Thanh Hóa:

Lợn đất nuôi giấc mơ cho học sinh nghèo đến trường

(Dân trí) - Từ phong trào nuôi lợn bỏ tiền tiết kiệm, những chú lợn đất đã nuôi dưỡng bao giấc mơ đến trường của nhiều thế hệ học sinh tại xã Hoằng Lương (huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa). Sau nhiều năm, phong trào này vẫn được duy trì, lan tỏa ở nơi đây bởi ý nghĩa thiết thực, giáo dục, nhân văn mà nó mang lại.

Viết tiếp những chặng đường đến trường

Từ năm 2014, huyện Hoằng Hóa phát động phong trào khuyến học nuôi lợn tiết kiệm để cho học sinh đi học. Ngay khi phát động phong trào đã được đông đảo người dân xã Hoằng Lương hưởng ứng tham gia. Đến nay, phong trào này trở thành hoạt động thường niên của từng thôn trong xã. Cứ vào đầu năm học, ngày hội đổ ống tiết kiệm của toàn xã lại thu hút đông đảo nhân dân, các em học sinh tham gia.

Theo đó, phong trào phát động này kêu gọi học sinh tiết kiệm những khoản tiền nhỏ như: được người thân mừng tuổi dịp Tết Nguyên đán, tiền bố mẹ cho mua quà, ăn sáng; cùng gia đình tham gia chăn nuôi, trồng rau để bán… Từ những số tiền nhỏ tiết kiệm được, nhiều em tích lũy được vài triệu đồng mỗi năm. Số tiền đó đã giải quyết được khó khăn ban đầu của nhiều gia đình trong việc lo chi phí đầu năm học cho con em mình.


Thôn Lương Quán, xã Hoằng Lương, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa trong một ngày hội đổ ống tiết kiệm.

Thôn Lương Quán, xã Hoằng Lương, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa trong một ngày hội đổ ống tiết kiệm.

Thôn Lương Quán là thôn có đông đảo phụ huynh, học sinh tham gia phong trào nuôi lợn tiết kiệm. Năm học 2017-2018, chi hội thôn Lương Quán đã đổ ống tiết kiệm được 65 triệu đồng.

Bác Phạm Quang Chung, Chi hội trưởng Hội khuyến học thôn cho biết: “Ở vùng quê nghèo, nhiều gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn. Vào đầu năm học, việc phải lo khoản tiền nộp học cho con cũng khiến các gia đình khá chật vật, đặc biệt đối với gia đình đông con. Việc nuôi lợn tiết kiệm, đã giúp nhiều gia đình bớt nỗi lo cho con khi đến đầu năm học”.

Chị Mai Thị Phương ở thôn Lương Quán có 4 người con đang đi học, cháu lớn năm nay tốt nghiệp đại học, cháu nhỏ nhất đang học mẫu giáo. Chị Phương tâm sự: “Gia đình tôi đông con, kinh tế cũng không phải khá giả. Đầu năm học, để lo cho các con có tiền đóng góp ở trường, tiền mua sắm quần áo, sách vở… vợ chồng tôi cũng long đong vì đó là khoản tiền không nhỏ.

Khi có phong trào nuôi lợn tiết kiệm, chúng tôi khuyến khích các con tiết kiệm tiền lẻ, tiền mừng tuổi dịp Tết, sinh nhật... Các con tôi nhờ thế mà luôn có ý thức quý trọng đồng tiền do chính bản thân cũng như của bố mẹ làm ra. Cũng từ hình thức tiết kiệm này mà nhiều năm nay vợ chồng tôi không còn phải lo lắng khi đến đầu năm học của các con; 2 con gái của tôi có thể theo học đại học”.

Cô Dương Thị Dung ở thôn Lương Quán, cũng kể, gia đình cô có 3 người con vừa tốt nghiệp đại học ra trường đi làm. Những năm trước khi các con cô còn đang học đại học, cứ mỗi đầu năm học, cô phải lo khoản tiền lớn cho các con nộp học. Nhờ khoản tiền tích góp từ việc nuôi lợn tiết kiệm, cô cũng đỡ vất vả hơn. Năm nay, mặc dù các con cô đều đã ra trường đi làm, cô vẫn duy trì thói quen nuôi lợn để cuối năm có khoản tiền tiết kiệm lo công việc trong gia đình.

Cùng chung tay “nuôi lợn đất”

Bác Đoàn Ngọc Dung, Chủ tịch Hội khuyến học xã Hoằng Lương, chia sẻ: “Phong trào phát động nuôi lợn tiết kiệm không chỉ giúp cho các gia đình đỡ vất vả hơn trong việc lo một khoản tiền lớn để chi phí cho con cái đầu năm học, hạn chế tình trạng học sinh phải bỏ học do hoàn cảnh gia đình khó khăn, mà còn tạo cho học sinh có ý thức tiết kiệm trong cuộc sống hàng ngày, có ý thức lao động…, phụ huynh cũng chú trọng hơn đến việc học của con em mình.

Từ đó, tạo nên phong trào thi đua nhà nhà phấn đấu cho con đi học, học sinh phấn đấu học giỏi, đỗ đạt thành tài. Cũng từ phong trào này, nhiều năm nay, xã Hoằng Lương có 100% học sinh đến trường, không còn học sinh bỏ học giữa chừng”.

Cũng để khuyến khích học sinh tham gia tiết kiệm lấy tiền đi học, hàng năm, cứ đến đầu năm học, các thôn trong xã Hoằng Lương lại tổ chức ngày hội đổ ống tiết kiệm vào dịp cuối tháng 8 đến đầu tháng 9, trước khi năm học mới bắt đầu năm học mới.

Tại ngày hội, các gia đình sẽ mang lợn tiết kiệm đến và “mổ lợn”. Nếu học sinh nào có số tiền tiết kiệm được từ 4 triệu đồng trở lên sẽ có phần thưởng nhằm khuyến khích các em, đồng thời chi hội khuyến học thôn sẽ tặng cho mỗi nhà một con lợn mới để tiếp tục bỏ tiết kiệm vào năm sau.

Năm học 2017 - 2018, toàn xã Hoằng Lương đã đổ uống tiết kiệm được 185 triệu đồng. Các gia đình sẽ dùng tiền tiết kiệm này để lo trang trải việc nộp học đầu năm cho con em trong gia đình. Hiện xã Hoằng Lương có khoảng 60% học sinh tham gia phong trào này.

Cũng là xã có phong trào khuyến học tiêu biểu của huyện Hoằng Hóa, hàng năm xã Hoằng Lương tổ chức trao thưởng cho 120 đến 130 lượt học sinh, sinh viên đạt thành tích cao trong học tập với số tiền thưởng hàng chục triệu đồng. Ngoài ra tại các chi hội khuyến học thôn cũng tổ chức trao thưởng vào dịp cuối năm học cho hàng trăm lượt học sinh, sinh viên giỏi.

Bác Lê Đức Ky, Chủ tịch Hội khuyến học huyện Hoằng Hóa, cho biết: “Phong trào nuôi lợn tiết kiệm cho con đi học được huyện Hoằng Hóa phát động nhiều năm nay. Hiện có 25/43 xã còn duy trì phong trào này. Tuy nhiên, để thực hiện thường xuyên, trở thành ngày hội có ý nghĩa cho học sinh, thì chỉ còn 1 vài xã duy trì như: xã Hoằng Lương, Hoằng Vinh…

Một số xã, trong ngày đổ ống tiết kiệm, các em học sinh còn tham gia ủng hộ, giúp đỡ những bạn học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Vì vậy, phong trào này không chỉ có ý nghĩa giáo dục học sinh tiết kiệm, yêu lao động, sản xuất, nỗ lực học tập… mà còn có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, giáo dục học sinh tinh thần tương thân tương ái”.

Nguyễn Thùy