn biến đổi, công việc của chúng ta nhiều và mới, kỹ thuật của thế giới ngày càng tiến bộ, sự hiểu biết của chúng ta có hạn. Muốn tiến bộ kịp sự tiến bộ vô cùng cùng tận thì chúng ta phải nghiên cứu, học tập” như lời Bác đã dạy.

Hi vọng rằng: nhân 50 năm thực hiện di chúc của Bác, các cấp ủy đảng, chính quyền và mỗi hội viên Hội khuyến học thấm nhuần tư tưởng của Bác về giáo dục, đào tạo, học suốt đời và xây dựng xã hội học tập để lãnh đạo, chỉ đạo hệ thống Giáo dục - Đào tạo, khuyến học, khuyến tài có kết quả hơn, thực tế hơn, sâu sắc hơn và chỉ có phát triển bằng tri thức mới mang lại năng suất lao động cao cho đất nước.

Mỗi hội viên Hội khuyến học cần thực hiện tốt nhiệm vụ của mình để thực hiện (làm theo) lời Bác dạy để “Ai cũng học suốt đời” và để các mô hình học tập, thực hiện “Người siêng năng”, “Nhà siêng năng”, “Làng siêng năng”, phải dựa vào sự học của toàn dân.

Mỗi cán bộ khuyến học hãy trở thành “Công dân học tập”, và có “Gia đình học tập” tốt, góp phần xứng đáng vào sự phát triển vững chắc của đất nước, phát triển bằng tri thức, góp phần đưa sự nghiệp Giáo dục - Đào tạo, Khuyến học – Khuyến tài, Xây dựng xã hội học tập phát triển như mong muốn của Bác./.

 GS.TS Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam.