Người lớn ngại… nhận sai
(Dân trí) - Trong lúc nóng giận hay thiếu kiềm chế, người lớn có thể có những hành vi không đúng, gây tổn thương cho trẻ. Nhưng sẽ còn nguy hiểm hơn nếu sau đó chúng ta không chân thành nhận lỗi với trẻ.
Hiếm lời xin lỗi trẻ
Giáo viên (GV) một trường THCS kể câu chuyện xảy ra ở trường mình. Do hiểu lầm trong việc quản lý sổ sách chi tiêu quỹ lớp, cô chủ nhiệm một lớp nọ đã quy kết em lớp phó phụ trách văn thể mỹ tiêu hao vào khoản tiền chung. Trong lúc tức giận, cô lớn tiếng cho rằng em này có tiền mua sắm, ăn vặt là do… xài tiền quỹ lớp. Sau đó sự việc được làm sáng tỏ, khoản tiền thiếu hụt thật ra là do nhiều học sinh (HS) trong lớp chưa đóng quỹ.
GV bị nhắc nhở, tuy nhiên cô học trò vì xấu hổ mấy ngày sau đó không đến lớp. Nhiều đồng nghiệp gợi ý GV này nên xin lỗi HS nhưng cô nhất quyết không chịu. GV này còn nói rằng, cô chấp nhận kỷ luật nhưng không bao giờ có chuyện cô xin lỗi HS. Cô giải thích rằng, tiền quỹ lớp không phải tiền của mình mà là tiền chung, cô có quy kết vội vàng chưa tìm hiểu kỹ cũng là vì tập thể chứ không phải vì lợi ích bản thân.
Một lần trong tiết kiểm tra 15 phút, cho rằng một bạn nữ quay cóp tài liệu, GV lập tức xé giấy làm bài của bạn này vì “không chấp nhận trong lớp có một học sinh dối trá”. Cho dù HS thanh minh cuốn sách giáo khoa được phát hiện là “nhân chứng quay cóp” kia không phải của mình nhưng lúc đó chẳng ai tin. Phải một lúc sau, cô và nhiều bạn khác cùng phát hiện ra chủ nhân của cuốn sách giáo khoa chính là… cô giáo.
Thì ra khi đầu giờ, lúc đi lại đọc đề bài cho HS, cô giáo để quên cuốn sách, khá gần với chỗ ngồi của em HS nọ. Điều làm tất cả HS trong lớp bất ngờ hơn là khi biết mình đổ oan cho HS nhưng cô giáo không nói gì, chỉ nhắc lớp giờ sau kiểm tra lại.
“Sau lần đó, tình cảm của chúng em dành cho cô thay đổi nhiều lắm. Hàng ngày cô nói dạy về cách ứng xử, lối sống rất hay nhưng thực tế cô không làm theo điều mình dạy người khác làm học trò rất hoang mang. Giá như lúc đó cô nói một lời xin lỗi với bạn ấy trước lớp thì HS sẽ yêu quý cô nhiều hơn nữa”, em Mai chia sẻ.
Người lớn phải làm làm gương
Không chỉ ở trường học, mà trong gia đình, phụ huynh cũng rất kiệm lời xin lỗi trẻ kể cả khi quát mắng, xúc phạm, đánh oan con. Những lúc tức giận, thiếu kiềm chế, cha mẹ cũng có thể gặp mắc sai lầm với con. Đây là
Cách đây không lâu, tại Trường Tiểu học Trung Lập Thượng (Củ Chi, TPHCM), một học trò lớp 2 bị nghi trộm tiền cô giáo và bị đưa lên công an hỏi cung. Khi sự sáng tỏ, biết em bị oan, nhà trường đã tổ chức xin lỗi em công khai. Hình ảnh cô giáo Nguyễn Thị Thu - người bị mất tiền - rơi nước mắt chân thành xin lỗi học trò, cùng gia đình, đồng nghiệp về sự bất cẩn của mình đã rất nhiều người người xúc động. Hình ảnh cô trò ôm nhau thân thiết chắc chắn đã giảm phần nào sự tổn thương trong em và cả sự day dứt của cô giáo. |
Khi các em bị mắc một lỗi gì đó, dù rất nhỏ, kể cả những lỗi không phải do mình gây ra, cũng có thể bị thầy cô, bố mẹ bắt xin lỗi ngay. Còn ngược lại, nhiều vụ việc người lớn gây tổn thương cho trẻ rõ mười mươi, người ta chờ đợi một lời xin lỗi thì kết cục đều rơi vào... quên lãng. Trẻ lại một lần nữa gánh thêm tổn thương trong lòng.
Người lớn thường e ngại việc xin lỗi trẻ vì trong mối quan hệ này, họ thường đứng ở tâm thế… là người bề trên nên mình luôn đúng. Có người cho rằng việc xin lỗi đồng nghĩa với việc mất thể diện, hạ thấp mình. Bên cạnh đó, có người lại lúng túng không biết làm thế nào cho đúng khi có hành vi làm tổn thương trẻ nên chọn cách… im lặng.
Chị Trần Lê Hồng, ngụ ở P.9, Q.3, TPHCM bày tỏ, tuy rất ít khi vợ chồng chị phải dùng đến đòn roi hay những lời lẽ xúc phạm con. Nhưng cũng khó tránh những lúc tức giận chị lỡ lời, quá tay với cháu.
Người mẹ này thừa nhận, sau những lúc như vậy nhìn con tổn thương, bị đánh oan chị rất đau lòng. “Tuy nhiên, tôi không biết nên xử lý thế nào vào tình huống này nên thường nhờ ông bà hoặc bố dỗ dành cháu thay mình còn mình thì làm lơ chờ chuyện đó qua đi”, chị Hồng nói.
ThS Xã hội học Phạm Thị Thúy (Học viện Hành chính TPHCM) cho hay, khi người lớn ứng xử chưa đúng với trẻ, nhất là những hành vi gây tổn hại về thể xác, tinh thần thì trước hết cần xin lỗi trẻ một cách chân thành về hành vi của mình, đồng thời hãy bày tỏ sự hối hận và cả lòng yêu thương đối với trẻ.
Điều này không chỉ giúp con trẻ dần khôi phục lại ý thức về giá trị bản thân và còn để giữ gìn, khôi phục mối quan hệ thầy trò, cha mẹ với con cái. Nếu trong sự việc xảy ra, trẻ cũng có hành vi sai thì sau đó hãy cùng trẻ phân tích phải trái, để con hiểu đúng vấn đề chứ không chỉ vì mục đích biện minh cho hành vi của mình.
Việc nhận lỗi với trẻ theo các chuyên gia, không làm cha mẹ, thầy cô “thấp” đi trong mắt con như nhiều người vẫn nghĩ mà điều này giúp trẻ có niềm tin hơn vào người lớn, vào cuộc sống. Việc dạy trẻ bằng chính cách cư xử đúng, biết sửa sai của người lớn còn là phương pháp hiệu quả nhất giúp trẻ biết giá trị của lời xin lỗi vả cả lòng bao dung.
Tuy nhiên, các chuyên gia tâm lý nhấn mạnh không phải việc gì cũng xin lỗi là xong. Người lớn cần ý thức được các hành vi làm tổn hại trẻ sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng với trẻ để có thái độ và hành động sửa sai nghiêm túc với những cam kết không lặp lại cách giáo dục không đúng. GV, phụ huynh cần đặt ra cho mình những nguyên tắc ứng xử với trẻ về thưởng - phạt đúng cách, những lúc tức giận hãy cố gắng kiếm chế không phạt hay xúc phạm trẻ mà chờ lúc bình tĩnh hãy giải quyết vấn đề.
Một số nguyên tắc phạt con: -Không phạt khi cha mẹ nóng giận. -Không đánh, mắng mà cần phân tích đúng sai. -Không phạt khi có mặt người thứ 3 sẽ khiến trẻ xấu hổ, tự ti có thể dẫn đến việc nổi loạn. -Hình phạt có thể là không cho đi công viên, nhà sách hay một số nhu cầu thuộc về mong muốn của trẻ. -Làm trẻ yêu mến, tin phục sẽ khiến trẻ khiến trẻ nghe lời hơn là các hình phạt. |
Hoài Nam