Nơi hội tụ hàng trăm nhà toán học nổi tiếng thế giới tới làm việc

(Dân trí) - 5 năm hoạt động của Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học và thành lập Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán (2010 - 2015) đã cho thấy những bước khởi sắc trong việc thu hút tài năng cũng như là nơi ghé thăm của nhiều nhà Toán học nổi tiếng. Đây sẽ là tiền đề để Toán học Việt Nam ngày càng phát triển.

Ngày 17/8/2010, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân thay mặt Chính phủ ký quyết định phê duyệt Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2010 đến 2020 (gọi tắt là Chương trình) và ngày 23/12/2010 ông đã ký quyết định thành lập Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán – giải pháp trung tâm của Chương trình.

150 lượt nhà toán học quốc tế đã đến Viện làm việc

5 năm qua, dưới sự giúp đỡ của các cơ quan bộ ngành các cấp, Chương trình đã đi được một chặng đường dài và Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán với 4 năm hoạt động chính thức đã đạt được những kết quả và thành công đáng tự hào.

Theo GS.TS Nguyễn Hữu Dư – Giám đốc điều hành Viện nghiên cứu cao cấp về toán thì các hoạt động khoa học của Viện đã đi vào kế hoạch và nền nếp ngay từ năm đầu tiên và tạo tiền đề triển khai và phát triển trong các năm tiếp theo; Viện đã tạo dựng được một môi trường học thuật và làm việc tiên tiến, được cộng đồng toán học trong nước và quốc tế đánh giá cao; đây là thành công trong việc thực hiện giải pháp đưa Viện thành một cơ sở hỗ trợ cho các hoạt động nghiên cứu và đào tạo đỉnh cao về Toán học cho các giảng viên đại học, các nhà toán học, các tân tiến sĩ, các nghiên cứu sinh đến thực hiện các ý tưởng, các đề tài nghiên cứu toán học xuất sắc, có ý nghĩa khoa học và ứng dụng cao.

 

Sự ra đời của Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán đã gặt hái được nhiều dấu ấn trong việc phát triển Toán học Việt Nam
Sự ra đời của Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán đã gặt hái được nhiều dấu ấn trong việc phát triển Toán học Việt Nam

“Viện đã thu hút được một lực lượng đông đảo các nhà toán học hàng đầu thế giới cũng như các nhà toán học nổi tiếng người Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài tới làm việc, bao gồm 150 lượt nhà toán học quốc tế từ 18 quốc gia, 47 lượt nhà toán học người Việt Nam ở nước ngoài với tổng số 146 tháng- người làm việc, chưa kể những người tham gia hội nghị, hội thảo khoa học, trong đó có nhiều tên tuổi nổi tiếng trong giới toán học thế giới, đặc biệt có 3 GS được giải Fields và 1 GS được giải Abel. Đây là kết quả rất tốt của nhóm giải pháp mời các nhà Toán học hàng đầu thế giới là người nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài, người Việt Nam đang công tác ở nước ngoài về Việt Nam giảng dạy, nghiên cứu, thực hiện các đề tài Toán học trọng điểm, các đề tài nghiên cứu chung” – GS Nguyễn Hưu Dư tự hào cho biết.

Cũng theo GS Dư, với việc các hoạt động khoa học chuyên môn đa dạng, đáp ứng nhu cầu và thu hút nhiều đối tượng (giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học, sinh viên và cán bộ nghiên cứu), có tác động rất tích cực đến công tác giảng dạy và nghiên cứu tại các cơ sở giáo dục đại học như: Trên 6.800 lượt giảng viên đại học, cán bộ nghiên cứu, nghiên cứu sinh, học viên cao học, sinh viên đã được trang bị thêm kiến thức mới, có cơ hội trao đổi chuyên môn với các nhà khoa học hàng đầu trong nước và thế giới; Tạo không khí học thuật và thúc đẩy hoạt động nghiên cứu trong các giảng viên trẻ. Ngày càng nhiều ứng viên tại Viện là NCS, học viên cao học hoặc vừa tốt nghiệp đại học nhưng đã có công bố quốc tế. Thúc đẩy mạnh mẽ sự hợp tác giữa các nhóm, các nhà toán học các lứa tuổi trong và ngoài nước, đặc biệt cải thiện thành tích nghiên cứu của nhiều nhà toán học ở các tỉnh.

Điều đặc biệt hơn cả đó là số lượng bài báo và công bố quốc tế của nghiên cứu viên tới Viện làm việc tăng lên theo các năm: năm 2012 có 14 ấn phẩm và 40 tiền ấn phẩm; năm 2013 có 19 ấn phẩm và 49 tiền ấn phẩm; năm 2014 có 41 ấn phẩm và 60 tiền ấn phẩm; 11 tháng năm 2015 đã có 33 ấn phẩm và 56 tiền ấn phẩm. Hầu hết các tiền ấn phẩm sau đó được hoàn thiện và đều đăng trên các tạp chí ISI.

Nhờ chương trình khoa học phong phú, chất lượng cao, hiệu quả và cách tổ chức năng động, chuyên nghiệp nên ngay tháng 5/2013 Viện đã được Hội toán học Châu Âu công nhận là một “Trung tâm xuất sắc khu vực đang phát triển” (Emerging Regional Centres of Excellent) giai đoạn 2013-2017, với mục tiêu khuyến khích và hỗ trợ Viện trở thành hạt nhân phát triển Toán học trong khu vực và trên thế giới.

Mới chỉ hỗ trợ phát triển Toán học theo chiều rộng

Mặc dù gặt hái được nhiều tín hiệu khởi sắc những GS Nguyễn Hữu Dư vẫn thẳng thắn nhìn nhận: Trong các hoạt động học thuật của mình, Viện tự nhận thấy các hoạt động mới chủ yếu là hỗ trợ phát triển toán học theo chiều rộng, chưa xây dựng được những hướng nghiên cứu lớn tạo nên bản sắc của Viện. Ngoài ra, việc tổ chức các bài giảng không phải lúc nào cũng thực sự hiệu quả. Bên cạnh nhiều bài giảng có số người tham dự đông thì vẫn còn một số bài giảng có số lượng người tham dự chưa được như kỳ vọng. Lý do chính là rào cản ngôn ngữ và chưa có được sự tuyên truyền rộng rãi đến tầng lớp sinh viên và học viên cao học ở các trường đại học.

Cũng theo GS Dư, trong quá trình hoạt động thì Viện cũng gặp nhiều khó khăn và hạn chế. Chẳng hạn như, việc chưa có trụ sở chính thức và phải đi thuê đã làm cho chi phí tăng, môi trường học thuật bị phân tán, giảm hiệu quả nghiên cứu và trao đổi giữa các nhà khoa học cũng như hiệu quả hoạt động của Viện, chưa đảm bảo điều kiện phát triển ổn định và bền vững của Viện. Diện tích hiện tại vẫn còn khá eo hẹp. Nhiều nhóm nghiên cứu của kế hoạch năm nay phải lùi sang năm sau vì thiếu phòng làm việc.

Ngân sách hàng năm chưa được tăng mà còn bị giảm nhẹ, trong khi Quy chế Tổ chức và hoạt động của Viện do Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định “dự toán chi thường xuyên các năm kế tiếp trong giai đoạn 2011-2015 được tính tăng thêm 30% mỗi năm; giai đoạn 2016-2020 ngân sách cấp cho Viện được tính tăng thêm 25% mỗi năm”.

Điều đáng nói, kinh phí đã được Chính phủ phê duyệt cho Chương trình là 651 tỷ, nhưng đến nay đã đi gần nửa quãng đường, toàn bộ Chương trình mới được cấp gần 100,5 tỷ đồng (trong đó Viện Nghiên cứu Cao cấp Toán được cấp trên 63,5 tỷ đồng), tức mới được hơn 15,4% số tổng kinh phí dự kiến (chưa tính tới lạm phát).

Bên cạnh đó, các văn bản hiện hành về cơ chế tài chính, tổ chức quản lý đề tài nghiên cứu ứng dụng hiện tại chưa phù hợp và đồng bộ, hạn chế đáng kể việc triển khai nghiên cứu, thậm chí một số đề tài đang phải tạm dừng; như vậy Chương trình và Viện chưa hỗ trợ được một đề tài nghiên cứu ứng dụng Toán học trọng điểm nào với kinh phí đủ cao.

“Có thể nói rằng qua 5 năm hoạt động, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng Chương trình và Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán đã góp phần đáng kể vào sự phát triển của nền toán học Việt Nam trên các phương diện: nghiên cứu tầm cao, liên kết nghiên cứu quốc tế, liên kết nghiên cứu trong nước, khích lệ tinh thần học và nghiên cứu toán và đào tạo bồi dưỡng thế hệ kế tiếp. Cùng với các đòn bẩy thúc đẩy khác như chương trình NAFOSTED, hoạt động của Viện đã đáp ứng được kỳ vọng phát triển bậc cao của Toán học ở Việt Nam” – GS Nguyễn Hưu Dư nhấn mạnh.

Nguyễn Hùng

(Email hungns@dantri.com.vn)