Gia Lai:

Sách giả tràn lan trên thị trường, phụ huynh khó phân biệt

(Dân trí) - Đầu năm học, lực lượng chức năng đã liên tục phát hiện nhiều cửa hàng bày bán sách giả trên địa bàn TP. Pleiku (Gia Lai). Nhìn bằng mắt thường, các phụ huynh khó có thể phân biệt được thật - giả để lựa chọn cho con mình học.

Vừa qua, Đội Quản lý thị trường số 12, Cục quản lý thị trường tỉnh Gia Lai đã tiến hành kiểm tra đột xuất cơ sở kinh doanh L.V.T (tổ 6, phường Yên Thế, thành phố Pleiku); cơ sở kinh doanh T. (đường Phan Đình Phùng, thành phố Pleiku) và siêu thị nhà sách tại thị trấn Chư Sê (huyện Chư Sê). Sau khi kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện hơn 3.500 cuốn sách giáo khoa không chứng minh được hóa đơn chứng từ và nguồn gốc. Dựa vào tem, số seri, lực lượng chức năng nhận định đây là sách giả được các chủ tiệm tạp hoá xếp xen kẽ với nhiều sách thật và buộc thành bộ sách theo từng khối học để bán cho phụ huynh học sinh.

Sách giả tràn lan trên thị trường, phụ huynh khó phân biệt - 1
Lực lượng chức năng đã liên tiếp phát hiện nhiều cửa nhà, nhà sách bày bán sách giả

Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Huy Hải (kiểm soát viên, Đội Quản lý thị trường số 12, Cục Quản lý thị trường tỉnh Gia Lai) thông tin: “Đây là lần đầu lực lượng phát hiện sách giả nên đã có văn bản hướng dẫn xử lý. Theo một số nhà xuất bản và cơ quan chức năng nhận định, sách giả thường giống đến 90-95% sách thật. Tuy nhiên, sách giả thường có dấu hiệu sai chính tả hoặc ngữ pháp trong các môn tiếng Anh… Ngoài ra, đội còn phát hiện hơn 900 gram giấy in ảnh, 1.500 hộp kim bấm, 830 cái kéo nhập lậu được bày bán tại các cửa hàng sách. Hiện, lực lượng đã thu giữ số sách giả và đồ dùng học tập trên để xử lý theo quy định”.

Sách giả tràn lan trên thị trường, phụ huynh khó phân biệt - 2
Nhìn ngoài, rất khó để phân biệt được sách thật - giả

“Phần lớn số sách giả thu giữ được là sách tiếng Anh từ lớp 1 đến lớp 9 và sách bài tập bổ trợ từ lớp 3 đến lớp 9, đều có giá bìa cao trên 30.000 đồng/1 cuốn. Khác với các năm trước, sách giả năm nay được in ấn rất đẹp mắt, sắc nét. Tuy nhiên, điều nguy hại là trong quá trình in ấn, một số nội dung trong sách không chuẩn so với sách thật. Đối với sách tiếng Anh, học sinh không thể truy cập vào các trang web của nhà xuất bản để lấy tài liệu phục vụ học tập. Cách phân biệt dễ nhất là dựa vào tem hình tròn ở bìa số 4 của sách. Khi lột ra, nếu sách thật tem có chữ giáo dục in trên tem khá sắc nét. Còn tem sách giả khi lột ra chỉ là một miếng giấy nilon bình thường. Ngoài ra, có thẻ cào số seri, nếu cào ra, số seri đó truy cập được trang web tương ứng thì đó là sách thật. Nếu trang web báo đỏ rằng mã này đã được sử dụng thì đó là sách giả”, ông Hải cho biết thêm.

Sách giả tràn lan trên thị trường, phụ huynh khó phân biệt - 3

Hơn 3.500 cuốn sách giáo khoa và sách bổ trợ giả bị thu giữ trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Ông T. (một chủ cửa hàng bày bán sách giả) cho biết: “Thường tôi thường lấy sách tại công ty sách tại Gia Lai. Còn một số đầu sách lớn thì cơ sở có đặt tại Sài Gòn và chuyển về. Nhìn ngoài thì không thể biết được sách thật - giả thế nào nên chúng tôi cũng bày bán cho các phụ huynh đầu năm. Đến khi lực lượng chức năng kiểm tra thì chúng tôi mới biết đó là sách giả”.

Theo đó, phóng viên có đưa một số mẫu sách giả và sách thật cho phụ huynh nhận biết. Tuy nhiên, nhìn ngoài và dựa vào màu sách thì không phát hiện được. Chị Phạm Thị Hiền (TP. Pleiku, Gia Lai) cho hay: “Hàng năm tôi đều đến nhà sách để mua các bộ sách giáo khoa cho học sinh. Tuy nhiên, một số đầu sách tiếng Anh và sách bổ trợ tôi phải đến các cơ sở sách trên thành phố để tìm kiếm cho con học. Khi nhìn hai sách giả, thật sự tôi cũng không phân biệt được. Chỉ biết đúng sách là tôi mua về cho con học."

Phạm Hoàng