“Luật Giáo dục rất hay nhưng sẽ khó khăn khi triển khai?”

(Dân trí) - “Giáo dục phải gắn liền với sự phát triển của kinh tế xã hội mà những quy định trong Luật Giáo dục đã được các nhà nghiên cứu để đưa về cơ sở áp dụng. Tuy nhiên, góc độ ở cơ sở như chúng tôi có làm được hay không, tôi e rằng sẽ có nhiều khó khăn”.

“Luật Giáo dục rất hay nhưng sẽ khó khăn khi triển khai?” - 1

Ông Trần Minh Ngôn- Trưởng phòng GD-ĐT quận 4 chia sẻ tại hội thảo

Đó là những chia sẻ, băn khoăn của ông Trần Minh Ngôn - Trưởng Phòng GD-ĐT quận 4 tại hội thảo khoa học “Hoàn thiện hệ thống văn bản dưới luát để triển khai thực hiện Luật Giáo dục năm 2019” do trường ĐH Luật TP.HCM tổ chức sáng ngày 22/11.

Là người thực hiện những nội dung của Luật Giáo dục cũng như những văn bản dưới luật, ông Ngôn cho biết: “Luật Giáo dục bị chi phối của nhiều luật chuyên ngành, tôi cho rằng thực tế quyết định việc thành công chính là ở vai trò của con người - đội ngũ thầy cô phải được đào tạo từ “máy cái” để đáp ứng được yêu cầu giảng dạy trong tình hình thực tế tại địa phương. Những con người đó được tuyển dụng đủ theo vị trí việc làm mà ngành yêu cầu, nhưng thực tế lại không được”.

Theo ông Ngôn, 2 năm gần đây, vấn đề tinh giản bộ máy hành chính trong các nhà trường, phòng giáo dục và thậm chí là Sở Giáo dục đã gây nhiều khó khăn. Hiện nay các trường phổ thông cũng gặp rối ren, chẳng hạn ở trường mầm non cần 4 vị trí gồm kế toán, thủ quỹ, văn thư, y tế nhưng chỉ được phép tuyển dụng có 2 người còn 2 vị trí kế toán và y tế chỉ cho phép tuyển nhân viên hợp đồng. Vì vậy đội ngũ ở trường không được cơ bản, họ cũng không gắn bó với trường trong khi hiệu trưởng dễ “chết” vì tài chính.

Tự chủ về tài chính, về con người hiện này đều rất khó. “Thông tư 20 về chức danh nghề nghiệp nói giáo viên tiểu học phải tốt nghiệp từ trường sư phạm, nên giáo viên chuyên ngành của cấp tiểu học cũng phải tốt nghiệp từ trường sư phạm. Do vậy, chúng tôi không tuyển được giáo viên tiếng Anh”, vị Trưởng Phòng Giáo dục quận chia sẻ.

Ông Ngôn cho rằng ở cấp cơ sở gặp rất nhiều khó khăn. “Chúng tôi muốn áp dụng chuẩn như quốc tế, chương trình hội nhập… nhưng mà hiện nay chúng ta một lớp tiểu học trung bình 35 em/lớp, còn THCS, THPT thì 45 em/lớp. Với sĩ số như thế, thậm chí nhiều nơi cao hơn thế nữa thì làm sao dạy để cho học trò tự học hay phát huy tính sáng tạo.

Đổi mục tiêu là đào tạo ra những con người đạt phẩm chất, năng lực hơn là chuẩn kỹ năng kiến thức. Nhưng muốn tạo ra một con người đạt phấm chất, năng lực thì phải là quá trình, để làm được thế thì ngoài chương trình thì vấn đề kiểm tra đánh giá phải ra sao.

Tôi rất băn khoăn bởi tôi làm trưởng phòng giáo dục ở một quận có quá trình đô thị hóa đang rất mạnh. Hiện nay đang ngành giáo dục đang giải quyết mâu thuẫn vừa muốn chất lượng nhưng thu tiền ít. Mong rằng các nhà nghiên cứu khi xây dựng các văn bản dưới luật sẽ gỡ khó được điều này."

Liên quan đến chương trình phổ thông, ông Ngôn cho biết hiện TPHCM đang triển khai và đầu mối thực hiện là từ trường ĐH Sư phạm TPHCM. Tuy vậy, ông cũng băn khoăn rằng, “luật thì nói một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa (SGK), nhưng dư luận mới đây đặt vấn đề “thầy cô có nên chọn hay không”, vậy thì có trái với luật đã ban hành không?”.

“Luật Giáo dục rất hay nhưng sẽ khó khăn khi triển khai?” - 2

PGS. TS Đỗ Minh Khôi chia sẻ tại hội thảo về thẩm quyền chọn sách giáo khoa

Cũng liên quan đến vấn đề SGK, PGS. TS Đỗ Minh Khôi, Trưởng bộ môn Lý luận nhà nước và pháp luật, khoa Luật hành chính nhà nước Trường ĐH Luật TP.HCM, cũng chia sẻ nhiều vào việc thẩm quyền chọn SGK.

Theo ông Khôi, chương trình giáo dục phổ thông và SGK là hai vấn đề hoàn toàn độc lập trong hệ thống giáo dục và pháp lý. Tuy nhiên có nhận thức không phân biệt giữa chương trình và sách dẫn đến sự không đồng thuận trong đổi mới biên soạn SGK.

"Quan điểm về mỗi môn học trong chương trình giáo dục phổ thông có thể có một số SGK thay cho bộ sách nhà nước biên soạn trước đây là đúng. Tuy nhiên những thay đổi này chỉ trong biên soạn SGK phổ thông, những nội dung khác như phi tập trung hoá thẩm quyền chọn SGK để sử dụng, biên soạn tài liệu giáo dục theo đặc thù địa phương chưa thay đổi triệt để và chưa được quy định chi tiết", ông Khôi nhìn nhận.

“Luật Giáo dục rất hay nhưng sẽ khó khăn khi triển khai?” - 3

Hội thảo bàn về vấn đề hoàn thiện hệ thống văn bản dưới luật để triển khai thực hiện Luật Giáo dục năm 2019

Theo ông Khôi, cần có cơ chế giám sát kiểm tra những hoạt động liên quan đến phân định thẩm quyền về SGK, tài liệu học tập giữa Bộ GD-ĐT và UBND cấp tỉnh nhằm đảm bảo chất lượng SGK phổ thông, tài liệu học tập và tạo sự thống nhất trong sử dụng.

Ông Khôi nhấn mạnh: "Một việc quan trọng cần làm là xác định tiêu chí để đánh giá chất lượng SGK. Nó không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động giáo dục, đến người học và người dạy mà còn ảnh hưởng đến gia đình, xã hội và cả hoạt động thị trường viết và xuất bản SGK". Vì vậy, theo ông Khôi, Bộ GD-ĐT cần có quy định rõ ràng, cụ thể hơn trong việc tổ chức triển khai thực hiện những nội dung quy định của luật Giáo dục liên quan đến SGK phổ thông.

Luật Giáo dục năm 2019 đảm bảo môi trường giáo dục an toàn

Trước đó trong tham luận của mình, TS Thái Thị Tuyết Dung, Trưởng bộ môn Luật hành chính, trường ĐH Luật TP.HCM cũng chỉ ra những điểm mới của Luật Giáo dục năm 2019 so với Luật  Giáo dục năm 2005. Trong đó, theo bà Dung, luật sửa đổi lần này đã chú trọng hơn nữa việc coi người học là trung tâm, điều quan trọng nhất là làm sao mỗi người có được năng lực tự nhận thức mình. Đồng thời, có khả năng lựa chọn con đường phát triển, thông qua giáo dục để thực hiện được ước mơ, đóng góp cho lợi ích toàn xã hội.

“Luật Giáo dục rất hay nhưng sẽ khó khăn khi triển khai?” - 4

TS Thái Thị Tuyết Dung, Trưởng bộ môn Luật hành chính, trường ĐH Luật TP.HCM

Cũng theo bà Dung, một trong những điểm tích cực nhất của luật sửa đổi lần này chính là đã quy định đảm bảo môi trường giáo dục an toàn, bảo đảm giáo dục hoà nhập, tạo điều kiện để người học phát huy tiềm năng của mình. “Đồng thời, nghiêm cấm ép buộc học sinh học thêm để thu tiền; xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể của người học; xuyên tạc nội dung giáo dục. Đây là những quy định lần đầu tiên được đưa vào Luật Giáo dục, trước đây những vấn đề này chỉ được đề cập đến trong các văn bản dưới luật”, bà Dung nhấn mạnh.

Lê Phương