TPHCM:

Quay lén bạn nữ đi vệ sinh, nam sinh lớp 12 bị xét hạnh kiểm yếu

(Dân trí) - Một nam sinh lớp 12, Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, TPHCM bị xét hạnh kiểm yếu và cho cơ hội khắc phục vì hành vi quay lén bạn nữ đi vệ sinh.

Theo thông tin một số nữ sinh Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai chia sẻ trên mạng xã hội, sau khi học sinh đi học trở lại sau dịch Covid-19, một nam sinh lớp 12 của trường có hành vi quay lén bạn nữ đi vệ sinh. 

Sự việc đã được nhà trường giải quyết, nhưng một số nữ sinh vẫn chưa hết lo lắng. Nhất là sau sự việc này, các em nghe thông tin, có một hội chuyên chia sẻ, trao đổi các các clip quay lén nữ sinh đi vệ sinh, thay quần áo. 

Trao đổi về sự việc, cô Nguyễn Thị Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai cho biết, sự việc xảy vào giữa tháng 5, khi học sinh đi học trở lại sau dịch Covid-19. 

Ở trường, các khu vệ sinh dành riêng cho nam và nữ. Riêng khu vệ sinh nằm ở cầu thang, có một phòng dành cho nam và một phòng dành cho nữ. Giữa vách ngăn của hai nhà vệ sinh có khoảng trống để thoáng khí. 

Khi có bạn nữ đang đi vệ sinh, bạn nam phòng bên cầm điện thoại đưa lên phía trên vách ngăn để quay thì điện thoại bị rơi vỡ và hành vi quay lén này bị phát hiện ngay tại chỗ. 

Cô Chương cho hay, về sự việc, trường xử lý từng bước theo quy trình rõ ràng. Trước khi báo cáo lên bán giám hiệu, cô chủ nhiệm đã mời phụ huynh hai em lên làm việc, các em làm tường trình, học sinh nam làm kiểm điểm.

Ban giám hiệu trường làm việc với phụ huynh, họp ban đại diện phụ huynh trường, đưa phụ huynh đi khảo sát khu vực nhà vệ sinh xảy ra sự việc. 

Việc đầu tiên trường làm ngay là xây bít lỗ thông giữa hai nhà vệ sinh và khu vực này chỉ còn sử dụng làm nhà vệ sinh nữ. 

Theo cô Chương, việc kỷ luật một học sinh phải có quá trình tìm hiểu và nắm rõ sự việc. Trường lập hội đồng kỷ luật, căn cứ vào các quy định, căn cứ vào ý kiến giáo viên, phụ huynh, quá trình học tập, rèn luyện của học sinh... để kỷ luật. 

Trường họp hội đồng kỷ luật, 100% phiếu đồng ý hình thức khiển tránh được hội đồng kỷ luật và xếp loại hạnh kiểm yếu. Cuối năm học, hội đồng kỷ luật của trường sẽ xem xét lại một lần nữa, xem quá trình của học sinh này, nếu em biết lỗi, tiến bộ sẽ nâng hạnh kiểm tạo cơ hội cho em thi tốt nghiệp THPT.

"Đối với việc kỷ luật học sinh phải vừa có lý, có tình, phù hợp với lứa tuổi học sinh vốn rất phức tạp. Các em cần có cơ hội để sữa lỗi, chứ không phải đẩy các em vào ngõ cụt", cô Chương nói và cho biết, sau sự việc, em học sinh này bị bạn bè kỳ thị, áp lực tâm lý. Trường cũng trao đổi với gia đình không la mắng em mà cần hỗ trợ giúp con nhận ra lỗi lầm của mình để vượt qua. 

Qua sự việc, cô Nguyễn Thị Hồng Chương cũng mong các em học sinh rút ra bài học cho mình, tự rèn luyện và nghiêm túc trong các hành vi. Đừng để một phút nông nổi ảnh hưởng rất lớn đến chính bản thân và cả mọi người xung quanh. 

Lê Đăng Đạt