Mẹ Đỗ Nhật Nam chia sẻ thời khóa biểu “quản” con ngày nghỉ

(Dân trí) - Mới đây, bà Phan Hồ Điệp - mẹ Đỗ Nhật Nam đã chia sẻ thời khóa biểu của con trai lúc còn nhỏ khi không đến lớp. Đây có thể là gợi ý cho các bậc cha mẹ về cách “quản” con khi nghỉ học vì virus corona

Buổi sáng

Con thức dậy lúc 7h30 (muộn hơn những ngày đi học) bằng một bài hát “đánh thức” của mẹ.

7h30- 7h45: Có thể đọc cho con nghe một câu chuyện ngắn chào ngày mới hoặc hai mẹ con nói chuyện về thời tiết, mẹ khen con tự dậy, hỏi con ngủ có ngon không, có mơ gì không rồi ôm ấp, thơm tho, chúc nhau ngày mới tốt lành...

7h45- 8h: Cho con làm vệ sinh cá nhân bao gồm đánh răng, rửa mặt, thay quần bằng bộ đồ “lịch sự” hơn đồ ngủ nhưng vẫn đảm bảo thoải mái khi chơi ở nhà.

8h- 8h20: Ăn sáng

8h20- 8h30: Giúp mẹ chuẩn bị đồ để mẹ đi làm: lấy túi, dép cho mẹ hoặc tìm son, lược...

Mẹ Đỗ Nhật Nam chia sẻ thời khóa biểu “quản” con ngày nghỉ - 1

Trong những ngày trẻ nghỉ học, bố mẹ có thể nghĩ ra thời khóa biểu để giúp con hoạt động thú vị khi ở nhà. (Ảnh: Minh họa). 

Bắt đầu giờ ở nhà

8h30- 9h: Chơi vui: Cho con chơi với đồ chơi hoặc đọc sách

9h-9h30: Xem là thích: Xem đĩa tiếng Anh (thường là các đĩa bài hát, phim...).

9h30-10h: Làm họa sỹ: Con học vẽ, có thể vẽ tự do hoặc vẽ theo chủ đề do mẹ “đặt hàng”.

10h-10h15: Con và bóng. Theo đó, mẹ để con tự chơi trò chơi với bóng ( như tung bóng, bắt bóng, đá...) hoặc đi bộ quanh nhà.

10h15-10h45: Tinh tay tinh mắt: Tập tô/ trang trí nhà cửa, góc học tập/ Dán tên lên đồ vật để phân loại đồ của bố, mẹ và con/ Tìm đồ vật mẹ đã giấu sau đó tìm cách mô tả đồ vật đó khi mẹ về/ Giấu đồ vật và gợi ý mô tả để mẹ có thể tìm được/ Xem sách/ Tự biểu diễn một bài thơ, bài hát, kể chuyện và ghi âm lại/ Tự nghĩ ra một câu chuyện có các nhân vật mà mẹ cho trước hình ảnh...

Mỗi ngày, bố mẹ nghĩ ra một nội dung công việc khác nhau để con không nhàm chán.

10h45-11h15: Xưởng sản xuất sách: Con tự làm một cuốn sách với các đồ vật mẹ chuẩn bị sẵn như: Hoa, lá, hình con mèo, con chim...

Các tờ giấy đã cắt và đóng sẵn thành tập, Nhật Nam chỉ việc viết, vẽ, trang trí và “xuất bản” thôi.

Buổi trưa

11h15-11h45: Chờ mẹ và chuẩn bị cho việc ăn trưa

12h-2h: Ngủ trưa, có thể đọc sách một chút hoặc nói chuyện, kể về công việc của buổi sáng

Mẹ Đỗ Nhật Nam chia sẻ thời khóa biểu “quản” con ngày nghỉ - 2

Bố mẹ có thể thiết kế các bài tập cho con như: Tìm điểm khác biệt của bức tranh, điền vào chỗ trống... (Ảnh: Minh họa). 

Buổi chiều

2h-2h30: Học là vui: Chơi trò chơi với đất nặn hoặc xé dán. Gia đình mình thường cho Nhật Nam tưởng tượng những câu chuyện với các hình mà con nặn hoặc xé dán được để kể cho mẹ nghe.

Cũng có khi Nam “làm bài tập” như: Điền vào chỗ trống từ còn thiếu để thành câu chuyện. Bài tập kiểu này đều do mẹ tự thiết kế. Bài tập có thể là: Quan sát hai bức tranh tìm ra điểm khác biệt, tìm từ điền vào chỗ trống...

2h30-3h: Thử tài trí nhớ: Vẽ lại hoặc tự kể lại những điều đã nghe, xem và nhớ được ở chương trình tiếng Anh buổi sáng (chọn chi tiết, hình ảnh thích nhất).

3h-3h40: Nhà khoa học nhí: Làm các “thí nghiệm” khoa học, dụng cụ thường là: chai, nước, hộp bìa, cát, gạo, muối, hạt đỗ, đậu, đường, bông, phễu, hộp nhựa...

Ở mục này, có thể thay bằng hoạt động rèn luyện vận động tinh như: xỏ vòng, nhặt thóc...

3h40-4h: Vui lên nào!: Tự vận động theo nhạc: hát hò, nhảy múa...

4h-4h30: Mẹ sắp về: Xem ti vi và thu dọn “chiến trường” của một ngày. Sau đó khi mẹ về sẽ đi chơi thể thao hoặc lên sân thượng tưới cây, cùng mẹ vào bếp...

Trên đây là một số hoạt động của Nhật Nam những ngày con nghỉ học. Các gia đình có thể  xem như gợi ý tham khảo để áp dụng phù hợp với các bạn nhỏ những ngày nghỉ học vì virus corona.

Các gia đình nên treo thời khóa biểu ở chỗ dễ nhìn, dùng hình ảnh để thể hiện tên các hoạt động kèm với đó là thời gian thực hiện. 

H. Nguyên (ghi)