NXB Giáo dục tự nguyện xin xoá thế độc quyền

(Dân trí) - Theo tin từ Ban lãnh đạo NXB Giáo dục ngày 28/11, NXB này đã tự nguyện xin Bộ GD-ĐT được xoá thế độc quyền. Khi Bộ có câu trả lời chính thức, NXB Giáo dục sẵn sàng “chia sẻ” cùng các đơn vị khác trong việc xuất bản sách giáo khoa ngay trong năm học tới.

Trong 50 năm qua, NXBGD đã độc quyền trong việc in SGK. Nguyên nhân của sự độc quyền này bắt nguồn từ quy trình của việc in một bộ SGK. Để ra đời cuốn sách giáo khoa phải trải qua các khâu biên soạn, thẩm định và in ấn. Theo điều 29 Luật Giáo dục 2005, Bộ GD-ĐT là cơ quan duyệt sách giáo khoa để sử dụng chính thức, trên cơ sở thẩm định của Hội đồng quốc gia.

 

Với lý do để đảm bảo tính chuẩn mực của sách giáo khoa, từ nhiều năm nay, Bộ GD-ĐT giao tất cả việc xuất bản cho đơn vị trực thuộc là NXB Giáo dục. Sau khi in xong, NXB Giáo dục sẽ giao sách cho các công ty sách, thiết bị trường học các tỉnh, thành (trực thuộc Sở GD-ĐT).

 

Không thể phủ nhận được một điều rằng việc in và phát hành SGK hiện nay không một NXB nào có kinh nghiệm hơn NXBGD bởi ở đây họ đã tập hợp được đội ngũ những cộng tác viên, nhân viên kinh nghiệm nhất trong lĩnh vực này và hơn hết họ có sức mạnh tài chính để đầu tư xuất bản sách, trả công tốt cho những người làm SGK… NXBGD còn có một đội ngũ nhân lực tới 400 biên tập viên có trình độ từ thạc sĩ trở lên, có từng ban biên tập cho từng môn học, với 40 họa sĩ…

 

Tuy nhiên, đứng trước thực tế là hiện nay, ở châu Á - Thái Bình Dương, trừ Lào và CHDCND Triều Tiên, chỉ còn Việt Nam dành chế độ độc quyền in SGK cho một NXB. Nếu xã hội hoá được công tác in SGK thì người tiêu cùng sẽ được lợi nhiều hơn.

 

Trước tinh thần tự nguyện này của NXBGD, hiện, phía Bộ chưa có sự trả lời chính thức nào. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân thì việc Bộ GD-ĐT và NXBGD độc quyền trong việc in và phát hành SGK không có gì là sai. Dù vậy, Bộ vẫn tổ chức soạn thảo Quy định về quy trình biên soạn, xuất bản in và phát hành SGK để “rộng cửa” cho các NXB khác cùng sẵn sàng vào cuộc.

 

Nhưng, hiện nay do Dự thảo này còn cần phải nghiên cứu thêm ở nhiều điểm như việc đảm bảo chất lượng SGK như thế nào, việc cung ứng sách giáo khoa cho các vùng khó khăn ra sao khi đã xoá bỏ độc quyền… nên Quy định này chưa thể ban hành. Vì vậy, việc xóa độc quyền là chuyện không thể không làm nhưng phải làm từng bước một và phải có lộ trình xoá cụ thể.

 

M.M