Hội nghi giao ban vùng thi đua 6 tỉnh Bắc Trung bộ:

Tăng cường quản lý dạy thêm - học thêm và thu chi ở các trường

(Dân trí) - Đó là ý kiến của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa đưa ra tại Hội nghị giao ban lần thứ nhất năm học 2012 - 2013 của 6 tỉnh Bắc Trung bộ do Bộ GD-ĐT tổ chức vào sáng nay 7/11 tại TP Đồng Hới (Quảng Bình).

Theo số liệu tại hội nghị, năm học 2012 - 2013, tỷ lệ huy động trẻ đến trường của 6 tỉnh Bắc Trung bộ tiếp tục đạt kết quả cao, trong đó, mẫu giáo 5 tuổi đạt hơn 99%; tỷ lệ huy động học sinh vào lớp 1 đạt trên 99% và vào lớp 6 trên 97%. Công tác quy hoạch và phát triển mạng lưới trường lớp tiếp tục được quan tâm. Các tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện chương trình kiên cố hoá trường, lớp học, góp phần tăng tỷ lệ phòng học kiên cố. Huy động nguồn lực, lồng ghép chương trình, mục tiêu và các nguồn tài trợ để tăng cường cơ sở vật chất trường học. Tỷ lệ phòng học kiên cố tăng cao, phòng học tạm và phòng học mượn giảm.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số địa phương có số lượng phòng học tạm, phòng học mượn còn nhiều như: Nghệ An (1.916 phòng tạm, 244 phòng mượn), Thanh Hóa (715 phòng tạm, 329 phòng mượn), Thừa Thiên Huế (347 phòng học tạm). Năm học này, một số trường THPT tuyển không đủ chỉ tiêu và hầu hết các trung tâm GDTX chưa tuyển đủ học sinh…
 
Hội nghị giao ban vùng thi đua 6 tỉnh Bắc Trung bộ sáng nay 7/11.
Hội nghị giao ban vùng thi đua 6 tỉnh Bắc Trung bộ sáng nay 7/11.

Với những kết quả đạt được và một số hạn chế trên, tại hội nghị sáng nay, hầu hết lãnh đạo các Sở GD-ĐT đã kiến nghị tình hình bất cập và thiếu thống nhất trong công tác phân cấp quản lý giáo dục khối phòng GD&ĐT. Theo đó, mặc dù hiện nay nhiều tỉnh đã có quyết định về việc thực hiện Nghị định số 115 của Chính phủ và Thông tư số 47 của liên Bộ, song thực tế một số mặt vẫn còn bất cập và chưa giao quyền chủ động cho các phòng GD-ĐT trong công tác tổ chức cán bộ. Việc triển khai thực hiện ở các huyện thiếu thống nhất do tùy thuộc vào quyết định của Chủ tịch UBND cấp huyện. Vì vậy, cần có sự chỉ đạo thống nhất và đúng quy định theo nội dung Nghị định 115 của Chính phủ, nhằm giúp các phòng giáo dục chủ động trong công tác chỉ đạo, điều hành.

Ý kiến về việc triển khai đề án ngoại ngữ, Bộ GD-ĐT không nên “giao cứng” cho một số trường đại học ngoại ngữ của đoàn lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Tĩnh và Thanh Hóa đưa ra tại hội nghị cũng được các đại biểu rất quan tâm. Hiện nay, công tác cải chính hộ tịch, hộ khẩu quá dễ nên việc quản lý và xử lý người sử dụng bằng cấp còn nhiều bất cập. Theo đó, nhiều ý kiến đại biểu đề xuất Bộ GD-ĐT nên rà soát lại chỉ tiêu đào tạo ở các trường sư phạm, đặc biệt không nên đào tạo chứng chỉ sư phạm như hiện nay, gây thừa giáo viên và không đảm bảo chất lượng sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục.
 
Các đại biểu đưa ra ý kiến thảo luận tại hội nghị.
Các đại biểu đưa ra ý kiến thảo luận tại hội nghị.

Điều kiện cở sở vật chất trường học còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, hệ thống công trình vệ sinh, nước sạch vẫn chưa đáp ứng yêu cầu cũng là một vấn đề được các đại biểu đưa ra thảo luận. Các đại biểu mong rằng, trong thời gian tới các cấp ban ngành cần có những chính sách đầu tư, hỗ trợ hơn nữa để các địa phương sớm hoàn thiện mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra trong năm học…  

Sau khi nghe báo cáo và các ý kiến thảo luận của các đoàn đại biểu, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa đã ghi nhận những nỗ lực vượt khó của các địa phương để triển khai chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ trong năm học mới. Các Sở GD-ĐT đã tích cực làm công tác tham mưu với chính quyền địa phương ban hành được nhiều chủ trương, chính sách nhằm tạo điều kiện phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng, trong thời gian tới, các địa phương cần quan tâm hơn nữa trong công tác quy hoạch mạng lưới trường lớp theo lộ trình đến năm 2020; tăng cường quản lý việc dạy thêm, học thêm, thi cử và vấn đề thu chi ở cơ sở trường học; nắm bắt những khó khăn vướng mắc từ cơ sở nhằm có biện pháp giải quyết kịp thời; phát huy sử dụng có hiệu quả thiết bị dạy học, đồng thời tích cực chủ động, sáng tạo trong công tác tham mưu và cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo của Bộ GD-ĐT vào thực tế hoạt động.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng còn lưu ý các địa phương cần ưu tiên các nguồn lực thực hiện phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi và chế độ chính sách cho đội ngũ giáo viên; triển khai nhiều giải pháp nhằm tập trung nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; đẩy mạnh công tác giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh…

Đặng Tài - Đăng Đức