Sinh viên kêu gọi doanh nghiệp đầu tư dự án khởi nghiệp
(Dân trí) - Ngày 7/7, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp cùng Viện Friedrich Naumann (FNF) tổ chức Ngày hội kết nối “Matching mentor day”.
Đây là hoạt động thuộc trong khuôn khổ cuộc thi khởi nghiệp sinh viên Business Challenges 2019.
Trước đó, cuộc thi Business Challenges được khởi động từ tháng 4/2019, đến nay cuộc thi đã trải qua một chặng đường và các đội thi bắt đầu bước vào vòng 3 trình bày dự án và kêu gọi đầu tư mô hình khởi nghiệp.
Phát biểu tại ngày hội, PGS.TS Trương Anh Thu, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế (ĐHQGHN) cho biết, ngay từ khi khởi động, cuộc thi đã thu hút được 427 thí sinh tham gia ở hơn 80 đội, đến từ nhiều trường đại học khác nhau tại Hà Nội.
Ngày hội kết nối (Matching Mentors Day) được tổ chức cho 15 đội thi của nhánh 1 – Khỏi nghiệp, với mong muốn kết nối các mentor (cố vấn đến từ các doanh nghiệp tư nhân) với các đội thi. Từ đó, mỗi đội thi sẽ gắn chặt với mentor mà mình đã lựa chọn, được các mentor đồng hành trong suốt quá trình diễn ra cuộc thi.
PGS Thư cho hay, các cố vấn sẽ đóng vai trò tư vấn, định hướng cho đội thi, giúp các ý tưởng dự thi được hiện thực hóa một cách hiệu quả nhất.
Bên cạnh đó, sự kiện cũng tạo ra cơ hội gặp gỡ, kết nối các đội thi với các mentors khác đến từ nhiều công ty, doanh nghiệp, giúp nâng cao cơ hội khởi nghiệp và việc làm sau khi tốt nghiệp ra trường sau này.
“Cuộc thi là một cơ hội tuyệt vời cho sinh viên tham gia khởi nghiệp, những kinh nghiệm này trang bị cho các bạn sẵn sàng trước sự hội nhập và tìm kiếm cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp Đại học”, PGS Trương Anh Thư nhấn mạnh.
Được biết, các mentor tham dự sự kiện đều là CEO, Giám đốc, Cố vấn cấp cao của các doanh nghiệp đã từng khởi nghiệp thành công, có bề dày kinh nghiệm trong đầu tư và quản trị nhân lực thuộc tất cả các lĩnh vực dịch vụ công nghiệp 4.0.
Tại ngày hội, 15 đội thi có bàn trưng bày sản phẩm/dự án của đội để giới thiệu ý tưởng/sản phẩm khởi nghiệp theo hình thức sáng tạo nhất thuộc các nhóm lĩnh vực: công nghệ thông tin; công nghệ giáo dục; đầu tư; tài chính; bảo hiểm; may mặc; lương thực;dược phẩm; xây dựng; chuỗi logistic… Các đội thi sẽ thể hiện tiềm năng, kế hoạch của mình với 3 phút giới thiệu về dự án để mentor lựa chọn.
Sự kiện này còn có thể gọi là “ngày ghép cặp” giữa đội thi và mentor, có một ý nghĩa rất lớn đối với cuộc chạy đua ngôi vị quán quân khi cuộc thi kết thúc.
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Chủ tịch Công ty Bất động sản Royal Land đánh giá nhiều tính dự án có tính khả thi và bất ngờ trước với các ý tưởng về tái chế rác thải môi trường độc đáo.
Cuộc thi Business Challenges 2019 là một trong những hoạt động quốc tế hóa giáo dục của Nhà trường, nhằm tạo cho sinh viên ĐHKT - ĐHQGHN nói riêng, và các bạn trẻ nói chung một sân chơi bổ ích, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, chắp cánh cho khát vọng khởi nghiệp trẻ, đồng thời cũng giúp doanh nghiệp tuyển dụng được những sinh viên trẻ, năng động, có năng lực và khát vọng.
Cuộc thi Business Challenges 2019 có nhiều dự án khởi nghiệp liên quan tới sản xuất sản phẩm tái chế, thân thiện với môi trường và giảm tác hại của nhựa.
Hà Cường