Thanh Hóa:

Quyết định cho thôi việc với giáo viên xin ra khỏi biên chế

(Dân trí) - Liên quan đến việc giáo viên đang công tác trong ngành giáo dục huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa xin thôi việc, ra khỏi biên chế, mới đây, Chủ tịch UBND huyện Yên Định đã ban hành quyết định cho thôi việc đối với viên chức ngành giáo dục.

Theo đó, ông Lưu Vũ Lâm - Chủ tịch UBND huyện Yên Định đã ký Quyết định số 1535/QĐ-UBND, cho thôi việc đối với bà Vũ Thương Hà, ở xã Quảng Đông, thành phố Thanh Hóa.

Quyết định cho thôi việc đối với cô Vũ Thương Hà
Quyết định cho thôi việc đối với cô Vũ Thương Hà

Cô Vũ Thương Hà là giáo viên Tiếng Anh, trường Tiểu học Định Công, xã Định Công, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Thời gian nghỉ thôi việc kể từ ngày 1/10/2016. Lý do thôi việc được đưa ra ở đây là theo nguyện vọng cá nhân.

Theo quyết định nói trên, cô Vũ Thương Hà có trách nhiệm bàn giao mọi công việc, hồ sơ đang phụ trách để nghỉ thôi việc theo đúng thời gian quy định. Cũng theo quyết định này thì chế độ trợ cấp thôi việc của cô Vũ Thương Hà được thực hiện theo quy định hiện hành của Nhà nước.

Trước đó như Dân trí đã phản ánh, cô Vũ Thương Hà vào ngành từ tháng 10 năm 2003, có trình độ chuyên môn Thạc sỹ, chức vụ là giáo viên Tiếng Anh. Vào đầu năm học 2016-2017, cô Hà viết đơn xin thôi việc, ra khỏi biên chế ngành giáo dục huyện Yên Định.

Trước thời điểm xin làm đơn thôi việc và ra khỏi biên chế, cô Hà công tác tại Trường THCS Định Tiến, xã Định Tiến, huyện Yên Định. Theo trình bày của cô Hà, cô xin nghỉ việc không hẳn vì lý do sức khỏe.

Bản thân cô đúng là có bệnh trong người, mặc dù thời điểm cô bị điều chuyển công tác xuống dạy Tiểu học, cô Hà cũng có trình bày nguyện vọng ở lại đến hết học kỳ 1, năm học 2016-2017. Hơn nữa, tại thời điểm đó, trường THCS Định Tiến, nơi cô công tác cũng đang thiếu một giáo viên. Tuy nhiên, nguyện vọng của cô đề đạt đã không được giải quyết.

Theo khẳng định của anh Nguyễn Đức Việt - chồng cô Hà, có hai lý do dẫn đến việc vợ anh xin nghỉ việc và ra khỏi biên chế ngành giáo dục huyện Yên Định đó là vì sức khỏe vợ anh không được tốt và việc điều chuyển của ngành giáo dục huyện Yên Định có vấn đề.

Cũng theo đánh giá của anh Việt, là giáo viên, với lương tâm nghề nghiệp thì đối tượng dạy ai cũng là học sinh. Nhưng để cống hiến theo đúng nghĩa của nó và cho phù hợp, tương thích và tương tác được thì rõ ràng (quyết định điều chuyển) là bất hợp lý, thui chột niềm đam mê của nghề nghiệp.

Rõ ràng, ở thời điểm này, ngành giáo dục huyện Yên Định đang lâm vào tình trạng “khủng hoảng” thiếu sau khi hơn 600 giáo viên, nhân viên bị dừng hợp đồng, kéo theo hàng chục lớp không có giáo viên đứng lớp, buộc phải dồn lớp, ghép lớp; nhiều cháu mầm non chưa được tổ chức bán trú khiến phụ huynh gặp rất nhiều khó khăn.

Tình trạng thiếu giáo viên, nhân viên khiến cho việc điều chuyển, sắp xếp, bố trí còn theo kiểu “chắp vá”, khi nhiều giáo viên THCS được đưa xuống dạy học ở Tiểu học và Mầm non. Việc điều chuyển này khiến dư luận và các bậc phụ huynh lo lắng về việc đáp ứng chuyên môn đối với việc dạy và học.

Duy Tuyên