Người nông dân nghèo nuôi 5 trẻ bị bỏ rơi ăn học

(Dân trí) - Dời nhà, ở đậu cả chục lần nhưng ông Nguyễn Minh Lý vẫn nhận nhiều đứa trẻ bị bỏ rơi về nuôi dưỡng cho ăn học. Một gia đình Khmer nghèo quyết tâm lo cho con thành tài… Đó là những gương hiếu học tiêu biểu ở Bạc Liêu.

Về thị trấn Gành Hào (huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu) hỏi gia đình ông Nguyễn Minh Lý có lẽ mọi người đều biết, bởi ông Lý nổi tiếng là nghèo nhưng lại có tấm lòng nhân ái khi nhận nhiều đứa trẻ bị bỏ rơi về nuôi dưỡng lo cho ăn học nên người.
 
Ông Nguyễn Minh Lý cho biết, ông có 9 đứa con trong đó 4 con ruột và có đến 5 đứa con nuôi (có 1 cháu khiếm thị). Ông kể, ông nhận các bé bị bỏ rơi từ những năm 1980 - 1990, hoàn cảnh của mấy đứa nhỏ đều rất đặc biệt, có cháu gia đình cha mẹ rất nghèo phải tha phương cầu thực mang theo rồi con bị bệnh nặng, cha mẹ không tiền chữa trị bỏ lại bệnh viện; có trường hợp sinh con nhưng không được nội, ngoại thừa nhận; sinh con ở tuổi vị thành niên…
 
“Vì tấm lòng nhân ái, mặc dù hoàn cảnh khó khăn nhưng vợ chồng tôi quyết định đem các cháu về nuôi dưỡng cho đến nay”, ông Lý nói.
 
Ông Nguyễn Minh Lý.
Ông Nguyễn Minh Lý.

Hồi đó, gia đình ông Lý không những thiếu tiền mà còn thiếu nơi ăn ở, sinh hoạt. Gia đình ông đã ở đậu trong suốt 24 năm trên đất của người khác và phải dời nhà đến 16 lần. “Tuy khó khăn nhưng vợ chồng tôi rất sợ các con trẻ thất học nên tìm mọi cách cho các con được đến trường học tập có kiến thức để sau này tương lai tươi sáng hơn”, ông Lý chia sẻ.

Ông Lý cho biết, được sự hỗ trợ của bà con lối xóm, các cấp chính quyền địa phương, vợ chồng ông quyết chí cho các con ăn học dù phải trải qua những giai đoạn khó khăn, cực nhọc. “Lúc các con học đại học, cao đẳng ở Cần Thơ, việc gửi gạo từ nhà lên trường cho các con ăn là thường xuyên vì ở nhà mua gạo thiếu chịu được. Lúc đầu gửi qua xe ô tô, họ lấy tiền nhưng sau đó thấy gửi hoài rồi họ biết hoàn cảnh của mình nên động lòng cho gửi miễn phí luôn”, ông nhớ lại.

Bằng sự cố gắng của mình, vợ chồng ông Lý đã nuôi được 2 con tốt nghiệp Đại học, 3 con tốt nghiệp Cao đẳng, 3 con tốt nghiệp THPT, 1 con có bằng cấp II chữ Braille (chữ nổi dành cho người khiếm thị). Các con của ông Lý như cháu Nguyễn Phước Thảo, Nguyễn Ngọc Thảo, Nguyễn Loan Thảo đều đã có việc làm ổn định. Không chỉ lo cho các con của mình, vợ chồng ông Lý còn giúp đỡ cho các gia đình ở địa phương có con bị khuyết tật học tập và công ăn việc làm.

“Vợ chồng tôi luôn động viên các con phải học tập thường xuyên, học tập suốt đời, giữ vững truyền thống hiếu học của gia đình, trở thành người công dân tốt, có ích cho xã hội”, ông Lý bộc bạch.

Trong khi đó, gia đình ông Danh Sang (63 tuổi, ngụ ấp Đầu Sấu Đông, xã Lộc Ninh, huyện Hồng Dân) được xem là một gia đình dân tộc Khmer hiếu học tiêu biểu của tỉnh Bạc Liêu.

Ông Dang Sang cho biết, khi lập gia đình, ông được cha mẹ cho vài công ruộng để sinh sống. Vợ chồng ông sinh được 6 người con nhưng nếu tất cả bám ruộng thì không phát triển được, cuộc sống sẽ còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, ông quyết định đầu tư cho con ăn học, trước hết là có trình độ văn hóa, sau là tạo cho con một cái nghề để có cuộc sống ổn định.

Từ suy nghĩ đó, vợ chồng ông Sang cố gắng tiết kiệm trong chi tiêu, để dành tiền cho con ăn học. Ngoài tiền vợ chồng ông làm lụng từ mấy công ruộng lúa, ông Sang còn đi vay mượn tiền của người thân mới đủ điều kiện lo cho 6 đứa con ăn học đến nơi đến chốn.

“Mặc dù hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng các con tôi vẫn cố gắng học tập, đó là điều chúng tôi rất mừng. Đến nay các cháu đã ra trường, có công ăn việc làm, tui vui lắm”, ông Sang chia sẻ.

Các con của ông Sang như con trai Danh Si Na, Danh Toàn, Danh Tỉnh, Danh Đinh và các con gái Thị Chành Đa, Thị Hồng Tươi đều tốt nghiệp Đại học và đang làm công an, quân đội, bác sĩ thú y, cán bộ xã…

Ông Danh Sang.
Ông Danh Sang.

Nổi bật trong các dòng họ hiếu học tiêu biểu ở tỉnh Bạc Liêu có dòng họ ông Nguyễn Công Trứ (ngụ ấp Chắc Đốt, xã Châu Hưng A, huyện Vĩnh Lợi). Ông Trứ chia sẻ: “Gia đình tôi quanh năm sống bằng nghề nông, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời vẫn không đủ cho cuộc sống hàng ngày. Do vậy cha tôi quan niệm muốn thoát nghèo không bằng con đường nào khác là phải có tri thức, phải có trình độ văn hóa, phải ăn học đến nơi đến chốn”.

Từ quan niệm đó, cha mẹ ông Trứ luôn cố gắng chăm lo cho các con ăn học. Nhưng do hoàn cảnh chiến tranh nên anh chị em ông Trứ học không đến nơi đến chốn, có người thì lớp 7, có người thì lớp 10, 12.

Ông Trứ cho biết, thời của ông đã không được học hành thành tài nên khi có con, vợ chồng ông quyết tâm vượt khó khăn để cho con đến trường. “Hoàn cảnh kinh tế khó khăn, thậm chí phải cầm cố đất để cho con ăn học, phải thức dậy từ 4 giờ sáng nấu cơm cho con ăn, sau đó phải chống xuồng đưa con đến trường, khó khăn lắm nhưng vợ chồng tôi không sợ miễn sau con được đi học, được tiếp xúc với tri thức văn hóa”, ông Trứ nhớ lại.

Với kiến thức hạn chế, anh chị em ông Trứ chỉ dạy cho các con kiến thức ở cấp 1, còn lên cấp 2, 3, Đại học thì định hướng cho các con. "Những lúc trò chuyện, chúng tôi thường khuyên các con phải cố gắng học thật tốt để thoát cảnh lao động chân tay mệt nhọc”, ông Trứ bày tỏ.

Thấy được hoàn cảnh của gia đình, các con, cháu của ông Trứ ai cũng chăm lo học tập, không đua đòi ăn chơi, anh biết thì dạy em học, nhờ vậy con, cháu ông Trứ luôn học tốt và ra trường đều có công ăn việc làm ổn định.

Ông Trứ cho biết, chị gái của ông có 4 người con, tất cả 4 người đều tốt nghiệp Đại học, 2 người là bác sĩ, 2 người là cán bộ nhà nước. Hai người anh trai của ông Trứ cũng có con tốt nghiệp Đại học và hiện đang làm bác sĩ, mở doanh nghiệp tư nhân, là kỹ sư. Còn em gái ông Trứ cũng tốt nghiệp kỹ sư thú y, hiện đang làm Trưởng trạm Thú y huyện.

Ông Nguyễn Công Trứ.
Ông Nguyễn Công Trứ.

Riêng ông Trứ có 5 người con, 1 người tốt nghiệp Thạc sĩ, hiện là giáo viên THPT; 2 người tốt nghiệp Đại học Sư phạm, hiện là hiệu phó một trường THCS & THPT và giáo viên THPT; 1 người là kỹ sư thú y, 1 người đang học Đại học năm cuối.

“Có được thành tích trên là một sự nỗ lực lớn lao của dòng họ chúng tôi. Với phương châm muốn có tri thức thì không còn con đường nào khác là phải học để trở thành những người hữu ích”, ông Trứ chia sẻ.

Huỳnh Hải