Sắp có tiêu chuẩn nghiệp vụ chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non

(Dân trí)-Bộ GD-ĐT vừa ban hành dự thảo quy định tiêu chuẩn nghiệp vụ chức danh nghề nghiệp của viên chức trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập. Theo đó, giáo viên mầm non gọi là viên chức mầm non, được phân thành 3 hạng chức danh nghề nghiệp gồm hạng II, III và IV.

Chức danh nghề nghiệp viên chức trong cơ sở giáo dục mầm non công lập là tên gọi thể hiện trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của viên chức trong từng lĩnh vực nghề nghiệp, được sử dụng làm căn cứ để thực hiện công tác tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức trong cơ sở giáo dục mầm non công lập.

Tiêu chuẩn nghiệp vụ các chức danh nghề nghiệp của viên chức trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập bao gồm: tên và hạng của chức danh nghề nghiệp, nhiệm vụ, tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp, tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng và tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn nghiệp vụ của viên chức trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập.

Việc cho ra đời tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non sẽ giải được bài toán bất cập về tiền lương cho đội ngũ này. Lâu nay giáo viên mầm non dù có bằng tốt nghiệp TCCN, CĐ và ĐH đều xuất phát điểm hệ số lương là như nhau.

Theo dự thảo, giáo viên mầm non hạng IV là viên chức chuyên môn làm nhiệm vụ nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ em trong trường mầm non, trường mẫu giáo, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo. Là giáo viên trực tiếp giảng dạy theo nhóm, lớp; thực hiện theo chương trình và các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em ở nhóm, lớp được phân công; thực hiện đúng quy chế chuyên môn và chấp hành nội quy của trường; Bảo vệ an toàn tuyệt đối tính mạng của trẻ em; Gương mẫu, thương yêu, tôn trọng và đối xử công bằng với trẻ; Phối hợp với gia đình trẻ trong việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ; tuyên truyền, phổ biến kiến thức nuôi dạy trẻ theo khoa học cho các bậc cha mẹ; Làm đồ chơi, đồ dùng dạy học, bảo quản và sử dụng thiết bị được giao; Tự học, tự bồi dưỡng để rèn luyện đạo đức, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

Bên cạnh đó, tâm huyết với nghề nghiệp, có ý thức giữ gìn danh dự, l­ương tâm nhà giáo; có tinh thần đoàn kết, th­ương yêu, giúp đỡ đồng nghiệp trong cuộc sống và trong công tác; có lòng nhân ái, bao dung, độ lư­ợng, đối xử công bằng hoà nhã với trẻ em, đồng nghiệp; giúp đỡ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của trẻ em, đồng nghiệp và cộng đồng; Thực hiện đúng điều lệ, quy chế, nội quy của đơn vị, nhà trường, của ngành; Có đạo đức lối sống lành mạnh, giản dị được đồng nghiệp, nhân dân tín nhiệm và trẻ yêu quí; Thực hiện phê bình và tự phê bình thường xuyên, nghiêm túc; thường xuyên học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; Không vi phạm các qui định về các hành vi nhà giáo không được làm.

Giáo viên mầm non hạng IV phải có bằng tốt nghiệp trung học sư phạm trở lên (mẫu giáo, nhà trẻ; Nắm được chủ trương, đường lối, chính sách của Nhà nước và các quy định của ngành về chương trình và các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ; Nắm mục tiêu, kế hoạch, chương trình...,các quy chế, nội quy và các quy định khác của ngành học; Nắm kiến thức cơ bản về tâm lý, sinh lý và phương pháp nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ; Biết quản lý, sử dụng và bảo quản tài sản, cơ sở vật chất, thiết bị của nhóm, lớp và của trường; Biết phối hợp với cha mẹ các cháu trong công tác chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ.

Giáo viên mầm non hạng III là viên chức chuyên môn giữ vai trò cốt cán trong việc nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ em trong trường mầm non, trường mẫu giáo, nhà trẻ, lớp mẫu giáo độc lập. Ngoài việc hoàn thành tốt chức trách của giáo viên mầm non, giáo viên mầm non chính phải thực hiện các nhiệm vụ: Là giáo viên trực tiếp giảng dạy theo nhóm, lớp, thực hiện tốt chương trình và các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em ở nhóm, lớp được phân công; thực hiện tốt quy chế chuyên môn và nội quy của trường; Tổ chức và hướng dẫn giáo viên mầm non thực hiện chương trình và các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ; Hướng dẫn giáo viên mầm non cách làm, cách bảo quản và sử dụng các thiết bị, đồ chơi, đồ dùng;

Chủ động phối hợp với gia đình trẻ và các đoàn thể trong việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ; tổ chức rút kinh nghiệm và đề xuất các biện pháp để góp phần nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ; Tham gia kiểm tra, thanh tra giảng dạy và các mặt công tác giáo dục khi được phân công; Tham gia hướng dẫn, đánh giá thực tập sư phạm của học sinh, sinh viên (khi được phân công).

Tâm huyết với nghề nghiệp, có ý thức giữ gìn danh dự, l­ương tâm nhà giáo; có tinh thần đoàn kết, th­ương yêu, giúp đỡ đồng nghiệp trong cuộc sống và trong công tác; có lòng nhân ái, bao dung, độ lư­ợng, đối xử công bằng hoà nhã với trẻ em, đồng nghiệp; sẵn sàng giúp đỡ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của trẻ em, đồng nghiệp và cộng đồng; Tận tụy với công việc; thực hiện đúng điều lệ, quy chế, nội quy của đơn vị, nhà trường, của ngành; Có đạo đức lối sống lành mạnh, giản dị, gương mẫu được đồng nghiệp, nhân dân tín nhiệm và trẻ yêu quí;

Thực hiện phê bình và tự phê bình thường xuyên, nghiêm túc; thường xuyên học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp giáo dục; Không vi phạm các qui định về các hành vi nhà giáo không được làm.

Giáo viên mầm non hạng III phải tốt nghiệp CĐ Sư phạm mầm non (mẫu giáo, nhà trẻ) trở lên; Có thâm niên là giáo viên mầm non ít nhất là 3 năm; Có chứng chỉ bồi dưỡng về Tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng III; Có sáng kiến, kinh nghiệm về nội dung, phương pháp chăm sóc, giáo dục trẻ áp dụng trong trường; Có chứng chỉ tin học (trình độ A); Được công nhận là giáo viên giỏi cấp trường trở lên.

Ngoài ra, nắm vững đường lối, chính sách của Nhà nước và các quy định của ngành cũng như yêu cầu của địa phương về giáo dục mầm non; Nắm vững mục tiêu và yêu cầu về nội dung, phương pháp giáo dục mầm non. Biết vận dụng vào thực tế địa phương; Có kiến thức vững vàng về tâm lý, sinh lý trẻ em. Biết phương pháp giáo dục, chăm sóc và phương pháp phòng chống các bệnh thông thường cho trẻ; Biết cách tổ chức và vận động quần chúng nhất là cha mẹ các cháu để nâng cao hiệu giáo dục trẻ.

Giáo viên mầm non hạng II là viên chức có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao, giữ vai trò cốt cán trong việc tổ chức, hướng dẫn việc nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ em trong trường mầm non, trường mẫu giáo của tỉnh. Ngoài việc hoàn thành tốt chức trách của giáo viên mầm non hạng 3, giáo viên mầm non hạng II phải thực hiện được các nhiệm vụ: Là giáo viên trực tiếp giảng dạy theo nhóm, lớp; thực hiện tốt các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ theo yêu cầu về nội dung, phương pháp giáo dục mầm non; Tham gia tổ chức và soạn thảo các chuyên đề bồi dưỡng nâng hạng cho giáo viên mầm non hạng II và III hạng nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc và giáo dục trẻ em; Thực hiện hướng dẫn, đánh giá kết quả thực tập của học sinh, sinh viên; Chủ trì việc tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về nội dung, phương pháp giáo dục mầm non. Tham gia nghiên cứu khoa học, bồi dưỡng giáo viên cấp tỉnh, thành phố;

Tham gia kiểm tra, thanh tra giảng dạy và các mặt công tác giáo dục ở các trường, tham gia hội đồng cấp huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện), hội đồng cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh) đánh giá, xét duyệt sáng kiến kinh nghiệm của giáo viên (khi có yêu cầu); Là thành viên của hội đồng chấm thi giáo viên giỏi cấp huyện tỉnh (khi có yêu cầu).

Tâm huyết với nghề nghiệp, có ý thức giữ gìn danh dự, l­ương tâm nhà giáo; có tinh thần đoàn kết, th­ương yêu, giúp đỡ đồng nghiệp trong cuộc sống và trong công tác; có lòng nhân ái, bao dung, độ lư­ợng, đối xử công bằng hoà nhã với trẻ em, đồng nghiệp; sẵn sàng giúp đỡ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của trẻ em, đồng nghiệp và cộng đồng; Tận tụy với công việc; thực hiện đúng điều lệ, quy chế, nội quy của đơn vị, nhà trường, của ngành; Có đạo đức lối sống lành mạnh, giản dị, gương mẫu được đồng nghiệp, nhân dân tín nhiệm và trẻ yêu quí; Chủ động thực hiện và vận động mọi người cùng thực hiện nhiệm vụ chăm sóc giáo dục trẻ bằng tình thương yêu công bằng, chủ động và trách nhiệm của một nhà giáo; Thực hiện phê bình và tự phê bình thường xuyên, nghiêm túc; thường xuyên học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp giáo dục; Không vi phạm các qui định về các hành vi nhà giáo không được làm.

Giáo viên mầm non hạng 2 phải tốt nghiệp Đại học sư phạm mầm non (mẫu giáo) trở lên; Có thâm niên là giáo viên mầm non hạng 3 tối thiểu là 3 năm; Có sáng kiến, kinh nghiệm về nội dung, phương pháp chăm sóc, giáo dục trẻ được cấp huyện công nhận; Có chứng chỉ bồi dưỡng về Tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng II; Có chứng chỉ ngoại ngữ/tiếng dân tộc (trình độ A); Có chứng chỉ tin học (trình độ A); Được công nhận là giáo viên giỏi cấp huyện trở lên.

Bên cạnh đó, nắm vững chủ trương chính sách của Nhà nước và các quy định của ngành giáo dục đào tạo có liên quan đến bậc học mầm non; Nắm vững mục tiêu chương trình của bậc học mầm non; Nắm vững và biết vận dụng kiến thức vững về tâm sinh lý lứa tuổi, về nội dung, phương pháp, về yêu cầu nuôi dưỡng vào tình hình cụ thể ở địa phương để nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ có kết quả; Biết vận động quần chúng, kết hợp với các đoàn thể và cha mẹ các cháu để làm tốt công tác nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ.

Ngoài tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp cho giáo viên mầm non dự thảo cũng dưa ra quy định: nhân viên nuôi dưỡng là viên chức giữ chức danh nghề nghiệp viên chức hạng IV; Các viên chức làm nhiệm vụ kế toán, văn thư, y tế trong các cơ sở giáo dục mầm non thực hiện theo tiêu chuẩn nghiệp vụ các chức danh nghề nghiệp, hạng viên chức quy định của Bộ (ngành) quản lý viên chức chuyên ngành....

Nhân viên nuôi dưỡng có nhiệm vụ xây dựng thực đơn, chế biến khẩu phần ăn phù hợp, khoa học cho trẻ tại trường mầm non, nhà trẻ, nhóm trẻ. Tuân thủ các qui định về vệ sinh an toàn thực phẩm trong chế biến, đảm bảo tuyệt đối không xảy ra ngộ độc đối với trẻ. Rèn luyện sức khỏe; học tập văn hoá; bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ để nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em. Thực hiện các nghĩa vụ công dân, các quy định của pháp luật và của ngành, các quy định của nhà trường, quyết định của Hiệu trưởng.

Bên cạnh đó, tâm huyết với nghề nghiệp, có ý thức giữ gìn danh dự, l­ương tâm nhà giáo; có tinh thần đoàn kết, th­ương yêu, giúp đỡ đồng nghiệp trong cuộc sống và trong công tác; có lòng nhân ái, bao dung, độ lư­ợng, đối xử công bằng hoà nhã với trẻ em, đồng nghiệp; giúp đỡ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của trẻ em, đồng nghiệp và cộng đồng; Thực hiện đúng điều lệ, quy chế, nội quy của đơn vị, nhà trường, của ngành, qui định của pháp luật. Trình độ chuẩn được đào tạo của nhân viên nuôi dưỡng là có bằng tốt nghiệp trung cấp (nấu ăn) theo chuyên môn được giao, hoặc trung cấp sư phạm mầm non trở lên (có chứng chỉ về nghiệp vụ nấu ăn) được bồi dưỡng cập nhật về kiến thức dinh dưỡng cho trẻ mầm non.

S.H