Theo đuổi ngành sáng chế ở Việt Nam liệu có tương lai?

(Dân trí) - Nhiều bạn học sinh cấp 3 muốn lựa chọn con đường nghiên cứu sáng chế thường bị bố mẹ ngăn cản với các lí do làm khoa học sáng chế là khổ, nghèo, viển vông và chưa kể, người làm nghề này có gì đó… "hâm hâm”, “mát mát".

Chưa nói đến điều kiện, môi trường hỗ trợ sáng chế ở Việt Nam còn nhiều khó khăn thì một rào cản khá lớn đối với các bạn trẻ muốn theo đuổi đam mê làm khoa học nghiên cứu sáng chế chính là sự phản đối của gia đình và những nỗi lo lắng, băn khoăn của bản thân các em.

Ba diễn giả đang công tác trong lĩnh vực nghiên cứu, sáng chế là anh Lê Anh Tiến, thầy Nguyễn Công Toản và anh Trần Vũ Tuấn Phan đã trực tiếp giải đáp khúc mắc, chia sẻ kinh nghiệm để theo đuổi, “sống sót”, thành công trong nghề tại Ngày hội sáng chế trẻ do Young Makers Vietnam tổ chức sáng 6/11.


Ba diễn giả định hướng thông tin cho các bạn trẻ tại phần Bàn tròn thảo luận của Ngày hội sáng chế trẻ.

Ba diễn giả định hướng thông tin cho các bạn trẻ tại phần Bàn tròn thảo luận của Ngày hội sáng chế trẻ.

Đi theo con đường nào sau khi tốt nghiệp?

Trả lời câu hỏi “Các bạn học khoa học sáng chế có thể đi theo con đường nào sau khi tốt nghiệp?”, nhà sáng chế trẻ Lê Anh Tiến (Giải thưởng Sách vàng sáng tạo Việt Nam 2016) khẳng định, cùng với đòi hỏi của thời đại mới và xu thế toàn cầu, trong tương lai ngành sáng chế ở Việt Nam sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ.

Theo anh Tiến, các bạn trẻ theo đuổi sâu về sáng chế có rất nhiều lựa chọn như làm kỹ sư, tích lũy kinh nghiệm để có thêm nhiều sáng chế hoặc cũng có thể trở thành một nhà kinh tế… Ngành sáng chế là ngành rộng, có mặt trong nhiều lĩnh vực đời sống xã hội và do đó, người làm sáng chế không lo thiếu “đất” để hành nghề.

“Nếu các bạn theo đuổi ngành sáng chế, mình đảm bảo 100% các bạn không phải lo về vấn đề thất nghiệp sau khi ra trường”, nhà sáng chế Lê Nhật Tiến nhấn mạnh.

Bản thân anh Tiến tham gia vào lĩnh vực này từ cấp 3 và đã đi làm cho một số công ty ngay từ lúc chưa có khái niệm về sáng chế, chưa có bằng tốt nghiệp cấp 3. Hiện nay, anh Tiến đang có công việc “rất tuyệt vời liên quan đến sáng chế nhờ công sức cố gắng từ những năm cấp 3”.

Theo anh Tiến, “các công ty lớn không quan trọng bằng cấp của bạn thế nào; quan trọng là bạn đam mê sáng tạo các sản phẩm ra sao và sản phẩm của bạn có phù hợp với thị trường hay không?”.


Anh Lê Anh Tiến, Nhà sáng chế trẻ, Giải thưởng Sách vàng sáng tạo Việt Nam 2016.

Anh Lê Anh Tiến, Nhà sáng chế trẻ, Giải thưởng Sách vàng sáng tạo Việt Nam 2016.

Cần định hướng rõ bản thân làm sáng tạo vì đam mê, tiền hay danh vọng…

Những khó khăn nảy sinh trong quá trình theo đuổi khoa học sáng chế là vô vàn từ khách quan như điều kiện xã hội, sự phản đối của gia đình, áp lực học hành thi cử ở trường đến chủ quan như năng lực chuyên môn, năng lực tài chính của bản thân…

Làm sao để vượt qua các khó khăn, thách thức ấy? Anh Trần Vũ Tuấn Phan, Giám đốc Trung tâm ươm tạo công nghệ và doanh nghiệp khoa học công nghệ, Viện Ứng dụng Công nghệ (Bộ KH&CN) cho rằng, khi định hướng được bản thân làm khoa học vì điều gì thì bạn trẻ sẽ có câu trả lời, có động lực để đi tiếp hay dừng lại.

Bản thân là người nghiên cứu khoa học, anh Phan thấu hiểu nỗi gian khổ khi theo con đường này. Một trong số đó là cảm nhận rõ rệt về sự cô đơn của người làm nghiên cứu khoa học chuyên nghiệp khi gia đình không ủng hộ; bạn bè, người thân không ai hiểu mình làm gì trong lĩnh vực của mình hay đơn giản là sự kiên trì ngày ngày “cắm mặt” trong phòng thí nghiệm.

Với câu hỏi “tìm kiếm sự hỗ trợ, tài trợ từ các tổ chức, cơ quan nào để làm sáng chế”, anh Phan trước tiên nhắn nhủ các bạn trẻ rằng, các bạn cần định hướng rõ bản thân làm sáng tạo vì đam mê, vì tiền hay vì danh vọng nào đó…

“Nếu các bạn tìm tòi những thứ xung quanh mình để có sáng kiến phục vụ cuộc sống thì các bạn sẽ không quan tâm đến việc người ta hỗ trợ các bạn cái gì mà các bạn làm vì mọi người xung quanh mình.

Và mình nghĩ, nếu bạn làm vì lí do như vậy thì tỉ lệ thành công sẽ cao hơn rất nhiều so với rằng làm vì có đơn vị, tổ chức nào hỗ trợ”, anh Phan chia sẻ.


Thầy Nguyễn Công Toản, giáo viên Vật lý trường THPT Chuyên ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQGHN, nhà sáng lập Trung tâm thí nghiệm Vật lí Edison.

Thầy Nguyễn Công Toản, giáo viên Vật lý trường THPT Chuyên ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQGHN, nhà sáng lập Trung tâm thí nghiệm Vật lí Edison.

Anh Phan cho biết, các chương trình hỗ trợ người làm nghiên cứu của Bộ KH&CN, Chính phủ cũng rất nhiều: “Hàng năm Bộ KH&CN có tiền sự nghiệp khoa học cho các đề tài nghiên cứu của các nhà nghiên cứu từ 400-500 tỉ, một con số khá lớn, đủ để triển khai một số xuất phát điểm của ý tưởng ban đầu.

Các bạn thậm chí cũng có thể đăng ký đến vài trăm tỉ nhưng phải là chương trình rất lớn”. Ngoài ra, cũng có rất nhiều sân chơi của nhà nước, các công ty dành cho các bạn đam mê khoa học nghiên cứu và sáng chế.

Thầy Nguyễn Công Toản, giáo viên Vật lý trường THPT Chuyên Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội, nhà sáng lập Trung tâm thí nghiệm Vật lí Edison nhấn mạnh, tất cả sáng chế bắt nguồn từ yêu thích, đam mê và có thể tiến hành ở ngay trong chính căn phòng nhỏ, trong nhà, trường, lớp của các học sinh và nếu có đam mê thực sự, các em hoàn toàn có thể khắc phục được khó khăn và theo đuổi con đường sáng tạo.

Thầy Toản cho rằng, các bạn học sinh hiện nay có thuận lợi là sinh ra trong một xã hội đã phát triển đến một giai đoạn mới và các em được tạo nhiều điều kiện, cơ hội để phát triển.

“Nghiên cứu, sáng chế khoa học không có gì cao siêu; thực ra rất đơn giản, bắt đầu từ những điều bình thường, nhỏ nhặt và đời sống nhất. Hãy bắt đầu từ những cái nhỏ nhất, gần gũi nhất để tích lũy kỹ năng, kinh nghiệm và từ đó, các em có thể làm những điều khổng lồ.

Một đời người sáng chế đôi khi chỉ cần làm được một cái mới thực thụ đã là thành công và có thể trở nên giàu có rồi”, thầy Toản nói.


Anh Trần Vũ Tuấn Phan, Giám đốc Trung tâm ươm tạo công nghệ và doanh nghiệp khoa học công nghệ, Viện Ứng dụng Công nghệ, Bộ KHCN.

Anh Trần Vũ Tuấn Phan, Giám đốc Trung tâm ươm tạo công nghệ và doanh nghiệp khoa học công nghệ, Viện Ứng dụng Công nghệ, Bộ KHCN.

Làm thế nào để tạo ra thu nhập từ chính niềm đam mê sáng chế?

Với bản thân nhà sáng chế trẻ Lê Nhật Tiến, câu hỏi “Có nhiều người lo ngại việc sáng tạo là viển vông, không thể lo được cho bản thân, gia đình, xã hội. Các bạn trẻ đam mê sáng chế nên làm thế nào để tạo ra thu nhập từ chính niềm đam mê của mình?” là một câu hỏi cực khó vì khi bắt tay vào sáng chế, giai đoạn đầu chưa thể sinh ra khả năng tài chính và hơn nữa, các bạn cũng không có bất kì một chứng mình nào để xin các nguồn hỗ trợ.

“Theo như kinh nghiệm của mình là phải biết phân chia thời gian hợp lý, ngoài làm ở phòng thí nghiệm hay đi nghiên cứu cần có kế hoạch ngắn hạn là làm công việc part-time để hỗ trợ kinh phí cho việc sáng chế”, anh Tiến chia sẻ.

Ngoài ra, anh Tiến cũng mách các bạn trẻ làm sáng chế mẹo tham khảo các quỹ hỗ trợ uy tín hàng năm từ các tổ chức phi chính phủ (ví dụ Quỹ sáng chế Newton). Dù số tiền hỗ trợ không nhiều nhưng số tiền vài triệu có thể giúp các bạn cải tiến hoàn thiện sản phẩm hơn.

Và để thành công, anh Tiến cho rằng yếu tố quan trọng là “phải làm nhiều hơn người khác” và chịu vất vả hơn nhiều người khác trước khi muốn gặt hái “trái ngọt”.

Lệ Thu