Công tác tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2015:

Sẽ có quy định riêng đối với những cụm tại TPHCM và Hà Nội

(Dân trí) - Tại hội nghị tập huấn thi THPT quốc gia 2015 do Bộ GD-ĐT tổ chức trong 2 ngày 19 - 20/3 tại TPHCM, nhiều thắc mắc và góp ý đã được Bộ GD-ĐT tiếp thu, hướng dẫn và tháo gỡ để kỳ thi diễn ra thuận lợi và công bằng cho thí sinh.

Băn khoăn về phân luồng thí sinh cho các cụm thi

TS Nguyễn Quốc Chính - trưởng ban ĐH và sau ĐH (ĐH Quốc gia TPHCM) đặt 3 vấn đề trong đó có  liên quan đến tổ chức các cụm thi và các điểm thi. “Điều quan tâm hiện nay là nguyên tắc phân các địa điểm thi sẽ như thế nào? Chẳng hạn như ĐHQG TPHCM sẽ có sẵn một số các điểm thi và sẽ tổ chức thi cho thí sinh hay là ĐHQG được phân luôn những điểm thi và chỉ phụ trách tại những điểm thi đó thôi? Chúng tôi nghe thông tin rằng sẽ có trách nhiệm đảm đương tổ chức thi cho thí sinh ở khu vực tỉnh Đồng Nai, Tân Bình và Bình Thạnh (TPHCM), phải chăng những điểm thi ở Tân Bình đã có sẵn vì chúng tôi chỉ tiếp quản tổ chức thi ở đấy hay chủ động đi tìm những điểm thi chuẩn bị sẵn cho thí sinh?”, ông Chính thắc mắc.

Sẽ có quy định riêng đối với những cụm tại TPHCM và Hà Nội

Cũng liên quan đến việc sắp xếp điểm thi cho thí sinh, đại diện Sở GD-ĐT Vĩnh Long ý kiến rằng: “Trước đây phía Bộ GD-ĐT có phát biểu những tỉnh như Vĩnh Long nằm giữa cụm thi ĐH Trà Vinh và ĐH Cần Thơ thì có xem xét một số trường THPT giáp thành phố Cần Thơ được đăng ký các cụm thi ở Cần Thơ, còn những trường giáp ranh Trà Vinh thì sẽ đăng ký thi ở Trà Vinh. “Phía Sở GD-ĐT chúng tôi cũng có văn bản báo cáo danh sách các trường này nhưng đến nay vẫn chưa thấy phản hồi của Bộ GD-ĐT. Xin Bộ có thể trả lời chính thức để Sở GD-ĐT  báo cáo UBND tỉnh”, đại diện Sở GD-ĐT Vĩnh Long cho biết.

Trong khi đó, đại diện Sở GD-ĐT tỉnh Bến Tre cũng chưa rõ về việc bố trí hội đồng thi cụ thể tại các tỉnh có chung cụm thi do trường ĐH chủ trì ra sao. Chẳng hạn, 2 tỉnh Bến Tre và Tiền Giang có 2 thành phố cách nhau khoảng 12 km thì có thể đặt hội đồng thi cả 2 tỉnh trong bán kính không quá 20km để thuận lợi cho thí sinh hay không.

Bố trí điểm thi khi có dữ liệu thực tế vào ngày 20/5

Trước những thắc mắc của các đại biểu, ông Trần Văn Nghĩa - Phó Cục trưởng Cục khảo thí và kiểm định chất lượng Bộ GD-ĐT cho biết,  đối với những cụm thi chỉ 1-2 tỉnh thì công tác tổ chức sẽ đơn giản nhưng riêng TPHCM và Hà Nội, kể cả Hải Phòng thì sẽ có những quy định cụ thể cho các trường biết được cụm thi của mình sẽ có thí sinh ở tỉnh, quận, huyện nào. Theo ông Nghĩa, việc bố trí điểm thi như thế nào thì dựa trên cơ sở dữ liệu thực tế được bàn giao vào ngày 20/5 của các Sở GD-ĐT. Lúc đó phía ĐHQG TPHCM và các cụm thi lên phương án tổ chức điểm thi. Như vậy sẽ có những điểm thi tại các trường ĐH, CĐ hoặc trung cấp còn lại những điểm thi tại trường phổ thông để tránh nhầm lẫn giữa các cụm thi. Trên cơ sở đề xuất của các cụm thi về danh sách trường phổ thông được chọn, Bộ sẽ đề nghị sở GD-ĐT hỗ trợ để không nhầm lẫn.

Đối với ý kiến của Sở GD-ĐT Vĩnh Long, đại diện Cục Khảo thí cho biết sẽ xin ý kiến Bộ trưởng GD-ĐT và trả lời sớm nhất đối với việc thi của những học sinh ở địa bàn giáp ranh 2 cụm thi. Còn đối với việc đặc hội đồng thi tại các tỉnh có chung cụm thi, ông Nghĩa cho biết, sẽ dựa trên báo cáo cụ thể và Bộ sẽ bàn cụ thể hơn với các trường ĐH chủ trì cụm thi để sắp xếp phù hợp.

Sửa sai hồ sơ thí sinh như thế nào?

TS Nguyễn Quốc Chính cũng thắc mắc thêm về mặt kỹ thuật, Sở GD-ĐT và các trường THPT sẽ nhập thông tin của thí sinh và sau đó chuyển cho các cụm thi. Nếu đến ngày 30/6 thí sinh đến nhận thẻ dự thi mà vẫn còn sai sót xảy ra thì khi đó việc điều chỉnh, sửa sai sẽ diễn ra như thế nào?

Ông Trần Văn Nghĩa trả lời rằng về thông tin dữ liệu của thí sinh thì do trường THPT nhập, trong quá trình đó thì kết quả cũng công bố công khai trên mạng. Mỗi thí sinh sẽ có tài khoản với mỗi mã nhập để xem được thông tin của mình. Phía Sở GD-ĐT sau khi chuyển dữ liệu cho các trường tổ chức thi thì sáng ngày 30/6, lúc thí sinh đến làm thủ tục dự thi nhận thẻ dự thi. Thời điểm này vẫn tiếp tục sửa được nếu thông tin của thí sinh bị sai. Lúc đấy phần mềm sẽ mở để các cụm thi điều chỉnh được. Việc chỉnh sửa các cụm căn cứ và lưu lại đơn xin sửa sai của thí sinh. Thời điểm này các Sở GD-ĐT và các trường THPT không vào hệ thống phần mềm được.

Hà Minh