Thư gửi sinh viên tốt nghiệp đầy yêu thương và ấm áp của thầy Chủ nhiệm Khoa

(Dân trí) - “Từ hình dung về thế giới trật tự, nhân văn cần phải có trong sách vở, các em bước vào thế giới thực có thể là rất ngổn ngang và phũ phàng. Cuộc đời bao giờ cũng rộng hơn trang sách. Mỗi bước đi hay cách hành xử không thích hợp sẽ buộc các em phải trả giá không phải bằng điểm số có thể cải thiện…”

Đó là lời nhắn nhủ của thầy giáo Đỗ Hải Phong, trưởng khoa Ngữ Văn, trường ĐH Sư phạm Hà Nội khi chia tay sinh viên khóa 65.

Đọc bức thư thầy giáo viết, nhiều sinh viên rất xúc động, bày tỏ: “Em đã ra trường 5 năm rồi nhưng đọc bài viết của thầy vẫn thấy tràn đầy yêu thương và ấm áp thầy ạ. Em cảm ơn thầy”; “Chúng em cám ơn thầy rất nhiều vì những lời nhắn nhủ. Chúng em sẽ luôn khắc ghi trên hành trình sắp tới!”

Sinh viên Nguyễn Trần Thi Khanh viết: “Lời thầy đầy thấm thía và xúc động mà có lẽ chúng em không thể quên. Chúng em xin cảm ơn các thầy cô trong suốt 4 năm qua đã luôn là người truyền lửa, dìu dắt cho chúng em trưởng thành”.

“Chúng em cám ơn thầy thật thật nhiều, mong rằng con đường đi của chúng em sau này dù chông gai nhưng vẫn luôn vững vàng bởi nền tảng từ ngôi nhà Ngữ Văn” - sinh viên Thùy Linh viết trên facebook.

Dân trí xin đăng tải bức thư đầy xúc động này:

Thư gửi sinh viên tốt nghiệp đầy yêu thương và ấm áp của thầy Chủ nhiệm Khoa - 1

Sinh viên K65, khoa Ngữ Văn, trường ĐH Sư phạm Hà Nội

Đường dài, chân đi không mỏi

Biển xa, thuận gió xuôi buồm!

Các em sắp chia tay với thời sinh viên, chia tay với mái trường đại học.

Trong thời gian qua, dưới mái trường này, các em được đào tạo để trở thành những thầy giáo cô giáo, trở thành những nhà nghiên cứu, những nhà hoạt động văn hóa, xã hội trong tương lai.

Các em đã học cách đọc và suy ngẫm về ngôn từ, về văn chương, cách nói và viết bằng lời của mình, cách khẳng định chính mình bằng tri thức và nội lực.

Song các em cần hiểu rằng bể học mênh mông, tri thức ta có được hiện tại bao giờ phần nhiều cũng vẫn là lời người khác mà ta có thể “chưa tiêu hoá kỹ", cần nhớ rằng luôn có một khoảng cách rất lớn giữa những gì mình đã biết, đã hiểu, từng áp dụng với những gì mình cần phải biết, phải hiểu, phải áp dụng trong công việc và trong cuộc sống.

Thầy biết trong các em có những người đã thừa tự tin để bước vào đời, song hãy cảnh giác với cảm giác mình đã “đầy” và “’đủ” để không vội vã coi thường hay phán xét những người không cùng quan điểm với mình trước khi đặt mình vào vị thế của họ để có thể hiểu và đồng cảm.

Hãy biết giữ nhân cách, tình cảm nhân văn, đồng thời biết khiêm tốn lắng nghe, cố gắng hiểu và tôn trọng người khác, tìm ra phương thức hiệu quả nhất để đối thoại và cùng chung sống với người khác, biết thừa nhận sai lầm, biết rút kinh nghiệm từ những lần vấp ngã, biết quyết tâm vượt qua những khó khăn, lập nên kỳ tích trước hết là với chính mình, chứ không phải chỉ là đua tranh với người khác.

Lắng lại một chút các em sẽ thấy: so với thế giới thực tại bên ngoài kia, giảng đường nơi đây (mà có thể trong bốn năm đã làm các em “phát ngán” bởi tính mô phạm của nó) dù sao cũng vẫn rất nhân từ, bao dung đối với các em, bởi nó vốn được tạo dựng trên cơ sở lấy các em, những người học, làm trung tâm, tôn trọng, đáp ứng những nhu cầu, đòi hỏi chính đáng của các em.

Các em sắp bước vào một thực tại đời sống vận hành theo cơ chế nghiệt ngã, có thể không tương thích với mong muốn của các em, nó có thể lấy đi của các em nhiều tâm trí, sức lực, niềm tin, nó đòi hỏi rất nhiều mà không tha thứ cho mỗi sai lầm.

Từ hình dung về thế giới trật tự, nhân văn cần phải có trong sách vở, các em bước vào thế giới thực có thể là rất ngổn ngang và phũ phàng. Cuộc đời bao giờ cũng rộng hơn trang sách. Mỗi bước đi hay cách hành xử không thích hợp sẽ buộc các em phải trả giá không phải bằng điểm số có thể cải thiện.

Mỗi sai lầm của các em đều có thể sẽ đóng chặt cánh cửa tương lai của chính các em, bắt các em phải trả giá bằng tiền bạc, danh dự, hay thậm chí bằng cả cuộc sống.

Nói vậy, song thầy không muốn các em có cái nhìn u ám về tương lai, chỉ muốn các em đủ sức rũ bỏ ảo tưởng, vững vàng tâm thế, phát huy hết năng lực của mình để chiếm lĩnh những đỉnh cao chân chính của cuộc đời.

Thời gian qua, các em, kể cả những sinh viên từng trải nhất, cũng mới chỉ phán xét cuộc đời. Giờ các em phải sống thực với nó. Làm thế nào để không chỉ oán thán, mà còn làm chủ được nó? Làm thế nào để tự quyết những vấn đề có ý nghĩa sống còn khi cuộc đời mình nhiều khi không hoàn toàn thuộc về riêng một mình mình?..

Tương lai phía trước có thể là bất định, phần nào có thể gợi xúc cảm bất an. Song đó mới chính là cuộc sống thực. Chỉ cần các em biết kiên định với những giá trị nhân văn từ trang sách, biết sống nhân văn trong cuộc đời, thầy tin các em sẽ thành công.

Thời gian qua, đối với nhiều em, là những năm tháng xa nhà tự lập đầu tiên vất vả, khó khăn, nhưng dù sao, đối với tất cả các em, thời sinh viên vẫn là những năm tháng thanh xuân hồn nhiên, vô tư nhất. Các em gửi lại cả nơi đây những tháng năm son trẻ, những tháng năm đẹp nhất của tuổi hai mươi.

Các em trải nghiệm tại nơi đây không chỉ những đêm nửa thức nửa ngủ canh mạng chờ đăng ký tín chỉ, những lần bì bõm lội cả quãng đường mưa ngập cho kịp giờ lên lớp, những giờ học nhễ nhại mồ hôi trên giảng đường, khi xuống trường thực tập, mà cả những xúc cảm hồi hộp, hân hoan của những cuộc thi nghiệp vụ, thi văn nghệ, thể thao, thi Tài năng văn khoa, sân khấu hoá tác phẩm văn học, những chuyến đi thực tế ấn tượng.

Các em đã trải nghiệm cả những khó khăn, vất vả, cũng như niềm tự hào khi tham gia vào những hoạt động kỷ niệm phong trào thanh niên xung kích, giao lưu với các nhà thơ, nhà văn, giao lưu văn nghệ quốc tế của Khoa, của Trường, tham gia vào những hoạt động sinh viên tình nguyện.

Mái trường, ngôi nhà văn khoa này còn gắn bó với các em không chỉ bởi “tiếng thở dài ngao ngán/ mỗi mùa thi mắc nạn mấy bài”, bởi “nụ cười, nước mắt sinh viên” mỗi lần công bố điểm, mà còn bởi những buồn vui của tình thầy trò, tình bạn, những xúc cảm hạnh phúc hay đớn đau có thể là của một mối tình đầu khó quên, và cả những nuối tiếc hay ân hận về những lần va chạm đầu tiên với cuộc đời...

Các em gửi lại nơi đây cả một trời kỷ niệm: những chiều nấn ná trên “con đường tình yêu” với hàng lộc vừng mùa trải hoa, thay lá, những tối gia sư về muộn, những trách móc, hờn ghen vô cớ và cả những nụ hôn vội vàng mà ngây ngất, đắm say...

Tất cả những gì các em trải nghiệm nơi đây khắc ghi thành những dấu son không phai của tuổi thanh xuân, thành những nốt nhạc trong ngần ngân suốt quãng đời còn lại. Tất cả sẽ trở thành những kỷ niệm thân thương, thành vốn sống, thành hành trang vào đời của các em.

Ngoài kia, phượng đã bừng sắc đỏ in những dấu son trên nền trời. Vài hôm nữa thôi, khi các em nhận bằng, cây muồng hoàng yến cổng trường lại sẽ vàng tươi màu nắng. Xúc cảm hân hoan với niềm vui về đích, những bận rộn lo toan trước mắt cho tương lai chưa lắng.

Các em gọi Lễ Tri ân này bằng tên một nốt nhạc vang ngân như muốn níu thời gian ngưng lại, như tránh không vội nghĩ đến phút giây chia biệt, song thời khắc chia ly dù sao đang tới...

Có lúc nào ta phải gọi thành tên

Từng đứa một để bắt đền nỗi nhớ...

Chúng ta chia tay nhau là để một ngày kia gặp lại trong niềm vui, niềm tự hào, khi các em đã ở những cương vị mới xứng đáng với công sức thầy trò bỏ ra trong bốn năm học vừa qua.

Gìn giữ trong mình ý thức về nhân cách, ý niệm về cái đẹp, về tinh thần nhân văn, các em sẽ đạt được những điều mong ước trong cuộc đời bằng nội lực và cả một chút may mắn nữa.

Xin được chúc các em có thêm chút may mắn mong muốn ấy, chúc các em ra trường nhanh chóng có việc làm, ổn định cuộc sống, làm chủ cuộc sống, luôn phát huy những gì tốt đẹp nhất các em học được ở nơi đây, truyền thụ tri thức và lan tỏa được những giá trị tinh thần tới nhiều thế hệ mai sau..

Mong mọi điều tốt lành đến với các em!

Thầy giáo Đỗ Hải Phong