“Sự thay đổi của công nghệ trong vòng 3 năm tới sẽ bằng 15 năm trước”
(Dân trí) - Trước đây, những công ty giàu có hàng đầu thế giới hoạt động trong nhiều lĩnh vực như dầu khí, ô tô… nhưng hiện tại, 10 công ty lớn nhất hàng đầu thế giới có tới 7 công ty là công ty công nghệ số. Các công ty này đang định hướng, dẫn đầu sự thay đổi của thế giới.
Trong vài năm gần đây, Cách mạng Công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) được nhắc đến nhiều ở Việt Nam. Tuy nhiên, những giải pháp chuẩn bị nhân lực cho CMCN 4.0 lại chưa được đề cập tương xứng với mức độ quan trọng của nó.
Nhằm có cái nhìn đa chiều về nhân lực cho CMCN 4.0 tại Việt Nam, đồng thời cũng để tiếp thu những tư vấn và giải pháp từ các tập đoàn công nghệ hàng đầu, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Tập đoàn APTECH tổ chức Hội thảo Giải pháp đào tạo nhân lực Công nghệ thông tin cho CMCN 4.0 tại Việt Nam.
Ông Phạm Như Nghệ - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo mở màn buổi hội thảo bằng bài phát biểu về cuộc CMCN lần thứ 4. Khái niệm này được nhắc tới lần đầu tiên năm 2011, tới nay, hầu như tất cả mọi người đều đã biết tới cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
"Chúng ta cũng không thể tách rời xu thế phát triển của cuộc cách này. Để có thể đào tạo ra nguồn nhân lực đáp ứng cho cuộc cách mạng này thì việc trước hết là cần phải đào tạo, phát triển đội ngũ giảng viên", Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học nhấn mạnh.
Buổi hội thảo này là cơ hội để các các chuyên gia trong và ngoài nước để xác định những vấn đề quan trọng và tìm ra giải pháp phù hợp cho đào tạo nhân lực Việt Nam trong thời kỳ CMCN 4.0.
Đại diện Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam cho biết: Ở Ấn Độ trong vài năm gần đây, cộng đồng đã xây dựng được những giải pháp đào tạo phù hợp, đáp ứng nhu cầu của cuộc CMCN 4.0. ĐSQ Ấn Độ hi vọng Việt Nam cũng sẽ có được sự tương tự. "Tương lai đang tới gần và chúng ta phải sẵn sàng đón nhận".
Trong những năm qua, nhờ sự hợp tác giữa hai nước, Ấn Độ đã đào tạo cho hơn 1.000 cán bộ Việt Nam trong tất cả các lĩnh vực. Đại sứ quán Ấn Độ sẵn sàng hỗ trợ và tiếp nhận những sáng kiến để thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa hai nước.
Ông Anuj Kacker – Chủ tịch Tập đoàn APTECH toàn cầu chia sẻ câu chuyện về những người, những đơn vị dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực công nghệ. Họ đều phải trải qua quá trình học tập và đào tạo chuyên nghiệp.
Những con số dự báo được Ông Anuj Kacker – Chủ tịch Tập đoàn APTECH toàn cầu đưa ra tại Hội thảo.
Ông Kacker dự báo rằng GDP của Việt Nam có thể tăng trưởng 62 tỷ đô la Mỹ tới năm 2030 nhờ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. CMCN 4.0 cũng dự đoán sẽ tạo ra 3,1 triệu việc làm mới, tăng trưởng doanh thu khoảng 420 triệu đô la Mỹ nhờ công nghệ AI (trí thông minh nhân tạo) và 2,2 triệu đô la Mỹ nhờ công nghệ điện toán đám mây tính đến năm 2030.
Ông Kacker đưa ra những con số này không phải là để làm cho mọi người ấn tượng mà để hiểu rằng chúng ta cần phải làm gì, cần những kĩ năng gì để bắt kịp thời đại. Đó chính là động lực để chúng ta tích cực học tập và đào tạo.
Ông Phạm Thế Trường - Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam có quan điểm: Tương lai đã tới rồi và chúng ta cần phải sẵn sàng cho tương lai đó. Theo ông Trường, CMCN 4.0 không còn ở trước mắt mà đã đang diễn ra rồi.
Ông Phạm Thế Trường - Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam: “Sự thay đổi của công nghệ trong vòng 3 năm tới sẽ bằng 15 năm trước”
Ông Trường nói: "Chúng ta ra đường có thể quên mang ví nhưng không thể quên điện thoại. Không có chiếc điện thoại thông minh bên cạnh, dường như chúng ta bị cô lập khỏi thế giới".
Ông Trường đưa ra thống kê 500 công ty hàng đầu thế giới trong vòng 15 năm qua đã biến mất tới 89%. Trước đây, những công ty giàu có hàng đầu thế giới hoạt động trong nhiều lĩnh vực như dầu khí, ô tô… nhưng hiện tại, 10 công ty lớn nhất hàng đầu thế giới có tới 7 công ty là công ty công nghệ số. Các công ty này đang định hướng, dẫn đầu sự thay đổi của thế giới.
Các chuyên gia trên thế giới tin rằng sự thay đổi của công nghệ trong vòng 3 năm tới sẽ bằng 15 năm trước. Con người đang sống trong thời đại tất cả mọi thứ được kết nối với nhau. Ông Trường tin rằng công nghệ AI xuất hiện sẽ loại trừ 75 triệu lao động, nhưng cũng sẽ tạo ra 133 triệu việc làm mới.
Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam chia sẻ: "Một ví dụ cho thấy cách thức làm việc và cuộc sống của chúng ta đã thay đổi dưới tác động của công nghệ là văn phòng tôi hầu như không có tờ giấy nào mà chỉ có một chiếc tivi.
Thậm chí trong mấy năm nay tôi đã không cần dùng tới máy tính mà hầu hết làm việc qua điện thoại, lưu trữ lịch họp, chia sẻ dữ liệu, họp hành qua video… đều dùng điện thoại”.
Các chuyên gia khác tham dự hội thảo cũng có cùng nhận định về sự cấp thiết đào tạo đội ngũ nhân sự công nghệ thông tin. Nhân lực công nghệ thông tin không chỉ làm cho ngành này mà còn làm việc trong rất nhiều ngành khác.
Mai Châm