Gia Lai:

Phụ huynh “hoa mắt” với nhiều khoản tiền “xã hội hóa” sẽ đóng đầu năm học

(Dân trí) - Trong đầu năm học mới 2019-2020, nhiều trường trên địa bàn tỉnh Gia Lai đang huy động nguồn xã hội hóa để phục vụ sửa chữa cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị dạy học. Chính những khoản xã hội hóa đã gây nhiều tranh cãi giữa phụ huynh và nhà trường.

Theo phản ánh phụ huynh học sinh, trong năm học này đã có rất nhiều trường dựa vào chính sách huy động xã hội hóa để thu thêm các khoản tiền hàng trăm ngàn đồng/học sinh nhằm sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị phục vụ bán trú hay thiết bị dạy học.

Cụ thể, sau hai cuộc họp phụ huynh đầu năm học, nhiều phụ huynh có con theo học Trường Mầm non Đak Krong (xã Đak Krong, huyện Đak Đoa) lo lắng, bức xúc với các khoản tiền mà nhà trường dự kiến sẽ thu đầu năm học. Nhiều phụ huynh vì quá bức xúc nên đã đăng tải lên mạng xã hội kế hoạch thu tiền đầu năm học mà nhà trường xây dựng nhằm kêu gọi đóng góp hàng trăm ngàn đồng/học sinh.

Phụ huynh “hoa mắt” với nhiều khoản tiền “xã hội hóa” sẽ đóng đầu năm học - 1

Trường Đak Krong (xã Đak Krong, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai).

Ngoài các khoản bắt buộc theo quy định, mỗi học sinh trường Mầm non Đak Krong phải đóng thêm gồm: 200 ngàn đồng tiền “xã hội hóa”; 300 ngàn đồng tiền mua đồ dùng bếp phục vụ bán trú; 143 ngàn đồng tiền mua đồ dùng phục vụ bán trú; 100 ngàn đồng tiền đồ dùng đi thi…

Một phụ huynh (xin giấu tên) có con đang học tại trường bức xúc nói: “Trong buổi họp phụ huynh của trường, ban giám hiệu trực tiếp thông báo các khoản tiền cụ thể phải đóng, nhiều phụ huynh bức xúc nhưng sợ nói ra thì con cái bị trù dập. Tính sơ sơ là phụ huỵnh phải đóng là khoảng 600 ngàn đồng tiền xã hội hóa/học sinh nhằm mục đích để đổ bê tông sân trường, xây vườn cổ tích, mua đồ dùng nhà bếp. Năm nay cây cà phê mất mùa, giá cả thấp mà phải đóng nhiều khoản tiền cho con quá”.

Phụ huynh “hoa mắt” với nhiều khoản tiền “xã hội hóa” sẽ đóng đầu năm học - 2
Các khoản xã hội hóa xây mái hiên trường đã được thu trên vai của phụ huynh học sinh

Trao đổi với chúng tôi, bà Lô Thị Nguyên - Hội trưởng Hội phụ huynh Trường Mầm non Đak Krong cho biết: “Vì năm nay đón trường chuẩn quốc gia và tổ chức công tác bán trú nên ngoài kinh phí nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở vật chất thì nhà trường có kêu gọi phụ huynh đóng thêm nhiều khoản tiền. Trong cuộc họp phụ huynh, các cô có đọc một tờ giấy ghi các khoản tiền để đóng góp, có người đã chụp hình lại. Sau khi có một số phụ huynh thắc mắc thì nhà trường đã thay đổi một vài khoản tiền sẽ thu”.

Tuy nhiên, cô Phạm Thị Ngự - Hiệu trưởng Trường Mầm Non Đak Krong phản ứng cho rằng: “Tất cả các khoản thu xã hội hóa đều do hội phụ huynh họp bàn và đưa ra mức thu. Bản thân nhà trường chỉ thu các khoản trong quy định. Ngoài ra, kế hoạch xã hội hóa của trường đã được sự đồng ý của UBND xã và Phòng Giáo dục-Đào tạo huyện.”.

Trước những lời né tránh, phóng viên đã hỏi: “Với cương vị là một hiệu trưởng nhà trường tại sao cô không biết về các khoản thu xã hội hóa. Đặc biệt, các khoản thu này lại phục vụ để xây dựng cơ sở vật chất và đồ dùng bán trú cho nhà trường ?.”. Tuy nhiên, câu hỏi này cô Ngự vẫn chưa thông tin được mà chỉ “vòng vo” đổ lỗi cho Hội phụ huynh bàn bạc với giáo viên để tính các khoản thu xã hội hóa.

Ông Vũ Đăng Tuấn - Chủ tịch UBND xã Đak Krong xác nhận việc một số phụ huynh Trường Mầm non Đak Krong đã phản ứng với nhiều khoản tiền dự kiến sẽ phải đóng: “Nhà trường đã xây dựng kế hoạch xã hội hóa rồi trình cho xã. Khi nhà trường xây dựng kế hoạch thì có người chụp hình rồi đăng lên mạng Facebook. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã đã làm việc với trường và yêu cầu tạm dừng việc xã hội hóa này”, ông Tuấn cho biết.

Trả lời về những khoản xã hội hóa, ông Nhữ Văn Hưng - Phó trưởng Phòng GD-ĐT huyện Đak Đoa cho biết: “Xã hội hóa giáo dục là theo tấm lòng hảo tâm của phụ huynh chứ không được áp đặt mức tiền cụ thể từng người. Ai có thì đóng góp, ai không có thì thôi. Còn đối với việc mua đồ dùng bán trú cho các cháu là sự thỏa thuận giữa trường và phụ huỵnh. Trường Mầm non Đak Rong đã trình kế hoạch xã hội hóa nhưng chưa thu tiền gì cả. Nếu có phụ huynh phản ứng về việc này, phòng sẽ chỉ đạo tạm dừng”.

Tương tự, tại Trường THPT Nguyễn Thái Học (thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai), nhiều phụ huynh tỏ thái độ không đồng tình sau khi giáo viên chủ nhiệm viết lên bảng các khoản tiền dự kiến sẽ thu đầu năm trong buổi họp đầu năm, gồm: khuyến học 150 ngàn đồng/người; quỹ phụ huynh 150 ngàn đồng/người; xã hội hóa 200 ngàn đồng/người; 150 ngàn đồng/người giấy phô tô, giấy kiểm tra…

“5 cái mục thu đầu tiên là lớn quá. Trường này có khoảng 1.500 học sinh mà nếu phụ huynh nào cũng đóng theo số tiền mà nhà trường, hội phụ huynh đưa ra thì nhiều lắm, trong khi đó, dân Chư Pưh đang gặp khó khăn. Cũng có người đã đóng tiền rồi”, một phụ huynh tên T. chia sẻ.

Phụ huynh “hoa mắt” với nhiều khoản tiền “xã hội hóa” sẽ đóng đầu năm học - 3

Trường THPT Nguyễn Thái Học (huyện Chư Pưh, Gia Lai) cũng lùm xùm chuyện xã hội hóa

Khi chúng tôi đưa bức hình chụp lại các khoản tiền dự kiến sẽ thu, thầy Ngô Xuân Tiến - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thái Học xác nhận là đúng. Đối với việc xã hội hóa tại Trường THPT Nguyễn Thái Học, bà Đinh Thị Hoan - Phó Chánh văn phòng UBND huyện Chư Pưh cho biết: “Nhà trường đã có tờ trình về việc xin chủ trương xã hội hóa để hoàn thiện nhà để xe học sinh và sửa chữa nhà vệ sinh năm học 2019-2020. Hiện, UBND huyện chỉ đạo nhà trường cần có báo cáo cụ thể các nội dung thực hiện các công trình nói trên”.

Phạm Hoàng