Quảng Bình:

Lớp học đặc biệt nâng bước tương lai cho học sinh Vân Kiều

(Dân trí) - Lớp học đặc biệt hệ THPT cho học sinh Vân Kiều tại huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) giúp các em viết tiếp ước mơ trên con đường học tập, góp phần tránh xa các tệ nạn xã hội, hôn nhân cận huyết thống.

Trước thực trạng tại các xã vùng cao trên địa bàn sau khi tốt nghiệp THCS, rất ít học sinh về theo học tại Trường PTDT nội trú tỉnh, số lượng học sinh ở nhà dễ sa ngã vào các tệ nạn xã hội, UBND huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) đã lên kế hoạch, phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cùng các đơn vị liên quan tổ chức 2 lớp học 10 và 11 cho các em học sinh dân tộc.

Nhờ lớp học đặc biệt này, hai năm qua, các em học sinh tại các xã vùng cao Ngân Thủy, Kim Thủy, Lâm Thủy đã thực hiện được ước mơ học tập những kiến thức THPT, từ đó số lượng học sinh theo học không ngừng tăng lên.

Lớp học đặc biệt nâng bước tương lai cho học sinh Vân Kiều - 1

Lớp học hệ THPT cho học sinh dân tộc tại huyện Lệ Thủy (Quảng Bình).

Điều này không chỉ cho thấy sự hiệu quả của lớp học và còn góp phần rất lớp trong việc tạo điều kiện cho các em học sinh theo học sau khi tốt nghiệp THCS. Điều đáng nói và đáng mừng hơn là việc tạo điều kiện cho các em học tiếp lên bậc THPT còn giúp các em ý thức về các tệ nạn xã hội, hôn nhân cùng huyết thống… so với trước đây.

Theo số liệu thống kê, trước năm 2018, tại các xã miền núi này có từ 120 đến 150 em học sinh tốt nghiệp THCS nhưng chỉ có khoảng 30 em được về học tại Trường PTDT nội trú tỉnh còn phần lớn thì phải ở nhà hoặc đi làm thuê, học nghề.  

“Vì không được học tiếp lên THPT nên nhiều em nghỉ học ở nhà, tụ tập uống rượu, hút thuốc, đánh nhau gây mất an ninh trật tự. Do thiếu kiến thức nên nhiều em lấy chồng sớm dẫn đến tảo hôn, thậm chí là hôn nhân cận huyết thống”, ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Ngân Thủy chia sẻ.

Ngoài việc học văn hóa, các em còn được dạy học nghề điện, nghề may trong hai năm học đầu tiên. Đồng thời, nhà trường cũng đã bố trí cho các em phòng ở chu đáo; thuê bảo vệ, cử giáo viên quản lý, theo dõi các hoạt động hàng ngày của các em, được hưởng các chế độ bán trú.

Thầy Lê Văn Bình, Hiệu trưởng Trường PTDT nội trú huyện Lệ Thủy cho biết, nhà trường cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động khác như: tăng gia sản xuất, hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao gắn với văn hóa của đồng bào dân tộc Vân Kiều cũng luôn được nhà trường chú trọng tạo điều kiện cho 70 em học sinh của hai lớp học này. Từ đó, khơi dậy trong mỗi học sinh ý thức tự hào về truyền thống văn hóa của dân tộc mình để cố gắng học tập.

Lớp học đặc biệt nâng bước tương lai cho học sinh Vân Kiều - 2

Ngoài việc học văn hóa, các em còn được dạy học nghề điện, nghề may trong hai năm học đầu tiên.

“Trước đây, cứ tưởng học xong THCS là em phải ở nhà để lấy chồng, làm rẫy. Nhưng rất may là huyện mở lớp THPT nên em đã được đi học. Trường cũng không xa nhà nên em được gia đình về thăm thường xuyên. Ở đây, em được các thầy cô dạy chữ, dạy nghề, được tham gia các hoạt động thể dục-thể thao bổ ích và có thêm nhiều bạn bè. Sau này tốt nghiệp, em sẽ cố gắng học lên để trở thành cán bộ xã”, em Hoàng Thị Nguyệt, học sinh lớp 11 tâm sự.

Qua hai năm triển khai xây dựng lớp học nói trên, học sinh tại các xã vùng cao huyện Lệ Thủy đã có ý thức rất tốt trong học tập và rèn luyện. Tỷ lệ tuyển sinh luôn đạt kế hoạch được giao, tỷ lệ chuyên cần của học sinh trên lớp đạt 95% trở lên. Bên cạnh đó, hai lớp học được mở ra nhận được sự ủng hộ rất nhiệt tình của các bậc phụ huynh tại đây.

Lớp học này còn góp phần giúp các bậc phụ huynh hiểu rằng, đây không chỉ là nơi giúp các em nâng cao trình độ mà còn là dấu trừ tích cực đối với các tệ nạn rượu chè, tảo hôn xảy ra khá dày đặc tại các xã vùng cao nói chung và huyện Lệ Thủy nói riêng. Duy trì và phát triển các lớp học còn giúp các địa phương này có thêm nguồn nhân lực chất lượng trong tương lai.

Đặng Tài